Cần nhiều hơn việc bỏ thư mời, giấy mời

Đức Tâm
21:31, ngày 05-12-2016
TCCSĐT - Lâu nay, việc thực hành tiết kiệm ở các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội và các địa phương đang được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, biện pháp. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng, góp phần giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính, ông Võ Sỹ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin, sau hai tháng bỏ thư mời, giấy mời, chuyển sang gửi thư điện tử và nhắn tin SMS, Thành phố tiết kiệm được phí bưu chính 183.500.000 đồng, trong đó, chỉ riêng thư hoãn họp đã tiết kiệm gần 90.000.000 đồng. Đấy là chưa kể tới kinh phí mua giấy, mực in; thời gian ký, đóng dấu, ghi, đóng phong bì;… Nếu chi li tính toán thì mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiết kiệm được tiền tỷ từ việc làm nho nhỏ này. Và nếu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cùng thực hiện thì chắc chắn số tiền tiết kiệm được có thể sử dụng vào những việc lớn, hữu ích hơn rất nhiều.

Từ lâu, giấy mời, thư mời được xem là phương tiện hữu ích để tổ chức, cá nhân sử dụng, gửi thông báo, lời mời tới chủ thể trong thời gian nhất định. Trong điều kiện các cơ quan, đơn vị ở trung ương và chính quyền các địa phương đều được trang bị phương tiện công nghệ thông tin nối mạng internet; việc bỏ thư mời, giấy mời là cần thiết, tiết kiệm được chi phí ngân sách nhà nước, địa phương, để sử dụng vào các việc khác hữu ích hơn. Bởi chi phí sản xuất, chuyển giấy mời, thư mời vốn có giá trị thấp hơn so với những khoản chi kinh phí khác; thời gian đầu tư để soạn cũng ít hơn nên rất ít tổ chức, cơ quan, địa phương và cá nhân quyết định bỏ thực hiện như ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đến cùng, việc Thành phố Hồ Chí Minh bỏ giấy mời, thư mời truyền thống để sử dụng phương tiện công nghệ thông tin hiện đại nhằm chuyển thông tin tới chủ thể nhanh hơn chẳng qua là dám mạnh dạn từ bỏ một “thói quen” cố hữu lâu nay trong tổ chức, hướng tới mục tiêu tiết kiệm, làm việc nhanh, nhạy, hiệu quả và khoa học hơn. Đây được xem là việc làm hữu ích và đáng nhân rộng trong các cơ quan nhà nước, địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội.

Câu chuyện từ bỏ giấy mời, thư mời ở Thành phố Hồ Chí Minh là một biểu hiện thực tế của việc tiết kiệm. Việc nhỏ này lại gợi nhớ tới chuyện Bác Hồ không chịu dùng xe ô tô đẹp hơn, mới hơn mà chỉ dùng một chiếc xe Pobeda do nhân dân Liên Xô gửi tặng. Mặc dù xe cũ, hay hỏng vặt, vǎn phòng đề nghị Bác cho đổi xe khác tốt hơn, nhưng Bác vẫn không đồng ý. Bác nói: “Ai thích đi nhanh, thích êm thì đổi. Còn Bác thì không”. Thực tế là, do đức tính tiết kiệm, hết lòng vì mục tiêu “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ” nên Bác đã chọn cho mình phương tiện thân quen với Bác và cả người dân, thay vì phương tiện mới hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, với điều kiện kinh tế đất nước còn rất hạn hẹp, trong khi đó nhu cầu kinh phí để xây dựng, phát triển rất cao thì việc tiết kiệm trong cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị, xã hội từ trung ương tới địa phương vẫn là vấn đề lớn, được dư luận hết sức quan tâm. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, nhưng xem ra, việc vận động thực hiện vẫn chưa cho thấy nhiều kết quả cụ thể. Những con số bội chi ngân sách trong đầu tư công, nhất là trong xây dựng trụ sở, trong mua sắm vật tư, phương tiện, trang, thiết bị phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý điều hành hay trong cả những hoạt động có tính chất thời điểm, phục vụ sự kiện chính trị, văn hóa của Nhà nước và địa phương hằng năm thể hiện rõ điều này.

Có một thực tế hiện diện ngay trước mắt là, việc xây dựng trụ sở của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương ngày càng phát triển. Việc cơ quan phá trụ sở cũ chưa hết thời gian, công năng sử dụng, xây trụ sở mới diễn ra khá phổ biến. Nhưng đáng buồn là, sau khi đưa công trình vào sử dụng, một số cơ quan lại cho đơn vị khác thuê mặt bằng để kinh doanh. Và người ta gọi đó là để tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên cơ quan. Việc làm này vô tình trái với mục đích đầu tư dự án ban đầu.

Do chưa chủ động hay vì lý do nào khác mà một số cơ quan chưa công khai, minh bạch thông tin một cách đầy đủ, chuẩn xác về các việc đã và đang làm cũng như sẽ làm trong tương lai trên phương tiện thông tin đại chúng, nên dư luận hay đặt ra những nghi ngờ về các số liệu mà cơ quan chức năng cung cấp hoặc những vấn đề mà báo chí phát hiện, chỉ ra.

Từ việc làm của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ở trên, có thể thấy rằng, việc tiết kiệm chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi bắt đầu từ ý thức, suy nghĩ của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo, quản lý và được triển khai thực hiện dân chủ, đồng bộ, thông suốt, trên tinh thần đổi mới, năng động và trách nhiệm.

Dư luận hết sức mong chờ ở cơ quan chức năng trong làm tròn trách nhiệm là “công bộc của dân”. Thế nên, cần nhiều hơn nữa kết quả như việc bỏ giấy mời ở Thành phố mang tên Bác. Có thể khẳng định rằng, kết quả từ những việc làm thiết thực mới chính là “cam kết không lời”, nâng cao lòng tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương./.