1. Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô - vị khách nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma.

Ngày 23-2-2009, Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô tới Oa-sinh-tơn và trở thành vị khách nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma - người đang cố gắng thắt chặt hơn nữa quan hệ với đồng minh châu Á quan trọng này. Các lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xem xét các kế hoạch chung chống suy thoái toàn cầu trong bối cảnh cả Tô-ky-ô và Oa-sinh-tơn đang xúc tiến kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chuyến thăm ngắn ngủi chưa đầy 24 giờ của Thủ tướng Ta-rô A-xô chủ yếu là nhằm giải tỏa những lo ngại của Tô-ky-ô trước triển vọng chính quyền mới ở Oa-sinh-tơn có thể sẽ quan tâm tới Trung Quốc nhiều hơn là tới Nhật Bản - một đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, liên minh này bắt đầu nguội lạnh từ năm 2008 khi cựu Tổng thống G.W.Bu-sơ loại CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Nhật Bản đã phản đối động thái trên và cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa làm rõ số phận của các công dân Nhật bị họ bắt cóc vào những năm 1970 và 1980.

2. Các phong trào Pha-ta và Ha-mat đạt thoả thuận hoà giải.

Ngày 25-2-2009, hai phong trào đối địch ở Pa-le-xtin là Pha-ta (Fatah) và Ha-mat (Hamas) đã nhất trí trả tự do cho các tù nhân của phía bên kia cũng như chấm dứt cuộc chiến truyền thông giữa họ trước các cuộc đàm phán hoà giải do Ai Cập bảo trợ. Thoả thuận vừa đạt được giữa hai phong trào này đã dọn đường chocác cuộc thương lượng nhằm thành lập một chính phủ thống nhất ở Pa-le-xtin bắt đầu từ ngày 26-2-2008. Trong một tuyên bố chung, hai bên khẳng định đã đi đến thống nhất về cách giải quyết vấn đề tù nhân theo một thời gian biểu không vượt quá thời điểm kết thúc các cuộc đối thoại giữa các phe nhóm ở Pa-le-xtin. Pha-ta và Ha-mat từ lâu đã là hai phe đối đầu ở Pa-le-xtin nhưng sự kình địch của họ lên đến cực điểm vào tháng 6-2007, khi Ha-mat dùng vũ lực thâu tóm toàn bộ Dải Ga-da, đẩy lui các lực lượng trung thành với Tổng thống A-bat ra khỏi vùng đất này sau nhiều ngày giao tranh ác liệt trên đường phố.

3. Nhiều nước bác bỏ Báo cáo nhân quyền của Mỹ.

Ngày 25-2-2009, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2008 và ngay lập tức gây nên làn sóng phản đối tại nhiều nước. Ngày 26-2-2009, Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng bác bỏ Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, phê phán những chỉ trích của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và khẳng định chính Mỹ mới "đáng bị lên án vì những hành vi phân biệt chủng tộc, giam giữ tù nhân trong điều kiện tồi tệ và có những hành động tra tấn, ngược đãi tù nhân". Tại Mat-xcơ-va, phản đối nội dung trong Báo cáo nhân quyền của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Xec-gây La-vrốp cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ về bất kỳ mối quan ngại nào của Mỹ, nhưng điều quan trọng là các cuộc thảo luận này phải dựa trên cơ sở thực tế và không thành kiến xuất phát từ phía Mỹ. Ở Vê-nê-du-ê-la, Bộ Ngoại giao nước này cực lực phê phán báo cáo nhân quyền của Mỹ vì nó có nội dung bịa đặt, ác ý và mang tính can thiệp. Chính phủ Bô-li-vi-a cũng ra tuyên bố bác bỏ Báo cáo nhân quyền của Mỹ, coi đây là một sự xuyên tạc trắng trợn thực tế ở Bô-li-vi-a, đồng thời khẳng định quyền con người tại Bô-li-vi-a đã được cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

4. Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma lần đầu tiên báo cáo trước Quốc hội Mỹ.

Ngày 25-2-2009, Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma lần đầu tiên phát biểu trước hai viện của Quốc hội Mỹ. Với nội dung gần giống như thông điệp liên bang, Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma kêu gọi người Mỹ đoàn kết với nhau để vực dậy nền kinh tế, đồng thời khẳng định "những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước". Ông Ô-ba-ma nhấn mạnh, nỗ lực cứu nguy nền kinh tế Mỹ là một trong những mục tiêu dài hạn trong nhiệm kỳ 4 năm của ông, đặc biệt trong năm đầu tiên. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong thời gian tới là giúp người dân Mỹ có bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, cải cách chương trình giáo dục. Mỹ sẽ cộng tác với các nền kinh tế thuộc nhóm G20 để khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính của Mỹ, tránh xảy ra nguy cơ leo thang chủ nghĩa bảo hộ và kích thích nhu cầu dùng hàng Mỹ tại thị trường toàn cầu.

5. I-ran chạy thử nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Ngày 25-2-2009, I-ran tiến hành thành công lần chạy thử lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Bu-sa trước sự chứng kiến của các chuyên gia Nga và I-ran. Lần thử lò phản ứng này, I-ran sử dụng các thanh nguyên liệu giả thay cho các thanh u-ra-ni đã được làm giàu. Sau lần thử này, I-ran sẽ tiến hành chạy thử với các thanh nhiên liệu thật vào cuối năm 2009. Lò phản ứng hạt nhân Bu-sa được xây dựng từ các trang thiết bị nhập khẩu từ Nga, nhưng quá trình lắp đặt đã bị dừng lại nhiều lần vì yêu cầu thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Vụ thử lần này được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia I-ran. Tuần trước, Viện nghiên cứu và an ninh quốc tế Oa-sinh-tơn đưa tin, có khả năng I-ran đã đủ nguyên liệu để sản xuất bom hạt nhân, nhưng tuyên bố này đã bị phát ngôn viên của IAEA bác bỏ.

6. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ ba.

Ngày 25-2-2009, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ ba (3th ADMM) khai mạc tại thành phố biển Pat-tay-a (Pattaya) thuộc tỉnh Chôn-bu-ri (Chonburi) của Thái Lan. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác xây dựng quân đội các nước trong khối trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau; mở rộng trao đổi thông tin, thúc đẩy các chuyến thăm các cấp chỉ huy, mở rộng việc giao lưu đào tạo, học tập; nâng cao khả năng sử dụng quân đội vào mục đích cứu trợ nhân đạo, thảm họa; thúc đẩy công tác tuần tra chung trên biển, phòng, chống cướp biển, buôn người, tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu... Việc hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột chính trong ASEAN góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, duy trì trật tự, ổn định trong khu vực. Hội nghị cũng sẽ thảo luận vấn đề cơ chế ADMM+, nghĩa là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng với một số nước đối thoại.

7. Mỹ nới lỏng cấm vận đối với Cu-ba.

Ngày 26-2-2009, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật nới lỏng hạn chế đi lại đối với những người Mỹ gốc Cu-ba. Sắp tới, Dự luật sẽ được Thượng viện thông qua trước khi trở thành luật. Dự luật này là bước đi đầu tiên trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền mới ở Mỹ nhằm nới lỏng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ cũng như chấm dứt hạn chế đi lại đối với mọi công dân Mỹ tới Cu-ba. Dự luật cho phép người Mỹ gốc Cu-ba về thăm quê hương mỗi năm một lần thay vì ba năm một lần như hiện nay. Họ cũng có thể tiêu 170 USD/ngày tại quốc đảo này, gấp hơn 3 lần so với hạn mức 50USD hiện nay. Những người Mỹ bán thực phẩm và thuốc men cho Cu-ba sẽ được cấp giấy phép đi lại. Ngoài ra, nhà chức trách Cu-ba được phép thanh toán cho hàng hóa Mỹ ngay khi hàngđó cập cảng Cu-ba chứ không phải thanh toán trước khi chuyểnhàng. Theo các nhà phân tích, biện pháp này có thể thúc đẩy số lượng gạo mà Mỹ bán cho Cu-ba.

8. Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 14 tại Thái Lan

Ngày 27-2-2009, phiên họp chính thức của Hội nghị cấp cao ASEAN 14 (ASEAN 14) khai mạc tại Hua Hin (Thái Lan) với chủ đề “Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN”. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Hội nghị tập trung bàn thảo về các vấn đề: Hội nhập khu vực, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, quyền con người, lương thực, an ninh năng lượng, lao động và trao đổi thương mại giữa các nước. Các bên cùng ký một thoả thuận thương mại tự do với Ố-xtrây-li-a và Niu Di-lân; thảo luận thành lập một tổ chức nhân quyền. ASEAN bắt đầu cảm nhận được tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với trung tâm tài chính của khu vực là Xin-ga-po đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ khi độc lập. Thái Lan, một nước thành viên ASEAN cũng đang trượt theo hướng của Xin-ga-po. Lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao và kinh tế các nước ASEAN ký hoặc thông qua ít nhất 25 tuyên bố, thoả thuận và thông báo trong hội nghị lần này./.