Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12-11-1996. Năm 2002, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở những quy định của Luật, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định số 03/2007/QĐ-TTG ngày 10-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo và Quyết định số 05/2007/QĐ-TTG ngày 10-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp luật về vấn đề trên một cách có hệ thống, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Quy trình xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, do tác giả Dương Bạch Long biên soạn. Cuốn sách được biên soạn theo hướng rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa các quy định cụ thể của các văn bản dưới Luật theo các chế định tương ứng của Luật sẽ giúp cho cán bộ, công chức thuận tiện hơn trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc vận dụng các quy định của pháp luật vào hoạt động thực tiễn của mình. Cuốn sách cũng là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên.

Cuốn sách được bố cục thành 10 chương:

Chương 1: Những quy định chung

Chương 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Chương 3: Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chương 4: Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước

Chương 5: Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ

Chương 6: Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Chương 7: Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

Chương 8: Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

Chương 9: Giám sát, kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật

Chương 10: Điều khoản thi hành