Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv)
20:59, ngày 30-01-2017

TCCSĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2562/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2017. Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2017, danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2017, bao gồm số vốn thu hồi các khoản vốn ứng trước kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017, danh mục dự án giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng mức vốn bù lãi suất tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng chính sách xã hội.

Theo quyết định này, việc thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương bố trí cho từng dự án và gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần hoàn thành trước ngày 25-01-2017; hoàn trả các khoản vốn ứng trước theo kết quả giải ngân của từng dự án đến hết thời gian quy định. Sau khi trừ số vốn thu hồi theo kết quả giải ngân, số vốn kế hoạch năm 2017 còn lại (nếu có) được tiếp tục thực hiện trong năm 2017 cho dự án đó.

Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Mục tiêu của Chỉ thị này nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự, kỷ cương đi đôi với việc tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Theo đó, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại; nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả kế hoạch Thanh tra năm 2017. Phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật để cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm minh, đồng thời chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu hình sự và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm của tổ chức tín dụng. Kết luận thanh tra xác định rõ hành vi vi phạm, rủi ro và nguy cơ rủi ro, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, tập trung giám sát những tổ chức tín dụng cấp tín dụng vượt giới hạn, cho vay, đầu tư của tổ chức tín dụng đối với khách hàng lớn/nhóm khách hàng lớn; đầu tư, sở hữu chéo và chuyển nhượng cổ phiếu, thoái vốn đầu tư; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, mua bán tài sản, dự thu lãi và các khoản phải thu; tăng trưởng tín dụng; chấp hành quy định về lãi suất; hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; đánh giá kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại và phương án xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 01-2017 giảm

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25-01 cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 01-2017 ước đạt 2,54 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 1,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 518 triệu USD, giảm 5%; các mặt hàng lâm sản chính ước xuất khẩu đạt 652 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong tháng 1, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 325.000 tấn với giá trị đạt 136 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và giảm 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 449 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2015.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 với 36% thị phần, tương đương 1,74 triệu tấn, giảm 17,5% so với năm 2015.

Không còn sự tăng ấn tượng với hai con số như năm 2016, xuất khẩu càphê tháng 01-2017 đã quay đầu giảm mạnh, ước đạt 127.000 tấn với giá trị đạt 287 triệu USD, giảm 26,5% về khối lượng và giảm 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tương tự như càphê, các mặt hàng nông sản khác xuất khẩu như chè, hạt điều, tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn cũng có sự giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu chè tháng 1 ước đạt 11.000 tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, giảm 3,6% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, khối lượng hạt điều xuất khẩu trong tháng 1 giảm khá mạnh, trên 20%, nhưng nhờ giá tốt nên kim ngạch chỉ giảm 4,4%, đạt 176 triệu USD. Còn mặt hàng hồ tiêu thì giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Ước hồ tiêu xuất khẩu chỉ đạt 8.000 tấn (giảm 18,3%) với giá trị đạt 56 triệu USD (giảm 37% so với cùng kỳ năm 2016).

Duy nhất có mặt hàng cao su vẫn duy trì được sự tăng trưởng trở lại tốt trong xuất khẩu từ những tháng cuối năm 2016. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 01-2017 đạt 102.000 tấn với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng 84,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc cáo buộc EU áp dụng chính sách bảo hộ đối với sản phẩm thép

Theo AFP, Trung Quốc đã cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) về hành vi "bảo hộ" sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 27-01 áp thuế chống bán phá giá ở mức 30,7-64,9% đối với sản phẩm thép của Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép đang gặp khó khăn ở châu Âu.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái trên của EC vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đồng thời tuyên bố "áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền công bằng" của các công ty Trung Quốc.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan nhằm ngăn chặn những sản phẩm này tràn ngập thị trường thép đang gặp khó khăn của châu Âu.

Tuyên bố ngày 27-01 của EC khẳng định cuộc điều tra đã xác nhận rằng thép ống không gỉ của Trung Quốc và Đài Loan và một loại thép ống thép hàn đối đỉnh đang được bán phá giá tại châu Âu. EC đồng thời khẳng định đã áp dụng một số lượng chưa từng có các biện pháp bảo vệ thương mại nhằm vào những sản phẩm thép nhập khẩu gian lận. Trong số 39 biện pháp chống bán phá giá và chống trợ giá của EU, 17 biện pháp nhằm vào các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Donald Trump chính thức ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP


Ngày 23-01, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh nói trên, qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 là Washington sẽ rút khỏi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này ngay khi ông tiếp quản Nhà Trắng.

Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này.

TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TTP hồi tháng 10-2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Hiện nhiều nước thành viên TPP đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ./.