Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1: 45 năm phấn đấu và trưởng thành
TCCSĐT - Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, chấp hành Quyết định số 153/QĐ-QP, ngày 01-9-1972 của Bộ Quốc Phòng, Trung đoàn huấn luyện 207, tiền thân Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1 ngày nay chính thức được thành lập. Đến nay, đã 45 năm, trải qua chiến tranh, hòa bình, Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1 đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới, Nhà trường phấn đấu “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, quản lý tốt, cần kiệm xây dựng đơn vị”.
Tự hào qua những dấu mốc lịch sử
Tiếp nhận cơ sở đóng quân của Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202 khi đơn vị này vào Nam chiến đấu, thuộc địa phận xã Minh Quang và Cam Lâm, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trung đoàn huấn luyện 207 ra đời là dấu mốc lịch sử, không chỉ xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, phát triển lực lượng tăng thiết giáp đáp ứng cho nhiệm vụ chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn là sự kiện phản ánh bước phát triển tất yếu của lực lượng tăng thiết giáp trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của binh chủng tăng thiết giáp.
Ngày 05-10-1974, Bộ Quốc Phòng ra Quyết định số 49/QĐ-QP đổi tên Trung đoàn 207 thành Trường Hạ sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Tăng trực thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp. Cũng từ đây, Nhà trường đảm nhận vai trò quan trọng là huấn luyện, đào tạo thành viên kíp xe và nhân viên chuyên môn kỹ thuật tăng thiết giáp cho toàn quân.
Trong những ngày tháng hào hùng, sôi sục khí thế cách mạng của toàn dân tộc, cuối năm 1974 - đầu năm 1975 ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, đào tạo thành viên kíp xe và nhân viên chuyên môn kỹ thuật tăng thiết giáp; Nhà trường còn tiếp nhận, tổ chức lực lượng, đưa dẫn các đoàn cán bộ, chiến sỹ tăng thiết giáp gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu. Với ý chí, nghị lực và quyết tâm của toàn dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả để giải phóng miền Nam” nhiều đồng chí cán bộ, chiến sỹ của Nhà trường trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đã lập công xuất sắc góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương điều chỉnh chiến lược của Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, Trường hạ sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Tăng vừa chấn chỉnh lực lượng, tổ chức biên chế, trang bị, ổn định tình hình, vừa tiến hành di chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc vào đóng quân tại căn cứ Nước Trong thuộc xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 21-02-1976, Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp lúc bấy giờ nay là Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp ra Quyết định số 44/QĐ-TG điều trường Thiết giáp B2 (miền Đông Nam Bộ) sáp nhập với trường Hạ sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật tăng trực thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp.
Với những nỗ lực vượt bậc của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, học viên Nhà trường, được sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo thường xuyên của Thường vụ, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị bạn, chính quyền và nhân dân địa phương tỉnh Đồng Nai, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhà trường đã thu gom, rà phá, tháo gỡ bom, mìn, giải phóng hàng trăm héc ta đất đai, bảo đảm an toàn cho việc củng cố xây dựng doanh trại, tăng gia sản xuất phục vụ đời sống bộ đội và mở rộng thao trường, bãi tập. Tiếp tục huấn luyện, đào tạo thành viên kíp xe và nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị tăng thiết giáp toàn quân, góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời, cử các đoàn cán bộ trực tiếp tham gia chiến đấu và sang giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia huấn luyện, xây dựng lực lượng.
Để thống nhất với quy định chung của Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp về viết tắt các Trường Quân sự trong Quân đội, ngày 14-8-1979, Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp đã quyết định Trường Hạ sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Tăng mang phiên hiệu Trường 700 gọi tắt là T.700.
Ngày 04-8-1980, chấp hành Quyết định của Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, Trường hạ sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Tăng được đổi thành Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1 cho đến ngày nay.
Thực hiện nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới
Đặc biệt, ngày 28-6-2006, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 670/QĐ-TM ban hành biểu tổ chức biên chế mới của Nhà trường, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Nhà trường trong suốt những năm qua, đồng thời cũng tạo ra cho Nhà trường những thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới: Trong thời bình, nhiệm vụ chính trị trung tâm của nhà trường là đào tạo thành viên kíp xe tăng thiết giáp; huấn luyện chiến sỹ mới; liên kết đào tạo trung đội trưởng, sỹ quan dự bị; làm nhiệm vụ A, A2 và các nhiệm vụ đột xuất khác. Nhưng khi có chiến tranh xảy ra, Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1 có nhiệm vụ phát triển theo phương án phân đôi lực lượng tách khung thành Trung tâm huấn luyện tăng thiết giáp phía Nam và Lữ đoàn xe tăng 3.
Quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Nhà trường luôn chú trọng đổi mới nội dung và vận dụng sáng tạo trong huấn luyện đào tạo, bám sát phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất chuyên sâu” và “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” trong huấn luyện chiến đấu. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt 100% trình độ cao đẳng trở lên, trong đó 60% trình độ đại học và 5% trình độ sau đại học. Nhà trường đã huấn luyện, đào tạo được 26.767 thành viên kíp xe tăng thiết giáp và nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng tăng thiết giáp toàn quân.
Bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay đang diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ và không loại trừ khả năng chúng sẽ tiến hành chiến tranh xâm lược nếu có điều kiện, nhằm chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những đòi hỏi khách quan của công cuộc bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ, học viên Nhà trường cần nhận rõ vị trí chiến lược quan trọng và trách nhiệm chính trị nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình trong tình hình mới, phải ra sức phấn đấu, tranh thủ thời cơ, tận dụng mọi thời gian để học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Đảng bộ Nhà trường đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sỹ, học viên toàn trường luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết thống nhất và gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng Nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù; xây dựng Nhà trường vững mạnh, góp phần xây dựng địa bàn an toàn.
Đến nay, Nhà trường đã và đang hoàn chỉnh dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo đảm doanh trại từng bước chính quy, thống nhất, cảnh quan môi trường văn hóa tốt, điều kiện ăn, ở sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sỹ, học viên đã từng bước được cải thiện. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh gắn với phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” một cách thiết thực, hiệu quả. Các công trình, thiết bị sân bãi phục vụ hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên được xây dựng, củng cố và làm mới đồng bộ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Đẩy mạnh và thực hiện tốt cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” hạn chế thấp nhất tình trạng xuống cấp, hư hỏng vũ khí thiết bị kỹ thuật trong khai thác, sử dụng và niêm cất. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo và sẵn sàng chiến đấu. Tích cực nâng cấp hoàn thiện khu kỹ thuật chính qui, chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ khai thác, sử dụng vũ khí thiết bị kỹ thuật mới cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật.
Cùng với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao, Nhà trường đã thường xuyên giữ vững và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Những năm qua Nhà trường luôn thực hiện tốt các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” nhận phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam Anh hùng ở tỉnh Quảng Nam, xây dựng 16 nhà tình nghĩa, 5 nhà tình thương ở các xã thuộc huyện Long Thành, Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai; tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đoàn thanh niên, Công đoàn, phụ nữ Nhà trường đã giúp địa phương hàng vạn ngày công làm đường giao thông, làm thủy lợi, vệ sinh môi trường, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, khám và cấp thuốc điều trị miễn phí cho hàng ngàn lượt nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa. Những việc làm tuy nhỏ nhưng đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” làm rạng rỡ hơn hình ảnh của người chiến sỹ xe tăng trong lòng đồng bào miền Đông Nam Bộ trong thời bình.
Với thành tích đạt được trong suốt chặng đường lịch sử 45 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Trường Hạ sỹ quan xe tăng 1 được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương chiến công hạng nhất; 1 Huân chương chiến công Hạng nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3; được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng “Cờ thưởng luân lưu thi đua quyết thắng năm 1975”; 4 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 tập thể và 11 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng; Nhà trường được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua năm 2016 và 4 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quân, toàn quốc; 39 lần được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tặng cờ thi đua; 48 lượt tập thể và 312 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu Đơn vị quyết thắng và chiến sỹ thi đua; 345 lượt tập thể và 527 lượt cá nhân được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tặng Giấy và Bằng khen trong thực hiện các cuộc vận động cũng như trong các nhiệm vụ. Đặc biệt trong chiến tranh biên giới và giúp nước bạn Campuchia, Nhà trường có 2 học viên xuất sắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là đồng chí Nguyễn Đình Tâm và đồng chí Trần Ngọc Giao.
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới
Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhà trường, ngay từ đầu năm Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xác định 2 khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng công tác hậu cần; tiếp tục phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật và đổi mới phương pháp, tác phong công tác, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng lên một bước cao hơn, trong đó, tập trung vào xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Nhà trường. Từ những chủ trương đúng của Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, sự hưởng ứng có trách nhiệm, nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ, học viên trong toàn trường nên mọi mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2017 đến nay đều được thực hiện tốt. Các hội thi, hội thao do Binh chủng tổ chức, Nhà trường đều đạt giải cao, như giải ba Hội thao thể dục thể thao, Giải Nhì Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Chất lượng huấn luyện, đào tạo, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ủy, Nhà trường đã ngang tầm với nhiệm vụ được giao, công tác bảo đảm kỹ thuật đã có những nỗ lực lớn, giữ được đầu xe huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu có tính đồng bộ cao. Đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được giữ vững và có bước cải thiện đáng kể. Nhà trường có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và là điểm sáng văn hóa trong khu vực đóng quân...
Thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Nhà trường hôm nay nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới để tô thắm thêm truyền thống “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, quản lý tốt, cần kiệm xây dựng đơn vị” bằng những hành động cụ thể:
Một là, tuyệt đối, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục quán triệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội, Binh chủng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XVII.
Hai là, thường xuyên kiện toàn và phát huy hiệu lực, cơ chế lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện.
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh, địa bàn an toàn.
Bốn là, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác bảo đảm hậu cần, đời sống cho cán bộ, chiến sỹ cả trong huấn luyện, đào tạo và trong sẵn sàng chiến đấu.
Năm là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Nâng cao trình độ sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa vũ khí thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Sáu là, giữ vững vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc Vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua quyết thắng, tích cực xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc làm nòng cốt cho xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Nhà trường vững mạnh toàn diện./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 17 đến ngày 24-12-2017)  (27/12/2017)
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 12-2017  (27/12/2017)
Khâm Thiên - Nỗi đau chưa nguôi ngoai  (27/12/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển