Bảy mươi năm quan hệ Việt Nam - Nga: Mãi còn đó một tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc
TCCS - Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Nga trong 70 năm qua (30-1-1950 - 30-1-2020) có thể thấy đây không hẳn là con đường bằng phẳng, có những nhân tố bên trong và bên ngoài tác động không thuận tới quan hệ giữa hai nước, nhưng tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc giữa Việt Nam và Nga vẫn bền vững qua thời gian. Hơn thế nữa, quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ,...
Từ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến đồng minh chiến lược
Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô được hình thành từ rất sớm. Người kiến tạo và đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ đó chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, tháng 6-1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân tới đất nước của V. I. Lê-nin khi tìm ra chân lý thời đại, rằng “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người”(1), trong đó có dân tộc Việt Nam. Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, trực tiếp là Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo con đường Cách mạng Tháng Mười, gửi nhiều thanh niên ưu tú sang Liên Xô học tập. Nhiều người trong số những thanh niên ưu tú ấy sau khi về nước đã trở thành những lãnh tụ xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam. Đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự trưởng thành của cách mạng Việt Nam là sự ra đời của Đảng Cộng sản (ngày 3-2-1930) - kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều cách khác nhau đã bày tỏ mong muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”(2), trước hết là với Liên Xô. Song việc tìm kiếm “bạn đồng minh” của nhà nước Việt Nam non trẻ không hề dễ dàng. Có nhiều lý do bên trong và bên ngoài khiến Liên Xô chưa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong nửa sau những năm 40 của thế kỷ XX. Ngày 14-1-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Đến lúc này, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã công khai thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Đây là thắng lợi chính trị to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đà cho những thắng lợi trên mặt trận quân sự của Việt Nam.
Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30-1-1950), Việt Nam và Liên Xô đã triển khai quan hệ song phương, trước hết bằng việc ký kết một số hiệp định, hiệp nghị, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực. Tháng 7-1955, Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Liên Xô, và trong dịp này văn bản hợp tác đầu tiên giữa hai nước là “Hiệp nghị thương mại giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” đã được ký kết (ngày 18-7-1955). Một năm sau, Hiệp nghị giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô về vấn đề học tập của những công dân Việt Nam tại Liên Xô cũng được ký kết (ngày 27-8-1956). Nói chung trong hơn 30 năm sau đó, Việt Nam đã cử nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội sang thăm Liên Xô để bàn thảo những vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, ký kết nhiều văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Về phía Liên Xô, tháng 2-1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Cô-xư-ghin thăm chính thức Việt Nam, “góp phần quan trọng vào việc củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác anh em giữa Liên Xô và Việt Nam”(3).
Về tổng thể, trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu của Liên Xô trong nhiều thập niên là một nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Liên Xô và Việt Nam trên thực tế trở thành đồng minh chiến lược trên mặt trận chống đế quốc, thực dân và chống các thế lực thù địch. Cũng từ đó đã nảy sinh và ngày càng trở nên sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
Sau khi Liên Xô giải thể (tháng 12-1991), trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Nga (quốc gia kế thừa Liên Xô) rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên nhiều lĩnh vực. Song tình hình đã thay đổi vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX, trước hết nhờ những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nga và những thành công trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của Việt Nam. Hơn nữa, trong bối cảnh nước Nga rơi vào tình thế gần như bị cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam vẫn là một đối tác thủy chung với Nga. Việt Nam cho rằng, bất luận những thay đổi trong không gian “hậu Xô viết”, việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng là thành viên của Liên Xô là cần thiết, là đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Việt Nam.
Để khôi phục mối quan hệ hợp tác truyền thống này, việc đầu tiên là tạo dựng một khuôn khổ, một nền tảng pháp lý mới cho quan hệ Việt Nam - Nga. “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga”, đã được hai nước ký kết ngày 16-6-1994. Đây là văn bản pháp lý thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký năm 1978, xác định các nguyên tắc mới cho quan hệ Việt Nam - Nga, đó là: Tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi. Kể từ thời điểm lịch sử này, quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu có những tiến triển tích cực, ngày càng được nâng lên tầm cao mới về chất.
Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga ngày càng đi vào chiều sâu
Sự kiện được coi là dấu mốc đầu tiên của sự phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga V. Pu-tin (tháng 3-2001), với việc hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga. Nga là nước đầu tiên mà Việt Nam ký tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược. Tuyên bố chung đã xác định khung khổ pháp lý mới cho hợp tác Việt Nam - Nga trên cơ sở tin cậy, hợp tác chặt chẽ và lâu dài. Với văn bản pháp lý này cùng quyết tâm chính trị cao của hai nước, hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại những thành công rất đáng khích lệ. Trên cơ sở những thành công đó và nhằm mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - Nga phát triển toàn diện và sâu sắc hơn, hai nước quyết định nâng tầm quan hệ đối tác bằng việc xác lập khuôn khổ hợp tác mới là Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7-2012 trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ hợp tác này đã tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là những năm gần đây.
Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, có thể nói quan hệ Việt Nam - Nga trên lĩnh vực này đặc biệt ấn tượng, là điểm sáng với sự tin cậy lẫn nhau rất cao và ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường niên, như Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng... Việt Nam và Nga phát triển quan hệ trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, từ kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến hợp tác giữa các tỉnh, thành và ngoại giao nhân dân. Các chuyến thăm cấp cao được hai nước thực hiện khá thường xuyên, tạo ra những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực khác. Chỉ trong ba năm 2017 - 2019, hai nước đã tiến hành 7 chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất: Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nga vào tháng 6-2017; Tổng thống V. Pu-tin dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào năm 2017 và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga (tháng 9-2018); Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép thăm Việt Nam (tháng 11-2018); Chủ tịch Đu-ma Quốc gia Nga V. Vô-lô-đin thăm Việt Nam tháng 12-2018 (trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã thành lập Ủy ban liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Đu-ma Quốc gia Nga); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga vào tháng 5-2019; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên thăm Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội (tháng 12-2019).
Trong chuyến thăm Nga vào tháng 5-2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã diễn ra Lễ khai mạc Năm Chéo giữa hai nước Việt Nam và Nga nhân kỷ niệm 25 năm ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (16-6-1994 - 16-6-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Năm Chéo Việt Nam - Nga là một sự kiện lớn, nổi bật với hơn 200 hoạt động diễn ra trong hai năm 2019 - 2020 tại hai nước. Đây không chỉ là những hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật, giao lưu nhân dân, mà còn là trao đổi các chuyến thăm của các đoàn cấp cao, tổ chức các diễn đàn, các cuộc hội thảo khoa học và thực tiễn, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư... Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép nhấn mạnh: “Sáng kiến tuyệt vời này khẳng định tính chất đặc biệt, nhiều mặt của hợp tác Nga - Việt Nam và quyết tâm của cả hai nước thắt chặt và củng cố mối quan hệ đó bằng mọi biện pháp”(4).
Ngoài vấn đề quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước còn bàn thảo nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn, các tổ chức quốc tế..., tạo nên sự đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quốc tế. Đại sứ Nga tại Việt Nam C. Vnu-cốp khẳng định: “Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Sự hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế, trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tại các diễn đàn đối thoại khu vực như EAS, APEC, ASEM,... rất hiệu quả”(5).
Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhờ “lực đẩy” của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga ngày càng có những thay đổi tích cực, nhất là những năm gần đây đã ghi nhận những bước tiến về chất.
Về thương mại, nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga chỉ đạt hơn 363 triệu USD, năm 2010 tăng lên gần 2 tỷ USD, thì trong 5 năm gần đây tăng nhanh (Xem bảng 1).
Đáng chú ý là từ một nước nhập siêu, kể từ năm 2011, Việt Nam luôn xuất siêu sang Nga, và những năm gần đây, cán cân thương mại đã được thu hẹp. Tuy nhiên, cho dù sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực ngày 5-10-2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga trong hai năm 2017 - 2018 đã tăng xấp xỉ 30%/năm. Bước sang năm 2019 khi có dấu hiệu chững lại với 10 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 3,77 tỷ USD (giảm 1,93% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,3 tỷ USD (tăng 12,5%), nhập khẩu 1,47 tỷ USD (giảm 18,3%)(6). Khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, ngày 29-10-2019, tại Hà Nội đã bàn thảo và đưa ra các biện pháp phối hợp, tháo gỡ các rào cản phi thuế quan nhằm phát huy tối đa lợi ích của FTA giữa Việt Nam và EAEU. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga mới đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo hai nước cũng đã dành thời gian bàn thảo các biện pháp khắc phục sự suy giảm này.
Về đầu tư, điểm mới đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam vào Nga trong những năm gần đây tăng nhanh. Nếu tính đến tháng 10-2019, Nga có 123 dự án đầu tư trực tiếp ở Việt Nam (trừ dầu khí) với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD, thì tổng số vốn đầu tư của Việt Nam vào Nga lên tới gần 3 tỷ USD với 22 dự án(7), nổi bật là đầu tư khai thác các mỏ dầu khí của Nga, hoạt động của Trung tâm đa chức năng Hà Nội - Mát-xcơ-va, đặc biệt là Tập đoàn TH True Milk đang thực hiện thành công Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa khổng lồ sử dụng công nghệ cao tại khu vực Mát-xcơ-va, Ka-lu-ga và một số khu vực khác của Nga với tổng số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Ngoài ra có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ với 100% vốn của người Việt Nam đang hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả tại Nga.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, được coi là hiệu quả nhất trong nhiều thập niên qua, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước, hiện được coi là lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Nga, đặc biệt là dầu khí. Điều đáng nói là giờ đây hợp tác dầu khí Việt Nam - Nga đã có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Bên cạnh Liên doanh Vietsovpetro, Gazprom và Rosneft đang gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam, còn có liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở cả hai nước.
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước, được đánh giá là ổn định, vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực này. Tại Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Nga lần thứ tư tổ chức tại Mát-xcơ-va (tháng 12-2018), lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước thống nhất nhận định quan hệ hợp tác quốc phòng tiếp tục là trụ cột và là hướng ưu tiên phát triển vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Một trong những kết quả mới về chất trong hợp tác kỹ thuật quân sự là việc Việt Nam đang triển khai sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự tham gia của các công ty Nga. Quan hệ thương mại quân sự giữa hai nước được xúc tiến mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức mạnh quốc phòng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho một số xí nghiệp quốc phòng Nga trong những thời điểm khó khăn. Nga cũng cam kết tiếp tục mở rộng việc đào tạo quân nhân và các cán bộ quân sự cấp cao cho Việt Nam tại các trường quân sự Nga.
Quan hệ Việt Nam - Nga trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, cũng ngày càng đạt kết quả cao hơn. Hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phát triển khá năng động, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Nga. Điểm sáng nổi bật của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này là Trung tâm Nhiệt đới Việt Nam - Nga - cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp đa ngành về nhiệt đới - được triển khai theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng lợi ích của cả hai nước và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là cơ sở đóng góp không nhỏ vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Hai nước cũng đang xúc tiến việc thành lập tại Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với số vốn đầu tư 350 triệu USD. Đây là một dự án lớn, một biểu tượng mới trong hợp tác đi vào chiều sâu của quan hệ Việt Nam - Nga.
Trong những năm gần đây, mỗi năm, Nga cấp học bổng cho gần 1.000 sinh viên Việt Nam sang học tập tại các trường đại học của Nga, số lượng cao hơn cả thời Liên Xô(8). Các hoạt động giao lưu văn hóa - học thuật giữa hai nước diễn ra hằng năm và luân phiên, để lại những ấn tượng và dư âm rất tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai nền văn hóa Việt Nam - Nga.
Hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng mang lại những kết quả rất tích cực khi lượng khách Nga sang Việt Nam tăng trung bình hằng năm hơn 30%. Nga tiếp tục là một trong mười thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đón 606.637 lượt khách Nga, tăng 5,7% so với năm 2017. Tính đến tháng 11-2019, Việt Nam đã đón 585.600 lượt khách Nga (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018). Ở chiều ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch trong hai năm trở lại đây.
Những kết quả trên là nỗ lực của cả hai nước trong việc gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển. Đại sứ Nga tại Việt Nam C. Vnu-cốp nêu rõ: “Ưu tiên nhất quán của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Quan điểm này không bị chi phối bởi các dao động mang tính cục diện, đã được ban lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định và ghi nhận trong một mục đặc biệt trong Học thuyết đối ngoại của Liên bang Nga”(9). Đối với Việt Nam, “quan hệ Việt Nam - Nga là quan hệ hữu nghị anh em thân thiết, thủy chung, sâu sắc, đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ những năm tháng khó khăn của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho đến xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng, như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (10). Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Điều làm nên sự gắn bó lâu dài của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga chính là sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm, là sự tương đồng về cốt cách dân tộc mạnh mẽ và bản lĩnh kiên cường, là ý chí và khả năng vượt qua những thách thức nghiệt ngã, không chịu khuất phục trước cường quyền, đặc biệt là những điểm song trùng về lợi ích quốc gia - dân tộc. Tình hữu nghị giữa hai dân tộc được xây đắp trong những năm tháng cam go đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của Việt Nam, được thử thách qua những biến thiên, thăng trầm của bối cảnh thế giới và khu vực cũng như của hai nước. Chính vì vậy, giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước đã tạo dựng được sự tin cậy chính trị lẫn nhau ở tầm cao, và “độ tin cậy chính trị sẽ mở đường cho những quan hệ, lĩnh vực hợp tác khác trong tương lai”(11). Hai nước tự hào nhìn lại chặng đường 70 năm quan hệ hợp tác hữu nghị, tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc(12)./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, t. 12, tr. 301
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 220
(3) Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Ngoại giao Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết: Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 111
(4) Cú hích mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, https://baoquocte.vn/cu-hich-moi-trong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-lien-bang-nga-102809.html, ngày 16-10-2019
(5) Nga mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, https://nhandan.com.vn/thegioi/item/40498802-nga-mong-muon-phat-trien-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-voi-viet-nam.html, ngày 11-6-2019
(6) Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong 10 tháng năm 2019, http://vietnamexport.com/tinh-hinh-xuat-nhap-khau-giua-viet-nam-va-lb-nga-trong-10-thang-nam-2019/vn2531105.html, ngày 21-11-2019
(7) Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, https://m.vcci.com.vn/banin/index/52546, ngày 2-12-2019
(8) Quan hệ hợp tác Việt - Nga: Tài sản quý báu của nhân dân hai nước, https://vov.vn/Print.aspx?id=797330, ngày 7-8-2018
(9) Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga vươn đến những tầm cao mới, http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/36649002-quan-he-viet-nam-lb-nga-vuon-den-nhung-tam-cao-moi.html, ngày 8-6-2018
(10) Thủ tướng Việt Nam và Nga dự lễ khai mạc “Năm Chéo”, http://baochinhphu.vn/Utilities/ PrintView.aspx? distributionid=366664, ngày 23-5-2019
(11), (12) Độ tin cậy chính trị sẽ mở đường cho những quan hệ, hợp tác khác, https://vov.vn/Print.aspx?id=990266, ngày 15-12-2019
Đối ngoại địa phương trong hội nhập và phát triển: Thành tựu năm 2019 và định hướng năm 2020  (13/04/2020)
Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới  (20/02/2020)
Đối ngoại đa phương Việt Nam năm 2019: Những thành tựu ấn tượng  (08/02/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển