TCCSĐT - Sáng ngày 8-5-2013, tại Hà Nội, Viện CNXH khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Cán bộ công đoàn doanh nghiệp FDI Hà Nội bảo vệ quyền lợi của người lao động hiện nay - kinh nghiệm và đề xuất.

Tham dự Tọa đàm có: PGS, TS. Đỗ Thị Thạch, Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNXH khoa học; bà Nadija Charaby, Trưởng Văn phòng đại diện Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam; ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; đại biểu cán bộ công đoàn các doanh nghiệp FDI, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Nguyễn An Ninh nêu rõ: Trong tháng 5 - Tháng Công nhân, các cấp công đoàn cả nước tập trung nỗ lực, tổ chức các hoạt động hướng về người lao động. Trong bối cảnh cả nước bắt đầu triển khai thực hiện Bộ luật Lao động sửa đổi, Viện CNXH khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm lắng nghe ý kiến trực tiếp của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở - những người trong cuộc, về những khó khăn, thuận lợi, những kinh nghiệm cũng như những ý kiến đề xuất để công đoàn cơ sở thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của mình: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp FDI.

Tham luận tại Tọa đàm, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nêu rõ: Hiện nay, TP. Hà Nội có 8 khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút 532 dự án đầu tư (282 dự án FDI với vốn đăng ký 4,263 tỷ USD; 250 dự án trong nước với vốn đăng ký 10.776 tỷ đồng); đã có 393 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 134 nghìn người với thu nhập bình quân đầu người từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng; hằng năm đóng góp trên 20% GDP và 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 196 công đoàn cơ sở với trên 100 nghìn lao động, trong đó có hơn 90 nghìn đoàn viên.

Xác định công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt nên trong thời gian qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ:

- Tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành; tham gia tham mưu, đề xuất về mức tiền lương tối thiểu vùng, về nhà ở cho công nhân và các công trình phụ trợ như nhà trẻ, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa,… thông qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên công đoàn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động,…, góp phần thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05-6-2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-01-2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tổ chức hiệu quả Hội nghị người lao động hằng năm, ký kết thỏa ước lao động tập thể góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ động giải quyết và tham gia giải quyết 88 vụ tranh chấp lao động tập thể và ngừng việc tập thể, qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua, đồng thời, biểu dương, khen thưởng đoàn viên có thành tích xuất sắc nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến; tham gia tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng năng xuất lao động, quá đó xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, chú trọng các nội dung về chính sách, pháp luật, kỹ năng thương lượng tập thể, xây dựng và đàm phán thỏa ước lao động tập thể, qua đó, khẳng định vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện; quan tâm trợ giúp đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các chuyến xe miễn phí cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết,…

- Làm tốt công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; tham gia vận động thành lập tổ chức cơ sở đảng, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở trong các doanh nghiệp.

Về những thuận lợi, khó khăn trong công tác công đoàn tại cơ sở, đa số các ý kiến tham gia Tọa đàm, đặc biệt là ý kiến của các chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI đều cho rằng thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Khó khăn lớn nhất là cán bộ công đoàn không có tư thế thật sự bình đẳng đối với giới chủ doanh nghiệp khi đứng ra bảo vệ người lao động bởi lẽ cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, tiền lương do chủ doanh nghiệp chi trả, càng tích cực đấu tranh cho quyền lợi người lao động càng có nguy cơ bị gây khó khăn trong công việc chuyên môn, trong đánh giá của chủ doanh nghiệp,…; trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật của công nhân còn thấp, hơn nữa, nhiều quy phạm pháp luật còn rất chung chung, chưa sát nên cần rất nhiều thời gian để giải thích, thuyết phục cho người lao động; chủ doanh nghiệp, nhất là người nước ngoài chưa thấy hết vai trò của tổ chức công đoàn, đa số chỉ thấy công đoàn là mất thêm chi phí, thời gian nên chưa quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn. Một số cán bộ công đoàn còn nêu khó khăn về việc tiếp cận thông tin, nhất là thông tin liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (hiệu quả kinh doanh liên quan đến chế độ lương, thưởng cho người lao động) hoặc khi có thông tin thì cán bộ công đoàn (do hạn chế về trình độ) cũng không đủ năng lực đánh giá tính xác thực của các thông tin để có căn cứ đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp.

Chia sẻ về các kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, nhất là kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp, đa số các ý kiến nhấn mạnh cần có cơ chế hợp tác tốt giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với lãnh đạo doanh nghiệp; chú trọng xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể càng chi tiết càng tốt vì đây là cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh; ban chấp hành công đoàn phải hoạt động độc lập, có hiệu quả, có tính quyết đoán, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động để đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết, trong đó, vấn đề nào chưa giải quyết được ngay thì cần phải thông tin, giải thích cho người lao động.

Về các đề xuất, kiến nghị, các ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho hoạt động công đoàn; quy định cụ thể việc bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp; tăng cường tập huấn cán bộ công đoàn về kiến thức pháp luật cũng như những ký năng cần thiết, đặc biệt kỹ năng thương lượng; nâng cao nhận thức cho những người chủ doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra của công đoàn và các cơ quan chức năng đối với quan hệ lao động, công đoàn trong các doanh nghiệp; quy định rõ về trình tự (quy trình) giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở.

Tọa đàm cung cấp những thông tin chung về thực trạng hoạt động công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp FDI, là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho tổ chức công đoàn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình./.