Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn - Ảnh: TTXVN
TCCS - Công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bắc Ninh nói riêng và toàn quốc nói chung dẫn tới quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị mới. Tuy nhiên, việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân là vấn đề nhạy cảm, tác động đến tâm tư, tình cảm của hàng vạn người lao động, làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội cần quan tâm, nghiên cứu, giải quyết trước mắt cũng như lâu dài.

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên 822,71 km2, dân số 1.035.951 người, mật độ dân số 1.289 người/km2 (tính đến ngày 31-12-2008), là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một tỉnh có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông cùng với nguồn nhân lực chất lượng khá cao. Vì vậy, trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện, tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm gần đây (2006 - 2008) 15,58% đứng thứ 2 trong vùng. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, có tốc độ tăng hằng năm gần 30%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tỷ trọng cơ cấu các ngành trong GDP năm 2008: công nghiệp - xây dựng chiếm 56,3%, dịch vụ là 28,4%, nông nghiệp chiếm 15,3%.

1 - Tình hình thu hồi đất nông nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh

Theo Báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 21-5-2008, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Nhà nước thu hồi khoảng 72.000 ha đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị... Nhiều vấn đề sau thu hồi đất chưa được giải quyết một cách cơ bản, trong đó có chính sách giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người nông dân. Năm năm gần đây, có khoảng 627 ngàn hộ với 2,5 triệu người, và 950 ngàn lao động bị ảnh hưởng, 53% số hộ bị thu hồi đất giảm thu nhập và có tới 34% số hộ có điều kiện sống thấp hơn so với trước khi thu hồi đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, tính đến tháng 3-2008, tổng số đất canh tác đã thu hồi là 5.200 ha, chiếm trên 10% diện tích đất canh tác của năm 2000. Tổng số hộ có đất bị thu hồi là 51.670 hộ, bằng 20% số hộ dân của tỉnh, với 231.481 người, bằng 23% dân số của tỉnh. Số người trong độ tuổi lao động là 144.674 người, chiếm 24,6% lao động của tỉnh, trong đó 59,6% có độ tuổi từ 35 trở lên; 40,4% có độ tuổi lao động dưới 35 tuổi; nam là 50,9%, nữ chiếm 49,1% đang đi học là 13,1%.

Theo kế hoạch sử dụng đất của Bắc Ninh đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ triển khai 15 khu công nghiệp tập trung, 44 khu cụm công nghiệp vừa và nhỏ, ngoài ra nhu cầu sử dụng đất của các công trình kết cấu hạ tầng khác. Dự báo tổng diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi là 8.740 ha, chiếm 20% đất canh tác, gấp gần 2 lần số diện tích đã thu hồi trong 10 năm qua. Số hộ có đất phải thu hồi trên 100 ngàn hộ, với trên 450 ngàn khẩu (42% dân số), trên dưới 300 ngàn lao động nông nghiệp sẽ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Về trình độ văn hóa, nghề nghiệp của số lao động ở Bắc Ninh có đất bị thu hồi là: tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên chiếm 74,2% số người trong độ tuổi lao động, đây là một thuận lợi để học nghề, chuyển nghề. Số người qua đào tạo là 43.402, chiếm 30%. Số lao động đã được giải quyết việc làm từ năm 2001 đến nay là 18.549 người, trong đó có trên 10 ngàn lao động trong các khu công nghiệp, chỉ chiếm gần 17% số lao động bị mất đất nông nghiệp.

Về tiền đền bù, cơ bản các hộ sử dụng tiết kiệm, song rất lúng túng khi có một số tiền lớn. Do đó, việc sử dụng còn bất hợp lý: 28,18% số tiền dùng để mua và xây dựng nhà ở; 8,86% mua đồ dùng sinh hoạt; đầu tư mở mang ngành nghề 7,94%; học nghề 2,43%; mua phương tiện sản xuất 2,1%; mua đất nông nghiệp để sản xuất 1,63%; gửi tiết kiệm 29,49%; dùng vào việc khác 19,37%. Như vậy, số vốn dành cho sản xuất mới đạt 41,96%. Tình trạng nhà cao, cửa rộng, song thiếu việc làm, đời sống gặp khó khăn là hiện thực của nhiều hộ nông dân có đất bị thu hồi.

2 - Những vấn đề đặt ra với các hộ nông dân được thu hồi đất

Những năm qua, việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp và đô thị đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao, đời sống của phần lớn nhân dân trong tỉnh được cải thiện. Tuy nhiên, việc thu hồi một khối lượng lớn đất nông nghiệp trong một thời gian ngắn làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đó là:

- Hàng ngàn hộ kéo theo hàng vạn lao động nông nghiệp không còn đất canh tác, dẫn tới thiếu việc làm phải chuyển đổi nghề mới phi nông nghiệp trong khi họ chưa có sự chuẩn bị, hay nói cách khác là họ bị động trong tìm kiếm việc làm mới.

- Phát triển công nghiệp sẽ tạo nhiều việc làm trong các nhà máy, công xưởng tại khu đất mà các hộ nông dân đã giao, song do hầu hết lao động nông nghiệp không có tay nghề, trình độ văn hóa thấp, tuổi cao, nên số lượng lao động được tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp rất thấp. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động ngoài tỉnh chiếm 51,1% tổng số lao động trong các khu công nghiệp tập trung của tỉnh.

- Các hộ nhận tiền đền bù lần đầu tiên được cầm số tiền khá lớn, song thiếu định hướng trong kế hoạch chi tiêu sao cho có hiệu quả, dẫn tới có thể phần lớn được đưa vào mua sắm, tiêu dùng cho sinh hoạt hằng ngày, trong khi việc làm chưa có hoặc thiếu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, số hộ có thu nhập giảm so với trước khi phải thu hồi đất chiếm gần 50%.

- Môi trường sống tại các vùng phát triển công nghiệp bị ô nhiễm, hệ thống tưới tiêu bị gián đoạn, thậm chí bị phá vỡ chưa được khôi phục dẫn đến số lượng đất canh tác còn lại sản xuất gặp khó khăn, hiệu quả thấp, tệ nạn xã hội nảy sinh và có xu hướng gia tăng.

- Kết cấu hạ tầng nông thôn nhất là đường giao thông bị xuống cấp khi xây dựng các khu công nghiệp, đô thị (xe tải nặng vận chuyển vật liệu xây dựng), nhiều công trình phúc lợi địa phương còn chưa được xây dựng như: trường học, nhà văn hóa, hệ thống giao thông, cấp thoát nước... Trong khi nguồn lực lâu nay vẫn trông vào việc "đổi đất lấy hạ tầng" không còn nữa, đây cũng là vấn đề bức xúc đặt ra cần quan tâm giải quyết.

- Việc tự túc, tự cấp lương thực ở khu vực phải thu hồi đất có sự biến động lớn, đó là trước đây họ không những đủ lương thực ăn, mà còn có khả năng bán một lượng dư để chi dùng cho gia đình, thì nay phải mua một phần lớn đối với các hộ dân thu hồi một phần đất nông nghiệp, phải mua 100% lương thực với các hộ đã phải thu hồi hết đất canh tác.

3 - Một số đề xuất về chính sách an sinh xã hội

Chính sách đối với người nông dân có đất phải thu hồi là vấn đề rất lớn cần được đầu tư nghiên cứu tổng thể và công phu. Trong phạm vi bài viết này xin đề xuất một số giải pháp, chính sách cơ bản trước mắt như sau:

Một là, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cộng đồng đối với việc quan tâm, chăm lo tới việc làm và đời sống cho người nông dân phải thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

Hai là, khi xây dựng kế hoạch thu hồi đất phải đồng thời lập kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho số lao động nông nghiệp phải thu hồi đất. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đưa vào kế hoạch tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Triển khai kịp thời việc quy hoạch khu đất giãn dân dịch vụ theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ giúp cho các hộ nông dân phải thu hồi đất có điều kiện về mặt bằng để chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới phi nông nghiệp.

Ba là, việc tổ chức thu hồi đất nông nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, bảo đảm dân chủ, công khai, cố gắng tổ chức thu hồi từng bước không để xảy ra thu hồi hết một lần, dẫn tới sự hẫng hụt, bị động, không kịp chuyển đổi nghề, có thể xảy ra mất an ninh lương thực một cách cục bộ, thậm chí cả một địa phương.

Bốn là, sớm tổ chức điều tra khảo sát tình hình đời sống và việc làm của người nông dân khu vực đã thu hồi đất để phân loại lao động, tổ chức đào tạo nghề gắn với sử dụng (cầu lao động) một cách tích cực, đồng bộ, toàn diện cho mọi đối tượng. Nghiên cứu thành lập quỹ giải quyết việc làm cấp tỉnh để tạo nguồn lực cho công tác này chủ động hơn. Với những lao động cao tuổi cần phải quan tâm đến việc học nghề mới, khôi phục nghề truyền thống, thông qua việc dành quỹ đất xây dựng cụm công nghiệp vừa và nhỏ.

Năm là, tổ chức quy hoạch lại kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh nông thôn mới, tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng theo quy hoạch bảo đảm người nông dân sớm được thụ hưởng thành quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân vùng sau khi đất canh tác bị thu hồi.

Sáu là, sớm nghiên cứu và thực hiện mô hình "quỹ hưu" cho nông dân, nhất là các hộ nông dân phải thu hồi 100% đất nông nghiệp và những người nông dân đã hết tuổi lao động. Hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho tất cả các hội viên Hội Nông dân phải thu hồi đất từ 70% trở lên trong thời gian 2 năm kể từ khi nhận tiền đền bù, rà soát những hộ đặc biệt khó khăn để trợ cấp đột xuất giúp họ ổn định cuộc sống. Thí điểm việc áp dụng đóng góp cổ phần vào các doanh nghiệp tham gia đầu tư bằng nguồn vốn thông qua tiền đền bù của các hộ nông dân.

Phần này chính quyền địa phương phải tổ chức khảo sát, đàm phán, thậm chí can thiệp với các doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho các hộ nông dân trong việc góp vốn và bảo đảm an toàn nguồn vốn góp của dân.

Thực tế đã chứng minh, công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra nguồn thu lớn trên diện tích đất nông nghiệp cũ, những kết quả đó có phần đóng góp quan trọng, thậm chí cả tinh thần tự giác, chấp nhận thiệt thòi của người nông dân vì sự phát triển của địa phương. Để bảo đảm công bằng và ổn định xã hội, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm đặc biệt đến đời sống và việc làm của người nông dân sau khi thu hồi đất, phấn đấu để sao cho cuộc sống của họ phải bằng hoặc khá hơn trước khi thu hồi đất. Có như vậy mới bảo đảm những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thấu tình đạt lý, góp phần quan trọng vào việc phát triển đất nước bền vững./.