Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

GS, TS, Phạm Ngọc Quý, Trường Đại học Thủy lợi PGS, TS, Nguyễn Quốc Luật, Trường Đại học Thủy lợi
21:13, ngày 25-05-2012
TCCSĐT - Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Sự biến đổi này sẽ tác động nghiêm trọng đến  đời sống, sản xuất và môi trường trên phạm vi toàn thế giới.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được dự báo là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế trong những năm qua nhiều hiện tượng thay đổi bất thường khí hậu ở Việt Nam đã được ghi nhận, như nhiệt độ tăng, lượng mưa tăng và thất thường, mực nước biển dâng, các đợt không khí lạnh thất thường, số lượng bão có cường độ mạnh tăng. Dự báo xu hướng biến đổi khí hậu ở Việt Nam là: nhiệt độ trung bình tăng thêm 3oC vào năm 2100, lượng mưa có xu hướng biến đổi không đều giữa các vùng, có thể tăng từ 0% đến 10% vào mùa mưa và giảm từ 0% đến 5% vào mùa khô. Mực nước biển trung bình trên toàn dải bờ biển có thể dâng lên 35 cm vào năm 2050, 50 cm vào năm 2070 và 1m vào năm 2100.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia “Ứng phó với biến đổi khí hậu”. Để có giải pháp thích ứng và hiệu quả trong sự ứng phó này, cần nghiên cứu, chỉ rõ những tác động chủ yếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống.

Tác động lớn và rõ rệt nhất là nhiệt độ tăng làm nước biển dâng. Một phần đáng kể diện tích đất trồng trọt vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng sẽ bị ngập.

 Theo ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc quốc gia về tổ chức hành động viện trợ Việt Nam Action Aid, sản lượng nông nghiệp có thể giảm khoảng 15%-20% vào năm 2020 nếu tình hình không được cải thiện. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED), sản lượng đó có thể còn giảm khoảng 30% - 50% nếu mực nước dâng lên 3 m - 4 m nữa.
Theo tính toán, nếu nước biển dâng lên 1m thì 4.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hằng năm, trong đó 90% thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập hoàn toàn. Đến năm 2100, nơi tập trung dân cư và đô thị sẽ bị thu hẹp nếu không có hệ thống đê bảo đảm. Mặt khác, nước dâng trong bão sẽ cao hơn, uy hiếp mạnh hơn các công trình xây dựng trên vùng ven biển và đất thấp. Lúc ấy, Việt Nam có thể bị mất ít nhất 12,5% diện tích cư trú của gần 25% dân số và thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng trăm tỉ USD. Biến đổi khí hậu làm ranh giới của cây trồng nhiệt đới phải dịch chuyển về phía vùng núi cao hơn và các vĩ độ phía Bắc. Mặt khác, phạm vi thích nghi của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp. Vào những năm 2070, cây nhiệt đới ở vùng núi có thể sinh trưởng ở độ cao hơn 100 m -550 m và tiến xa hơn 200 km về phía Bắc so với hiện nay. Dao động thất thường về cường độ mưa, ngập úng và hạn hán đối với cây trồng cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Biến đổi khí hậu còn dẫn đến sự thay đổi tính chất của bão. Mùa bão có xu hướng chậm hơn, xảy ra nhiều hơn trên các vĩ độ thấp, cường độ bão mạnh hơn và đường đi của bão thất thường hơn. Sự thay đổi trong tính chất của bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành năng lượng, trước hết, đến hệ thống giàn khoan ngoài khơi, hệ thống vận chuyển dầu và khí vào bờ, hệ thống truyền tải và phân phối điện. Hàng trăm cột điện cao thế và hàng ngàn cột điện hạ thế sẽ bị đe dọa. Lượng mưa cũng ngày càng tăng lên (khoảng 12% -19%), lưu lượng đỉnh lũ tăng lên đáng kể và chu kỳ tái diễn cũng giảm đi. Với đỉnh lũ trước đây tương ứng chu kỳ tái diễn 100 năm thì nay còn 20 năm, thậm chí còn 5 năm tức là tần suất xuất hiện lũ sẽ lớn hơn.

Cường độ mưa quá lớn cũng ảnh hướng đến điều tiết hồ chứa, gây lũ lụt và đe dọa an toàn các vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Mưa nhiều trong bão càng gây thêm ngập úng. Mưa nhiều có thể dẫn đến lũ quét, sạt lở đất, phá hủy các công trình đập và hệ thống thủy điện lớn, nhỏ. Lũ lụt cũng là nguyên nhân tiềm tàng phá hủy kết cấu hạ tầng và hệ thống phân phối  năng lượng.

Nước biển dâng có thể còn làm cho hàng loạt khu rừng ngập mặn bị chìm hẳn và có tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở các tỉnh Nam Bộ. Sự phân bố ranh giới các kiểu rừng nguyên sinh, cũng như rừng thứ sinh có thể chuyển dịch. Chẳng hạn, rừng cây gỗ họ dầu sẽ mở rộng lên phía Bắc và lên các vùng đất cao hơn. Rừng rụng lá với nhiều cây chịu hạn sẽ phát triển mạnh do độ ẩm đất giảm và bốc thoát hơi tăng. Do độ bốc hơi tăng nên độ ẩm đất càng giảm, kết quả là chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng có thể giảm đi. Nguy cơ diệt chủng của thực vật gia tăng, một số loài cây, như trầm hương, hoàng đàn, pơ - mu, gỗ đỏ, lát hoa, gụ,… sẽ có thể bị suy kiệt. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, sâu bệnh, dịch bệnh phát triển, phá hoại cây rừng. Hiện tượng hội tụ và xói lở trên nhiều khu vực bờ biển sẽ gia tăng và cường độ sóng mạnh lên cũng tác động đến các khu rừng ngập mặn.

Mực nước biển dâng làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi. Kết quả là các quần thể sinh vật hiện hữu thay đổi cấu trúc và thành phần, trữ lượng bổ sung giảm sút nghiêm trọng. Dự báo trữ lượng các loài hải sản kinh tế sẽ giảm sút ít nhất 1/3 so với hiện nay.

Nhiệt độ tăng làm cho nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá nhiệt đới (vốn kém giá trị kinh tế, trừ cá ngừ) tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới (có giá trị kinh tế cao) giảm đi hoặc mất hẳn. Cá ở các rạn san hô đa phần bị hủy diệt.

Các loại thực vật nổi, mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn cho động vật nổi bị hủy diệt hoặc giảm mạnh, làm động vật nổi càng kiệt quệ, do đó làm giảm nguồn thức ăn chủ yếu của các động vật tầng giữa và tầng trên dẫn đến hậu quả là cá di cư đến vùng biển khác (di cư thụ động) và giảm trọng lượng thân của cá. Mối liên hệ hữu cơ trong quần thể sinh vật bị phá vỡ, đặc biệt đối với vùng biển nông hoặc vùng ven bờ.

Khí hậu nóng lên cũng làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Thời tiết cực đoan làm gia tăng một số bất trắc đối với người già, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh thần kinh. Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vốn được coi là thịnh hành ở vùng nhiệt đới ẩm càng dễ lây lan, như bệnh sốt rét, bệnh giun chỉ bạch huyết, viêm não Nhật Bản,… Nhiệt độ tăng cũng dẫn đến tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng vật chủ mang bệnh. Các loại bệnh nhiễm khuẩn dễ mắc phải, như các bệnh thuộc đường tiêu hóa, hô hấp, hay các bệnh do vi - rút có xu thế tăng cao cả về số lượng người nhiễm, cũng như tử vong.

Làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và hiểu biết đúng đắn về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó gây ra trong cộng đồng, để mọi người có ý thức chú trọng thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro tới các hoạt động sản xuất, đời sống và tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Đối với cán bộ chuyên môn và cán bộ lãnh đạo càng cần được tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực về vấn đề này, hiểu biết hơn về các giải pháp thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, xa hơn nữa, hoạch định được những chính sách, quy hoạch kinh tế, xã hội hợp lý. Đây là giải pháp cần ưu tiên nhất, vì để ứng phó với biến đổi khí hậu thì chủ yếu và trước hết là tăng cường khơi mạnh việc chống chịu và phục hồi của người dân ở các vùng, các ngành bằng cách tạo ra các cơ hội kinh tế, bảo vệ tính mạng và tài sản của họ, thường gọi là các biện pháp “mềm”. Các biện pháp “mềm” này nhằm lập ra những sáng kiến thay đổi hành vi, tăng cường công tác chuẩn bị trước thiên tai, lũ lụt, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, động viên nhau tích cực tham gia các giải pháp “cứng”, như xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng, điều tra, nghiên cứu, quy hoạch xây dựng dài hạn.

Theo UNDP, Việt Nam cần cân nhắc đến rủi ro khi mặt nước biển dâng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu về bão, lượng mưa, hạn hán và nhiệt độ có thể còn nghiêm trọng tồi tệ hơn cả mức dự báo ở trường hợp nghiêm trọng nhất. Do vậy, cần áp dụng nguyên tắc phòng ngừa trong quy hoạch và tầm nhìn dài hạn.

Thứ hai, việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, gắn với xóa đói, giảm nghèo. Các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện việc đánh giá mức độ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam đối với các lĩnh vực, các ngành, các địa phương trong từng giai đoạn, đưa ra những biện pháp giải quyết những vấn đề này trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương.

Thứ ba, xây dựng quy hoạch tổng thể cho sự khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, bởi vì đất nông nghiệp bị chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi thời tiết, khí hậu. Quy hoạch đất theo hướng xây dựng thành những khu vực bảo hộ nông nghiệp, tức là vùng có cơ sở vật chất hoàn chỉnh, tránh ngập lụt và xâm nhập mặn khi nước biển dâng cao, bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 4 triệu héc-ta đất trồng lúa, 3,2 triệu héc-ta cây lâu năm và cây trồng khác có đủ nước tưới. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, thay đổi, lựa chọn mùa vụ và thời điểm gieo hạt theo điều kiện của thời tiết. Sử dụng nhiều hơn các giống cây trồng khác nhau thích hợp với những khu vực thiếu nước, nhất là các giống cây trồng có khả năng chống chịu với các loại bệnh, cũng như sử dụng các loại cây trồng có khả năng sống được ở những vùng nhiễm mặn.

Bảo đảm đến năm 2020 có diện tích 2 triệu héc-ta cho nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là trên 700 ngàn héc-ta và nước mặn, nước lợ là 1,2 triệu héc-ta. Tiếp tục nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh có hiệu quả. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Đối với rừng, cần tích cực bảo vệ và tăng diện tích trồng ở vùng đầu nguồn, vùng cần phòng hộ đê điều để chống và giảm lũ. Quy hoạch quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn để bảo vệ đê, chống xói lở bờ biển, tăng cường quá trình lắng đọng phù sa ven bờ. Chú ý mở rộng diện tích trồng mới và thử nghiệm thay thế giống cây mới chịu mặn, chịu ngập lâu trong nước, như sú, vẹt, đước, mắm.

Thứ tư, việc nâng cấp kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết và mang lại hiệu quả tốt nhất đáp ứng phòng chống, giảm thiểu tổn thất do thiên tai bão, lũ và nước biển dâng gây ra, do đó cần hình thành các vùng an toàn lũ. Nâng cấp, củng cố hệ thống đê biển, đê cửa sông bảo đảm chống được nước triều tần suất 5%, ứng phó được với gió bão cấp 10 - cấp 12; bảo đảm an toàn công trình hồ chứa, đê, kè, cống, bảo vệ ổn định bờ sông, bờ biển. Nâng cấp đường giao thông để tránh úng ngập, bảo đảm giao thông thuận tiện ngay cả trong điều kiện bị ngập lụt do vỡ đê. Sử dụng các đường giao thông như là các đê phụ, phòng khi có vỡ đê, ngập lụt sẽ không xảy ra trên diện rộng. Nâng cấp các công trình tiêu thoát nước tại các khu vực có nguy cơ úng ngập cao để bảo đảm thoát nước nhanh sau mưa, phòng tránh úng ngập, nâng cốt nền nhà và các công trình công cộng tại các khu vực có nguy cơ úng ngập cao để tránh nước ngập lụt tràn vào nhà. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng nâng cấp một số công trình công cộng như trường học, trụ sở ủy ban để có thể sử dụng làm nơi sơ tán dân và xây dựng các phương án sơ tán dân, phòng tránh khi bị vỡ đê, có bão lụt xảy ra. Việc di dời dân ra khỏi các vùng dự báo bị ảnh hưởng bão lũ, sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển đe dọa sinh mạng người dân, không quy hoạch khu định cư gần bờ biển, cửa sông cũng đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay phải giải quyết cấp bách.

Thứ năm, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Bộ Tài nguyên Môi trường dự tính cần tới 2.400 tỉ đồng cho chương trình ứng phó này từ nay cho tới năm 2015. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của mình, Việt Nam cần được sự viện trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, bởi lẽ, những nỗ lực ứng phó của Việt Nam không chỉ là động thái tích cực nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất, đời sống, môi trường trong nước, mà còn là sự đóng góp của Việt Nam vào công cuộc bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, mặc dù nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) dưới dạng tiền viện trợ và các khoản tiền vay đang giảm đi, nhưng nguồn ODA chi cho ứng phó biến đổi khí hậu bắt đầu tăng lên. Nguồn này dành cho Việt Nam trong tương lai, vì thế có thể tập trung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. UNDP cũng đã cam kết cấp một khoản ODA trị giá 4,6 triệu USD nhằm tăng năng lực cho ứng phó biến đổi khí hậu và kiểm soát khí nhà kính ở Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2012. Vừa qua Chính phủ Đan Mạch còn cam kết trợ giúp cho Việt Nam 40 triệu USD nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trước đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng đã cho Việt Nam vay khoản tín dụng 100 triệu ơ-rô để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, điều quan trọng về phíaViệt Nam là cần có đủ năng lực để nhận được các nguồn tài trợ này. Việt Nam phải coi chương trình mục tiêu quốc gia là cơ sở để đề nghị quốc tế hỗ trợ, đồng thời tập trung nỗ lực để nắm được các phương án chọn tài trợ và hợp tác tốt nhất giữa các bộ, ngành và các địa phương, chỉ có như vậy chúng ta mới tranh thủ được tối đa sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu./.