Hiểu cho đúng về thị trường xăng, dầu
TCCS - Ngày 20-4-2020 (rạng sáng 21-4-2020 giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng, do chịu tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, các công ty năng lượng hết chỗ chứa dầu.
Sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng
Từ sự kiện này, trở lại câu chuyện những ngày qua, khi đề xuất tạm ngưng nhập khẩu xăng, dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đưa ra nhằm hỗ trợ tiêu thụ xăng, dầu trong nước thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, những ý kiến phản đối cho rằng, nên theo quy luật thị trường, chỗ nào rẻ hơn thì doanh nghiệp mua hàng để tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và nhập khẩu rẻ sẽ kéo theo giá xăng, dầu bán lẻ trong nước giảm, có lợi cho người tiêu dùng. Do đó, đứng ở góc độ người tiêu dùng thì không nên tạm ngừng nhập khẩu xăng, dầu. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, giá dầu thế giới giảm mạnh là cơ hội thị trường, nên tranh thủ nhập khẩu càng nhiều càng tốt về để dùng dần,…
Thực tế, việc dự trữ, tận dụng cơ hội thị trường không phải là chưa từng được PVN nghĩ tới. Kịch bản mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng, dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, chờ thị trường ấm lại đã từng được PVN tính tới khi giá dầu ở ngưỡng 20 USD một thùng. Tuy nhiên, biến động thị trường rất khó lường, việc dự trữ cần tính toán cẩn trọng về hiệu quả kinh tế và đặc biệt phải tính đến khả năng tồn chứa của các kho dự trữ đến đâu.
Câu chuyện kinh doanh ở thế giới và Việt Nam, dự trữ xăng, dầu không như những hàng hoá khác, không đơn thuần cứ thấy giá rẻ thì trữ lại hoặc nhập thêm về dự trữ đợi khi thị trường phục hồi thì đem ra sử dụng hoặc bán lại để thu lợi nhuận cao. Bởi để đầu tư kho chứa xăng, dầu không phải là chuyện một sớm một chiều. Các kho chứa phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, công suất các kho chứa cũng có giới hạn phù hợp với nhu cầu xăng, dầu trong nước trong điều kiện tiêu thụ bình thường, để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Đó là lý do mà các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới đã phải hạ giá thấp, thậm chí chấp nhận bán mức “giá âm” để đẩy hàng, giảm tồn kho xăng, dầu vì chi phí thuê kho dự trữ, hay ngừng khai thác, đóng cửa hoặc mở lại một giếng khoan dầu không dễ dàng và sẽ thiệt hại hơn nhiều lần việc bán dầu giá rẻ. Tất cả những điều đó, họ đã tính tới để làm sao có được kết quả kinh doanh tốt nhất.
Ngày 20-4-2020, lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm (dưới 0 USD/thùng) và đây là mức giá thấp nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983. Nguyên nhân là do sản xuất vượt giới hạn tồn trữ.
Trong tình hình đó, chúng ta có thể thấy rõ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cung vượt cầu, các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để đẩy hàng, giảm tồn kho. Trong bối cảnh đó thì việc nhập khẩu xăng, dầu của nước ta thời gian qua lại tăng, là một nghịch lý, tạo thêm sức ép cho tiêu thụ xăng, dầu trong nước, đẩy các nhà máy lọc dầu trong nước vào tình trạng khó khăn hơn khi đối mặt với khủng hoảng kép.
Giá bán xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng trên nguyên tắc thị trường và cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu từ khu vực được ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất như giá bán xăng của Dung Quất được xây dựng tương đương với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (có thuế nhập khẩu 10%), giá bán dầu DO của Dung Quất được xây dựng tương đương với dầu nhập khẩu từ khu vực ASEAN (có thuế nhập khẩu 0%). Thêm vào đó, việc tiêu thụ xăng, dầu trong nước còn mang lại một số lợi thế, như chi phí vận tải (cước phí, thời gian quay vòng tàu), hạn chế rủi ro biến động tỷ giá trong kỳ thanh toán, chi phí thuế VAT đối với hàng nội địa được trả sau 30 ngày cùng với tiền hàng,…
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất - cho biết, đã đưa ra nhiều kịch bản cho vận hành nhằm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có tính đến tạm dừng vận hành NMLD Dung Quất một thời gian.
Tuy nhiên, phải xét rằng, NMLD Dung Quất đang vận hành với khoảng 60% dầu thô trong nước và trong quý 1, BSR nộp ngân sách nhà nước hơn 1.732 tỷ đồng. Nếu nhà máy phải dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn cho các mỏ dầu Việt Nam. Chưa kể, việc duy trì khai thác dầu thô còn là vấn đề khẳng định chủ quyền an ninh biển, đảo. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu ta chỉ đi nhập khẩu mà không tự chủ được nhu cầu năng lượng, khi thị trường thế giới biến động hoặc vì một lý do nào đó mà các quốc gia xuất khẩu tạo sức ép nguồn cung, tăng giá đột biến, thì nguy cơ chúng ta phải mua xăng, dầu giá cao gấp nhiều lần là hoàn toàn có thể.
Không ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng
Ở khía cạnh người tiêu dùng, giá xăng, dầu trong nước hiện đã giảm sâu và đang ở mức thấp. Xăng, dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được Nhà nước điều hành giá trên cơ sở Luật Giá và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng, dầu. Quỹ bình ổn giá đóng vai trò như một chiếc van để đóng, mở giá xăng, dầu trước những biến động trên thị trường thế giới. Với vai trò điều tiết của Nhà nước mà cụ thể là liên Bộ Công Thương - Tài Chính hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng luôn được bảo đảm cùng với vai trò ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, việc tạm ngừng nhập khẩu xăng, dầu và hỗ trợ tiêu thụ xăng, dầu trong nước để giảm tồn kho là vấn đề rất cấp bách, không làm giảm đi hiệu quả tổng thể của các đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.
Trong bối cảnh tiêu thụ giảm sút mạnh trên toàn cầu, khủng hoảng giá dầu ngày càng nặng nề, các quốc gia trên toàn thế giới, như Nga, Indonesia, Trung Quốc,… đồng loạt thực hiện các biện pháp ngưng nhập khẩu xăng, dầu, tăng bảo hộ, chống bán phá giá, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua suy thoái. Tổng thống Donald Trump ngày 21-4-2020 tuyên bố rằng ông đã yêu cầu chính quyền lập kế hoạch viện trợ khẩn cấp cho ngành dầu khí đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá vàng đen giảm mạnh. Với Việt Nam chúng ta, Chính phủ cần áp dụng những quyết sách thật sự mạnh mẽ và quyết liệt để có thể mang lại những lợi ích hài hòa cho đất nước trong giai đoạn khó khăn, thách thức hiện tại./.
Hà Nội sẵn sàng phục hồi nền kinh tế khi dịch Covid-19 lắng xuống  (22/04/2020)
Thế giới tìm cách cứu ngành công nghiệp dầu khí  (21/04/2020)
Petrovietnam: Chung sức cùng cộng đồng chống dịch  (20/04/2020)
Để đạt được “thắng lợi kép” trong trận chiến chống COVID-19  (18/04/2020)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay