Hướng tới mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe
Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008 thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta đối với một chính sách an sinh xã hội quan trọng, hướng tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, từng bước đạt được sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặc dù vậy, lộ trình đến năm 2014 thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, gắn với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vẫn còn không ít vướng mắc, khó khăn.
Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Từ khi ra đời năm 1992, qua 16 năm thực hiện và đi vào cuộc sống, chính sách bảo hiểm y tế thực sự trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Năm 1993, năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm y tế, mới có 3,8 triệu người tham gia, thì đến năm 2007 đã có 36,9 triệu người, chiếm 45% dân số. Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội ký hợp đồng với trên 1,9 nghìn cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, gây dựng thành mạng lưới rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế. Năm 2007, gần 76 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm xã hội; 100% người nghèo, đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. Những con số trên thể hiện vai trò, tầm ảnh hưởng quan trọng của bảo hiểm y tế trong đời sống xã hội của người dân, là công cụ quan trọng thực hiện việc chăm lo sức khỏe nhân dân của Nhà nước ta. Công tác chăm sóc sức khỏe không chỉ phủ ở diện rộng mà còn đi vào chiều sâu, với nhiều lượt bệnh nhân nặng đang được chăm sóc với chi phí lớn, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, chẳng hạn hiện nay có khoảng 6000 bệnh nhân suy thận đang được quỹ bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí điều trị với số tiền trung bình khoảng 80 triệu đồng/người/năm, có bệnh nhân điều trị 17 năm chi phí lên tới trên 1 tỉ đồng.
Quỹ bảo hiểm y tế cũng đáp ứng được nhu cầu về kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng thiếu nguồn tài chính trầm trọng như trước đây. Năm 2007, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 7,7 nghìn tỉ đồng, năm 2008 ước đạt 10 nghìn tỉ đồng. Đối với tuyến quận, huyện, nguồn quỹ bảo đảm 60 - 70% chi phí, trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn. Mạng lưới cơ sở y tế từng bước được củng cố và hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ, đến nay cả nước có 57% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đối với các cơ sở tuyến tỉnh và Trung ương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế đóng góp đáng kể trong việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ y tế chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Chính sách bảo hiểm y tế góp phần giữ vững phân tuyến kỹ thuật trong ngành y tế, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân được khám và điều trị sớm, tránh được những biến chứng cũng như giảm chi phí điều trị. Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm tra, hạn chế sử dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật không hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng. Tính công bằng trong khám, chữa bệnh được bảo đảm hơn qua việc chỉ định dịch vụ y tế phụ thuộc vào tình trạng bệnh chứ không phải điều kiện kinh tế gia đình, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là với những hộ nghèo, mà nếu không tham gia bảo hiểm y tế khó có cơ hội hưởng các dịch vụ chăm sóc kỹ thuật cao, chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo.
Xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh được đẩy mạnh, khu vực y tế ngoài công lập phát triển, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế cũng như trong đời sống nhân dân, với trên 30 nghìn phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở dịch vụ và gần 70 bệnh viện tư nhân, hằng năm cấp cứu và khám, chữa bệnh cho 3 triệu lượt người, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó thúc đẩy y tế công lập cải thiện kỹ thuật, dịch vụ để phát triển.
Luật Bảo hiểm y tế ra đời thực sự là một bước phát triển mới, góp phần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế qua 16 năm phát triển, tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ để chính sách này thâm nhập ngày càng sâu, rộng vào cuộc sống, đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe dần đến với mọi đối tượng người dân.
Mức đóng và mức hưởng có tỷ lệ thuận?
Bảo hiểm y tế trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng tăng lên 6% mức lương cơ bản (người sử dụng lao động 4%, lao động 2%) là cần thiết để bảo đảm cân bằng quỹ, song điều quan trọng là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh phải được nâng cao nhằm tương xứng với việc tăng mức đóng. Hiện nay, dư luận và người dân rất bất bình, băn khoăn với hiện tượng có sự phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh giữa đối tượng đóng và không đóng bảo hiểm, qua thái độ, hành xử của y bác sỹ, cũng như những dịch vụ người bệnh được thụ hưởng, những tiêu cực nảy sinh từ việc khám, chữa bệnh này. Chất lượng dịch vụ y tế tại nhiều nơi còn hạn chế, nhất là ở cơ sở, trong khi đó tuyến trên lại thường xảy ra tình trạng quá tải. Với điều kiện hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi, liệu tăng mức đóng bảo hiểm y tế có tỷ lệ thuận với tăng mức được thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh của người dân hay chưa?
Tình trạng thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế do mức đóng thấp và năng lực quản lý hạn chế cũng là vấn đề làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế. Cơ chế kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế ít hiệu quả dẫn đến giá thanh toán bảo hiểm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh cao hơn giá thực và giá thị trường. Sự phối hợp thực hiện bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với các ban ngành ở địa phương còn hạn chế. Một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của mình, chưa phối hợp chặt với cơ quan bảo hiểm, có trường hợp còn lạm dụng quỹ thông qua việc chỉ định dùng thuốc, dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm xã hội thiếu nhân lực giám sát việc cung ứng dịch vụ y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, việc thanh toán còn chậm. Khó khăn từ mức thu chưa đủ đáp ứng mức chi, thiếu cơ chế kiểm soát chi bảo hiểm y tế khi các bệnh viện thực hiện mạnh việc tự chủ tài chính và xã hội hóa đang là đòi hỏi bức thiết phải được điều chỉnh nhằm nâng cao chính sách bảo hiểm y tế.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm y tế còn hạn chế, số người đóng do bắt buộc cao hơn số người đóng do ý thức tự giác từ việc thấu hiểu quyền lợi. Công tác quản lý bảo hiểm y tế bằng công cụ, phương tiện hiện đại như: phần mềm, thẻ điện tử... chưa được thực hiện. Việc triển khai bảo hiểm y tế đến một số đối tượng, nhất là người cận nghèo, nông dân còn khó.
Cuộc hành trình đến với bảo hiểm y tế toàn dân và đạt sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Luật Bảo hiểm y tế ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai trong thực tiễn, song với nhiều vướng mắc còn gặp phải, việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân chắc chắn thành công song sẽ là cuộc hành trình với nhiều cam go, đòi hỏi tháo gỡ các khó khăn bằng những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Nâng cao chất lượng dịch vụ và công bằng trong khám, chữa bệnh là yếu tố quan trọng trước hết để thực hiện hiệu quả bảo hiểm y tế; tránh mức đóng cao mà quyền lợi khám, chữa bệnh chưa được bảo đảm, từ đó động cơ vì lợi ích cá nhân của người tham gia bị triệt tiêu, động cơ vì lợi ích cộng đồng suy giảm, dẫn đến gia tăng tình trạng trốn nộp. Trước mắt, phải hình thành ngay mặt bằng giá các dịch vụ y tế cơ bản để người dân đóng bảo hiểm y tế biết mình được hưởng những gì khi vào các cơ sở y tế.
Thay đổi phương thức thanh toán hiện nay là theo phí dịch vụ sang phương thức thanh toán chủ yếu là định suất với các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và thanh toán theo chuẩn đoán (ca bệnh) với cơ sở y tế tuyến trên (nơi nhận bệnh nhân chuyển viện tới). Kiểm soát những gian lận trong khám chữa bệnh, lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cả nhà cung cấp dịch vụ và người bệnh, như: chỉ định dịch vụ, thuốc không cần thiết, dùng thuốc uống không đúng đối tượng, tiêu thụ ra ngoài... bằng cách tăng cường đội ngũ giám định viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc kiểm soát mức chi phí, tránh các hành vi lạm dụng quỹ cần có các giải pháp khác, cụ thể, không thể chỉ sử dụng giải pháp cùng chi trả của người bệnh để giải quyết bởi người bệnh thường bị động trong dịch vụ khám, chữa bệnh, đồng thời không có chuyên môn nên khó kiểm soát.
Việc thực hiện đồng bộ các chính sách về y tế, cụ thể là chính sách bảo hiểm y tế và chính sách viện phí có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi và ý nghĩa xã hội của các chính sách này trong đời sống xã hội. Theo thống kê, tỷ lệ người tham gia và đóng bảo hiểm y tế vẫn còn thấp, ngoài nguyên nhân do những bất cập về thủ tục, chế độ hưởng quyền trong khám, chữa bệnh, thì còn do chính sách, chế độ viện phí của Nhà nước chậm được sửa đổi, bổ sung, còn nặng tính bao cấp, chưa phản ánh đúng chi phí thực tế, nên nhiều người ngại khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế mà thích lựa chọn khám, chữa bệnh theo dịch vụ. Do đó, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và chính sách viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, bảo đảm chế độ tự thu chi của các cơ sở y tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò của bảo hiểm y tế và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế ngay tại địa bàn, giảm quá tải tuyến trên. Sớm xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008 - 2010 theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt có tổng kinh phí khoảng 17 nghìn tỉ đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho hơn 600 bệnh viện đa khoa huyện trên cả nước, đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần với người dân. Xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, thành lập bệnh viện tư khi có đủ các điều kiện, chia sẻ trách nhiệm với bệnh viện công; cho phép bệnh viện công liên doanh, liên kết không trái nhiệm vụ để nângcao chất lượng khám, chữa bệnh.
Những tiền đề thuận lợi do Luật Bảo hiểm y tế mang lại, cùng một quyết tâm chính trị lớn sẽ đưa chính sách bảo hiểm y tế, một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của hệ thống an sinh xã hội, đến với đông đảo nhân dân, để trong tương lai gần, tham gia và thụ hưởng những lợi ích do bảo hiểm y tế mang lại trở thành một nếp suy nghĩ, hành động tự giác, quen thuộc của mỗi người dân./.
Hướng tới mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe  (14/01/2009)
Nghệ An huy động tiềm lực khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững  (14/01/2009)
Thông báo Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X)  (13/01/2009)
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh  (13/01/2009)
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh  (13/01/2009)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X  (13/01/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên