Hợp tác ASEAN + 3: thành tựu sau hơn 10 năm phát triển

Nguyễn Thu Mỹ
15:40, ngày 02-11-2007

Mười năm trước, tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) nguyên thủ các quốc gia thành viên ASEAN đã tiến hành cuộc họp chung với các nhà lãnh đạo đến từ ba quốc gia Đông - Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cuộc họp này đã mở ra triển vọng phát triển cho tiến trình hợp tác khu vực mới được thành lập dưới tên gọi Tiến trình hợp tác ASEAN + 3.

Tiến trình ASEAN + 3 trải qua hai giai đoạn phát triển: Ở giai đoạn đầu (1997- 2005), hợp tác ASEAN + 3 cũng chính là hợp tác Đông Á. Trong giai đoạn này, những hoạt động chủ yếu của ASEAN + 3 tập trung vào việc hoạch định mục tiêu của hợp tác Đông Á và các biện pháp thực hiện. Ở giai đoạn 2 (từ năm 2005 tới nay), nhiệm vụ của hợp tác ASEAN + 3 là thực hiện các biện pháp ngắn, trung và dài hạn do Nhóm nghiên cứu Đông Á đề ra.

Sau 10 năm phát triển, hợp tác ASEAN + 3 đã đạt được những thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng vào việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Á.

1. Vai trò nòng cốt trong hợp tác Đông Á

Vai trò này được thể hiện trước hết qua các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 - Cơ quan cao nhất và duy nhất hoạch định đường lối phát triển, phương hướng hoạt động, xây dựng Cộng đồng Đông Á trong giai đoạn 1997-2005. Đến tháng 12 - 2005, tiến trình thượng đỉnh Đông Á ra đời, tạo ra một cơ chế mới cho hợp tác Đông Á. Đây là bước tiến mới, góp phần thúc đẩy hợp tác đa phương ở Đông Á.

Với sự ra đời của ASEAN + 3, các nước Đông Á, vốn có những khác biệt về lịch sử văn hoá, trình độ phát triển và chế độ chính trị, đã liên kết với nhau thông qua các thể chế hợp tác. Hợp tác ASEAN + 3 được triển khai qua 2 kênh: Kênh I là kênh chính thức của các chính phủ ASEAN + 3. Ở kênh này, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 là cơ quan quyền lực cao nhất; tiếp đến là các hội nghị cấp bộ, hội nghị các quan chức cao cấp. Kênh II thu hút sự tham gia của giới học giả, các nhà nghiên cứu chiến lược, đại diện giới doanh nghiệp và xã hội dân sự. Nhiệm vụ của kênh này là tư vấn cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 và các hội nghị cấp bộ trong quá trình hoạch định chính sách phát triển của hợp tác ASEAN + 3. Các thể chế chính trong kênh này bao gồm: Nhóm Tầm nhìn Đông Á, Nhóm nghiên cứu Đông Á, Diễn đàn Đông Á, Hội đồng kinh doanh Đông Á... Thông qua các thể thể hợp tác này, quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước Đông Á đã phát triển nhanh chóng và toàn diện([1]).

2. Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa ASEAN và các nước Đông - Bắc Á

- Hợp tác ASEAN - Trung Quốc

Quan hệ ASEAN - Trung Quốc chính thức thiết lập từ năm 1991, được thể chế hoá từ tháng 12 -1997. Hằng năm, các nhà lãnh đạo hai bên gặp gỡ thường xuyên, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Nếu trong những năm đầu mới thiết lập quan hệ, hợp tác an ninh là một lĩnh vực nhạy cảm mà cả ASEAN và Trung Quốc đều né tránh, thì từ năm 1997, hai bên đã quyết định hợp tác trong lĩnh vực này, trước hết là trong các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ ba tổ chức ở Xinh-ga-po (tháng 11-2000), hai bên đã ký “Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống” với mục tiêu tăng cường năng lực, thúc đẩy ổn định và phát triển, bảo vệ hoà bình và an ninh trong khu vực. Ở giai đoạn hiện nay, những ưu tiên trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu vào chống buôn bán ma tuý, buôn bán người, cướp biển, hoạt động khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế.

Trong hợp tác kinh tế, hoạt động quan trọng nhất của ASEAN và Trung Quốc từ 2002 tới nay là triển khai xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN -Trung Quốc, thực hiện Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Trung Quốc, ký kết Hiệp định về mậu dịch hàng hoá và Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định khung.

Với tư cách một khối, trong năm 2006, tổng kim ngạch buôn bán ASEAN - Trung Quốc đạt 160,8 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 23% so với mức 2005. Trong năm 2007, kim ngạch buôn bán giữa hai bên ước đạt 170 tỉ USD([2]).

Về đầu tư, nguồn FDI từ Trung Quốc vào ASEAN ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2004, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nền kinh tế ASEAN tăng 283,86% so với năm 2003; năm 2006 lên tới 1,3 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của ASEAN sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2004, đã có 1.825 dự án đầu tư trực tiếp của ASEAN vào Trung Quốc([3]).

Hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong các tổ chức hợp tác đa phương ngày càng chặt chẽ. Trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN và Trung Quốc có chung lập trường về phương hướng và nhịp độ phát triển của tiến trình; Trung Quốc kiên quyết ủng hộ ASEAN nắm vai trò lãnh đạo tại tổ chức này. Hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tiến trình ASEM cũng đạt được những thành tựu rõ rệt.

Hai bên cùng hợp sức thúc đẩy hợp tác ASEAN + 3 nói riêng và hợp tác Đông Á nói chung. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc, ASEAN duy trì vai trò lãnh đạo trong tiến trình ASEAN + 3 và Thượng đỉnh Đông Á.

- Hợp tác ASEAN - Nhật Bản

ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ không chính thức từ năm 1973. Năm 1977, hai bên đã chính thức hoá quan hệ với việc thiết lập Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản.

Với việc thiết lập hợp tác ASEAN + 3, quan hệ ASEAN - Nhật Bản có nhiều hứa hẹn, tuy nhiên, cho tới trước năm 2002, quan hệ hai bên chưa thực sự có bước đột phá mới, chủ yếu chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế và phát triển.

Từ đầu năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản (tháng 11-2003), hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) với mục tiêu cung cấp thị trường rộng lớn hơn cho các nền kinh tế ASEAN và Nhật Bản.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ (tháng 12-2003), hai bên đã ra “Tuyên bố Tô-ky-ô về quan hệ đối tác năng động và bền vững ASEAN - Nhật Bản trong thế kỷ XXI”. Đây là văn kiện rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai bên, là nền tảng pháp lý để phát triển một cách toàn diện quan hệ giữa ASEAN - Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Trong văn kiện, hai bên chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị- an ninh, hợp tác song phương, đa phương trong các tổ chức khu vực và quốc tế. ASEAN và Nhật Bản đã đề ra 7 chiến lược hành động chung, bao gồm: đẩy mạnh AJCEP; hợp tác về tài chính, tiền tệ; củng cố nền tảng cho phát triển kinh tế và sự thịnh vượng; tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác về chính trị và an ninh; tạo thuận lợi, thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân các nước và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác về văn hoá và các quan hệ công cộng, làm sâu sắc hơn hợp tác Đông Á vì một cộng đồng Đông Á; hợp tác để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Về chính trị, trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, hai bên đã trao đổi quan điểm, thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm. Trong Tuyên bố chung ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 10 (tháng 1-2007), hai bên đã bày tỏ quan điểm kêu gọi CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ vũ khí hạt nhân cũng như các chương trình hạt nhân, thực hiện Nghị quyết 1695 và 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này.

Trong lĩnh vực an ninh, hai bên xúc tiến các hoạt động hợp tác trong vấn đề an ninh phi truyền thống. Tháng 10-2004, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố. Đây là văn kiện hợp tác an ninh đầu tiên giữa hai bên.

Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN và Nhật Bản tập trung triển khai kế hoạch AJCEP. Quan hệ mậu dịch và đầu tư giữa hai bên tăng lên nhanh chóng. Trong năm 2005, tổng kim ngạch buôn bán giữa ASEAN và Nhật Bản tăng 7,9%. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN cũng tăng từ 3,12 tỉ USD năm 2004 lên 3,16 tỉ USD vào năm 2005. Nhật Bản tiếp tục là nguồn cung cấp FDI lớn thứ ba cho ASEAN.

Trong lĩnh vực phát triển, ASEAN tiếp tục là ưu tiên trong các hoạt động ODA của Nhật Bản. Để hỗ trợ cho tiến trình hội nhập ASEAN, chính phủ Nhật Bản đã ủng hộ Quỹ Phát triển ASEAN 7,5 tỉ Yên (70 triệu USD) thông qua Quỹ phát triển ASEAN và các quỹ hợp tác ASEAN - Nhật Bản.

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, tại Hội nghị Xê-bu, Nhật Bản đưa ra Sáng kiến giao lưu thanh niên trên quy mô lớn với tổng kinh phí lên tới 315 triệu USD. Sáng kiến này được thực hiện trong vòng 5 năm với dự kiến mỗi năm có 6000 thanh niên từ ASEAN tới thăm Nhật Bản. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản còn đề xuất sáng kiến “Con tàu thanh niên Đông Á” nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ASEAN.

- Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc

Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc được chính thức thiết lập vào năm 1989. Sau hai năm hợp tác với tư cách là một đối tác chức năng của ASEAN, tháng 7-1991, Hàn Quốc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN không chính thức lần thứ 4 (năm 2000) tổ chức ở Xinh-ga-po, hai bên đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi văn hoá, viện trợ y tế và phát triển hạ lưu sông Mê công. ASEAN và Hàn Quốc thành lập Quỹ đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc (SCF), Quỹ các dự án hợp tác hướng tới tương lai (FOCPE). Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc đã có bước tiến đột phá vào năm 2004, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ giữa hai bên. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 8 (tháng 10-2004), các nhà lãnh đạo hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Trong bản tuyên bố, hai bên đã đề ra phương hướng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và phát triển, đặc biệt là thoả thuận xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN- Hàn Quốc.

Trong lĩnh vực chính trị, các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Hàn Quốc được tổ chức thường kỳ. Ngoài ra, lãnh đạo hai bên thường xuyên gặp gỡ tại các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 và Thượng đỉnh Đông Á; trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong lĩnh vực an ninh, Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với ASEAN thông qua Hội nghị cấp bộ ASEAN + 3 về Tội phạm xuyên quốc gia và Hội nghị các quan chức cao cấp về tội phạm xuyên quốc gia ASEAN + 3 và trong khuôn khổ ARF.

Trong lĩnh vực kinh tế, các hoạt động hợp tác diễn ra rất sôi động. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 tổ chức ở Cua-la Lăm-pơ (năm 2005), các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện. Hiện nay, ASEAN và Hàn Quốc là các đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Trong năm 2003, ASEAN xuất khẩu sang Hàn Quốc 17,1 tỉ USD, chiếm 4% tổng buôn bán quốc tế của ASEAN, nhập khẩu 15,1 tỉ USD (chiếm 4,2 %). Quan hệ mậu dịch song phương ASEAN - Hàn Quốc tăng từ 31,5 tỉ USD vào năm 2002 lên 32,2 tỉ USD vào năm 2003. Vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc chiếm 3% tổng FDI vào ASEAN trong giai đoạn 1995-2003.

Hợp tác phát triển ASEAN - Hàn Quốc cũng thu được những kết quả thiết thực. Cho tới nay, một số dự án phát triển được thực hiện với sự hỗ trợ của SCP và FOCPE. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 10 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi ODA cho ASEAN trong năm 2009.

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, các chương trình giao lưu nhân dân, trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá, y tế, nghiên cứu được tổ chức thường xuyên. Hàn Quốc đã đề xuất việc thành lập Trung tâm ASEAN- Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết và nhận thức về nhau giữa hai bên.

3. Tạo dựng nền móng, tăng cường hội nhập khu vực ở Đông - Bắc Á

Những hoạt động hợp tác sôi nổi trong tiến trình ASEAN + 3 và các tiến trình ASEAN + 1 trong thời gian qua đã tác động tích cực tới quan hệ giữa ba nước Đông - Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có bước tiến quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần thứ 5 tổ chức vào tháng 10-2003. Trong Tuyên bố chung tại hội nghị, lãnh đạo cấp cao của ba nước thỏa thuận tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, mậu dịch đầu tư, tài chính, giao thông, vận tải du lịch, chính trị, an ninh, văn hoá công nghệ thông tin, liên lạc, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường.

Hợp tác ba bên được Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xác định là một phần cơ bản của hợp tác Đông Á. Tính chất của sự hợp tác ba bên là công khai, mở cửa, không loại trừ và không phân biệt đối xử. Mối quan hệ đó sẽ không ngăn cản các nước thành viên duy trì các cơ chế hợp tác riêng đối với các nước khác.

Việc ký kết Tuyên bố chung về thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy tác động ngày càng tích cực của hợp tác ASEAN +3 trong việc tăng cường hợp tác giữa ba nước Đông - Bắc Á. Nếu như trước năm 2003, hợp tác ASEAN+ 3 là chất xúc tác cho sự ra đời của hợp tác giữa ba nước Đông - Bắc Á, thì hiện nay, hợp tác ba bên chính thức trở thành một cơ chế của khuôn khổ hợp tác đa phương APT với vai trò thúc đẩy hợp tác giữa 3 nước Đông - Bắc Á vì hợp tác ASEAN + 3 và hợp tác Đông Á.

4. Một số nhận xét

Thứ nhất, với sự ra đời và quá trình hoạt động, hợp tác ASEAN + 3 đã tạo xung lực cho sự phát triển hợp tác giữa các nước Đông - Nam Á và Đông - Bắc Á cả trên bình diện đa phương lẫn song phương. Tuy nhiên, so với hợp tác đa phương thông qua các cơ chế ASEAN + 3, hợp tác song phương giữa ASEAN với từng đối tác ở Đông - Bắc Á dưới tiến trình ASEAN + 1 phát triển hơn và thu được những kết quả to lớn và thực chất hơn.

Thứ hai, trong các tiến trình ASEAN + 1, tiến trình hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển hơn cả, đưa lại nhiều kết quả thiết thực, đóng góp trực tiếp vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế của ASEAN với tư cách một tổng thể.

Thứ ba, trong các lĩnh vực hợp tác dưới khuôn khổ APT, hợp tác tài chính, kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển nổi trội hơn, hợp tác chính trị- an ninh đã được triển khai, tuy nhiên kết quả mới chỉ dừng lại ở các cuộc trao đổi quan điểm, các cuộc hội thảo ở kênh II. Thực tế này đã và đang hạn chế kết quả của hợp tác ASEAN + 3 nói chung, hợp tác chính trị - an ninh nói riêng.



([1]) Xem thêm: “ Xây dựng Cộng đồng Đông Á: Thành tựu và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí nghiên cứu Đông - Nam Á, số 1- 2007

([2]) Xem: Đại Công báo, ngày 12-4- 2007.

([3])Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo, ngày 26- 10-2006.