Không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Hungary
TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hungary từ ngày 08 đến 11-9-2018. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến một nước trong khu vực Trung - Đông Âu kể từ sau thời kỳ chuyển đổi thể chế ở những nước này, chuyến thăm tới Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, với kỳ vọng sẽ tạo “Dấu mốc mới, Động lực mới, Tầm cao mới” trong quan hệ hai nước.
Đất nước Hungary
Nằm ở khu vực Trung Âu, Hungary có diện tích 93.030 km2 và đường biên giới chung với các nước Ukraina, Rumani, Serbia, Slovenia, Croatia, Áo, Slovakia; dân số khoảng 9,8 triệu người; GDP là 129,7 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 13.076 USD (năm 2017). Hungary theo mô hình dân chủ đại nghị, tổng thống do Quốc hội bầu, với nhiệm kỳ 05 năm.
Từ năm 1989 đến nay, tình hình chính trị tại Hungary cơ bản ổn định. Từ năm 2010, Đảng Liên minh Công dân (FIDESZ) giành thắng lợi liên tiếp tại 03 kỳ bầu cử (năm 2010, 2014 và 2018) với chiến thắng tuyệt đối, chiếm 2/3 số ghế trong Quốc hội nước này. Sau 08 năm cầm quyền, Chính phủ của FIDESZ đã đạt được những thành tựu đáng kể về mặt kinh tế - xã hội, như đưa kinh tế Hungary trở lại con đường phát triển sau giai đoạn khủng hoảng (tăng trưởng kinh tế trung bình 3% - 4%/năm), kiểm soát tốt thâm hụt ngân sách giúp giảm một phần nợ của Hungary, tỷ lệ thất nghiệp giảm, giải quyết thành công vấn đề già hóa dân số thông qua chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh... Sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4-2018, Chính phủ mới của FIDESZ được thành lập đã đề ra kế hoạch dài hạn với mục tiêu đến năm 2030 đưa Hungary trở thành một trong 05 nước Liên minh châu Âu (EU) “đáng ở, sống và làm việc”, có sức cạnh tranh cao, đẩy mạnh xây dựng kết cấu, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số dân số, chuyển mạnh sản xuất sang năng lượng sạch và bền vững.
Về kinh tế, ngay từ năm 1986, Hungary đã triển khai thực hiện tự do hóa nền kinh tế một cách giới hạn và từ năm 1990 đã chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường. Cuối năm 2008, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, thâm hụt ngân sách của Hungary tăng cao (chiếm 9,5% GDP). Tuy nhiên, từ năm 2010, kinh tế Hungary đã có những bước phục hồi quan trọng, GDP tăng trưởng đều dần trong mỗi năm. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hungary, gồm chế tạo máy, thiết bị đo lường chính xác, ô-tô, nhôm, lọc hóa dầu, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế...; các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu, gồm lúa mì, ngô, hạt hướng dương, củ cải đường, thịt gia súc, gia cầm, sữa... có những bước tiến đáng kể
Về đối ngoại, Hungary khẳng định là đồng minh của phương Tây nhưng luôn quan tâm bảo vệ chủ quyền, tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa các nước láng giềng. Là thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 1999 và được kết nạp vào EU năm 2004, Hungary tiếp tục ưu tiên hội nhập sâu vào EU, củng cố quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, ưu tiên ngoại giao năng lượng, bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Hungary ở các nước láng giềng, khôi phục và thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống. Cụ thể là, tại khu vực Đông Âu, Hungary tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước nhóm VISEGRAD (Séc, Slovakia, Ba Lan), đồng thời duy trì quan hệ kinh tế -thương mại tốt với Nga. Tại châu Á, Hungary chú trọng thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Hungary cũng là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế lớn, như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OECD), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hiệp ước Schengen...
Đối tác hợp tác hiệu quả và thực chất
Việt Nam và Hungary chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 03-02-1950. Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam, Hungary đã dành cho Việt Nam những tình cảm, sự ủng hộ và giúp đỡ vô cùng quý báu. Trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt của Việt Nam, Hungary đã phát động phong trào “Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn”, qua đó tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Hungary đã tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, đào tạo cho Việt Nam gần 3.500 cán bộ khoa học - kỹ thuật và xóa cho Việt Nam các khoản nợ từ năm 1973 trở về trước.
Trong những năm qua, quan hệ song phương có những bước phát triển rất tích cực. Chính phủ Hungary coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, luôn đặt quan hệ chính trị với Việt Nam ở mức độ tin cậy cao. Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi nhiều đoàn cấp cao cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sang thăm lẫn nhau. Các chyến thăm đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hungary ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả. Trên kênh đối ngoại đảng, tháng 9-2017, Đảng ta và Đảng Liên minh công dân Hungary đã ký “Biên bản về hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Liên minh Công dân Hungary”, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ nhà nước giữa Việt Nam và Hungary.
Hai bên đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là tại UN và trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hợp tác Mekong - Danube…, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, thiên tai, sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững, bao gồm các nguồn nước xuyên biên giới và an ninh lương thực; xem xét ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Chính phủ Hungary cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Cùng với quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển tốt đẹp, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đã có những bước tiến quan trọng, tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary đã phát huy tốt vai trò thúc đẩy hợp tác song phương. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 355 triệu USD, tăng 33,13% so với năm 2016. Tính riêng 05 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 209 triệu USD. Ba mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Hungary là may mặc, dệt may, điện tử và phương tiện vận tải, trong khi ba mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hungary vào Việt Nam là thuốc và các sản phẩm dược phẩm, phương tiện giao thông công cộng và hàng gia công. Hungary có nhiều tiềm năng trong việc cung cấp các sản phẩm và công nghệ nông sản công nghệ cao của Việt Nam, dược phẩm, thiết bị y tế, máy móc và thiết bị khác nhau, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý nước, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế song phương, Hungary đã đặt Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời dành cho Việt Nam gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 triệu euro để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển (ODA) trong các lĩnh vực y tế, xử lý nước, tin học, nông nghiệp. Tính đến nay, Hungary có 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 63,6 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hungary sang Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến chế tạo, truyền thông, kinh doanh bất động sản với các hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh…
Bên cạnh hợp tác kinh tế hiệu quả, quan hệ song phương Việt Nam - Hungary cũng được thúc đẩy toàn diện trên các lĩnh vực hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, lập pháp, tư pháp, quốc phòng - an ninh, y tế. Về hợp tác văn hóa, các hoạt động giao lưu văn hóa được hai bên tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Hungary. Hai bên cũng tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Hungary.
Giáo dục - đào tạo được coi là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hungary là nước duy nhất tại Đông Âu liên tục tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam. Năm 2014, Hungary nâng số học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam lên 100 suất/năm. Tiếp đó, năm học 2017 - 2018 là 150 suất/năm; năm học 2018 - 2019 sẽ là 200 suất/năm.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước được duy trì và tăng cường thường xuyên thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đơn cử như quận Tây Hồ (Hà Nội) đã kết nghĩa với quận 16 của Thủ đô Budapest; thành phố Hội An ký thỏa thuận hợp tác với thành phố Szentendre; thành phố Cần Thơ ký thỏa thuận hợp tác với thành phố Káposvár... Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy việc mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Hiện có khoảng trên 4.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô Budapest. Cuộc sống của bà con tương đối ổn định và luôn hướng về Tổ quốc.
Với truyền thống tốt đẹp của 67 năm quan hệ hợp tác hữu nghị, với sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hungary có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, nâng tầm quan hệ và tạo bước chuyển biến mới, thực chất hơn nữa trong quan hệ Việt Nam - Hungary./.
Kết quả và vấn đề đặt ra trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng duyên hải miền Trung  (07/09/2018)
Tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN: Một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018  (07/09/2018)
Chương trình Sức khỏe Việt Nam  (07/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên