Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam
TCCS - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Vài nét về kinh tế tuần hoàn
Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) (circular economy - CE) ra đời từ những năm 1990, trong bối cảnh xã hội hiện đại phát triển, tiêu dùng tăng cao gây ra nhiều nhân tố tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, cũng như mang đến nhiều mối nguy hại cho môi trường và sự phát triển bền vững. Cho đến nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về KTTH.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: Nền KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm mất khả năng tái sử dụng và quay trở lại sinh quyển thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình kinh doanh (1).
Quỹ Ellen Mac Arthur định nghĩa nền KTTH là: Nền kinh tế vượt qua mô hình công nghiệp khai thác tận thu hiện nay, tập trung vào các lợi ích tích cực cho toàn xã hội. Nó kéo theo hoạt động kinh tế dần tách rời khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn và hạn chế chất thải phát sinh, đồng thời chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo (2).
Như vậy, KTTH là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.
Nền KTTH hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản, liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. Có 3 nguyên tắc của KTTH: Một là, bảo toàn và cải thiện nguồn lực tự nhiên bằng việc kiểm soát nguồn lực có hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo; hai là, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách tái chế sản phẩm, các thành phần của sản phẩm và nguyên liệu ở mức cao nhất ở mọi lúc trong cả vòng đời kỹ thuật và sinh học; ba là, thúc đẩy tính hiệu quả của hệ thống bằng cách phát hiện ra lỗ hổng và loại trừ những tác động tiêu cực từ bên ngoài (3).
Trong những năm qua, KTTH được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nền KTTH được coi là một hệ thống kinh tế bền vững, thể hiện trong một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, mục đích quan trọng của nền KTTH là tối ưu hóa sử dụng tài nguyên bằng cách luân chuyển các sản phẩm, thành phần và vật liệu được sử dụng ở mức hữu ích cao nhất trong cả chu kỳ kỹ thuật và sinh học, thông qua việc sản phẩm hoặc nguyên liệu trong KTTH sẽ liên tục được bảo trì, tái sử dụng, tái chế nhằm hướng tới việc không còn khai thác tài nguyên hay tạo ra chất thải. Điều này đã trở thành một trong những thành phần chính của kế hoạch giảm phát thải các-bon tại không ít quốc gia. Kinh tế tuần hoàn cũng hướng tới việc tăng trưởng kinh tế được tách rời khỏi việc sử dụng tài nguyên thông qua cắt giảm và tuần hoàn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Thứ hai, lợi ích mà KTTH mang lại trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường đều hướng đến phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và nhiều việc làm hơn. Thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các doanh nghiệp có cơ hội sản xuất với chi phí thấp bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có nhiều chức năng sử dụng. Khi so sánh với việc khai thác nguyên liệu thô phổ biến theo phương pháp tuyến tính, mô hình KTTH có khả năng tiết kiệm nguyên liệu lớn hơn. Trong khi nhu cầu về nguyên liệu sẽ tăng lên do dân số thế giới cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng lên, các hoạt động trong KTTH sử dụng ít nguyên liệu thô hơn bởi tập trung vào việc kéo dài chu kỳ của nguyên liệu.
Sự phát triển của KTTH có thể mang lại nhiều việc làm hơn ở các địa phương trong các công việc có trình độ sơ cấp và bán kỹ năng. Một nghiên cứu vào tháng 8-2018 về thực hiện nền KTTH cho rằng, 50.000 việc làm mới có thể được tạo ra ở Anh và 54.000 ở Hà Lan (4).
Đối với các doanh nghiệp, mô hình KTTH giúp các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi từ nguồn cung nguyên liệu, giảm nguyên liệu thô, tăng nguyên liệu tái chế, từ đó tạo ra lợi nhuận mới. Kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra nhu cầu về các dịch vụ mới để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Các dịch vụ mới có thể phát sinh là các dịch vụ hậu cần thu gom và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, dịch vụ tiếp thị và dịch vụ bán hàng nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, tái sản xuất các bộ phận và linh kiện, dịch vụ làm mới sản phẩm...
Lợi ích về môi trường của KTTH là làm giảm phát thải khí nhà kính, tác động tích cực đến các hệ sinh thái và chống lại việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, tăng tính bền vững và hiệu quả của việc sử dụng đất trong nông nghiệp. Nền KTTH sử dụng nguyên liệu thô, tối ưu hóa năng suất nông nghiệp và giảm các tác động ngoại ứng tiêu cực do mô hình tuyến tính mang lại, tránh được ô nhiễm lớn hơn do việc sản xuất các vật liệu mới gây ra.
Thứ ba, việc chuyển đổi sang KTTH là quá trình đáp ứng các yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là quá trình điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính, tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng. Phát triển KTTH có thể giảm một nửa lượng khí thải các-bon đi-ô-xít từ công nghiệp vào năm 2030, so với mức năm 2018. Mô hình KTTH trong nông nghiệp của châu Âu có khả năng giảm 80% việc sử dụng phân bón nhân tạo và do đó, góp phần vào sự cân bằng tự nhiên của đất (5). Suy thoái đất gây thiệt hại ước tính khoảng 40 tỷ USD hằng năm trên toàn thế giới và có những chi phí tiềm ẩn như ngoài việc phải sử dụng phân bón là sự mất đa dạng sinh học và mất cảnh quan độc đáo.
Thứ tư, KTTH có mối liên hệ với nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã được các quốc gia thông qua vào năm 2015, bao gồm các mục tiêu, như không đói nghèo, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, các thành phố và cộng đồng bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa, tăng trưởng bao trùm và bền vững…
Những thuận lợi và thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn gắn liền với các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Việc phát triển KTTH ở Việt Nam có những thuận lợi sau:
Thứ nhất, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTH hướng đến phát triển bền vững đã được khẳng định. Đó là việc Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính tới nền KTTH, với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên sự ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới về chính sách, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về KTTH (6). Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” (7), “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn” (8).
Nhiều chính sách của Nhà nước ban hành nhằm hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững, như Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó chú trọng hỗ trợ áp dụng công nghệ sạch, ít tiêu hao nguyên liệu. Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền KTTH. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030”. Ngoài ra, còn có một số luật và chính sách liên quan, như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020…
Năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo WEF, Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Cũng trong năm 2018, Việt Nam lọt vào TOP 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ đứng sau Thái Lan trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) (9).
Thứ hai, KTTH đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là cơ hội lớn nhằm tìm tòi, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ làm giảm áp lực của việc thiếu hụt tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa. Điều này góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu và thu hồi gần như triệt để các chất gây hiệu ứng nhà kính, không phát thải ra môi trường. Do vậy, phát triển KTTH sẽ nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Dưới góc độ doanh nghiệp, nền KTTH còn mang lại cách nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên (10). Nền KTTH là một phương thức kinh doanh khác biệt rõ rệt, buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại các khâu trong sản xuất, kinh doanh, từ thiết kế và sản xuất sản phẩm đến mối quan hệ với khách hàng. Ưu việt của KTTH là vừa giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa hướng đến nền kinh tế phi phát thải và bảo vệ môi trường, từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tới môi trường.
Thứ ba, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với KTTH trong khu vực tư nhân được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Có thể kể đến mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) (11).
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năng động trong việc thúc đẩy KTTH tại Việt Nam thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm, với quy trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến và được kiểm soát minh bạch. Công ty Nestlé sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại và sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Nestlé cũng có kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025 (12).
Heineken Việt Nam có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4/6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu không phát thải các-bon. Unilever Việt Nam triển khai chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn…(13). Tháng 6-2019, 9 doanh nghiệp tiên phong sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) (14).
Trong ngành dệt may, những phần vải vụn được doanh nghiệp đưa vào tái chế thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này được gắn nhãn sản phẩm CE. Các bộ phận, như bã, vỏ hạt cà-phê được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống cà-phê đạt tiêu chuẩn và cũng được dán nhãn sản phẩm CE.
Trong ngành xây dựng, với các biện pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, không nung… giúp có thể đánh giá vòng đời của các tòa nhà và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho vật liệu xây dựng, thúc đẩy đổi mới về sử dụng tài nguyên và giải quyết hiệu quả các vấn đề thâm dụng vật liệu.
Bên cạnh những cơ hội nêu trên, thực hiện KTTH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình KTTH là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải. Kinh tế tuần hoàn là mô hình khép kín khi sử dụng chất thải của chu kỳ này cho đầu vào của chu kỳ mới. Ở Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với các nước đã và đang thực hiện mô hình KTTH. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lon cả nước hiện đang chiếm khoảng 8% - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng rác thải nhựa không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni-lon thải bỏ ra môi trường xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm (15). Tỷ lệ rác thải cao gây khó khăn trong việc quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác.
Hai là, hệ thống kinh tế hiện tại ở Việt Nam đang hướng tới nhu cầu của nền kinh tế tuyến tính. Các doanh nghiệp khi đưa ra các quyết định kinh tế đều ưu tiên xem xét đến các tín hiệu thị trường, chưa quan tâm nhiều các yếu tố ngoại ứng tích cực hay tiêu cực đến xã hội và môi trường. Các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền KTTH chưa phổ biến, vì đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo lô-gíc nền kinh tế tuyến tính, có các mục tiêu tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi KTTH là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.
Ba là, các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển KTTH còn thiếu, nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này. Để đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Ngoài ra, các khó khăn, thách thức còn đến từ nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ; thiếu những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này; cách đo lường chỉ số tổng sản phẩm trong nước (GDP) hiện nay chưa chú trọng xem xét các yếu tố thuộc về xã hội và môi trường, chưa khuyến khích việc tạo ra giá trị trong cả hai lĩnh vực này.
Các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Để thúc đẩy phát triển KTTH nhằm góp phần phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào vốn và lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển KTTH ở Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo.
Bốn là, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn CE. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải.
Năm là, đưa vào chương trình giáo dục - đào tạo ở các cấp học những kiến thức về KTTH nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về KTTH; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.
----------------------
(1) EEA: “Circular by design: Products in the circular economy”, European Environment Agency, Copenhagen, 2017
(2) Ellen MacArthur Foundation: “Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition”, 2013, https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/Ellen-MacArthur-Foundation-Towardsthe-Circular-Economy-vol.1.pdf
(3) Ellen MacArthur Foundation: “Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition”, 2013, Tlđd
(4) https://theconversation.com/what-a-sustainable-circular-economy-would-look-like-133808
(5) Martin Geissdoerfer, Paulo Savaget, Nancy M.P.Bocken, Erik Jan Hultink: “The Circular Economy - A new sustainability paradigm?”, Journal of Cleaner Production, Volume 143, 2017, Pages 757-768, ISSN 0959-6526, https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2016.12.048
(6) Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật số 72/2020/QH14 ngày 17-11-2020)
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 331
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 143
(9) Kiều Linh: “Kinh tế tuần hoàn: “Cánh cửa thần kỳ” đưa Việt Nam phát triển bền vững”, ngày 13-9-2019, http://vneconomy.vn/kinh-te-tuan-hoan-canh-cua-than-ky-dua-viet-nam-phat-trien-ben-vung-20190912174728576.htm
(10) Thu Hường: “Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”, ngày 12-11-2019, http://consosukien.vn/viet-nam-huong-toi-nen-kinh-te-tuan-hoan.htm
(11) “Những kết quả bước đầu của sáng kiến kinh tế tuần hoàn ngành công thương”, ngày 21-2-2021, https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhung-ket-qua-buoc-%C4%91au-cua-sang-kien-kinh-te-tuan-hoan-nganh-cong-thuong-21565-2401.html
(12) Minh Hưng: “Nestlé Việt Nam góp sức xây công trình trường học bằng gạch từ sản xuất cà-phê”, ngày 2-10-2018, http://tapchimoitruong.vn/moi-truong-va-doanh-nghiep-59/Nestl%C3%A9-Vi%E1%BB%87t-Nam-g%C3%B3p-s%E1%BB%A9c-x%C3%A2y-c%C3%B4ng-tr%C3%ACnh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%8Dc-b%E1%BA%B1ng-g%E1%BA%A1ch-t%E1%BB%AB-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-c%C3%A0-ph%C3%AA--1380
(13) P.T: “HEINEKEN Việt Nam - Hướng tới kinh tế tuần hoàn”, ngày 2-1-2020, http://tapchimoitruong.vn/Gi/chuyen-muc-3/HEINEKEN-Vi%E1%BB%87t-Nam---H%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%E1%BB%9Bi-kinh-t%E1%BA%BF-tu%E1%BA%A7n-ho%C3%A0n-13665
(14) Ngọc Hiển: “9 công ty bắt tay thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam, gồm: TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Te tra Pak và Universal Robina Corporation”, ngày 21-6-2019, https://tuoitre.vn/9-cong-ty-bat-tay-thanh-lap-lien-minh-tai-che-bao-bi-viet-nam-20190621143616913.htm
(15) Thu Hường: “Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”, Tlđd
Liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong quy hoạch phát triển vùng  (05/02/2022)
Phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta hiện nay  (13/12/2021)
Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển  (02/12/2021)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên