TCCSĐT - Cách đây 50 năm, chiến thắng ở Tà Mây - Làng Vây, trận đầu ra quân của Bộ đội Tăng thiết giáp đã ghi vào trang sử truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp Anh hùng.

Hình ảnh xe tăng và bộ binh Quân đội Nhân dân Việt Nam xông lên, vừa nhả đạn, vừa hò reo “xung phong”, tiếng đạn pháo nổ, tiếng động cơ xe tăng gầm rú, khói đạn quyện với bụi đất phủ kín cả một khu vực, địch hoang mang chống trả, nhiều lô cốt, công sự bị tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu,… sẽ không bao giờ quên.

Trận đầu ra quân, Bộ đội Tăng thiết giáp đã giành thắng lợi giòn giã, có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng phát triển của Binh chủng Tăng thiết giáp, mở ra trang sử chiến đấu anh hùng của Bộ đội Tăng thiết giáp và triển vọng sử dụng tăng thiết giáp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng làm tiền đề và phương hướng phát triển lực lượng tăng thiết giáp trong củng cố và xây dựng lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược…

Chiến thắng trận đầu ở Tà Mây - Làng Vây là kết quả sau 9 năm xây dựng và rèn luyện gian khổ của Bộ đội Tăng thiết giáp, là kết tinh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải nói đến thành công của cuộc hành quân chiến đấu đường dài của Tiểu đoàn tăng 198, Trung đoàn xe tăng 203, trước hết phải nói đến công tác bảo đảm kỹ thuật, một trong những bí quyết làm lên thắng lợi của trận đầu ra quân đánh thắng của bộ đội tăng thiết giáp.

Công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân

Diễn biến hành quân: Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thiết giáp tổ chức Tiểu đoàn tăng 198 hành quân vào tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh trong cuộc tổng tiến công của quân và dân ta Mùa Xuân 1968. Tiểu đoàn tăng 198 thuộc Trung đoàn xe tăng 203 trước khi đi chiến đấu được biên chế hai đại đội (Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9), trang bị mỗi đại đội 11 xe tăng bơi PT-76. Các đơn vị trực thuộc tiểu đoàn gồm có 4 trung đội (thông tin, công binh, vận tải và sửa chữa). Để chỉ đạo và tăng cường chỉ huy tiểu đoàn, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh cử một đoàn cán bộ, thành phần gồm các đồng chí cán bộ được lựa chọn từ các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần và kỹ thuật do đồng chí chính ủy Binh chủng phụ trách. Bộ phận này thay mặt Bộ Tư lệnh chỉ đạo trực tiếp đơn vị chấp hành nhiệm vụ và theo dõi tổng kết rút kinh nghiệm về mọi mặt trong hành quân và chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện của Binh chủng sau này. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh còn cử một bộ phận gồm các cán bộ tham mưu, kỹ thuật giỏi của cơ quan Bộ Tư lệnh và Trung đoàn xe tăng 203 do đồng chí Trung đoàn phó phụ trách để tăng cường chỉ huy và giúp đỡ tiểu đoàn trong quá trình hành quân. Trên đường hành quân, bộ phận này được tách làm hai tổ, mỗi tổ đi theo một đại đội để theo dõi giúp đỡ các đơn vị.

Trong quá trình hành quân, Tiểu đoàn tăng 198 phải đi ban đêm, đường hành quân hầu hết là những con đường chiến lược mới mở dọc dải Trường Sơn, men theo các triền núi, vượt qua nhiều đèo, dốc, ngầm lớn và sông rộng nước chảy xiết như sông Mã, sông Cả… có đoạn đường chỉ vừa một xe đi, đường vòng vèo, gấp khúc khó đi. Cuộc hành quân vào giữa mùa mưa, đường đi bị sụt lở nhiều, dọc đường máy bay địch luôn tuần tiễu bắn phá ác liệt. Đã bốn lần máy bay địch đánh trúng đội hình hành quân và trú quân của đơn vị.

Do điều kiện đường hành quân như kể trên, phụ tùng vật tư tiêu hao lớn, đặc biệt là bộ phận vận hành, vỡ, mòn và hư hỏng nhiều, trung bình mỗi đại đội hỏng 84% - 89% bánh chịu nặng, 44% - 46% mắt xích.

Như vậy, sau gần hai tháng hành quân (chiều 25-10-1967 tiểu đoàn bắt đầu hành quân, ngày 21-12-1967, Đại đội tăng 3 vào đến khu tập kết tại Nậm Khang trên Đường 9. Ngày 03-12-1967, Đại đội tăng 9 vào đến khu tập kết tại Ha Xinh - Ta Xinh) mặc dù đường hành quân dài, địa hình và thời tiết phức tạp, máy bay địch bắn phá thường xuyên nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tăng 198 đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hành quân chiếu đấu, tới đích an toàn, đúng địa điểm và thời gian quy định cả về người và trang bị.

Công tác bảo đảm kỹ thuật trước khi hành quân: Công tác bảo đảm kỹ thuật trước khi hành quân có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hành quân. Tiểu đoàn tăng 198 đã làm được một số nội dung chuẩn bị cho cuộc hành quân, đó là: bổ sung cán bộ nhân viên kỹ thuật; bảo dưỡng kỹ thuật xe, pháo; bổ sung phụ tùng vật tư, xăng dầu mỡ, đạn dược; huấn luyện kỹ thuật bổ sung; làm kế hoạch bảo đảm kỹ thuật.

Trước khi có lệnh hành quân tham gia chiến dịch, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quyết định chọn hai Đại đội tăng 9 và Đại đội tăng 3 đi làm nhiệm vụ. Đại đội tăng 9 thành lập tháng 7-1961 và Đại đội tăng 3 thành lập tháng 3-1965 đều là hai đại đội khá toàn diện của Tiểu đoàn tăng 3 thuộc Trung đoàn xe tăng 203. Hầu hết cán bộ chiến sĩ đều đã được huấn luyện cơ bản có hệ thống về chiến thuật, kỹ thuật ở nước ngoài và được chuyên gia Liên Xô sang tập huấn về kỹ thuật xe tăng PT-76, do vậy, rất thành thạo trong sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa loại xe này. Ngoài quân số theo biên chế, mỗi đại đội được bổ sung thêm sáu lái xe dự bị, năm pháo thủ số 2, năm thợ sửa chữa, một quân khí viên, một chiến sĩ thông tin 2 oát, một thợ vô tuyến điện, hai lái xe ô tô và một tiểu đội công binh.

Để chuẩn bị hành quân, tiểu đoàn đã làm tốt công tác bảo dưỡng cấp 2 cho toàn bộ 22 xe, kiểm tra và sửa chữa hư hỏng, mỗi trung đội có một xe được hàn giá lắp cần cẩu để cẩu động cơ, hộp số thay cho xe công trình sửa chữa, hàn bộ phận che lửa ống xả, tháo bỏ hệ thống sấy nóng, hàn giá cố định máy nạp điện và giá cố định lắp thêm hai thùng nhiên liệu dự trữ (mỗi thùng 100 lít) lên xe tăng; 100% xe được hàn giá súng cao xạ 12,7mm. Phương tiện bảo đảm kỹ thuật mang theo cho mỗi đại đội gồm một bộ dụng cụ sửa chữa tổng hợp, một hòm dụng cụ, một hòm dụng cụ xách tay Ba Lan, một máy nạp điện YĐ-2, một xe tải GAZ-63. Để hộ tống tiểu đoàn hành quân, Bộ Tư lệnh còn cử một đoàn ô tô gồm bốn xe GAZ-66 có đủ kíp lái (mỗi xe một lái chính và một lái phụ) để chở phụ tùng vật tư, xăng dầu mỡ, lương thực, thực phẩm dự trữ cho tiểu đoàn sử dụng trong ba tháng. Mỗi xe tăng của tiểu đoàn đều được bổ sung đầy đủ một cơ số nhiên liệu, dầu mỡ và đạn dược theo quy định, ngoài ra, mỗi xe còn mang thêm 30 kg mỡ (chịu nước và chịu nhiệt) dùng cho bảo dưỡng, sửa chữa xe trên đường hành quân. Để có thêm phụ tùng vật tư phục vụ cho nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa, mỗi xe tăng còn mang theo (cố định trên xe) từ 300 - 400 kg phụ tùng vật tư, mỗi đại đội mang theo 4 đến 4,5 tấn phụ tùng, chủ yếu là bánh chịu nặng, mắt xích. Ngoài ô tô của Trung đoàn, Tổng cục Hậu cần còn vận chuyển đến vị trí tập kết khoảng 30 tấn phụ tùng vật tư bảo đảm cho sửa chữa khôi phục xe ở khu tập kết chiến dịch và cho chiến đấu.

Công tác huấn luyện kỹ thuật bổ sung cũng được Bộ Tư lệnh và Trung đoàn xe tăng 203 hết sức chú ý, đã chỉ đạo và giúp đỡ Tiểu đoàn 198 thực hiện đúng, đủ các nội dung trước khi hành quân chiến đấu, cụ thể là một số lái xe T-34 được huấn luyện chuyển sang lái xe PT-76. Tất cả các lái xe tăng được học ôn lý thuyết và thực hành bổ túc lái trên cạn, lái bơi nước, lái lên xuống tàu hỏa, lái hành quân ngày đêm với 3 - 4 giờ máy nổ. Đặc biệt các lái xe còn được phổ biến các kinh nghiệm qua các đợt diễn tập thực binh về kỹ thuật lái, phương pháp cứu kéo xe, về những tình huống xảy ra khi bơi nước, lên xuống tàu hỏa. Các thợ sửa chữa đều được ôn tập và thực hành nội dung phương pháp sửa chữa dã ngoại, sử dụng các thiết bị dụng cụ sửa chữa, nạp điện… Các cán bộ kỹ thuật được bồi dưỡng về công tác tổ chức bảo đảm kỹ thuật, công tác quản lý đơn vị hành quân chiến đấu độc lập, công tác tổng kết rút kinh nghiệm…

Công tác bảo đảm kỹ thuật trong quá trình hành quân

Trong hành quân, căn cứ vào kế hoạch bảo đảm kỹ thuật, các đại đội đã thực hiện nghiêm túc như việc duy trì các nội dung kiểm tra kỹ thuật khi nghỉ ngắn, bảo dưỡng thường xuyên sau mỗi chặng, bảo dưỡng cấp 1 khi nghỉ cung và khắc phục hư hỏng khi phát hiện thấy ở mỗi xe. Do tổ chức công tác bảo đảm kỹ thuật hành quân nên đơn vị tự giải quyết nhiều tình huống xảy ra trên đường, tránh những hư hỏng không đáng có, bảo đảm hành quân liên tục theo kế hoạch.

Tiểu đoàn hành quân chủ yếu vào ban đêm và mờ sáng nên tầm nhìn hạn chế, đường hành quân lại vòng vèo, nhiều dốc, lái xe sử dụng đèn hồng ngoại chưa thành thạo, hơn nữa có nhiều vật cản che lấp, do vậy phải đi “đèn rùa” hoặc có lúc địch đánh phá phải sử dụng đèn pin bịt khăn che bớt ánh sáng, trưởng xe phải xuống chỉ huy xe đi chậm từng mét một.

Tuy vậy, số xe bị sa dệ của tiểu đoàn vẫn xảy ra nhiều (42 lần xe), Đại đội 9 có đêm phải tổ chức cứu kéo 6 lần. Có trường hợp do sơ suất trong bảo dưỡng, thiếu mỡ ổ bi, ly hợp chính bị cháy, đại đội phó kỹ thuật đã ở lại cùng anh em thợ khắc phục bằng xong và tiếp tục hành quân đuổi theo đơn vị. Trên đường hành quân có trường hợp cần kéo ngắn ly hợp chính bị hỏng, đơn vị phải nhờ thợ rèn của dân trên đường hành quân sửa chữa phục hồi. Có trường hợp xe bị đổ (ở Khe Ve), đơn vị đã cùng thanh niên xung phong, đơn vị pháo phòng không bạt dốc mở đường, cứu kéo xe lên an toàn và hành quân kịp theo đơn vị; có đoạn đường mới mở (đường 20), mặt đường còn hẹp, ô tô đi thành vệt sâu, mặt đường thành lòng mo, hai bên đường có đá to, gốc cây làm cho mắt xích gẫy, vấu cào vào bánh chịu nặng làm bong hết vành cao su. Trên dọc đường hành quân, bánh chịu nặng và mắt xích bị hỏng nhiều (trung bình mỗi đại đội phải thay thế gần 90% bánh chịu nặng và trên 60% mắt xích). Đơn vị tích cực khắc phục xích hỏng bằng cách đảo mắt xích bị gẫy một vấu, chữa các xe bị tuột xích, đứt xích ngay trên đường không kể đêm tối. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kíp xe, giữa bộ đội xe tăng với các phân đội bạn và với nhân dân, với tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tăng 198 đã đưa đủ 22 xe tăng đến khu tập kết chiến dịch đúng quy định.

Từ cuộc hành quân chiến đấu đường dài của Tiểu đoàn tăng 198 có thể rút ra một số điểm nổi bật về công tác bảo đảm kỹ thuật:

Một là, Tiểu đoàn hành quân trong điều kiện địch dùng không quân đánh phá miền Bắc và dọc Trường Sơn, đường hành quân dài, hầu hết là đường chiến lược làm gấp, lắm dốc, nhiều đèo, nhiều sông suối và ngầm lớn. Tuy lần đầu tiên Bộ Tư lệnh tổ chức hành quân chiến đấu đường dài cấp đại đội, tiểu đoàn nhưng đã thu được những kinh nghiệm quý về công tác bảo đảm kỹ thuật cho những cuộc hành quân sau này.

Hai là, việc chuẩn bị kỹ thuật trước khi hành quân như kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa xe làm chu đáo, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung phù hợp với tình hình đơn vị và điều kiện địa hình đường hành quân. Việc tiếp nhận sắp xếp phụ tùng, nhiên liệu, đạn dược được nghiên cứu cẩn thận, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật trong quá trình hành quân phù hợp với thực tế, mỗi đại đội khi hành quân đều có tổ bảo đảm kỹ thuật do đại đội phó kỹ thuật chỉ huy đi trên xe ô tô hay đi trên xe tăng ở cuối đội hình. Sau đội hình của tiểu đoàn có trung đội sửa chữa, cứu kéo để giải quyết những tình huống kỹ thuật mà các đại đội không giải quyết được. Phụ tùng vật tư mang theo tuy chưa có định mức cụ thể cho từng phân đội nhưng cơ quan kỹ thuật đã dựa trên tỷ lệ tiêu hao phụ tùng vật tư trong huấn luyện trong nhiều năm để mang theo sửa chữa dọc đường hành quân. Do phương tiện vận tải thiếu phụ tùng vật tư phải kết hợp vận chuyển trên xe tăng nhưng đơn vị đã nghiên cứu chằng buộc cố định trên xe mà vẫn không ảnh hưởng đến việc kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên và bảo đảm trọng tải an toàn khi xe tăng bơi nước... Việc bảo dưỡng xe được làm đúng chế độ nội dung khi nghỉ cung, nghỉ chặng. Công tác cứu kéo sửa chữa được kíp xe tích cực tham gia cùng với các tổ thợ sửa chữa, vì thế nhiều trường hợp đã giải phóng xe nhanh. Do khí tài mang theo thiếu, xích hỏng nhiều, đơn vị đã khắc phục bằng cách đảo mắt xích bị gãy một vấu, khắc phục những xe bị tuột xích, đứt xích (34 lần). Sau trên dưới 1000 km hành quân, đơn vị đã đưa 100% xe đến đích.

Tuy nhiên trong quá trình hành quân, Tiểu đoàn tăng 198 còn bộc lộ một số khuyết nhược điểm: Việc cứu kéo, sửa chữa xe trên đường hành quân còn chậm, có tổ bảo đảm kỹ thuật cứu kéo, sửa chữa xe 2 đến 3 ngày hoặc lâu hơn nên không theo kịp đội hình hành quân, có xe sửa chữa xong trong 2 ngày mà sau một tháng mới hành quân về đến đơn vị. Chưa quan hệ chặt chẽ với các binh trạm trên dọc đường hành quân để làm tốt đường cơ động cho xe tăng. Do đường xấu, hẹp đã làm xích, bánh chịu nặng hỏng nhiều hơn hàng chục lần so với đường bình thường, đơn cử Đại đội tăng 3, Tiểu đoàn tăng 198 hành quân khoảng 100 km trên đường 20 đã hỏng 44% mắt xích và 84% bánh chịu nặng. Mặc dù đã tổ chức trung đội sửa chữa cứu kéo của tiểu đoàn đi sau đội hình hành quân, xong không có đội hình sửa chữa của cơ quan kỹ thuật cấp trên đi theo để giải quyết những tình huống kỹ thuật mà trung đội bảo đảm kỹ thuật của tiểu đoàn không xử lý được. Vì thế, tốc độ sửa chữa chậm, ảnh hưởng nhiều đến tốc độ hành quân. Số lượng phụ tùng, vật tư mang theo nhiều, có ghi chép nhưng không ghi cụ thể cho từng xe nên khi cần không lấy được hoặc mất nhiều thời gian tìm kiếm. Chưa lường trước được những phụ tùng nào hay hỏng nên mang theo nhiều loại thừa không dùng đến như động cơ, hộp số, ly hợp chính, trong khi đó xích và bánh chịu nặng thì tiêu hao nhiều lại thiếu trầm trọng, điều này chứng tỏ những thông tin về địa hình, đường xá chưa thật đầy đủ.

Mặc dù còn bộc lộ một số nhược điểm, xong có thể nói, cuộc hành quân chiến đấu đường dài của Tiểu đoàn tăng 198 đã giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi này đã thể hiện tính tổ chức, trình độ chỉ huy, trình độ kỹ thuật, tính sáng tạo, ý chí quyết tâm cao của toàn thể cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan chuyên ngành cấp trên và của các đơn vị bạn trên dọc đường đơn vị hành quân. Thắng lợi đã góp phần tạo lên chiến thắng trận đầu ra quân của bộ đội Tăng thiết giáp, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam.

Hiện nay, những nội dung về công tác bảo đảm kỹ thuật trong trận Tà Mây - Làng Vây được Bộ đội Tăng thiết giáp tiếp tục nghiên cứu, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Những năm gần đây, Binh chủng đã cụ thế hóa Nghị quyết số 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, Đảng ủy Binh chủng Tăng thiết giáp đã ra nghị quyết chuyên đề; xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị. Binh chủng Tăng thiết giáp đã làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng về mua sắm, cải tiến, hiện đại hóa xe Tăng thiết giáp, quy hoạch sử dụng Tăng thiết giáp đồng bộ, công nghệ và khoa học. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa; kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, khai thác sử dụng với sửa chữa, khôi phục tình trạng kỹ thuật của xe Tăng thiết giáp; nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, bồi dưỡng tay nghề, nâng bậc thợ; tiếp tục đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản, bảo dưỡng và quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đồng thời, Binh chủng Tăng thiết giáp luôn đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiện và an toàn giao thông” tạo nên sức mạnh vật chất to lớn bảo đảm thống nhất cho việc hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống./.