Những “điểm sáng” và một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long
Cùng với việc chủ động triển khai các giải pháp để xây dựng NTM theo chỉ đạo của Chính phủ, ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình huy động sức mạnh toàn dân, sức mạnh cộng đồng xây dựng NTM.
- Vận động doanh nghiệp cùng hỗ trợ
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM thành phố Cần Thơ, trong nỗ lực đa dạng hóa các nguồn vốn, từ đầu năm 2011, thành phố đã ký kết với các doanh nghiệp chương trình hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM ở 36 xã trên địa bàn. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2011, các huyện vận động các doanh nghiệp hơn 10 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng trường học, cầu nông thôn, các công trình văn hóa... Riêng Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) đã ký kết với Thành Đoàn Cần Thơ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM. Năm 2011, CIC8 hỗ trợ gần 1,1 tỉ đồng giúp xã Vĩnh Bình xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, trường học, cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ đất và vốn cho các hộ dân không có đất sản xuất; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học… Sau đó, từ năm 2012 - 2015, mỗi năm Công ty sẽ hỗ trợ 1 tỉ đồng.
- Hội Nông dân chủ động vào cuộc
Hội Nông dân tỉnh An Giang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội NTM giai đoạn 2011 - 2020. Cụ thể, Hội xây dựng đề án dạy nghề cho nông dân từ nay đến năm 2015; xem xét đầu tư kinh phí xây dựng Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho nông dân; đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm trực thuộc Hội như: Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Phát triển cộng đồng nông thôn. Với sự tham mưu của Hội Nông dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức cho một số nông dân giỏi tiêu biểu (10 - 15 người) tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở Thái Lan. Hội phối hợp với một số sở, ngành doanh nghiệp xây dựng đề án thí điểm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, Hội tham gia thực hiện một số chương trình, dự án dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng NTM.
- “Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Ở tỉnh Hậu Giang, trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô năm 2011 kéo dài 4 tháng đầu năm, với phương thức “Nhà nước đầu tư mặt đường cứng, nhân dân hiến đất, hoa màu, đắp ta-luy”, thành phố Vị Thanh đã nâng cao trình, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã từ 2,5m trở lên, vừa bảo đảm nhu cầu giao thông vừa làm bờ bao khép kín, ngăn mặn, chống lũ. Huyện Phụng Hiệp chọn 2 xã điểm xây dựng NTM để huy động người dân cùng tham gia bàn bạc, góp công sức và giám sát việc xây dựng các công trình giao thông, kênh mương thủy lợi. Nhờ đó, tiến độ và chất lượng các công trình luôn được bảo đảm.
Tính chung, trong mùa khô năm 2011, tỉnh Hậu Giang huy động trên 254 tỉ đồng xây dựng giao thông, thủy lợi, trong đó vốn ngân sách trên 168 tỉ đồng (chiếm 66,3%), nhân dân đóng góp trên 81 tỉ đồng (chiếm 32,1%). Tỉnh đang phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu cơ bản xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng những yêu cầu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
- Sinh viên góp sức xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước xây dựng NTM”, trong dịp mùa hè xanh vừa qua, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long chỉ đạo hơn 1.000 đoàn viên sinh viên tỏa về 7 xã vùng nông thôn truyên truyền mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng NTM và cùng với người dân và chính quyền địa phương thực hiện các công trình xây dựng, nâng cấp đường giao thông; cải tạo môi trường; xây dựng nhà, kéo điện về cho các hộ nghèo, xây dựng các công trình văn hóa... ở một số xã, các đoàn viên sinh viên không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc xây dựng NTM mà còn giúp xã hoàn thành thêm 4 tiêu chí để sớm được công nhận là xã NTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được cùng với những mô hình đa dạng trong việc tập hợp, huy động các nguồn lực xây dựng NTM, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đang gặp một số khó khăn.
- Đến nay, nhiều xã chưa thể hoàn thành quy hoạch xã NTM do văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương chưa đồng bộ, chưa nhất quán. Theo quy định hiện hành, quy hoạch xã phải có 3 loại quy hoạch theo hướng dẫn của 3 bộ là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Vì thế, nhiều địa phương chưa biết phải thực hiện quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau để bảo đảm tính hợp lý, không chồng chéo.
- Nhiệm vụ chính thực hiện chương trình là ở cấp xã nhưng trình độ, năng lực của cán bộ xã nhiều mặt còn hạn chế. Đại đa số cán bộ đang làm công tác xây dựng NTM chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nên còn nhiều lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
- Công tác tổ chức tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM dù có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ... Một số cán bộ lãnh đạo địa phương chưa hiểu sâu sát nội dung, ý nghĩa và phương châm thực hiện nên chưa xây dựng được kế hoạch vận động, phát huy nội lực tại chỗ, còn trông chờ vốn đầu tư từ cấp trên. Do đó, quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra.
- Vốn triển khai Chương trình xây dựng NTM chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác hoặc từ nguồn vốn sự nghiệp, vốn ngân sách địa phương,... nên việc đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Trong khi đó, cơ chế huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn cho chương trình còn lúng túng; nhiều địa phương thiếu các dự án khả thi thu hút đầu tư, vì thế việc vận động nhân dân, các thành phần kinh tế đầu tư vốn vào xây dựng NTM chưa đạt hiệu quả cao...
- Nhiều xã đang ở điểm xuất phát thấp về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế... Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách của Nhà nước tại địa phương còn hạn hẹp do công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia đóng góp xây dựng NTM.
- Trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM có một số tiêu chí khó thực hiện. Cụ thể, tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa” quy định: Xây dựng nhà văn hóa xã NTM đạt chuẩn với yêu cầu phải đặt nơi mặt tiền và có diện tích xây dựng tối thiểu 2.500m2, là khó đạt nhất. Bởi lẽ, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do thiếu vốn bồi thường cho dân. Trong khi đó, nếu không đạt được chỉ tiêu này thì các chỉ tiêu khác có liên quan như xây dựng khu thể thao xã, tỷ lệ ấp có nhà thông tin, khu thể thao ấp đạt chuẩn cũng khó thực hiện.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất
Trên cơ sở một số mô hình và kết quả đạt được ban đầu, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang gặp phải, thời gian tới, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo những yêu cầu và mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM trong nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân; trong đó, nhấn mạnh quan điểm: xây dựng NTM phát triển toàn diện, có làng xã văn minh, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại; sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ... sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là lập quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là tiêu chí hết sức quan trọng để sớm định hình mô hình NTM cấp xã.
- Trong quy hoạch, chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh (lúa, rau màu, trái cây, thủy sản - thế mạnh của ĐBSCL), gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2020; quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh và điều chỉnh linh hoạt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm tương ứng theo tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh từng địa phương, khu vực để đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
- Trong kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí NTM giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020, các địa phương tập trung thực hiện các tiêu chí có tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác như: nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi - giao thông nội đồng; hệ thống kiểm soát lũ; xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển vùng ĐBSCL trong tình hình mới, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu.
- Các tỉnh, thành chủ động đề xuất với các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, sửa đổi hoặc bỏ những tiêu chí không phù hợp với thực tế địa phương. Hiện nay, nhiều chỉ tiêu theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia chưa phù hợp hoặc không rõ cơ sở cho việc đánh giá ở các địa phương vùng ĐBSCL như: tỷ lệ độ dài đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện; tỷ lệ độ dài kênh mương hoặc tỷ lệ cống thủy lợi do xã quản lý được kiên cố hóa; thu nhập bình quân đầu người/năm; tỷ lệ hộ nghèo...
- Các bộ, ngành ở Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương để làm rõ cơ chế huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn cho chương trình. Các địa phương chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các dự án khả thi kêu gọi đầu tư để làm cơ sở vận động nhân dân, mời gọi các thành phần kinh tế cùng đầu tư xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia thực hiện tốt chương trình...
- Tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục để nâng cao dân trí vùng nông thôn; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tay nghề cho nông dân để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh ruộng, thửa vườn của mình.
- Khẩn trương xúc tiến thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về xây dựng NTM cho cán bộ cấp xã để đội ngũ này chủ động hơn trong tổ chức thực hiện và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nông thôn trong tình hình mới./.
Hiệu quả, kinh nghiệm và giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  (19/12/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thăm chính thức Myanmar  (19/12/2011)
Hội thảo: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  (19/12/2011)
Nga và Trung Quốc đưa ra Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria  (19/12/2011)
Từ ngày 20-12, giá bán điện bình quân tăng thêm 62 đ/kwh  (19/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên