Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả và hội nhập quốc tế
TCCS - Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt từ 12.000 đến 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Một số kết quả đạt được
Để triển khai Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Chương trình công tác số 02-Ctr/TU, “Về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, với mục tiêu tổng quát: Đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.
Các mục tiêu cụ thể: Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực phục hồi lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thu hút và tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, hợp lý để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Phấn đấu hết năm 2025: Đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ từ 8,0-8,5%; công nghiệp và xây dựng từ 8,5-9,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 2,5-3,0%; Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4-10,6%; GRDP bình quân/người: từ 8.300-8.500 USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng từ 12,5 đến 13,5%/năm). Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%. Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo trong GRDP: 17%. Số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35 đến 39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Sau hơn một năm triển khai chương trình, mặc dù trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh tế Thủ đô vẫn có tín hiệu phục hồi mạnh. Ngành công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn đế duy trì tăng trưởng; ngành dịch vụ thể hiện sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ từ quý IV-2021. Quý 1-2022, tăng trưởng GRDP đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Kết quả hoàn thành 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và vượt dự toán thu ngân sách năm 2021. Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Năm 2021: GRDP quý I duy trì tăng 6,43% và quý II tăng 5,63%; do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, GRDP quý III giảm sâu 6,89% (GDP cả nước giảm 6,17%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 24,39%); tuy nhiên từ quý IV-2021 đã phục hồi tăng 6,69% kéo GRDP năm 2021 tăng 2,92% (GDP cả nước tăng 2,58%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%). Nỗ lực về tăng trưởng là đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch COVID-19. GRDP quý 1-2022 tiếp tục phục hồi tăng 5,83% - gấp 1,16 lần mức tăng cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần mức tăng của Thành phố Hồ Chí Minh (1,88%), trong đó các ngành như sau: Dịch vụ tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39% - gấp 1,38 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92% - gấp 1,02 lần mức tăng của cả nước (4,82%). Kết quả tăng trưởng quý 1-2022 thể hiện sự phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, đạt được kịch bản tăng trưởng đưa ra đầu năm (từ 5,7 đến 6,2%). Cụ thể đối với các ngành:
- Công nghiệp duy trì tăng trưởng: Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8% (năm 2020 tăng 4,7%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,46; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,6%; công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%. Quý I-2022, IIP tăng 5,3% (Quý 1-2021 tăng 7,7%: cả nước tăng 6,4%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1%).
- Dịch vụ phục hồi mạnh sau đại dịch. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 558,14 nghìn tỷ đồng, giảm 4,6% (năm 2020 tăng 2,6%). Quý 1-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% - thể hiện sự phục hồi khá mạnh sau đại dịch COVID-19.
- Doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát năm 2021 đạt 127,75 nghìn tỷ đồng, giảm 1,9%, trong đó: Vận chuyển hành khách giảm 26,8%; vận tải hàng hóa giảm 0,7%; dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng 3,1%; bưu chính chuyển phát tăng 4,6%. Quý 1-2022, doanh thu đạt 38.565 tỷ đồng, tăng 16,4% cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9%) - thể hiện sự phục hồi khá mạnh sau đại dịch COVID-19.
- Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Thủ đô, lượng lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, đạt 4 triệu lượt khách nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020). Tổng thu từ khách du lịch đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (giảm 58,8% so với năm 2020). Quý I-2022, tổng lượng khách du lịch đạt 324 nghìn lượt, tăng 15,7%) (Quý 1-2021 giảm 87,7%)), trong đó khách quốc tế 45 nghìn lượt, giảm 12%) (Quý 1-2021 giảm 92,5%); khách nội địa 279 nghìn lượt, tăng 5,3%) (Quý 1-2021 giảm 85,7%). Thành phố đã tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022” nhằm hưởng ứng mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”, góp phần đưa du lịch Hà Nội sớm phục hồi và phát triển.
- Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm và đạt kết quả khá. Quý 1-2022, sản xuất nông nghiệp tiếp tục thuận lợi; toàn thành phố đã gieo trồng được 83 nghìn ha lúa vụ Xuân, đạt 101,96 % kế hoạch, bằng 97,6% cùng kỳ năm trước, cây trồng phát triển tốt. Chăn nuôi ổn định, đàn trâu tăng 4,2%; đàn bò tăng 0.1%, đàn lợn tăng 4,1%. Tích cực triển khai phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Quý I-2022 đã trồng khoảng 155.000 cây, đạt 33% kế hoạch.
Tuy nhiên, năm 2021, có 4 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế không đạt mục tiêu đề ra: Tăng trưởng GRDP đạt 2,92% (kế hoạch là 7,5%); GRDP/người đạt 128,2 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng); vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,8% (kế hoạch tăng 12%); Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9% (kế hoạch tăng 5%). Doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Quý 1-2022, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2,66% đã tăng khá cao so với mức tăng cùng kỳ (0,04%) và mức tăng của cả nước (1,92%), đe dọa mục tiêu kiểm soát chỉ số giá năm 2022 dưới 4% và cân đối vĩ mô nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp, xây dựng chưa phục hồi mạnh mẽ (Quý I-2022 duy trì tăng trưởng 5,61% nhưng vẫn thấp hơn mức chung cả nước 6,38% và đạt thấp hơn cùng kỳ 7,7%).
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để hoàn thành mục tiêu
- Cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thủ đô tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
- Đối với nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực”, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Không ngừng nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và kinh tế số trong GRDP; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố.
- Thúc đẩy sự phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại: Tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tổ chức các phiên chợ Việt và các chuyến hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu, cụm công nghiệp; Chương trình khuyến mại tập trung năm 2022... Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 89%; giá trị gia tăng ngành bán buôn, bán lẻ tăng trên 8%. Phục hồi các chuỗi cung úng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối. Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (mỗi quận, huyện, thị xã có từ 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động); Thúc đẩy tổ chức các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Tổ chức các Phiên chợ Việt, Tuần hàng trái cây, nông sản thực phẩm, các Chuyến bán hàng Việt tại các huyện, thị xã, khu, cụm công nghiệp. Thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ Mobile Money. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và khai thác đơn hàng phục vụ sản xuất phục vụ xuất khấu.
Phục hồi ngành du lịch: Tập trung triển khai Kế hoạch sổ 43/KH-UBND ngày 10/02/2022 của UBND Thành phố về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023; Phương án số 02/PA-UBND ngày 04/4/2022 của UBND Thành phố về mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mời trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phát triến sản phẩm du lịch mới, mang tính trải nghiệm cao, sản phẩm du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, sự kiện, lễ hội du lịch chuyên nghiệp, độc đáo, hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường du lịch. Đẩy mạnh triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá điểm đến Hà Nội trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Đổi mới mô hình quầy thông tin hỗ trợ khách du lịch ứng dụng công nghệ hiện đại, tương tác trực tiếp với khách du lịch.
Đẩy mạnh phát tríển ngành công nghiệp: Xây dựng và tổ chức triển khai: Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin kết nối doanh nghiệp công nghiệp thành phố Hà Nội; Đề án chuyển đổi số cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp (CCN). Phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; Các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu; Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công theo Chương trình khuyến công Quốc gia và Thành phố. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng 5-7,5%; Tạo khoảng 500-700 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; Thực hiện hỗ trợ khoảng 450-500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
- Về phát triển nông nghiệp: Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu lại cây trồng, bảo đảm diện tích lúa cả năm 2022 khoảng 157-159 nghìn ha, trong đó từ 60% trở lên trồng lúa chất lượng cao; Diện tích rau khoảng 32,5 nghìn ha, trong đó tập trung sản xuất tại các vùng rau chuyên canh, vùng sản xuất rau an toàn quy mô từ 20-25 ha trở lên, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ; Diện tích hoa, cây cảnh khoảng 7,2 nghìn ha, trong đó tập trung mở rộng đầu tư, hình thành các vùng hoa, cây cảnh tập trung, quy mô 20-50 ha trở lên ứng dụng công nghệ cao; Diện tích cây lâu năm khoảng 24,5 nghìn ha, trong đó cây ăn quả khoảng 20,5 nghìn ha; ứng dụng mạnh các tiến bộ kĩ thuật thâm canh, tăng năng suất và chất lượng gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương. Đảm bảo công tác tưới, tiêu, làm đất kịp thời vụ; đáp ứng đủ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật; các biện pháp phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào những con vật chủ lực: Đàn bò 133-135 nghìn con; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10-11 nghìn tấn, sữa tươi 32-34 nghìn tấn; Phấn đấu tổng đàn lợn 1,5-1,6 triệu con; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 220-230 nghìn tấn; Ốn định tổng đàn gia cầm khoảng 40 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 160 nghìn tấn. Chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá, nhân rộng các mô hình ao nổi, mô hình sông trong ao đế tăng năng suất, sản lượng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24,2 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 122 nghìn tấn. Xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn các huyện, thị xã đấy nhanh thực hiện việc xây dựng nông thôn mới. Chuẩn bị và triển khai tốt công tác phòng chống thiên tai. Tăng cường bảo đảman toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thực hiện “Liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài Thành phố; Đồng thời kiểm soát chặt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện tốt công tác khuyến nông theo Chương trình khuyến nông Quốc gia và Thành phố.
Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”- thực hiện đổi mới sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam./.
Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội  (18/11/2022)
Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt các định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ  (18/11/2022)
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố tạo nên thành công của Hà Nội  (18/11/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên