Nhiều nước trên thế giới đã lần lượt công bố các gói kích thích kinh tế nhằm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, với vai trò là nền kinh tế số 1 của thế giới, nên mỗi động thái trong quá trình xem xét để thông qua kế hoạch kích thích kinh tế của tân Tổng thống B.Ô-ba-ma tại hai Viện của Hoa Kỳ đã thu hút sự quan tâm không chỉ của người Mỹ.

Ngày 28-1-2009, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua gói kích cầu kinh tế trị giá 825 tỉ USD do Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đề xuất, với tỷ lệ phiếu thuận là 244/188. Kế hoạch kinh tế của Tổng thống Ô-ba-ma không nhận được phiếu thuận nào từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa vì họ cho rằng, kế hoạch dành quá nhiều cho chi tiêu (550 tỉ USD), còn số tiền cắt giảm thuế lại chưa đủ (275 tỉ USD). Họ đề xuất kế hoạch riêng của mình, tập trung hơn vào việc giảm thuế, nhằm giúp tạo ra khoảng 6,2 triệu việc làm. 11 nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng bỏ phiếu chống dự luật này.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Ô-ba-ma kêu gọi các nghị sĩ không nên "để cho những khác biệt đảng phái cản trở đường đi", và nhấn mạnh thêm rằng, “cần phải hành động mau lẹ và quyết liệt để nước Mỹ vận hành trở lại, và đó chính là những gì kế hoạch này hướng đến".

Trong cuộc họp báo ngày 9-2, Tổng thống B.Ô-ba-ma khẳng định, chỉ có Chính phủ Liên bang mới có đủ các phương tiện để phục hồi nền kinh tế đang bị tê liệt. “Với khu vực tư nhân bị suy yếu nghiêm trọng do suy thoái, Chính phủ là thực thể cuối cùng có các nguồn lực làm hồi sinh nền kinh tế”. Ông Ô-ba-ma cảnh báo Mỹ đã mất 3,6 triệu việc làm, và một nửa trong số này xảy ra trong 3 tháng gần đây. Riêng trong tháng 1-2009, số việc làm bị mất là 598.000 việc làm - mức kỷ lục kể từ năm 1974.

Trong thông điệp hàng tuần được phát trên đài phát thanh và trên mạng internet, ông Ô-ba-ma nói: “Quy mô và phạm vi của kế hoạch này là đúng đắn, và thời gian hành động là ngay bây giờ. Nếu chúng ta không hành động nhanh chóng để đưa kế hoạch này vào thực hiện, thì cuộc khủng hoảng kinh tế có thể biến thành một thảm họa quốc gia”. Vì thế, kế hoạch kích thích kinh tế là “tuyệt đối cần thiết”.

Sau một chiến dịch vận động rất nỗ lực, đến ngày 10-2 (rạng sáng 11-2 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 838 tỉ USD với 61 phiếu thuận và 37 phiếu chống. Tuy nhiên, do văn bản đã bị sửa đổi khá nhiều nên gói kích thích này cần phải quay trở lại Hạ viện một lần nữa. Những bất đồng về vai trò can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế giữa các nghị sỹ, cũng như quy trình thủ tục tại nghị viện, có nguy cơ kéo dài thời gian tranh luận, và, kế hoạch kích cầu nền kinh tế, được dự đoán, khó có thể được thông qua vào thời điểm ông B.Ô-ba-ma mong muốn là ngày 16-2-2009. Thậm chí, người ta còn dự đoán rằng, phải mất ít nhất hai tuần để Thượng viện và Hạ viện đạt được đồng thuận về một văn bản duy nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch kích cầu kinh tế của Mỹ đã được Lưỡng viện thông qua nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Chỉ 3 ngày sau khi Thượng viện thông qua, ngày 13-2, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua gói chi tiêu và giảm thuế trị giá 787 tỉ USD, cùng ngày, Thượng viện cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn kế hoạch này. Trong kế hoạch được thông qua, khoảng 65% sẽ được chi cho các dự án công trình công cộng, khoa học, năng lượng, bổ sung trợ cấp thất nghiệp, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành giáo dục và 35% để giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp.

Mặc dù bị giảm nhiều so với dự thảo ban đầu là 937 tỉ USD; giảm gần 40 tỉ USD so với 825 tỉ USD được Hạ viện thông qua ngày 28-1-2009, nhưng đây vẫn được coi là thắng lợi đầu tiên trên chính trường của ông Ô-ba-ma. Thượng nghị sỹ Harry Reid (Ha-ri Rết), lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện cho biết, những người tham gia thương lượng đã dung hòa được hai kế hoạch khác nhau của Thượng viện và Hạ viện, qua đó thống nhất về mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm so với kế hoạch của Thượng viện và chi phí ít hơn so với kế hoạch của Hạ viện. Ông Ha-ri Rết tin rằng, kế hoạch kích thích kinh tế này sẽ giúp tạo ra 3,5 triệu việc làm và phục hồi nền kinh tế đầu tàu thế giới, như mong muốn của ông Ô-ba-ma. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống, ông Ô-ba-ma đã hứa sẽ tạo ra 3-4 triệu việc làm trong vòng 2 năm.

Vấn đề đặt ra bây giờ là nguồn tiền cho gói kích cầu này và hiệu quả sử dụng nó trên thực tế./.