Cuối tháng 02-2018, tại cảng hạ lưu PTSC, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã bàn giao 3 giàn khai thác B12-15, B12-11, B12-17 cuối cùng trong tổng số 5 giàn khai thác cho Dự án Daman của chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ). Sự kiện này tiếp tục khẳng định thương hiệu và năng lực trong khu vực và trên thế giới của PTSC M&C qua việc thực hiện thành công các dự án xây lắp công trình dầu khí cho chủ đầu tư nước ngoài.


Chủ động ứng phó với giá dầu

Nhìn lại chặng đường đã qua, với biết bao khó khăn, thử thách, thăng trầm, ông Đồng Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC nhớ lại thời điểm năm 2011 - 2012, lúc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn còn là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong một lần trao đổi với ban lãnh đạo Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã nhận định công việc ở thời điểm đó là tạm ổn, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, dự báo ngành cơ khí chế tạo trong nước sẽ rất khó khăn do trong nước và khu vực ngày sẽ càng ít các dự án ngoài khơi được triển khai trong các năm tiếp theo, nên cần phải chủ động tìm kiếm cơ hội công việc ở nước ngoài, đa dạng hóa dịch vụ chế tạo cơ khí tương đồng. Và nếu không chủ động mở rộng thị trường, tìm công việc ngay từ năm 2011 cũng như chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ mang tầm quốc tế thì trong 5 năm qua Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã rất vất vả.

Về cơ sở vật chất, dựa trên lợi thế sẵn có cũng như điều kiện tài chính tốt ở giai đoạn 2011 - 2012 sau khi thực hiện thành công các dự án Biển Đông 1, Thăng Long - Đông Đô, Hải Sư Đen - Hải Sư Trắng, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã mạnh dạn đầu tư thêm bến bãi, nhà xưởng, thiết bị tự động hóa và các thiết bị cơ khí mới hiện đại như máy cắt, máy bắn cát, máy phun sơn… nên năng lực cạnh tranh của Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã được nâng lên ngang tầm với các nhà thầu xây lắp trong khu vực. Đây cũng chính là tiền đề để công ty phát triển thị trường ra nước ngoài, đấu thầu và thắng thầu các dự án nước ngoài lớn trong những năm qua.

Đối với chất lượng nguồn nhân lực, ngay thời điểm 2010-2011, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC đã có thể tự thiết kế chi tiết cho giàn khai thác, tuy nhiên chưa bằng lòng với kết quả hiện tại, ban lãnh đạo đã quyết định đi khắp nơi tuyển dụng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ. Để làm được điều đó, Phòng Tổ chức nhân sự và Phòng thiết kế của Công ty đã đến rất nhiều trường đại học lớn như Bách Khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Bách khoa Đà Nẵng, Mỏ - Địa chất, Xây dựng… để phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo và xúc tiến tuyển dụng những sinh viên giỏi về kỹ thuật, thiết kế, công nghệ… Sau khi các sinh viên giỏi về đầu quân cho Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC, các kỹ sư và kỹ thuật viên tiếp tục được đào tạo, huấn luyện, vừa học vừa làm. Đến nay, ông Đồng Xuân Thắng tự tin khẳng định rằng, chất lượng đội ngũ thiết kế của Công ty tương đương, thậm chí còn nổi trội, ưu thế hơn một số hãng thiết kế trong khu vực. Minh chứng cho khẳng định này là việc đội ngũ thiết kế của Công ty được các chủ đầu tư trong và ngoài nước giao tự thực hiện dự án trong nước trong suốt những năm qua và được khách hàng đánh giá rất cao.

 

Khối thượng tầng và chân đế giàn B12-13 (1 trong 5 giàn của Dự án Daman) đã hạ thủy thành công tại Công trường PTSC M&C và bàn giao cho Chủ đầu tư ONGC.


“Tiến ra biển lớn bên cạnh cơ sở vật chất đồng bộ hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ thì còn cần yếu tố nào nữa, thưa ông”, tôi hỏi. Ông Đồng Xuân Thắng trả lời ngay, đó là giá cả khi đấu thầu và thương hiệu PTSC M&C. Để có thể thắng thầu các dự án lớn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như thời gian qua, nhất là trong bối cảnh giá dầu giảm sâu thì hầu hết các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong khu vực đều cần việc làm để trụ vững trong gian khó, chờ cơ hội phục hồi và phát triển nên đa số chào giá thấp. Thắng thầu giá thấp nhưng vẫn đảm bảo tính kinh tế của dự án là bài toán rất hóc búa. Bởi thế, PTSC M&C xác định ngay từ đầu việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.

Đúng như dự báo, cuối năm 2014 giá dầu thế giới bắt đầu giảm không phanh. Ngay thời điểm 2014, khi PTSC M&C đang thực hiện Dự án Sư Tử Trắng cho chủ đầu tư Cửu Long JOC, dự án này có công suất khoảng 10.000 tấn trong khi công suất thực tế của PTSC M&C là 50.000 tấn/năm, vậy còn 40.000 tấn thì phải làm sao, phải tìm việc mới và việc ở đâu tiếp tục là câu hỏi lớn cho ban lãnh đạo PTSC M&C. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ rất sớm là phải chủ động tìm việc bên ngoài, PTSC M&C xác định các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Myanmar, Brunei và cả thị trường Trung Đông. Đồng thời giai đoạn này, công ty xác định phải có việc làm là yếu tố then chốt giúp PTSC M&C vượt qua khó khăn nên sẵn sàng nhận những việc ngoài ngành Dầu khí nhưng có lĩnh vực tương đồng. Sau một thời gian tìm việc thì PTSC M&C cũng ký được các hợp đồng thực hiện công trình xây lắp nhà máy trên bờ trong và ngoài nước; làm dịch vụ xây lắp khối cụm thiết bị cho các tàu chứa dầu, tàu hàng. Giá trị doanh thu của các dịch vụ ngoài ngành chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng doanh thu của PTSC M&C trong giai đoạn này nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn là đã giải quyết được khối lượng lớn công ăn việc làm nhất định cho người lao động (NLĐ) trong giai đoạn hầu hết các công ty khâu đầu và công ty dịch vụ kỹ thuật trong ngành thiếu việc, có nhiều NLĐ nghỉ chờ việc.

Vẫn còn nhớ từ năm 2014 đến 2017 là giai đoạn PTSC M&C trúng thầu và thực hiện hàng loạt dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài, có những tháng khu vực cảng chỉ có mỗi khu vực PTSC M&C là nhộn nhịp người và việc. Trong các dự án thực hiện cho các chủ đầu tư nước ngoài phải kể đến các dự án lớn, đó là Dự án chế tạo giàn công nghệ trung tâm HRD (ONGC/Afcons), Dự án MLS (Total E&P Borneo B.V (Brunei), Dự án Ghana OCTP Offshore FPSO (Ghana), Dự án Greater Enfield cho Technip và mới đây nhất là hoàn thành Dự án Daman cho chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ). Phải khẳng định rằng, chính các dự án này đã giải quyết cơ bản công ăn việc làm cho NLĐ PTSC M&C trong giai đoạn 2014 - 2017, thời điểm vô cùng khó khăn về việc làm đối với các công ty dịch vụ trong và ngoài nước.

Ông Đồng Xuân Thắng cho biết, trong giai đoạn này cũng có lúc có NLĐ PTSC M&C phải nghỉ chờ việc, nghỉ luân phiên, nhưng ban lãnh đạo vẫn đảm bảo các chế độ cơ bản cho NLĐ, giúp họ ổn định tâm tư, tình cảm và giữ vững lòng tin cùng công ty đi qua khó khăn, chờ thời cơ quay trở lại công việc.

Khẳng định thương hiệu từ Dự án Daman

Nhìn lại những thành quả trong 4 năm qua, ban lãnh đạo PTSC M&C cảm thấy mừng, hài lòng, tuy nhiên kết quả ấy không phải ngẫu nhiên hay may mắn mà là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của PTSC M&C dưới sự chỉ đạo của PVN, PTSC.

 

 Lễ hạ thủy và bàn giao cấu kiện cuối cùng B12-17 của Dự án Daman.


Ông Đồng Xuân Thắng nhớ lại, trong các dự án nước ngoài PTSC M&C thực hiện thời gian qua thì Daman là dự án để lại nhiều câu chuyện vui buồn lẫn lộn, có cả những lúc bế tắc, những thời khắc thót tim, đến khi thành công thì biết bao là niềm vui, hạnh phúc, tự hào.

Dự án phát triển mỏ Daman do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) làm chủ đầu tư và đây là dự án rất quan trọng của ngành Dầu khí Ấn Độ, là dự án duy nhất được Thủ tướng Ấn Độ trực tiếp theo dõi, đôn đốc chỉ đạo. Tuy nhiên, lúc triển khai Daman cũng là lúc giá dầu tuột dốc không phanh, giá trúng thầu quá thấp. Lúc đầu, dự án này được chủ đầu tư ONGC trao thầu cho Tổng thầu Swiber India - trụ sở chính ở Singapore thực hiện. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai dự án, Tổng thầu Swiber không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, gặp khó khăn về tài chính, các tài sản của họ bị cầm cố và kê biên, trên bờ vực phá sản. Sau một thời gian dài cân nhắc, giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan, cuối cùng chủ đầu tư ONGC quyết định lựa chọn PTSC M&C làm tổng thầu EPC - từ khâu thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị, chế tạo, thi công và hạ thủy bàn giao.

Không có việc làm thì lo nhưng có việc không hẳn là mừng ngay vì tính chất phức tạp của Dự án Daman nếu không cẩn trọng, cân nhắc kỹ có khi lại phải gánh những hệ quả, rắc rối của Tổng thầu Swiber để lại, thậm chí bị thua lỗ nặng. Bởi thế, ban lãnh đạo PTSC M&C phải rất đắn đo, cân lên đặt xuống gần 1 năm mới quyết định nhận làm tổng thầu dự án dang dở này. Tổng thầu PTSC M&C nhận Dự án Daman dang dở từ Tổng thầu Swiber và thực hiện giai đoạn tiếp theo trong muôn vàn khó khăn, thử thách và lợi nhuận biên rất thấp. Nhưng trong giai đoạn đó, điều quan trọng nhất khi làm tổng thầu Dự án Daman thì PTSC M&C đảm bảo việc làm cho phần lớn NLĐ, đặc biệt trong năm 2017, thời điểm không có bất cứ hoạt động cơ khí nào trên bãi và góp phần rèn giũa, giữ người giỏi cũng như duy trì hệ thống phát triển ổn định. Trên tinh thần đó, PTSC M&C rất bản lĩnh và tự tin, chấp thuận thực hiện phần tiếp theo của Dự án Daman cho chủ đầu tư, kế thừa tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ mà Tổng thầu Swiber để lại. Đó cũng là cơ hội rất lớn để PTSC M&C tiếp tục khẳng định tinh thần hỗ trợ, hợp tác cùng chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, nâng tầm đẳng cấp và thương hiệu của mình.

Ông Đồng Xuân Thắng nhớ lại: “Bước đầu tiên khi tiếp nhận từ Tổng thầu Swiber là PTSC M&C cùng với chủ đầu tư ONGC mất gần 1 năm để đàm phán lại với các nhà dịch vụ và nhà cung cấp thiết bị trước đó. Thậm chí, các nhà cung cấp, nhà thầu phụ của ONGC và Swiber còn đưa ra yêu cầu phải thanh toán trước, kể cả phần Swiber còn nợ trong các dự án trước nữa thì họ mới tiếp tục cung cấp vật tư, sản xuất thiết bị cho chúng tôi thực hiện dự án. PTSC M&C phải gặp gỡ từng nhà thầu, cam kết mở bảo lãnh, chấp nhận thanh toán trước cho các nhà cung cấp thiết bị để đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất”. Bởi quá trình đàm phán lại với các nhà dịch vụ và các nhà cung cấp thiết bị mất nhiều thời gian nên chủ đầu tư Daman quyết định lùi dự án chậm lại 1 năm, cuối 2017 - đầu 2018 bàn giao thay vì cuối 2016 - đầu 2017 như kế hoạch trước đó. Nhưng đó cũng là cái may rất lớn, vì nhờ có Dự án Daman mà NLĐ PTSC M&C có việc làm suốt cả năm 2017.

Và đầu tháng 3 vừa qua, Dự án Daman hoàn thành, 3 giàn cuối cùng B12-15, B12-11, B12-17 được Tổng thầu PTSC M&C bàn giao cho chủ đầu tư ONGC trong niềm vui mừng to lớn. Trước đó, Ban Dự án Daman đã hoàn thiện công tác mua sắm, thi công, tiền chạy thử trên bờ, hạ thủy và bàn giao thành công khối thượng tầng, chân đế, cụm bảo vệ ống đứng (Riser Guard), cụm cập tàu (Boatlanding) của giàn C24-P2, B12-B13, đã chạy thử và đi vào hoạt động an toàn - hiệu quả. Tổng khối lượng dự án 15.000 tấn với tổng giá trị hợp đồng là 70 triệu USD.

Trong ngày bàn giao 3 giàn còn lại trong toàn bộ Dự án Daman, ông Jaishanker - Điều phối chính của dự án, đại diện chủ đầu tư ONGC đánh giá rất cao sự quyết tâm và nỗ lực của cả hai phía. Chủ đầu tư rất ấn tượng với việc giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án của Tổng thầu PTSC M&C, đặc biệt đã hoàn thành 100% trên bờ đúng tiến độ - an toàn - chất lượng - đưa vào lắp đặt trên biển trước mùa gió chướng ở Ấn Độ. Đại diện chủ đầu tư tiếp tục nhắc lại đây là dự án dầu khí duy nhất của ONGC do Thủ tướng Ấn Độ trực tiếp theo dõi, giám sát và chỉ đạo. Đại diện chủ đầu tư cũng đánh giá rất cao trình độ tay nghề cơ khí và tính chuyên nghiệp cũng như tinh thần làm việc của NLĐ PTSC M&C. Tất cả Ban Dự án Daman đã không ngại khó khăn, vất vả, làm việc, thi công ngày đêm để kịp tiến độ đề ra.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ban lãnh đạo PTSC M&C vui mừng khi một dự án tưởng chừng dở dang giờ đã thành công lớn và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi khi góp phần tạo công việc cho NLĐ, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt được, nhà đầu tư thanh toán đúng tiến độ, đặc biệt sau dự án này, PTSC M&C để lại ấn tượng đặc biệt đối với chủ đầu tư ONGC khi đã làm việc hết mình và nhận nhiều phần rủi ro về mình và xây dựng hình ảnh tổng thầu rất chuyên nghiệp. Kết quả này đã minh chứng cho tinh thần cống hiến của Ban Dự án Daman cũng như sự hăng say lao động của tập thể PTSC M&C.

Sau sự thành công của Dự án Daman, PTSC M&C dồn lực để thực hiện song song 2 dự án lớn, trong đó đặc biệt là Sao Vàng - Đại Nguyệt của chủ đầu tư Idemitsu. Giám đốc Đồng Xuân Thắng vui mừng chia sẻ: “2 dự án này sẽ đảm bảo một phần công việc nhất định cho NLĐ của PTSC M&C từ nay đến hết năm 2020, giúp cho đơn vị phát triển ổn định và tiếp tục theo đuổi các dự án tiềm năng trong nước và khu vực, trên thế giới trong những năm tới”. Song song với việc thực hiện 2 dự án lớn này, PTSC M&C tiếp tục đẩy mạnh và phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng như chờ cơ hội để thực hiện các dự án trong nước do PVN làm chủ đầu tư, tìm kiếm cơ hội tham gia các dự án Lọc hóa dầu Long Sơn, Lô B - Ô Môn, Lọc hóa dầu Dung Quất./.