Một nghìn năm vàng
TCCS - Canh Dần 2010 là năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là một nghìn năm vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Năm 1010, khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy nơi đây là “thắng địa” nơi “then chốt của bốn phương hội tụ” và cũng là nơi “đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Một nghìn năm qua, lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn nhận định đó của Lý Thái Tổ. Đúng không chỉ cho kinh đô Thăng Long mà còn đúng cho cả một quốc gia đã được vinh dự lấy Thăng Long làm thủ đô.
Từ ngày nước Đại Việt ra đời cho đến nay, ông cha ta đời này qua đời khác đã liên tiếp viết nên những trang sử oai hùng, làm rạng rỡ dòng giống Rồng Tiên.
Đời Lý đại phá quân Tống trên bờ sông Như Nguyệt. Độc lập, chủ quyền của dân tộc ta được khẳng định: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành phận định tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Đời Trần ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, đội quân mà vó ngựa xâm lăng đã từng làm kinh hãi nhiều quốc gia từ Á sang Âu. Ba lần đến Đại Việt, ba lần chúng đại bại, phải tháo chạy thục mạng, thái tử chủ soái dùng hạ sách chui ống đồng mới thoát được thân.
Đời Lê, trải qua 20 năm kháng chiến trường kỳ đã súc tích lực lượng, tiến lên tiêu diệt giặc Minh “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”, buộc quân địch phải quy hàng, được tha “về nước mà vẫn tim đập chân run”.
Đời Tây Sơn, có lúc để quân Minh tràn vào Thăng Long nhưng đó chẳng qua là cho chúng “ngủ trọ” mấy đêm, để rồi bằng một cuộc phản công chiến lược thần tốc, tiêu diệt sạch mấy chục vạn quân địch, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược cuối cùng của phong kiến phương Bắc đối với nước ta.
Thời đại mới chúng ta đang sống là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại mở ra từ Cách mạng Tháng Tám 1945, thời đại độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thời đại của những kỳ tích vẻ vang.
Kỳ tích về Cách mạng Tháng Tám, một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang đầy khí phách, chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng thành công trong toàn quốc, đánh sập ách thống trị của thực dân Pháp trong gần 80 năm, xóa bỏ chế độ thuộc địa, nửa phong kiến, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, một chế độ chưa từng có trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Kỳ tích về hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, kéo dài suốt 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, dẫn tới sự thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ, làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới, thực hiện trọn vẹn độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, đóng góp một phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Kỳ tích về công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, một công trình đầy sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, không ngừng tìm tòi và khai phá con đường đi lên, phù hợp với xu thế của thế giới đương đại và thời đại ngày nay. Đổi mới trong gần một phần tư thế kỷ qua đã làm thay đổi nhanh chóng và căn bản bộ mặt của đất nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài trong nhiều năm đã được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Văn hóa có bước phát triển mới. Chính trị, xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, một chiến lược phát triển mới đã được hoạch định: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010. Mục tiêu của Chiến lược là: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cả dân tộc xốc tới. Bảy năm đầu thực hiện Chiến lược, kể từ năm 2001 đến năm 2007, GDP tăng trưởng với nhịp độ khá nhanh, năm sau cao hơn năm trước, nhất là hai năm sau Đại hội X, 2006 và 2007. Nhưng xu hướng đó đã bị ngăn trở bởi tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra trong các năm 2008 và 2009. Cuộc khủng hoảng đã làm lao đao nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí đến năm 2009, các nền kinh tế đó đều rơi vào tăng trưởng âm khá nặng. Nó được coi như cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào những năm 1929 - 1933 đã từng làm kiệt quệ thế giới tư bản chủ nghĩa thời đó. Nước ta, kể từ đầu thế kỷ mới đến nay, đã tham gia ngày càng sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do độ mở cao, cũng do sự yếu kém vốn có của nền kinh tế, nước ta đã không tránh khỏi những tác động xấu từ nhiều mặt của kinh tế thế giới. Đối phó với tình hình nguy hiểm ấy, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá tình hình một cách tỉnh táo, kịp thời đưa ra những quyết sách sáng tạo và linh hoạt. Chúng ta đã lựa chọn khá chính xác một nhóm mục tiêu phấn đấu hoàn toàn hiện thực: “Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý”. Năm 2009, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát, chúng ta đã chuyển sang ưu tiên duy trì tăng trưởng hợp lý.
Nhờ sự quyết đoán của lãnh đạo và quản lý, sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và của tất cả các ngành, các cấp, chúng ta đã giành được thắng lợi kép: thực hiện tốt đẹp cả hai mục tiêu này. Năm 2009, trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều tăng trưởng âm, dấu hiệu phục hồi chưa sáng tỏ, thì nước ta là một trong 12 nền kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng dương. Những tiền đề và triển vọng tốt đẹp cho bước phát triển tiếp theo được tạo lập.
Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ôn lại lịch sử một nghìn năm ấy, chúng ta rất đỗi tự hào về đất nước và dân tộc ta. Càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để xứng đáng với các thế hệ ông cha lớn lao bấy nhiêu.
Năm 2010 nhất định phải là năm phấn đấu quyết liệt để hoàn thành Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện bằng được những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, trong đó mục tiêu tổng hợp nhất là đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Chúng ta phải tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sẽ họp vào đầu năm 2011. Đại hội XI chắc chắn sẽ giương cao hơn nữa ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng, đưa ra quyết sách lớn để hiện thực hóa ước mong của toàn dân ta “đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Và cái đích xa hơn nữa là tiến lên để “thế kỷ XXI phải là thế kỷ đưa nước ta sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới”, như Đại hội lần thứ X của Đảng nêu lên, xứng đáng với “Nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xây nền văn hiến đã lâu”. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là thế đấy./.
Phát huy truyền thống, kiên định con đường đã chọn, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới  (12/02/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 195  (12/02/2010)
Công an nhân dân góp phần giữ vững những mùa xuân bình yên của Tổ quốc  (12/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên