TCCSĐT - Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu đề ra (6,7%). Năm nay cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trong những tháng cuối năm là cơ sở quan trọng để có thể hy vọng vào mức tăng trưởng ổn định trong năm 2018.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016 (Mức tăng GDP so với năm trước của một số năm: Năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%; năm 2015 tăng 6,68%; năm 2016 tăng 6,21%; năm 2017 tăng 6,81%.). Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,10%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 nghìn tấn. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00% (Cơ cấu tương ứng của năm 2016 là: 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản lượng lúa cả năm 2017 ước tính đạt 42,84 triệu tấn, giảm 318,3 nghìn tấn so với năm 2016 do cả diện tích và năng suất đều giảm so với năm trước. Diện tích lúa cả năm 2017 ước tính đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm 2016; năng suất lúa cả năm đạt 55,5 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha.

Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm: Sản lượng ngô đạt 5,13 triệu tấn, giảm 114,6 nghìn tấn so với năm 2016 do diện tích gieo trồng giảm 52,9 nghìn ha (năng suất ngô tăng 1,1 tạ/ha). Sản lượng khoai lang đạt 1,35 triệu tấn, tăng 81,9 nghìn tấn (diện tích tăng 1,6 nghìn ha); mía đạt 18,32 triệu tấn, tăng 1,11 triệu tấn (diện tích tăng 12,8 nghìn ha); sản lượng sắn đạt 10,34 triệu tấn, giảm 569,1 nghìn tấn (diện tích giảm 34,4 nghìn ha); lạc đạt 461,5 nghìn tấn, giảm 2,1 nghìn tấn (diện tích giảm 4,1 nghìn ha); đậu tương đạt 102,3 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn (diện tích giảm 16,1 nghìn ha); sản lượng rau các loại đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (diện tích tăng 29,5 nghìn ha); sản lượng đậu các loại đạt 162,3 nghìn tấn, giảm 5,3 nghìn tấn (diện tích giảm 10 nghìn ha).

Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn ở mức thấp khiến quy mô đàn giảm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01-10-2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,7 triệu con, tăng 2,9%, đàn lợn có 27,4 triệu con, giảm 5,7%; đàn gia cầm có 385,5 triệu con, tăng 6,6%. Sản lượng thịt trâu đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 1,5% so với năm trước; sản lượng thịt bò đạt 321,7 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt 1 triệu tấn, tăng 7,3%. Sản lượng trứng gia cầm đạt khá, ước tính năm 2017 đạt 10.637,1 triệu quả, tăng 12,6%.

Năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 241,3 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2016, trong đó diện tích rừng sản xuất ước tính đạt 228 nghìn ha, tăng 1,3%; rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 12,7 nghìn ha, giảm 1,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm đạt 99,8 triệu cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 11,5 triệu m3, tăng 12,4%; sản lượng củi khai thác đạt 26,3 triệu ste, tăng 0,4%.

Sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc. Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính đạt 7.225,0 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm trước, trong đó cá đạt 5.192,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 887,5 nghìn tấn, tăng 8,8%.

Sản xuất công nghiệp

Tính chung cả năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016 (quý I tăng 4%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 9,7%; quý IV ước tính tăng 14,4%), cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,5% (mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp với 10,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm sâu 7,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2017 tăng 8% so với cùng thời điểm năm trước, là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 11 tháng năm 2017 là 65,9% (cùng kỳ năm trước là 66,1%).

Hoạt động của doanh nghiệp

Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV-2017 cho thấy: Có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý III; 18,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I-2018 so với quý IV năm nay, có 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước (Năm 2016 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2017 ước tính đạt 2.937,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 494,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng mức và tăng 11,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 10,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 9,7%.

Vận tải hành khách năm 2017 đạt 4.081,6 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm trước và 182,8 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%. Vận tải hàng hóa năm 2017 đạt 1.442,9 triệu tấn, tăng 9,8% so với năm trước và 268,9 tỷ tấn.km, tăng 6,8%.

Doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 ước tính đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao, giảm 1,3%; số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,8 triệu thuê bao, tăng 18,7%.

Khách quốc tế đến nước ta trong năm ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách), trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,1%; đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%. Trong năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 9.762,7 nghìn lượt người, tăng 34,4% so với năm trước (riêng khách đến từ Trung Quốc đạt 4.008,3 nghìn lượt người, tăng 48,6%); khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.885,7 nghìn lượt người, tăng 16,6%; khách đến từ châu Mỹ đạt 817 nghìn lượt người, tăng 11,1%; khách đến từ châu Úc đạt 420,9 nghìn lượt người, tăng 14,3%; khách đến từ châu Phi đạt 35,9 nghìn lượt người, tăng 25,6%.

Đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,5% và tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 12,8%.

Tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2017 ước tính đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch năm và tăng 7,2% so với năm 2016, gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 3,9%. Vốn địa phương quản lý đạt 226,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% và tăng 8,2%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20122017 thu hút 2.591 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 3,5% về số dự án và tăng 42,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1.188 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 8,4 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2017 lên 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Kim ngạch hàng hóa xuất năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua13, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD./.