Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)
TCCSĐT - Ngày 23-01, cuộc hòa đàm về Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khai mạc ở thủ đô Astana (Kazakhstan). Sau hai ngày đàm phán căng thẳng, mặc dù có những đánh giá khác nhau về kết quả cuộc hòa đàm, song giới phân tích nhận định, đây là tín hiệu tích cực, mở đường để nối lại vòng đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) do Liên hợp quốc bảo trợ ngày 08-02 tới.
Đàm phán Astana: Vạn sự khởi đầu nan
Cuộc hòa đàm về Syria tại thủ đô Astana (Kazakhstan). Ảnh: TTXVN
Ngày 24-01, kết thúc cuộc hòa đàm, ba nước bảo trợ gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung khẳng định đã đạt được sự nhất trí về cơ chế kiểm soát thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. Theo tuyên bố chung, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập một cơ chế 3 bên để giám sát và bảo đảm việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất phân biệt rõ ràng các nhóm khủng bố và những lực lượng đối lập tại Syria, đồng thời hoan nghênh việc thực hiện Nghị quyết 2254 về Syria được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 12-2015. Ngoài ra, nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán chính trị để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, Nga đã chuyển cho phe đối lập bản dự thảo Hiến pháp mới của Syria do Moscow soạn thảo để nghiên cứu. Tuyên bố cũng nêu rõ các nước bảo trợ “ủng hộ sự sẵn sàng của các nhóm đối lập vũ trang tham gia vòng đàm phán chính trị tiếp theo”.
Cuộc hòa đàm về Syria tại Astana là sáng kiến của Tổng thống Nga V. Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập tại Syria tham gia vào “tiến trình chính trị” để có thể chấm dứt sự đổ máu, củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh tại quốc gia Trung Đông này. Lần đầu tiên các nhóm vũ trang đối lập tại Syria ngồi vào cùng một bàn đàm phán với đại diện chính phủ kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu bùng phát cách đây gần 6 năm. Mặc dù hai bên không đối thoại trực tiếp với nhau hay tiến hành cuộc gặp riêng, toàn bộ diễn biến của cuộc hòa đàm đều thông qua các nhà bảo trợ, song đây rõ ràng đây là bước tiến lớn trên con đường “đầy chông gai” tìm kiếm những giải pháp chính trị để mang lại hòa bình cho quốc gia này, nơi cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng khoảng 300 nghìn người.
Cuộc hòa đàm về Syria tại Astana không có sự tham gia của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo giới phân tích, việc Mỹ không tham gia không đồng nghĩa với việc Washington không muốn tham gia vào tiến trình giải quyết khủng hoảng tại Syria mà chủ yếu do trùng với thời điểm chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức. Sự tham gia của Mỹ rất cần thiết vì cuộc hòa đàm diễn ra ở Astana là một bộ phận không thể tách rời tiến trình đàm phán Geneva về Syria. Do đó, khi vấn đề Syria được đưa lên Liên hợp quốc thì sự đóng góp của Mỹ rất quan trọng.
Tiến trình hòa bình Syria sẽ được sáng tỏ tại các cuộc đàm phán ở Geneva trong thời gian tới. Vì vậy, cuộc hòa đàm tại Astana đã gặt hái được những thành công nhất định, song đây mới chỉ là “sự khởi đầu” trên con đường còn nhiều trắc trở. Tuy nhiên, khi tất cả các bên liên quan sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán thì mọi khó khăn đều có thể tìm được cách giải quyết.
Chông gai trên con đường hiện thực hóa TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gặp nhiều thách thức. Ảnh: reuters
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia thành viên đã gặp phải trở ngại lớn khi ngày 23-01, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định này. Các chuyên gia kinh tế nhận định, động thái này của chính quyền Mỹ đã gây nhiều tác động đến các nước tham gia, cũng như chính bản thân nước Mỹ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi TPP, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã ra tuyên bố chỉ trích hành động này là “một sai lầm nghiêm trọng” và sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ và vị thế chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách thương mại cứng rắn của nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống D. Trump đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia châu Âu với những phản ứng khác nhau.
Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh ngày 23-01 nhận định chủ nghĩa bảo hộ sẽ chi phối toàn bộ chính sách thương mại của Chính quyền Mỹ dưới thời ông D. Trump. Bài báo này cho rằng, ông D. Trump đã bắt đầu những bước đi nhằm cụ thể hóa chính sách bảo hộ thương mại ngay sau khi tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm B. Obama với việc quyết định đưa Mỹ ra khỏi TPP, đồng thời cảnh báo giới doanh nghiệp nước này về các hậu quả của việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Cùng ngày, quan chức phụ trách đàm phán thương mại của EU cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại nước Mỹ dưới thời ông D. Trump hiện nay càng nêu bật tầm quan trọng hơn bao giờ hết của thỏa thuận thương mại phải khó khăn mới đạt được giữa EU và Cananda. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, bà C. Malmstroem, Ủy viên Thương mại EU, nhấn mạnh đây là thời điểm EU cần thể hiện sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối, cũng như với các đối tác quan trọng bên ngoài như Canada “để chứng minh rằng các thỏa thuận thương mại đang thực sự phát huy hiệu quả”. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary V. Orban lại lên tiếng hoan nghênh chủ trương bảo hộ được Tổng thống Mỹ thể hiện qua khẩu hiệu “America First” (Nước Mỹ trước hết).
Australia, một thành viên TPP, cho rằng Trung Quốc và Indonesia có thể tham gia hiệp định và bù vào khoảng trống do Mỹ để lại. Phát biểu với hãng truyền thông ABC ngày 24-01, Bộ trưởng Thương mại Australia S. Ciobo cho biết, Indonesia đã bày tỏ quan tâm đến hiệp định này và Trung Quốc cũng có thể tham gia nếu chúng ta có thể chỉnh sửa lại văn kiện. Theo ông S. Ciobo, cấu trúc khởi đầu của TPP là để các nước khác có thể tham gia hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết, bộ trưởng các nước thành viên TPP sẽ nhóm họp trong vài tháng tới để thảo luận cách cứu vãn hiệp định. Trong khi đó, Ngoại trưởng Chile H. Munoz cũng thông báo nước này sẽ mời bộ trưởng các nước tham gia TPP và các nước không tham gia TPP như Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự cuộc họp vào tháng 3 tới nhằm tìm kiếm một khuôn khổ thương mại mới không có Mỹ.
Quá trình đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3-2010. Sau 5 năm đàm phán, TPP đã hoàn tất vào tháng 10-2015 tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta (Mỹ) và chỉ sau đó 1 tháng, toàn văn hiệp định được công bố. Ngày 04-02-2016, tại thành phố Auckland (New Zealand), Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên đã chính thức ký kết hiệp định TPP. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn hai năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Nếu có hiệu lực, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và bảo đảm tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất, có tính chất quyết định trong TPP rút khỏi hiệp định này sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước tham gia cũng như Mỹ. Đối với Mỹ, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ D. Trump liên quan đến thương mại đã phủ bóng đen lên các mối quan hệ thương mại và có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ. Người đứng đầu Ban Tây Bán Cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), A. Werner nhận định, đây là động thái “hãm phanh” tiến trình hội nhập toàn cầu.
Còn đối với các nước thành viên của TPP, các doanh nghiệp của các nước này cũng sẽ bị thiệt hại. Điển hình, các công ty kinh doanh sẽ không được giảm thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa, thị trường dịch vụ sẽ không được mở cửa, đầu tư sẽ không được khuyến khích hoặc được bảo vệ ở cùng một mức độ mà các đối tác thương mại tự do khác nhận được. Với sự vắng mặt của TPP, các doanh nghiệp tại các quốc gia này cũng có thể mất đi các điều khoản vốn quan trọng trong tương lai. Đối với các công ty kinh doanh tại châu Á, rào cản thực sự đối với thương mại thường là rào cản phi thuế quan, như các tiêu chuẩn về thực phẩm và an toàn thực phẩm, kiểm tra sản phẩm, nhãn mác, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. TPP có các quy định về những vấn đề này, trong khi các hiệp định thương mại khác trong khu vực thì không.
Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP đã khiến hiệp định này gặp khó khăn, tuy nhiên, với việc các nước thành viên còn lại đang cân nhắc khả năng triển khai TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ đã cho thấy nỗ lực và quyết tâm thực hiện hiệp định thương mại chất lượng cao và toàn diện này.
Bầu cử sơ bộ vòng một của cánh tả Pháp: yếu tố bất ngờ
Cựu Bộ trưởng Giáo dục, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Benoît Hamon. Ảnh: TTXVN
Chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Pháp đang làm nóng bầu không khí giá lạnh của mùa đông. Đại diện các đảng phái đã bắt đầu vào cuộc một cách mạnh mẽ và tận dụng những ưu thế, những chiến lược riêng của mình để giành được sự ủng hộ của cử tri Pháp.
Cho tới thời điểm hiện nay, có ba nhân vật đáng chú ý đang nổi bật trên chính trường Pháp: cựu Thủ tướng François Fillon (63 tuổi, trung hữu), Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen (49 tuổi, cực hữu) và Emmanuel Macron, nguyên Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số (40 tuổi, ứng cử viên độc lập).
Đáng chú ý, khoảng cách giữa ứng cử viên cánh hữu François Fillon và nữ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen ngày càng thu hẹp, với tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 23% - 28% và 22% - 24%. Một nhân vật chưa được biết nhiều trên chính trường Pháp là ứng cử viên E. Macron - người được biết đến với Phong trào Tiến lên - có khả năng giành được khoảng 16% - 24% phiếu bầu, thậm chí cũng có thể tiến vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Trong khi ứng cử viên sáng giá của Đảng Xã hội cánh tả là Manuel Valls, nguyên là Thủ tướng trong nội các của Tổng thống đương nhiệm François Hollande, lại bị giảm uy tín mạnh trong những ngày qua (13% - 15%). Mục tiêu của ông M. Valls là tập hợp cánh tả để giành thắng lợi trước cánh trung hữu và Đảng cực hữu FN.
Với tình thế xoay chuyển đó, cựu Thủ tướng M. Valls là người lo lắng hơn cả khi ngày 23-01, một nhân vật khá nổi trội cũng thuộc Đảng Xã hội cánh tả, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Benoît Hamon (50 tuổi) đã bất ngờ dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ vòng một của cánh tả. Ngay sau đó, nỗi lo của ông M. Valls đã trở thành hiện thực khi tại vòng hai tổ chức ngày 29-01, ông B. Hamon đã giành chiến thắng, trở thành ứng cử viên đại diện phe cánh tả Pháp tranh đua vào chiếc ghế tổng thống Pháp vào tháng 4 tới đây. Kết quả vòng hai cuộc bỏ phiếu sơ bộ phe cánh tả Pháp cho thấy, ông B. Hamon đã đánh bại cựu Thủ tướng M. Valls, với 58,65% phiếu ủng hộ. Trong phát biểu sau đó, ông M. Valls thừa nhận ông B. Hamon đã “giành chiến thắng dứt khoát”. Chiến thắng của ông B. Hamon được xem là một minh chứng nữa cho thấy sự khó dự đoán của cuộc đua vào Điện Élysée năm nay khi vị cựu Bộ trưởng 49 tuổi mới 3 tuần trước đó vẫn được xem như một “người ngoài cuộc”.
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông B. Hamon đã nêu ra các ý tưởng mới cho phe cánh tả, hứa hẹn nâng cao thu nhập cơ bản của người dân, cũng như thúc đẩy các biện pháp mới bảo vệ môi trường. Ông cũng muốn đánh thuế robot, hợp pháp hóa ma túy làm từ cây gai dầu, thực hiện các quy định ngặt nghèo hơn đối với các sản phẩm hóa chất và thành lập một ủy ban thanh tra nhà nước mới để chống phân biệt đối xử.
Anh - Mỹ khẳng định quan hệ “đặc biệt”
Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN
Ngày 27-01, Thủ tướng Anh Theresa May lên đường công du đến Mỹ. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà lãnh đạo nước ngoài của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến thăm của bà T. May diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước nhiều thách thức sau khi ông D. Trump trở thành tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông D. Trump từng tuyên bố sẵn sàng xem xét lại quan hệ với NATO, Liên hợp quốc và các đồng minh khác. Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng T. May có “tính biểu tượng rất quan trọng” và vào lúc các cuộc đàm phán về Brexit sắp diễn ra, việc Thủ tướng Anh gặp tân Tổng thống Mỹ sớm như vậy là “có ý nghĩa chính trị”. Dưới thời tân Tổng thống D. Trump, quan hệ Mỹ - Anh sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi ông chủ mới lại có quan điểm rất khác đối với các vấn đề an ninh quan trọng như quan điểm đối với Nga, Syria, làm dấy lên những câu hỏi về mức độ hợp tác Mỹ - Anh trong tương lai.
Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông D. Trump và bà T. May ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2016, cả hai bên đã tái khẳng định mối quan hệ “rất đặc biệt” giữa hai quốc gia. Thủ tướng Anh còn đặc biệt nhấn mạnh về quá trình lịch sử lâu dài khi cả Anh và Mỹ đều “cùng chia sẻ nhiều giá trị.” Bà T. May đã bày tỏ mong muốn tăng cường thương mại và đầu tư với Mỹ, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington có thể đem lại nhiều lợi ích cho London. Ngay lập tức , ông D. Trump đã chính thức mời bà Thủ tướng đến thăm Mỹ “càng sớm, càng tốt”.
Bà T. May cũng tỏ ra tin tưởng vào kết quả của chuyến thăm này khi cho rằng, có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Tổng thống D. Trump bất chấp chiến lược “đặt nước Mỹ lên trên hết” của ông. Bởi, hiện nay, Anh không còn là một phần của nền kinh tế chung châu Âu vì nước Anh đã trưng cầu dân ý và đồng ý rút khỏi châu Âu (Brexit) vào tháng 6-2016, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế Anh sau khi ra khỏi thị trường này. Trong khi Mỹ vốn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh, chỉ sau Đức. Thương mại giữa hai nước đạt hơn 150 tỷ bảng (tương đương 186 tỷ USD)/năm) và Mỹ là nguồn đầu tư lớn nhất vào Anh. Thủ tướng Anh cho rằng, hai nước có thể giảm bớt một số hàng rào thương mại trước khi chính thức ký một thỏa thuận chừng nào Brexit trở thành hiện thực. Bà T. May cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Tổng thống Mỹ nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của NATO và “tầm quan trọng của sự hợp tác mà chúng tôi có ở châu Âu để bảo đảm quốc phòng chung và an ninh tập thể của chúng ta”.
Tại buổi hội đàm ngày 27-01 giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống D. Trump đã tái khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Mỹ với Anh. Phát biểu họp báo chung sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump nói: “Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta là một trong những sức mạnh lớn nhất trong lịch sử vì công lý và hòa bình”. Liên quan tới vấn đề Brexit, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh ông “tôn trọng chủ quyền của người dân Anh, và một nước Anh tự do và độc lập là điều may mắn đối với thế giới, cũng như có lợi cho chính an ninh và thương mại của nước này”.
Về phần mình, Thủ tướng T. May cho hay có rất nhiều vấn đề Anh và Mỹ có thể đạt được sự đồng thuận. Theo bà T. May, Tổng thống D. Trump đã tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức bị ông coi là lỗi thời. Thủ tướng T. May nêu rõ: “Về hợp tác an ninh và phòng thủ, chúng tôi thống nhất quan điểm rằng, NATO là nền tảng phòng thủ chung và chúng tôi tái khẳng định cam kết không thể lay chuyển đối với liên minh này”. Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở thành phố Philadelphia, nhà lãnh đạo Anh đã hối thúc các đồng minh của Washington tăng cường vai trò của họ đối với an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi “cảnh giác” với Nga. Bà T. May cũng cho biết, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã gửi lời mời Tổng thống D. Trump tới thăm Anh và ông đã nhận lời./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)  (30/01/2017)
Người nước ngoài chia sẻ những cảm nhận về Tết Việt Nam  (29/01/2017)
Nhiều nước phản đối chính sách hạn chế nhập cảnh vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump  (29/01/2017)
Chuyên gia Nga: Năm mới Việt Nam sẽ là đầu tàu của Đông Nam Á  (29/01/2017)
Nét xuân trong lễ cầu an đầu năm của Cộng đồng người Việt ở Ấn Độ  (29/01/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay