Trong hai ngày 14 và 15-2, tại thành phố Rô-ma (I-ta-li-a), đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7. Với tư cách chủ tịch nhóm 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề kinh tế nóng nhất hiện nay như chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đưa ra cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang gây tác động mạnh đến các nền kinh tế phát triển, trao đổi những biện pháp được đưa ra trong các gói kích thích kinh tế của mỗi nước và tìm kiếm sự nhất trí chung trong các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả việc lập ra các quy định mới cho ngành tài chính toàn cầu.

Cam kết hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, củng cố hệ thống ngân hàng

Khai mạc Hội nghị, các bộ trưởng đều khẳng định, “Ổn định nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính là ưu tiên cao nhất của chúng tôi”. Các bộ trưởng G7 cảnh báo bất cứ biện pháp bảo hộ nào nhằm thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia cũng sẽ chỉ làm suy yếu thêm sự thịnh vượng toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ các nước đang phát triển để những người nghèo nhất thế giới không phải là đối tượng chịu tác động lớn nhất do sự suy thoái toàn cầu này.

Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị, các đại biểu nhóm G7 (gồm Anh, Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và Mỹ) cùng khách mời Nga cam kết sẽ làm việc cùng nhau để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, củng cố hệ thống ngân hàng để thế giới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Tuyên bố chung của Hội nghị cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Mỹ và Anh nhằm điều chỉnh hệ thống ngân hàng của mỗi nước bằng cách tái cấp vốn cho các ngân hàng. Các bộ trưởng đều thống nhất rằng, cần phải tìm ra cách để xử lý các tài khoản xấu của các ngân hàng.

Tại hội nghị, các đại biểu đều có chung nhận định xu hướng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục trong phần lớn thời gian năm 2009, nhưng nhấn mạnh 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đã "thực hiện tập thể các biện pháp ngoại lệ" để đối phó với những thách thức đang đặt ra. Bộ trưởng Tài chính Mỹ T.Ghết-nơ cho biết, Mỹ sẽ làm việc với các nước giàu và đang nổi nhằm xây dựng sự đồng thuận đối với các cải cách tài chính thế giới.

Cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Kết thúc ngày họp đầu tiên tại Rô-ma, các bộ trưởng tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đã cam kết tránh quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch khi tìm cách kích thích kinh tế phát triển. Trên cương vị nước chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Tài chính I-ta-li-a Giu-li-ô Trê-môn-ti xác nhận cam kết mạnh mẽ của các bộ trưởng tài chính G7 phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Theo ông, bảo hộ mậu dịch là nguy cơ cụ thể, không chỉ đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hội nghị mới chỉ dừng ở việc quảng cáo các biện pháp đặc biệt để đối phó khủng hoảng đã được các nước G7 phối hợp đưa ra, chứ chưa nêu rõ cách thức thực hiện những biện pháp này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ kêu gọi một phản ứng hiệu quả trên toàn cầu để duy trì thương mại tự do. Bộ trưởng Tài chính Đức Pê-e Stai-bruých kêu gọi đạt tiến bộ cụ thể về các biện pháp kích thích kinh tế và đảm bảo sự minh bạch về tài chính tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi lên (G20), dự kiến sẽ diễn ra ở Anh vào ngày 2-4 tới. Đức và Nhật Bản rất quan tâm đến việc chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vì nền kinh tế của cả 2 nước này dựa vào xuất khẩu.

Trong G7, Nhật Bản và Đức đặc biệt có phản ứng mạnh mẽ về xu hướng bảo hộ mậu dịch. Ngay từ hôm thứ ba, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Sôi-chi Na-ca-ga-oa (Shoichi Nakagawa) đã báo trước là Tô-ky-ô sẽ chống lại mọi biểu hiện bảo hộ mậu dịch tại Hội nghị G7. Ông nhấn mạnh rằng, bài học từ cuộc đại suy thoái hồi đầu thế kỷ XX cho thấy rõ, việc đóng cửa sẽ dẫn đến thảm họa và tại G7, Nhật Bản sẽ thảo luận những biện pháp ngăn cản điều này tái diễn.

Về phần mình, thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đã nhắc lại rằng, Béc-lin cũng như một số nước đều lo lắng về ngành công nghiệp xe hơi, nhưng cần phải xem xét kỹ các biện pháp hỗ trợ và Ủy ban châu Âu phải là định chế giám sát sao cho việc cứu giúp này "được thực hiện một cách đúng đắn và công bằng". Ngày 13-2-2009, phát biểu trước Hạ viện Đức, Bộ trưởng Tài chính Pi-e Xtai-brích (Peer Steinbruck) cho biết, tại Hội nghị G7, nước Đức sẽ bảo vệ nguyên tắc tự do trao đổi mậu dịch và sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn tái diễn tình trạng như những năm 30 của thế kỷ trước, khi các nền kinh tế áp dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch. Trước đó, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cảnh báo, nếu một nước thành viên đưa ra những biện pháp làm tăng thất nghiệp tại một nước thành viên khác thì điều này đe dọa sự sự tồn tại của thị trường chung châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Crít-xtin Lơ-gác-đơ (Christine Lagarde)thừa nhận, các chính sách bảo hộ mậu dịch có thể diễn ra dưới nhiều hình thức trong khu vực ngân hàng, tài chính và kinh tế. Ông khẳng định các nước cần phối hợp rất chặt chẽ, nhưng phản đối việc cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau trong quá trình thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế của mỗi quốc gia.

Các Bộ trưởng Tài chính G7 hy vọng sẽ đạt tiến bộ trong việc soạn thảo các nguyên tắc minh bạch chung cho hệ thống tài chính trong 4 tháng tới, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7+ Nga) vào tháng 7 tới.

Những kết quả đạt được

Sau hai ngày họp bàn, Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận cao về biện pháp xử lý khủng hoảng gồm ba điểm là: bảo đảm đủ thanh khoản cho các thị trường tài chính; củng cố nền tảng vốn của các tổ chức tài chính; và giảm thiểu tác động của các tài sản xấu của các tổ chức tài chính. Song, theo giới quan sát, các giải pháp được đưa ra vừa thiếu cụ thể, vừa không có gì đột phá.

Hội nghị mới chỉ nhấn mạnh đến vai trò của các quốc gia trong việc đưa ra các giải pháp riêng đối với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay. Vẫn còn thiếu vắng những kiến nghị cụ thể để cải tổ hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu nhằm khắc phục những “lỗi hệ thống” của cấu trúc tài chính và tiền tệ toàn cầu.

Việc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 không có sự tham dự của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Bra-xin cũng phần nào làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực của các giải pháp đưa ra. Cần nói thêm là các nguồn dự trữ lớn nhất thế giới hiện nay hầu hết đều nằm ngoài các nước G7.

Dư luận đang trông chờ vào các giải pháp thoát khỏi khủng hoảng sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 4 tới./.