Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc đang từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa. Đây là sự nhạy bén, bắt nhịp kịp thời của một vùng đất năng động trong quá trình hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế.

Đi ra thế giới bằng văn hóa

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, là địa điểm của sự gặp gỡ và giao lưu văn hóa. Năm 2006, tỉnh đã đón ba triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên một triệu khách nước ngoài, góp phần quan trọng để năm 2006 Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh có tổng thu ngân sách đứng đầu cả nước.

Các thành tựu công nghiệp qua 20 năm đổi mới đã làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh với tỷ trọng công nghiệp chiếm 52%, dịch vụ 41% và nông - lâm - ngư nghiệp 7%. Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt ra mốc lịch sử: năm 2015 hoàn thành công nghiệp hóa, trước mục tiêu chung của toàn quốc 5 năm (năm 2020). Để góp phần đạt được điều đó, ngành văn hóa cũng đặt ra lộ trình phát triển của chính mình. Quan điểm bao cấp, tiểu nông trong lĩnh vực văn hóa bị loại bỏ.

Văn hóa Quảng Ninh mang đậm nét văn hóa biển và văn hóa công nhân mỏ hiện đại. Ngành công nghiệp văn hóa hiện nay mới ở chặng đầu thực hiện, nhưng trong thực tiễn đã khẳng định được sự gắn kết giữa hiệu quả văn hóa và hiệu quả kinh tế. Nguồn thu từ các dịch vụ văn hóa chiếm tỷ lệ quan trọng trong GDP toàn tỉnh. Tỷ lệ đóng góp này chắc chắn sẽ cao hơn khi việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Môi trường đầu tư trong lĩnh vực văn hóa theo đó cũng ngày càng mở rộng. Công ty Thiên Ngân – Bắc Kinh kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa của Trung Quốc đang xúc tiến đầu tư dịch vụ biểu diễn tại thành phố Hạ Long với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 20 triệu USD.

Quảng Ninh xây dựng ngành công nghiệp văn hóa vào thời điểm đất nước hội nhập sâu hơn vào đời sống quốc tế. Điều này tạo điều kiện để Quảng Ninh tăng cường giao lưu với các nền văn hóa thế giới, hiện đại hóa ngành văn hóa trên cơ sở giữ vững bản sắc riêng có của mình.

Phát triển văn hóa hiện đại tạo tiền đề mới để phát huy văn hóa truyền thống

Quảng Ninh là chiếc nôi phát sinh văn hóa công nhân vùng Mỏ - một bộ phận văn hóa mang đậm yếu tố hiện đại và tiên tiến, tham gia cấu thành trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa công nhân vùng Mỏ được hình thành và phát triển gần 150 năm, gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Các vùng đô thị, công nghiệp do yếu tố lịch sử nên hội tụ cư dân của toàn quốc. Bởi vậy, văn hóa vùng Mỏ là sự kết hợp của hai yếu tố: những nét văn hóa truyền thống chắt lọc tinh hoa của khắp các vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp. Ngành công nghiệp văn hóa được phát triển sẽ thúc đẩy yếu tố hiện đại, tạo tiền đề mới phát triển văn hóa truyền thống.

Nhiều loại hình văn hóa hiện đại đã được xây dựng như nghệ thuật biểu diễn cá Voi, công viên nhạc nước, ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao... Một số đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng các tour tham quan thực địa việc khai thác than bằng công nghệ mới, nhập cuộc với văn hóa sản xuất và ẩm thực của công nhân. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được biểu diễn chuyên nghiệp trên các phương tiện và sân khấu hiện đại, quy mô hoành tráng mang tầm cỡ quốc tế đã nâng cao giá trị nghệ thuật dân tộc. Các hoạt động văn hóa hiện đại trên luôn được đan xen với các hoạt động văn hóa truyền thống. Sở Văn hóa - Thông tin hiện quản lý hai đoàn nghệ thuật chèo và cải lương. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp này là hạt nhân dẫn dắt phong trào quần chúng ở cơ sở như: thị xã Cẩm Phả - vùng công nghiệp sản xuất than lớn nhất nước ta cũng đồng thời có câu lạc bộ sân khấu chèo nổi tiếng, hoạt động rất hiệu quả...

Nghệ thuật sân khấu quần chúng là thế mạnh của vùng Mỏ đã thu hút hàng chục vạn người tham gia thường xuyên. Các công ty than, các phường, xã trên địa bàn thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí, thành phố Hạ Long là những lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động này. Nhạc sỹ Phạm Tuyên - người có gần năm mươi năm gắn bó với nghệ thuật quần chúng Quảng Ninh - nhận xét: “Trình độ nghệ thuật sân khấu quần chúng ở vùng Mỏ gần sát với chuyên nghiệp”. Đồng chí Trần Văn Vẻ, Giám đốc Công ty Than Cửa Ông - một đơn vị có phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển, đã nói: “Tiếng hát của chúng tôi dẫn đường cho than đi khắp mọi miền đất nước và thế giới !”. Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, cố nghệ sỹ nhân dân Lê Dung đều được nuôi dưỡng và trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng. Hiện nay, Quảng Ninh có 134 hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật công tác tại Quảng Ninh và gần 50 hội viên là người Quảng Ninh công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quý I năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Quản lý các khu di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm bao gồm: khu di tích hệ thống các lăng mộ vua Trần ở Đông Triều, khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử, khu di tích chiến thắng Bạch Đằng, khu di tích lịch sử hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn. Đây là các di tích có giá trị lịch sử văn hóa tầm quốc gia và thế giới. Lăng mộ an táng tám vị vua Trần tại huyện Đông Triều đang được khảo cổ, trùng tu với những giá trị vật thể và phi vật thể rất phong phú, chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ. Chẳng hạn, theo tài liệu Hán - Nôm dịch từ bia đá cổ tại đây thì một công chúa từ Luang - Pra-bang (Lào) đã tới hoàng cung nhà Trần làm dâu... Thương cảng cổ Vân Đồn được thiết lập từ thế kỷ XII là một cửa ngõ thông thương quốc tế về kinh tế, văn hóa quy mô lớn, tồn tại suốt nhiều thế kỷ của nước Đại Việt. Hiện nay, những hiện vật gốm sứ cách đây hơn bảy thế kỷ vẫn còn xếp lớp trên các bãi biển...

