Nghỉ cho khỏe!

Khánh An
16:30, ngày 05-02-2013
TCCSĐT - Một nguồn lực có chất lượng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo, quản lý đang “có sẵn” ở các vùng nông thôn nước ta chưa được huy động một cách hiệu quả.

Một lần về thăm quê, gặp người anh họ, một đại tá quân đội về hưu, trong câu chuyện về quê hương, gia đình thân mật, tôi hỏi anh:

Ở quê ta có một số cán bộ, đảng viên công tác thoát ly nay về hưu, còn sức khỏe, có trình độ, năng lực nhưng không thấy được sử dụng trong việc xã, việc thôn... vì sao thế hả anh?

Câu hỏi của tôi hình như “gãi” trúng “chỗ ngứa” (nói đúng hơn là điều trăn trở), nên anh nhiệt tình giãi bày:

Vấn đề chú hỏi là một thực tế, rất đáng quan tâm, nhất là hiện nay, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đang được triển khai, đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực về vật chất, tinh thần, trí tuệ. Làm sao có thể khơi gợi, tận dụng, phát huy được mọi nguồn lực cho việc này. Bởi vì, phần lớn những người đi công tác thoát ly ở nhiều miền đất nước, nhiều ngành nghề khác nhau, đã từng tích lũy được những kinh nghiệm, tri thức có thể có ích cho quê hương khi về hưu. Đó là vấn đề mà cơ quan lãnh đạo, những người có trách nhiệm ở địa phương nói riêng, các cấp lãnh đạo, cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách ở cấp trên nên suy nghĩ tới và có giải pháp đúng đắn.

Cán bộ, đảng viên khi về hưu nói chung, ở nông thôn nói riêng không được sử dụng, hoặc không phát huy, cống hiến, đóng góp cho địa phương, theo anh, có ba nguyên nhân chính: một là do chủ quan người về hưu; hai là do hoàn cảnh, môi trường ở địa phương; ba là do cơ chế, chính sách. Anh tạm phân loại, nêu mấy trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất - người về hưu còn sức khỏe, có trình độ:

Nhiều người muốn tiếp tục tham gia công tác, làm cán bộ (chính quyền, hoặc đoàn thể địa phương) với động cơ trong sáng là muốn tiếp tục cống hiến, đóng góp tài đức xây dựng địa phương; cũng có người với động cơ được làm cán bộ, có chút chức quyền “ăn nói” ở địa phương, có thêm thu nhập qua phụ cấp trách nhiệm, cộng với lương hưu để cải thiện đời sống. Những người này có năng lực, có phương pháp và tác phong quần chúng tốt, được tín nhiệm trước cán bộ và nhân dân thôn, xã nên đã được trọng dụng, được phát huy và cũng thực hiện được mong muốn của mình.

Điển hình ở xã ta là ông A ở thôn B, một trung tá quân đội về hưu, làm cán bộ thôn rồi xã (Đảng ủy viên ) mấy khóa liền, hiện nay ngoài 70 tuổi rồi vẫn được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội người cao tuổi xã. Thôn ta có ông K cũng thuộc loại này, đại úy quân đội về hưu, làm cán bộ thôn mấy khóa, rồi lên làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nay mới nghỉ hẳn.

Cũng có những người trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám nói, dám làm, nhưng phương pháp chưa phù hợp với hoàn cảnh địa phương nên không được sử dụng. Ở địa phương, nhất là nông thôn, trình độ chính trị của cán bộ, đảng viên nói chung còn nhiều hạn chế, tư tưởng cục bộ, địa phương (làng, xã) và “chi nọ, họ kia” vẫn còn nặng nề. Anh nào tài đức mấy, nhưng khác họ, khác làng là rất dễ bị “tung hê”.

Cũng có những người còn trẻ, còn sức khỏe, có trình độ, muốn làm cán bộ địa phương nhưng động cơ cá nhân (ham chức quyền, danh vọng, kiếm chác,…) tìm mọi cách, kể cả tỏ ra rất hăng hái phấn đấu, có làm cán bộ thôn, xã thật, nhưng vì động cơ không đúng, trước sau cũng bị “lộ”, sa ngã và tự đào thải. Xã, làng ta có vài trường hợp, chú biết mà!!!... anh nói.

Còn có những người không muốn tham gia, không thích làm “cán bộ” vì phải phấn đấu, cống hiến nhiều mà thu nhập chẳng là bao, bản thân lại có khả năng hoặc thích làm kinh tế (doanh nghiệp, trang trại, buôn bán ...). Những người này cũng rất đáng trân trọng nếu họ làm kinh tế giỏi và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân vì đó cũng là những đóng góp tốt cho địa phương. Không nhất thiết cứ phải làm cán bộ mới là cống hiến!

Thế còn trường hợp thứ hai thế nào hả anh? - Tôi hỏi tiếp.

Trường hợp thứ hai - người về hưu có trình độ, đạo đức tư cách tốt, nhưng tuổi cao thì một số “an phận thủ thường”, cho rằng mình đã phấn đấu gần hết đời rồi, Nhà nước cho nghỉ, mình phải được nghỉ theo đúng nghĩa của “chữ nghỉ”, tức giữ gìn sức khỏe, chăm lo con cháu, gia đình, hoàn thành nghĩa vụ của ngươì công dân là được. Họ cũng rất đáng trân trọng! Nhiều người không “an phận thủ thường”, vẫn quan tâm, suy nghĩ, lo lắng đến “quốc gia đại sự”, có ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương bằng khả năng, điều kiện và hoàn cảnh của mình, chia sẻ ý tưởng, hiến kế cho sự phát triển địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, không nhận làm bất cứ “cán bộ” gì ở địa phương, có ý “nhường’ việc này cho lớp trẻ. Đây là trường hợp khá phổ biến, cũng rất đáng kính trọng, thường họ là những người có tâm, có tầm, biết mình, biết người. Họ cho rằng không phải cứ “ông nọ bà kia”, cán bộ, quan chức mới là đóng góp, mới được coi trọng.

Thế còn anh thì sao, anh thì “rơi” vào trường hợp nào? tôi hỏi anh, anh còn sức khỏe, có trình độ, kinh nghiệm và mong muốn cống hiến nhưng sao vẫn đứng “ngoài cuộc”?

Sau một thoáng trầm ngâm, anh giãi bày: Cũng còn nhiều cái “khó” chú ạ. Lúc đầu anh cũng hăng hái phát biểu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng trong cuộc họp chi bộ và nhận được những phản hồi rất nhã nhặn, đại loại như: Thôi, bác đã cống hiến cả đời, giờ được Đảng và Nhà nước cho nghỉ ngơi, bác cứ “nghỉ cho khỏe”, chúng em không dám “phiền”. Anh tưởng thật, tiếp tục đề đạt thì nhận được những lời hứa đại loại như để chúng em nghiên cứu, sắp xếp,… Từ bấy đến giờ cũng đã mấy năm! Hóa ra, mọi chuyện không hề đơn giản!

Tôi hỏi thêm anh: Vậy, làm thế nào để “gỡ rối?

Anh đáp: Giải pháp gì cũng phải từ nhiều phía chú ạ, từ chính những người về hưu cũng như tổ chức, chính quyền.

Qua lời tâm sự của người anh, tôi cũng hiểu thêm được một phần của thực trạng ở nông thôn hiện nay, cũng như hiểu anh hơn - một người về hưu, mặc dù chưa tham gia đảm nhiệm công việc, chức vụ cụ thể nhưng cái “tâm” vẫn không bao giờ chịu ngưng nghỉ, ngày đêm suy nghĩ, trăn trở đối với công việc quê hương./.