TCCSĐT - Ngày 14-4-2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Công tác Lý luận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).

Vì sao PAPI là chỉ số quan trọng?

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là một công cụ giám sát chính sách phản ánh trải nghiệm của công dân, tập trung vào các chính quyền địa phương trong việc thực thi chức năng quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công. PAPI đo lường sáu chỉ số nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai - minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.

PAPI ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và bước đầu được ghi nhận là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI đã và đang tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công, với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Báo cáo PAPI 2014 là kết quả khảo sát năm thứ tư liên tiếp trên phạm vi toàn quốc của chương trình nghiên cứu PAPI, dựa trên trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Tính từ năm đầu triển khai thí điểm (năm 2009) tới nay, đã có gần 61.000 lượt người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp để chia sẻ trải nghiệm cũng như những đánh giá của mình về hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh/thành phố đến thôn/tổ dân phố. Chỉ số PAPI được xây dựng phù hợp với giai đoạn Việt Nam chuyển đổi trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình. Chỉ số PAPI còn nhằm tạo ra nguồn dữ liệu phong phú, giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiệu quả trong quản trị và hành chính công trên thực tế. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số PAPI được thực hiện thường niên. Đánh giá giữa kỳ PAPI năm 2014 nhận định: “Chỉ số PAPI đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về quản trị tốt và cải cách hành chính ở Việt Nam. Với cách tiếp cận “lấy người dân là trung tâm”, chỉ số PAPI tạo điều kiện để người dân phản ánh với chính quyền và các đơn vị cung ứng dịch vụ công”.

Báo cáo PAPI 2014 và những phát hiện nghiên cứu PAPI như một tấm gương phản chiếu mức độ hiệu quả của các cấp chính quyền trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công thông qua trải nghiệm của người dân. Mục đích chính của chỉ số PAPI là cung cấp dẫn chứng để các cấp chính quyền sử dụng và tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện những vấn đề thực thi chính sách chưa hiệu quả trên thực tế, đồng thời bảo đảm chất lượng công tác quản trị và dịch vụ công cho mọi người dân Việt Nam, từ đó có thể cải thiện hình ảnh của chính quyền địa phương trong đánh giá của người dân.

Càng ngày số tỉnh/thành phố xem chỉ số PAPI là công cụ theo dõi và giám sát thực thi chính sách ở cấp địa phương ngày càng tăng lên. Cho đến nay, ít nhất có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành hoặc kế hoạch hành động nhằm tìm ra các giải pháp cải thiện những điểm còn yếu kém do người dân phản ánh qua chỉ số PAPI. Bên cạnh đó, hơn nửa số tỉnh/thành phố trên toàn quốc đã chủ trì tổ chức các cuộc trao đổi, chia sẻ kết quả chỉ số PAPI để tìm hiểu sâu hơn về đánh giá của người dân, về hiệu quả quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công ở địa phương.

Ở cấp quốc gia, dữ liệu PAPI cũng được Thanh tra Chính phủ sử dụng trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sử dụng trong Báo cáo thẩm tra. Thông tin, dữ liệu PAPI năm 2014 sẽ mang lại giá trị đối với một số sửa đổi chính sách trong thời gian tới, chẳng hạn như việc rà soát thực hiện Chương trình tổng thể về Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 và rà soát 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Một số nội dung đáng quan tâm của PAPI 2014

Thứ nhất, ở cấp quốc gia, trong số sáu chỉ số nội dung của PAPI, nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” có mức sụt giảm về điểm đáng kể nhất. Đây là năm thứ ba liên tiếp điểm số ở lĩnh vực này suy giảm, một chỉ báo cho thấy người dân ít tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở.

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất là những địa phương ở khu vực phía Bắc và miền Trung. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thuộc nhóm điểm cao này.

Thứ hai, người dân vẫn đánh giá tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, 27% số người trả lời cho rằng tham nhũng tăng nhẹ, tỷ lệ này tăng hơn so với số người được hỏi của cùng kỳ này năm trước (năm 2013 là 25%). Có tới hơn 30% số phụ huynh có con em đang học tiểu học công lập cho biết, họ vẫn phải “bồi dưỡng” thêm cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn.

Theo Báo cáo, vấn đề đáng lo ngại không kém đó là sự tồn tại dai dẳng của “chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Theo Báo cáo, gần 50% số người được hỏi đồng tình với nhận định rằng cần phải “lót tay” khi xin việc làm tại khu vực công. Vì vậy, nếu hạn chế được tình trạng “quen, thân” trong tuyển dụng nhân lực vào các cơ quan công quyền, đơn vị sự nghiệp công, Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng của hệ thống công vụ.

So với năm 2011, mức độ cải thiện hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh có dấu hiệu chậm lại.

Thứ ba, chỉ số PAPI cho thấy, các yếu tố tác động mạnh tới mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công là “kỹ năng mềm” (như tinh thần vì dân phục vụ, thái độ tôn trọng và kỹ năng giao tiếp) và năng lực thực thi nhiệm vụ chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức. Có quy trình tuyển dụng mở, minh bạch và mô tả vị trí việc làm cụ thể, cùng với việc lựa chọn dựa vào năng lực thực sự và các tiêu chí lên ngạch, bậc cụ thể sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Thứ tư, tỷ lệ hộ gia đình thuộc diện có đất thu hồi giảm so với những năm khảo sát trước đây. Điều đáng khích lệ là phần lớn những người trả lời đến từ những hộ bị thu hồi đất năm 2014 hoặc một năm trước đó đã nhận được bồi thường bằng tiền mặt. Song, vẫn còn 1/5 số hộ thuộc diện thu hồi đất chưa nhận được bồi thường. Bên cạnh đó, có khoảng 30% số người đến từ hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất cho biết, số tiền đền bù sát với giá thị trường.

Thứ năm, trong nội dung “Công khai, minh bạch”, có tới 30 tỉnh/thành trên toàn quốc có mức gia tăng trên 5% so với điểm số đạt được trong năm 2011. Trong nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, trong 8 vùng địa lý, vùng Tây Bắc và Đông Nam Bộ có mức độ đồng đều giữa các địa phương về tính hiệu quả trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân.

Ở nội dung “Thủ tục hành chính công”, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công hầu như không thay đổi qua các năm. Trong số 4 nhóm dịch vụ hành chính công được PAPI đo lường, dịch vụ chứng thực, xác nhận được người dân đánh giá cao nhất.

Thứ sáu, không có tỉnh/thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung, tuy nhiên có một số địa phương thuộc về nhóm này trong 4 và 5 lĩnh vực. Quảng Bình là tỉnh có trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 5 chỉ số nội dung; Quảng Trị, Vĩnh Long, Nam Định, Long An, Bình Định và Quảng Ngãi có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 4 chỉ số nội dung.

Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo PAPI 2014, Tiến sỹ P. Mê-ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Thông qua việc cung cấp bằng chứng về trải nghiệm của công dân, PAPI và các dữ liệu mà khảo sát thu thập được giống như chiếc gương phản chiếu hiệu quả của chính quyền địa phương. Mục đích cao nhất của việc công bố chỉ số PAPI là cung cấp dẫn chứng để các cấp chính quyền sử dụng và tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện những vấn đề thực thi chính sách chưa được hiệu quả trên thực tế, đồng thời bảo đảm chất lượng công tác quản trị và dịch vụ công cho mọi người dân Việt Nam, từ đó cải thiện chính hình ảnh của chính quyền địa phương trong tấm gương phản chiếu đó”.

Tại Hội nghị nhóm chuyên gia tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) gần đây, chỉ số PAPI được coi là công cụ hữu hiệu giúp tạo ra hiểu biết chung về trải nghiệm của người dân và là ví dụ hay về cách thức sử dụng dữ liệu đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho quy trình xây dựng chính sách. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang là mô hình điểm về việc ghi nhận, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của người dân trong quá trình hoạch định chính sách./.