Các hoạt động kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954 – 07-5-2018)
Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã buộc chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt gần 100 năm xâm lược, thống trị đất nước ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Nhân kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954 – 07-5-2018), đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân, ôn lại chiến thắng hào hùng năm xưa và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay.
Chương trình nghệ thuật “Những năm tháng không quên”
Tối 06-5, tại Quảng trường 7-5 (thành phố Điện Biên Phủ), UBND tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật “Những năm tháng không quên”, chào mừng kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đêm nhạc thu hút sự tham gia biểu diễn của gần 100 diễn viên, ca sĩ đến từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh và Nhà thiếu nhi tỉnh Điện Biên. Chương trình gồm 14 tiết mục với nhiều thể loại: Múa, hát múa, đơn ca, tốp ca,... được dàn dựng công phu và ấn tượng. Chủ đề nhằm ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; ca ngợi những chiến công của ông cha đã chiến đấu, hy sinh để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; ca ngợi mảnh đất và con người Điện Biên. Những tác phẩm được sử dụng trong chương trình là những ca khúc đi cùng năm tháng, như: Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Đất nước trọn niềm vui, Hành quân xa, Dấu son thời đại,…
Đêm nhạc đã thu hút đông đảo khán giả tập trung về quảng trường để thưởng thức các tiết mục. Chương trình đã mang lại cho người xem những phút giây ý nghĩa, được sống trong không khí hào hùng của quân đội ta, hiểu thêm và quý trọng hơn những tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang A1
Tối 06-5, tại Nghĩa trang liệt sỹ A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân nhân kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tại buổi lễ, hơn 150 đoàn viên thanh niên đã đặt vòng hoa ở đài tưởng niệm, thắp những lư nến và dâng hương tất cả các phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang, tri ân công lao của các Anh hùng, liệt sĩ.
Đây là hoạt động thể hiện truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Điện Biên nói riêng đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuổi trẻ Điện Biên phát huy truyền thống bằng những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 khoảng 100m về phía Nam. Nơi đây có 644 ngôi mộ của các anh hùng liệt sỹ nhưng chỉ có bốn ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các Anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can. Trong nghĩa trang còn có nơi ghi danh các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tỉnh Điện Biên hiện đang quản lý 5 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 6.000 phần mộ. Ba nghĩa trang gồm: A1, Him Lam và Độc Lập là nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; hai nghĩa trang Tông Khao (nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào) và nghĩa trang Thanh niên xung phong hy sinh trong xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là nghĩa trang quy mô cấp tỉnh.
Bảo tồn quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch
Thành phố Ðiện Biên Phủ về đêm.
Bên cạnh giá trị lịch sử, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ luôn được đánh giá là điểm đến thu hút khách du lịch. Những năm qua, công tác trùng tu các di tích đã được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng thực hiện, nhằm phát huy các giá trị lịch sử, tái hiện chân thực, sống động về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích này hiện có 45 điểm di tích thành phần; trong đó có 8 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan, gồm: Nhà trưng bày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm Ðờ-cát, Ðồi A1, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng, tượng đài chiến thắng tại thành phố Ðiện Biên Phủ, tượng đài kéo pháo tại di tích đường kéo pháo bằng tay xã Nà Nhạn, di tích Him Lam và bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng.
Thời gian qua, nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích đã được Chính phủ, các bộ, ngành và Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Ðiện Biên quan tâm triển khai. Từ năm 1999, dự án đầu tư tu bổ cấp thiết chống xuống cấp di tích được triển khai tại một số hạng mục quan trọng nhất của quần thể di tích. Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Ðiện Biên Phủ; trong đó có việc xây dựng mới công trình nhà Bảo tàng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (năm 2014). Nhiều di tích thành phần khác cũng được tỉnh Điện Biên chú trọng sửa chữa, tu bổ các hạng mục.
Lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, năm 2017 có hơn 380.000 lượt khách đã đến tham quan; từ tháng 01đến tháng 4-2018 có hơn 130.000 lượt khách; riêng trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 01-5 năm nay có gần 35.000 lượt khách đã đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (đơn vị quản lý quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ) cho biết: Lượng du khách đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng. Rất nhiều điểm di tích tiêu biểu đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng, gắn với đó là phát huy, khai thác giá trị du lịch, góp phần thu hút du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các di tích cũng được ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác thuyết minh, tuyên truyền tại các điểm di tích đã được quan tâm đặc biệt.
Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn giá trị lịch sử tại các điểm di tích, tỉnh Điện Biên cũng quan tâm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp để thu hút du khách.
Tuy nhiên theo chính quyền tỉnh Điện Biên, việc trùng tu tôn tạo các di tích hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương. Công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư đã được đẩy mạnh song vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và vướng mắc nhiều về cơ chế. Công trình duy nhất đến thời điểm này được đầu tư quy mô theo hình thức này là phần mái che hiện vật ngoài trời bằng kính cường lực cho 13 hiện vật và di tích được triển khai trong các năm 2012 và 2013. Để có thể tiếp tục xây dựng đề án phục dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, tầm nhìn đến năm 2030, cần có cơ chế đảm bảo hơn nhằm thu hút các nguồn đầu tư.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chính là định hướng của tỉnh Điện Biên, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là hiện nay du lịch Điện Biên vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu phát triển.
Để đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và của cả nước, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Điện Biên nói chung, di tích chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng cần phải được chú trọng hơn nữa. Cùng với đó các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá các điểm đến thuộc quần thể di tích, góp phần phát triển du lịch ở Điện Biên./.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bếp ăn công nhân ở Tân Thuận  (06/05/2018)
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới  (06/05/2018)
Phát huy trí tuệ đóng góp vào thành công Hội nghị Trung ương 7 khóa XII  (06/05/2018)
Thủ tướng thăm Trung tâm Khoa học ICISE tại Bình Định  (06/05/2018)
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2018  (06/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên