40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức của những người trong cuộc
Đồng đội của tôi xứng đáng là những anh hùng
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Minh Phương, hiện ở thôn Cọn 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) - người từng tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào tháng 02-1979 chia sẻ: "Thời đó ai chẳng như mình, còn sống trở về đã là may mắn hơn nhiều đồng đội...".
Ông Phương sinh năm 1956 tại vùng đất Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ, huấn luyện tại Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 254 đóng tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tháng 01-1978, theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 64 của ông được điều động gộp vào thành Trung đoàn 741 của Lai Châu. Tháng 8-1978, khi tình hình biên giới căng thẳng, đơn vị được lệnh đóng quân tại Phong Thổ, Lai Châu để chuẩn bị lên chốt chiến đấu. Khi ấy đơn vị của ông Phương (Tiểu đoàn 41, Trung đoàn 741) là mũi nhọn đóng tại xã Ma Ly Pho với vị trí trọng yếu là chốt chặn địch không cho từ bên kia sông tràn qua. Ông Phương là Tiểu đội phó đóng tại chốt cao điểm 608 ở thôn Ba Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho, tỉnh Lai Châu.
Về cuộc chiến đấu 40 năm về trước, ông Phương cho biết ông không thể nào quên bởi đó là thời gian ông đã chiến đấu, quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh và cũng đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong đơn vị. Ông Phương nhớ lại, buổi tối 16-02-1979, không khí chiến trường yên lặng, mọi thứ im ắng đến lạ thường, không một tiếng chặt cây, xúc đất làm hầm hào như mọi khi, không một tiếng động cơ máy móc, thậm chí không một ngọn gió. Ngay từ chập tối, Chính trị viên Tiểu đoàn và Đại đội trưởng đơn vị xuống tận chốt động viên ông Phương cùng các chiến sĩ rằng tối nay có thể xảy ra chiến sự.
Khoảng 4 giờ ngày 17-02-1979, quả pháo đầu tiên từ dưới suối đã nã trúng Đồn Biên phòng Ma Ly Pho. Đại úy Phương cùng các đồng đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Bên địch nã pháo dày đặc và liên tục. Ngày 18-02, sau một ngày bị các mũi nhọn của ta bẻ gãy các đợt tấn công, địch điên cuồng bắn phá ác liệt. Các chiến sỹ của Tiểu đoàn 41 khi ấy hy sinh khá nhiều, còn duy nhất chốt chiến đấu của ông Phương bị địch bao vây bốn phía. Tiểu đội trưởng hy sinh, ông Phương là Tiểu đội phó đã trở thành người chỉ huy và người lính chiến đấu duy nhất tại chốt với sự trợ giúp của hai đồng đội còn lại đều đã bị thương. Được sự hỗ trợ của hai tiểu đội ở hai bên (mỗi tiểu đội 6 người), ông Phương cùng đồng đội đã ngoan cường đánh trả địch ở bên kia sông gồm 2 tiểu đoàn với khoảng 1.000 quân. Tương quan lực lượng chênh lệch, với phương châm "một tấc không đi một ly không rời", ông Phương cùng đồng đội đã cầm cự tiêu hao sinh lực địch. Riêng tiểu đội của ông Phương đã tiêu diệt hơn 100 tên địch trong hai ngày đầu tiên của cuộc chiến. "Tôi may mắn không bị đạn pháo làm bị thương nhưng sức ép đạn pháo đã khiến tôi bị ngất trong vài phút. Ngay sau khi tỉnh lại, tôi lại tiếp tục chạy như con thoi giữa hai đầu hào để bắn trả quân địch", ông Phương nhớ lại.
Sau hai ngày giữ chốt, vào tối 18-02-1979, ông cùng đồng đội được lệnh rút quân theo đường bí mật. Vừa đói, vừa khát, ông dìu các đồng đội bị thương vượt sông trở về hậu cứ. Với thành tích dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy và đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, tiêu hao sinh lực địch, ông Phương đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những di chứng của cuộc chiến đã khiến ông Hoàng Minh Phương trở thành bệnh binh hạng 2/3. Năm 1988, ông giải ngũ sau khi đã có một thời gian làm trợ lý chính sách Sư đoàn 326. Trở về quê hương, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cam Cọn từ năm 1989 đến năm 2004. Ông tâm sự: "Mình còn lành lặn trở về thế là hạnh phúc lắm rồi. Còn biết bao người lính đã ngã xuống vì đất nước, nhiều người chưa tìm được mộ. Toàn anh em, bạn bè, đồng đội, đồng chí của tôi cả đấy, họ xứng đáng là những anh hùng”.
Ông Vũ Văn Sắt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cam Cọn cho biết, phong cách sống bình dị, khiêm tốn, cần kiệm đã khiến ông Phương trở thành tấm gương cho cán bộ và nhân dân xã Cam Cọn. Trong ngôi nhà đơn sơ của ông Phương, những tấm huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy khen được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ông Phương cho biết, ông lưu giữ chúng không phải vì ham hư vinh mà bởi với ông đó chính là lời nhắc nhở những người còn sống, đặc biệt là lớp trẻ phải biết trân trọng đóng góp của những người đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của non sông, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Người cựu binh trên mặt trận biên giới Hà Tuyên
Cựu chiến binh Đỗ Viết Chung, ở tổ 23, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) - người đã có 12 năm chiến đấu tại mặt trận biên giới Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, rắn rỏi, đúng với tác phong của người đã từng trải qua chiến trận. Năm 1976, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Viết Chung đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên. Năm 1978 đơn vị của ông nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại sườn đồi phía Bắc điểm cao 2000 dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), chi viện hỏa lực cho các đơn vị chiến đấu tại các điểm cao 1800A và điểm cao 1800B mặt trận Vị Xuyên.
Nhớ lại thời khắc khi sắp tham gia trận chiến, cựu chiến binh Đỗ Viết Chung cho biết: Lúc bấy giờ, những người lính trẻ như chúng tôi chưa hình dung ra được cuộc chiến đấu khốc liệt phía trước, anh em trong đơn vị ai cũng sôi sục ý chí, chỉ mong sớm được ra trận địa, chiến đấu bảo vệ bờ cõi của đất nước.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian chiến đấu, gìn giữ biên giới của Tổ quốc, ông Chung chia sẻ: Tháng 02-1979, địch dùng các loại pháo kích bắn vào các chốt của ta và cho quân lấn chiếm các điểm cao tại xã Lao Chải, Vị Xuyên. Trước tình hình trên, đơn vị của ông Chung nhận nhiệm vụ dùng hỏa lực để chi viện cho bộ binh đánh lui địch ở cao điểm 1800A và 1800B. Sau đó không lâu, một lần nữa quân địch lại tiếp tục dùng hỏa lực bắn nhiều ngày vào các chốt của ta với lượng pháo dày đặc và phạm vi rộng lớn nhằm mục đích hỗ trợ bộ binh của địch tràn lên chiếm đóng các chốt của ta. Các chiến sỹ nhận được lệnh dùng súng cối đáp trả đội hình của địch. Với những tính toán hợp lý, các đợt phản công chính xác của ta đã bẻ gẫy các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.
Ông Chung bồi hồi nhớ lại, trong một thời gian dài, mặc dù chiến đấu trong điều kiện địa hình hiểm trở, gian khổ, thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nước, tràn đầy khí thế, đơn vị của ông đã kiên cường chiến đấu và chi viện cho các đơn vị bộ binh đánh địch, quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Sau các cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường tại mặt trận Vị Xuyên, 1 đồng đội của ông đã hi sinh, 5 người khác bị thương, bản thân ông cũng bị thương bởi sức ép của đạn pháo. Năm 1987, ông Chung xuất ngũ trở về quê hương xây dựng cuộc sống gia đình.
Cựu chiến binh Đỗ Viết Chung khẳng định, trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng như những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mục đích của chúng ta là bảo vệ lãnh thổ, giữ vững nền hòa bình để thực hiện công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối với những thế lực thù địch có tư tưởng xâm lược, chúng ta kiên quyết chiến đấu để bảo vệ đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay phải ghi nhớ công ơn các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu để giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia; phải tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.
Cuộc đời quân ngũ gần 12 năm đã để lại trong cựu chiến binh Đỗ Viết Chung những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ, với những năm tháng được sát cánh bên những đồng đội chiến đấu bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc mà ông không thể nào quên. Trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Đỗ Viết Chung vẫn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ các đồng đội trong phát triển kinh tế, thường xuyên động viên con, cháu thực hiện và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Người lính gác cầu năm xưa
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta đã trôi qua 40 năm nhưng ký ức về sự hy sinh anh dũng, lòng quả cảm của những người đồng chí, đồng đội... vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Tao Văn Nó, người dân tộc Lự, người lính gác cầu Việt - Trung năm xưa.
Cầu Việt - Trung là cây cầu bắc qua suối Nậm Cúm, nối cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với cửa khẩu Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một trong những vị trí trọng điểm mà 40 năm về trước, quân xâm lược đã ồ ạt tràn qua biên giới nước ta.
Ông Tao Văn Nó, cho biết, tháng 5-1976, ông nhập ngũ. Sau khi tham gia huấn luyện, ông được điều về công tác tại Đồn 33 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ).
Tại Đồn 33, chiến sĩ Tao Văn Nó được phân công làm Tiểu đội phó Tiểu đội canh gác bảo vệ đầu cầu Việt - Trung gồm 12 cán bộ, chiến sĩ. Vào thời điểm tháng 6 và 7-1978, khu vực biên giới đã có những căng thẳng nhất định, địch đã nhiều lần có những hành động khiêu khích, ban đêm địch thường đột nhập vào đơn vị để quấy rối. Khi Tiểu đội của chiến sĩ Nó ngăn cản và kháng cự, địch đã dùng súng bắn trả, làm một số chiến sĩ bị thương.
Khoảng 6 giờ ngày 17-02-1979, trong lúc đang đứng gác, đồng đội của ông vẫn đang ngủ, một “cơn mưa” pháo từ bên kia biên giới trút sang đã phá tan không gian yên tĩnh của buổi sáng sớm. Ông Tao Văn Nó đã kịp thời thông báo để các đồng đội trong Tiểu đội vào vị trí chiến đấu. Sau những “cơn mưa” pháo, hàng ngàn quân địch được trang bị đầy đủ vũ khí ồ ạt tiến sang.
Ông Tao Văn Nó nhớ lại: Thời điểm đó, tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn. Trước tình hình đó, Chỉ huy Đồn 33 đã lệnh cho Tiểu đội của ông rút quân để đảm bảo an toàn. Trong lúc “mưa bom bão đạn”, các chiến sĩ của Tiểu đội bị mất liên lạc, không nhận được lệnh rút quân. Do đó, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ và đánh trả quyết liệt với quân địch.
Đến khoảng 17 giờ ngày 17-02-1979, quân địch tràn sang mỗi lúc một đông, pháo nổ ầm ầm. Các đồng chí trong Tiểu đội của ông Nó ai cũng hết đạn. Các chiến sĩ đành tự tản ra để rút vào rừng lánh nạn. Trong lúc tìm cách rút vào rừng, chiến sĩ Tao Văn Nó đã lọt vào vòng vây của địch. Vào lúc nguy hiểm tưởng chừng như không thể sống để quay về nữa, ông Nó đã nhanh trí nghĩ ra một kế để thoát thân. "Trong 1 ngày kiên cường chiến đấu với quân địch, 8 đồng đội của tôi đã anh dũng hi sinh, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường”, giọng nói như nghẹn lại, đôi mắt rưng rưng, ông Tao Văn Nó ngậm ngùi nhớ lại.
Ngày 18-02-1979, trong lúc đang trốn ở trong rừng vừa đi tìm đồng đội vừa chờ quân tiếp viện đến, chiến sĩ Tao Văn Nó trúng phải mìn của địch và bị mảnh vỡ của mìn găm vào chân. Sợ bị địch phát hiện, ban ngày ông trốn vào bụi cây, đến tối mới tìm đường thoát ra khỏi rừng. Đến ngày 20-02-1979, sau khi bơi qua sông và lên được đường lớn, ông Nó đã gặp một chiếc xe tiếp viện từ Lai Châu lên, ông vội kêu lên “Các đồng chí ơi, cứu tôi với, tôi bị thương...”. Sau đó, ông Nó được đưa về Huyện đội Phong Thổ (nay là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Thổ) và được đưa đi điều trị vết thương. Do điều kiện khó khăn lúc đó, vết thương của ông chỉ được chữa lành ngoài da còn mảnh mìn vẫn nằm trong người.
Sau khi được đưa đi điều trị 1 tháng, ông Nó tiếp tục quay lại Đồn 33 công tác. Đến tháng 5-1982, ông xuất ngũ. Mang theo mảnh đạn trong người trở về địa phương, mỗi khi trái nắng trở trời, chân của ông lại đau nhức. Thế nhưng với phẩm chất của anh Bộ đội cụ Hồ không khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào, ngoài việc tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Nó còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong bản kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, ông tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương, thường xuyên nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ những trang sử hào hùng của cha ông; khuyên dạy con cháu tập trung phát triển kinh tế, không sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy...
Với sự mưu trí, lòng dũng cảm và những chiến công đã lập được trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, những thành tích mà trong công tác xã hội tại địa phương, ông Tao Văn Nó đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; các cấp, các ngành của tỉnh Lai Châu tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Ông Tao Văn Nó chia sẻ: Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của nhiều đồng đội và đã để lại cho ông nhiều nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần. Với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, ông mong nhân dân hai nước Việt - Trung luôn được sống trong hòa bình, cùng nhau hợp tác để phát triển kinh tế…/.
Nhiều địa phương tổ chức các hoạt động khai hội đặc sắc đón xuân 2019  (16/02/2019)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai hội chùa Tam Chúc  (16/02/2019)
Nghị quyết Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân  (16/02/2019)
Việt Nam lên tiếng về việc tàu hải quân Mỹ đi qua quần đảo Trường Sa  (16/02/2019)
Thủ tướng: Du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn là 'viên ngọc thô'  (16/02/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên