Thành phố Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau đại dịch COVID-19
TCCS - Sau 2 năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nguồn lực tài chính dần cạn kiệt. Để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Giải ngân nhanh chóng, hỗ trợ tối đa, đúng đối tượng
Giúp doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với những ưu đãi về điều kiện, thủ tục, mức vay, lãi suất cho vay...
Sau khi được phân bổ 206,3 tỷ đồng theo chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022, của Chính phủ, “Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình” trên cơ sở nguồn vốn được giao, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho vay. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn. Tính đến ngày 30-9-2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân hơn 110,3 tỷ đồng, cho 1.935 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 100 tỷ đồng cho 1.724 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội hơn 4,4 tỷ đồng cho 6 khách hàng; cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến hơn 1,7 tỷ đồng cho 177 học sinh sinh viên được vay vốn;…
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2022, chi nhánh tiếp tục giải ngân cho 105 người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với số tiền 162 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai thực hiện cho vay đến nay, toàn chi nhánh đã giải ngân cho 262 lượt người sử dụng lao động với tổng số tiền 324 tỷ đồng để trả lương cho 76.925 lượt người lao động; lũy kế doanh số thu nợ đạt 96 tỷ đồng. Đến ngày 30-9-2022, dư nợ cho vay chương trình này còn 228 tỷ đồng với 105 doanh nghiệp đang vay vốn.
Triển khai hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trên địa bàn, như: chính sách cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo nghị quyết của Chính phủ. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tháng 11-2022, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất điều hành, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại tại thành phố Hà Nội đối với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức từ 8,4 - 9,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 4,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng
Nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm 2%/năm trên dư nợ vay đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, áp dụng cho cả khách hàng đã giải ngân và khách hàng vay mới. Khách hàng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc những ngành nghề ưu tiên, bao gồm: hàng không, vận tải - kho bãi; du lịch; nông - lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục và đào tạo; dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... khi vay vốn sẽ được hưởng ưu đãi giảm lãi suất 2%/năm.
Miễn giảm, gia hạn nộp thuế đất
Hiện nay, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp tập trung vào những vấn đề như: tiếp cận, xoay vòng vốn; biến động thị trường (giá xăng dầu, lạm phát); chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng; thiếu hụt nhân công; đứt gãy nguồn cung ứng; khó tiếp cận khách hàng... Thực hiện chỉ đạo của thành phố, với mục tiêu "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", cùng với các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thu nộp, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Ngoài ra, Cục Thuế thành phố Hà Nội mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu ngân sách tại các ngân hàng thương mại và đa dạng hóa phương thức thanh toán điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian nộp thuế, chi phí tổ chức thu và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ và thành phố đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nộp thuế như: giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 34 của Chính phủ; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 20 của Quốc hội; Kế hoạch hành động số 91/KH-UBND, ngày 21-3-2022, của thành phố, “Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình”. Với phương châm 100% doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng hỗ trợ được biết và thụ hưởng chính sách, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã kịp thời thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã triển khai các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho trên 119.400 lượt người nộp thuế (79.700 đơn vị giảm thuế giá trị gia tăng; 39.700 đơn vị gia hạn) với tổng số tiền trên 30.400 tỷ đồng (tổng số thuế giá trị gia tăng được giảm: 16.400 tỷ đồng; tổng số tiền được gia hạn nộp thuế: 14.000 tỷ đồng; trong đó tiền thuê đất được gia hạn là 891 tỷ đồng).
Ngoài ra, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng, hiệu quả khai thuế qua mạng với kết quả 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; hơn 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế điện tử được xử lý đúng hạn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai nộp thuế điện tử với hộ kinh doanh, cá nhân. Với những nỗ lực của Cục Thuế thành phố Hà Nội, hiện nay, ngành thuế Thủ đô đã triển khai 182/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Trong đó tích hợp được 150 thủ tục hành chính lên cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 161% kế hoạch Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ bảo đảm triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và tập trung nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người nộp thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực tài chính xoay vòng vốn, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo đà tăng trưởng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lĩnh vực, nhóm ngành phục hồi và phát triển tốt so với giai đoạn trước khi có chính sách hỗ trợ và trước đại dịch COVID-19.
Đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 11 tháng năm 2022, Hà Nội có 27,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 312,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 4%; 15,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 41%; 9,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,2%.
Dự báo kinh tế trong nước năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chịu tác động của những bất ổn kinh tế - chính trị thế giới; chịu ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá, lãi suất cho vay; sự khan hiếm nguồn cung cùng với sự tăng giá nhiều yếu tố đầu vào... Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội thường xuyên có các cuộc làm việc, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, và chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, khẳng định, chính quyền thành phố cam kết tiếp tục đồng hành mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cùng các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", "thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là thành công của chính quyền thành phố".
Bổ sung kinh phí từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 như: hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống đại dịch COVID-19, như thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm.
Thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác bảo đảm an sinh xã hội của thành phố Hà Nội sau đại dịch COVID-19  (29/10/2022)
Ngành y tế Thủ đô: Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân  (28/10/2022)
Kinh tế Hà Nội phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch  (28/10/2022)
Hà Nội chú trọng đối ngoại nhân dân trong tình hình mới  (28/10/2022)
Đảng bộ thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện các mục tiêu năm 2022  (28/10/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên