TCCSĐT - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000, 189 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết đạt được tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015, trong đó mục tiêu thứ hai là đạt phổ cập giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, báo cáo công bố mới đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lại cho thấy khả năng không hoàn thành đúng hạn mục tiêu thứ hai này.
Theo báo cáo Giám sát việc giáo dục cho mọi người, trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, số trẻ em không được trải qua mức học tối thiểu này đã giảm từ 108 triệu xuống 61 triệu. 

Kết quả này có nghĩa là kể từ năm 2000, tỷ lệ trẻ em bước vào bậc tiểu học đã tăng từ 80% lên 90%. Đây là một bước nhảy vọt nhưng để đạt được mục tiêu đề ra thì vẫn còn khoảng cách rất xa, nhất là trong bối cảnh quá trình phổ cập giáo dục tiểu học hiện đang bị “đình trệ”.

Báo cáo trên cho biết thế giới hiện có 250 triệu trẻ em ở độ tuổi theo học cấp tiểu học nhưng không biết đọc và viết, 61 triệu trẻ em không được học tiểu học, 71 triệu thanh thiếu niên không học trung học nên không thể học nghề, cứ 8 thanh niên thì có một người bị thất nghiệp. 

Pau-lin Rô-xê (Pauline Rose), giám đốc của báo cáo trên, cho biết việc phổ cập giáo dục tiểu học toàn cầu đã trải qua một “thời kỳ trăng mật” ban đầu với sự ủng hộ mạnh mẽ về tài chính và chính trị của cả thế giới. 

Nếu cứ duy trì tốc độ đó thì các nước sẽ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, với tốc độ chậm như hiện nay thì ít nhất phải đến năm 2030 mới đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục.

Trước nhận định này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao lại khó đạt được mục tiêu đến vậy? Nếu thế giới có thể đưa phi thuyền lên sao Hỏa thì chắc chắn cũng có thừa khả năng xây dựng và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên cho các lớp học. Vậy mà cam kết cho mọi trẻ em đều được học tiểu học được đưa ra từ năm 2000 nay sắp đến hạn là năm 2015 vẫn không hoàn thành là vì nguyên nhân gì?

Theo Tiến sĩ Pau-lin Rô-xê, “phần lớn nguyên nhân là do thiếu kinh phí, tiền trợ cấp chưa đến 16 tỷ USD, không đủ để giúp mọi trẻ em đều được đến trường”.

Thêm vào đó là sự quan tâm của quốc tế tới vấn đề này cũng đang nhạt dần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều nước châu Âu thậm chí còn đang đau đầu giải quyết núi nợ công, còn người dân thì đang “sống dở chết dở” với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Kinh tế, chứ không phải giáo dục, đang trở thành chủ đề nóng hổi tại nhiều cuộc họp trên thế giới.

Bên cạnh đó, xung đột vũ trang và sự bất ổn chính trị, nhất là tại khu vực Trung Đông, châu Phi cũng là một trở ngại đối với việc đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục.

Vì vậy, trong khi nhiều nước châu Á đã bước những bước dài trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ giáo dục thì kết quả tại khu vực cận Xa-ha-ra, châu Phi vẫn còn rất khiêm tốn. Riêng tại Ni-gê-ri-a hiện nay, số trẻ em thất học còn nhiều hơn năm 2000 là 3,6 triệu người. 

Báo cáo của UNESCO cho biết sự phân hóa giàu nghèo cũng là một rào cản ngăn không cho trẻ đến trường.
 
Ở một số nước châu Phi, thậm chí mức học phí rất thấp mà nhiều gia đình cũng không thể trang trải được. Vì thế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn thất học cũng chiếm tỷ lệ lớn trên thế giới. 

Hiện nay có khoảng 775 triệu người trưởng thành không biết đọc hoặc viết. Riêng tại các nước công nghiệp phát triển, hơn 160 triệu người lớn không thể đọc báo hoặc không có đủ khả năng cần thiết để tìm được việc làm. ½ số người lớn ở Ý, 1/5 người trưởng thành tại Anh và 1/6 người lớn ở Đức gặp khó khăn khi đọc và viết. 

Do đó, UNESCO cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm ½ tỷ lệ người lớn thất học vào năm 2015. 

Bất chấp thực tế rằng phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục, Liên hợp quốc tháng trước vẫn tuyên bố sẽ chi thêm 1,5 tỷ USD để đầu tư vào giáo dục tiểu học. 

Han-xây Rô-gơ (Halsey Rogers), nhà kinh tế học hàng đầu về giáo dục tại Ngân hàng thế giới (WB), khẳng định: “Chúng tôi biết có thể đạt được mục tiêu đó, câu hỏi chỉ là khi nào mà thôi”./.