Các giá trị văn hóa truyền thống quý giá được văn hóa hiện đại tôn vinh không chỉ trong nước mà còn giới thiệu đến bạn bè khắp thế giới. Đồng thời, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng mở ra nhiều thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng hưởng thụ, tiếp cận với văn hóa của nhân dân và du khách. Từ tháng 1 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định không thu phí tham quan khu di tích lịch sử Yên Tử, đền Cửa Ông, mặc dù hằng năm phí thu từ hai địa điểm này đạt gần 10 tỉ đồng với nửa triệu lượt khách tham quan. Chủ trương của tỉnh là: các di tích lịch sử - văn hóa là tài sản chung do cha ông để lại cho cộng đồng nên không thu lệ phí vào cửa, thay vì việc này, phải đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ văn hóa chất lượng với cách làm chuyên nghiệp để phục vụ du khách. Đây chính là một cách ứng xử văn hóa với các giá trị văn hóa. Như vậy, văn hóa truyền thống cũng tác động trở lại mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững.

Luôn vượt lên những thách thức mới

Thách thức đặt ra đầu tiên là việc xây dựng con người Quảng Ninh với những tiêu chí văn hóa mới, trong đó văn hóa tri thức được đề cao và thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của xã hội. Tới thời điểm này, Quảng Ninh là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ bình quân đầu người sử dụng máy vi tính. Hàng nghìn gia đình lựa chọn các trường học uy tín trong và ngoài nước ở bậc phổ thông, đại học và sau đại học để gửi con em tới học. Số người có trình độ học vấn cao, nhất là thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng tăng. Do đặc thù là một vùng đất du lịch quốc tế, việc giáo dục cách ứng xử văn hóa, lịch thiệp trong lời ăn tiếng nói, phong cách sống; tính chuyên nghiệp trong chất lượng phục vụ các dịch vụ được đẩy mạnh. Có thể nói, tầm cao về văn hóa tri thức và văn hóa ứng xử là sự tự tin để người Quảng Ninh, ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh phát triển trong thời kỳ giao lưu văn hóa toàn cầu.

Cơ sở vật chất thuộc lĩnh vực văn hóa nghèo nàn cũng là cản trở đối với sự phát triển ngành công nghiệp này. Sự cản trở trên kéo dài nhiều năm và có thời điểm Quảng Ninh là tỉnh nghèo nàn bậc nhất toàn quốc về các công trình văn hóa. Nhận thức được điều này, để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân và đẩy mạnh việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, từ năm 2006 đến năm 2010, tỉnh Quảng Ninh sẽ dành hơn một nghìn tỉ đồng trong ngân sách để xây dựng các công trình văn hóa hiện đại, tầm cỡ, bao gồm: Nhà hát Lớn, Bảo tàng Sinh thái Hạ Long, Trung tâm Văn hóa, quảng trường, Khu Liên hợp thể thao... Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đầu tư để cho ra đời thêm nhiều công trình dịch vụ văn hóa chất lượng cao.

Cơ sở vật chất hiện đại đang và sẽ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi mới về tính chuyên nghiệp đối với những người làm quản lý, tác nghiệp cụ thể hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực làm văn hóa hiện tại, bổ sung nguồn nhân lực mới, trẻ, có trình độ chính là hướng đi mang tính sống còn trên lộ trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh. Trong những năm qua, sự phát triển năng động của tỉnh, trong đó có ngành văn hóa đã thu hút một số lượng lớn những người làm văn hóa từ khắp mọi miền đất nước. Đây là lớp người trẻ, có tri thức cập nhật, được bổ sung kịp thời vào lực lượng lao động trong lĩnh vực văn hóa đang đòi hỏi tính chuyên nghiệp và năng động rất cao.

Năm 2007, ngành văn hóa - thông tin Quảng Ninh thực hiện chủ đề hoạt động: “Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống và hiện đại trong quá trình hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế”. Các hoạt động văn hóa tạo ra hai cánh phát triển: một bên là, đẩy mạnh văn hóa cơ sở, nhất là văn hóa ở các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; một bên là, mở rộng quan hệ văn hóa vùng miền và văn hóa quốc tế. Với sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật lực, Quảng Ninh đang tiến hành lộ trình thích hợp và ngắn nhất để phát triển ngành công nghiệp văn hóa đồng hành với sự phát triển sôi động của các hoạt động công nghiệp, du lịch.

* Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Ninh