TCCSĐT - Ngày 25-10-2012, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, các Viện, Trường, doanh nghiệp ngành thủy sản trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, cho biết: Hội thảo nhằm giới thiệu và thảo luận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế những tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); những cơ chế, chính sách và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển thủy sản trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, Hội thảo nằm trong lộ trình xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản tổng thể trên cơ sở kết nối tất cả các địa phương trong vùng; tiến tới xây dựng một Trung tâm Nghề cá và phát triển thủy sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển liên tục và đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và GDP của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng thủy sản cả nước tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,3% và dự báo đến cuối năm 2012 có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch cả năm là 6,5 tỷ USD. Đến nay, hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 164 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam luôn đứng trong nhóm các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Ở ĐBSCL, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy hải sản của toàn vùng liên tục tăng qua các năm, trong đó riêng sản lượng nuôi trồng chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi cả nước; ngành thủy sản đã tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhiều người dân ở các tỉnh, thành trong vùng. Đến nay, nhiều địa phương trong vùng đã hình thành được những thế mạnh và sản phẩm thủy sản đặc thù như: tôm ở Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu; cá tra ở An Giang, Đồng Tháp; các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Bến Tre, Tiền Giang; các nghề khai thác hải sản ở Kiên Giang, Cà Mau…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu dự hội thảo, ngành  thủy sản ở ĐBSCL phát triển với tốc độ cao nhưng chưa bền vững. Cụ thể là: số lượng tàu thuyền đánh bắt tăng nhanh nhưng khó kiểm soát; hoạt động cơ khí tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều yếu kém; nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; chất lượng thức ăn, con giống, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do nuôi thủy sản chưa được kiểm soát tốt; giá cả nhiều mặt hàng thủy sản biến động bất lợi, khó lường… Nguyên nhân của những hạn chế này được xác định là do các địa phương thiếu liên kết trong sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển thủy sản chưa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn vùng; hầu hết các địa phương chưa phát huy được hết thế mạnh do đầu tư dàn trải, manh mún; thiếu sự hợp tác giữa các tỉnh, thành trong quy hoạch, đầu tư phát triển thủy sản...

Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư để thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; cơ chế, chính sách hỗ trợ của một số tỉnh vùng ĐBSCL trong việc thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển thủy sản tập trung vào các sản phẩm chủ lực, công nghệ cao. Hội thảo thống nhất cần có những chính sách đột phá trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài để khơi dậy và khai thác hợp lý những tiềm năng to lớn về thủy sản ở ĐBSCL; các cơ quan Trung ương và các địa phương cần sớm xây dựng và tạo được sự đồng thuận cao về chiến lược phát triển ngành thủy sản trên cơ sở cân bằng nhu cầu, lợi ích chung của  vùng và các địa phương, phù hợp với chính sách phát triển nông - lâm - thủy sản và định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2020; chiến lược phát triển ngành thủy sản phải mang tính đồng bộ, thống nhất, hướng đến những dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng tài nguyên hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường, tập trung vào những lĩnh vực sản xuất theo chiều sâu, có tính bền vững, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao trong chuỗi sản xuất - chế biến – tiêu thụ thủy sản quốc gia và thế giới…

Đặc biệt, Hội thảo đã dành nhiều thời gian để thảo luận Đề án ý tưởng hình thành Trung tâm nghề cá và kết nối phát triển thủy sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Trung tâm này có các chức năng: tạo điều kiện cho ngành thủy sản vùng ĐBSCL phát triển năng động, bền vững; hỗ trợ phát triển kinh tế vùng và phát huy thế mạnh của từng địa phương; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành thủy sản; hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu thủy sản của vùng và quốc gia; phát triển các cụm công nghiệp chế biến các sản phẩm thủy sản chuyên sâu, công nghệ cao; hình thành chợ đầu mối thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL; phát triển cụm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản; hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa thủy sản vùng ĐBSCL…/.