Ứng dụng hệ thống các lý thuyết về di cư trong giải quyết vấn đề di cư tự do ở vùng Tây Nguyên hiện nay
TCCS - Di cư tự do (DCTD) là vấn đề phức tạp, mang tính tự phát, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác hoạch định chính sách phát triển các địa phương vùng Tây Nguyên. Theo đó, việc nghiên cứu hệ thống lý thuyết về di cư có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và triển khai các kế hoạch, biện pháp nhằm giải quyết, xử lý tình trạng di cư tự do, từ đó góp phần phát triển “nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”(1).
Một số lý thuyết nổi bật về di cư
Hiện tượng di cư là một phần tất yếu trong tiến trình phát triển của nhân loại, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ lệ di cư từ nông thôn đến thành thị có xu hướng tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Theo đó, việc nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu những nội dung hợp lý của một số lý thuyết di cư là “chìa khóa” để phân tích, nhận thức và “cải biến” quá trình di dân nói chung cũng như di cư tự do nói riêng; đồng thời, xác lập nền tảng nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người di cư với lợi ích chung toàn xã hội. Hiện có nhiều lý thuyết về di cư được nhiều quốc gia tham chiếu, có ảnh hưởng nhất định đến quá trình hoạch định chính sách đối với người/cộng đồng di cư, cụ thể:
Lý thuyết về các cơ hội can thiệp (Intervening opportunities) nhấn mạnh, hoạt động di cư mang lại những cơ hội mới (như thu nhập, việc làm, chất lượng cuộc sống,…) ở nơi đến, nhưng cũng tồn tại mầm mống các trở ngại, thách thức trong quá trình di cư; đồng thời, xác định hoạt động di cư là tập hợp sự lựa chọn của cá nhân nhằm tối đa hóa các cơ hội, lợi ích và phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất những khó khăn, trở ngại trong di cư(2). Theo đó, các chính sách di cư, tái định cư nói chung cần chú trọng việc hỗ trợ, giảm thiểu những khó khăn, cản trở và kiến tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi, bảo đảm người di cư có cuộc sống ở nơi đến tốt hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với nơi cũ.
Lý thuyết về các nhân tố hút - đẩy (Push - pull factors) chỉ rõ hoạt động di cư là kết quả của sự tương tác từ các nhân tố hút và đẩy (các yếu tố can thiệp bên ngoài và cá nhân); đồng thời, tập trung phân tích các quy luật kinh tế nhằm giải thích nguồn gốc các luồng di cư từ nơi đông dân sang nơi ít dân, từ nông thôn ra thành thị. Như vậy, người di cư và người làm chính sách cần tiếp cận toàn diện các thông tin về yếu tố hút - đẩy ở cả nơi đến, nơi đi và điều kiện môi trường trong quá trình di cư. Đặc biệt, lý thuyết trên xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động di cư, định cư không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế, bởi các điều kiện phi kinh tế (như y tế, giáo dục, trật tự, an toàn xã hội,…) ở nơi đến cũng đóng vai trò mang tính quyết định(3).
Lý thuyết về các mạng lưới di cư (Migrant networks) chú trọng phân tích vai trò các yếu tố sẵn có của người di cư trong hình thành mạng lưới di cư không chính thức (gồm những mối quan hệ dòng họ, bạn bè hoặc chung quê hương ở nơi đến), bởi đây là cơ sở để đối tượng di cư được hỗ trợ bằng nhiều cách, như giảm chi phí, rủi ro, cung cấp thông tin và tạo ra các điều kiện, cơ hội cần thiết trong cuộc sống,... Theo đó, chính sách di cư cần cân nhắc thiết lập, điều chỉnh các mạng lưới di cư chính thức và phi chính thức cho đối tượng di cư ở cả nơi đến và nơi đi, bởi các thông tin về nguồn lực vật chất, tinh thần được lan tỏa, cộng hưởng nhanh chóng và hiệu quả hơn trong mạng lưới di cư phi chính thức so với mạng lưới chính thức dưới hình thức quản lý hành chính nhà nước(4).
Lý thuyết về các không gian xã hội xuyên quốc gia (Transnational social spaces) cho rằng, đối tượng di cư (bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)) thường có xu hướng bị hút vào những không gian xã hội xuyên vùng, miền tương đồng, nơi có thể giúp họ giao lưu, học hỏi nhưng vẫn duy trì, phát huy bản sắc văn hóa vốn có. Như vậy, di cư không đơn giản chỉ là sự di chuyển trong không gian địa lý hoặc giữa các không gian địa - chính trị, địa - kinh tế, mà còn bao hàm cả sự di chuyển giữa các không gian xã hội (tinh thần, tư tưởng, văn hóa, truyền thồng). Mặt khác, người di cư không chỉ di chuyển vị trí của họ trong các không gian xã hội mà còn có thể góp phần biến đổi, mở rộng, phát triển không gian xã hội nơi đến(5).
Lý thuyết thị trường lao động kép (Labor market dualism) chỉ rõ, hoạt động di cư đóng vai trò là nguồn cung lao động phục vụ nhu cầu phát triển ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, do đó, sự gia tăng hoạt động di cư là phương thức bảo đảm nguồn cung lao động, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế(6). Như vậy, chính sách về di cư cần quan tâm tới lao động, việc làm của người di cư nhằm giảm bớt các rủi ro cho họ, như bị bóc lột, bạo lực, lạm dụng trong các quan hệ lao động,…; đặc biệt, cần quan tâm tới việc đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với nguồn lao động di cư.
Thực trạng và một số vấn đề về hoạt động di cư tự do vùng Tây Nguyên hiện nay
Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò trung tâm trong kết nối Đông - Tây; có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị và bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả nước. Vùng Tây Nguyên bao gồm 53 DTTS, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa riêng độc đáo, tạo nên sự giàu có, đa dạng bản sắc(7). Từ sau năm 1975 đến nay, đây là nơi diễn ra các biến động phức tạp về dân cư với quy mô lớn, số lượng tăng nhanh, cụ thể: Năm 1976, tổng dân số vùng chỉ có 1,23 triệu người (18 dân tộc); năm 1993, dân số toàn vùng là 2,37 triệu người; đến năm 2018, dân số khoảng 6 triệu người(8). Theo đó, trung bình cứ 10 năm, tổng dân số trong vùng tăng thêm 1 triệu người(9); nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng di cư tự do(10) từ hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước (nhiều nhất là vào thập niên 90 của thế kỷ XX, gắn liền với các hoạt động bố trí, sắp xếp lại dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh,…), kéo theo thành phần dân tộc/tộc người có sự biến đổi đan xen, phức tạp.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tập trung cư trú thành các khu vực tương đối độc lập, kể từ sau năm 1975, bởi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như tác động của quá trình DCTD, tình trạng phân bố dân cư không đồng đều, xáo trộn lan rộng trên nhiều địa bàn; hệ thống buôn, làng các DTTS xen kẽ với nhau, xen kẽ với các dân tộc mới đến và với người Kinh,… Hiện nay, vùng Tây Nguyên còn khoảng 16 nghìn hộ dân DCTD (hơn 49,8 nghìn người) sinh sống phân tán tại các địa phương cần được sắp xếp, bố trí ổn định theo quy hoạch. Theo đó, các địa phương trong vùng đã tích cực thực hiện các dự án bố trí người dân DCTD dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và Nhà nước(11) và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể: Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lâm Đồng triển khai chín dự án với nguồn vốn hơn 296 tỷ đồng (bố trí ổn định cho 692 hộ với 2.768 người), đạt hơn 30% mục tiêu đề ra; từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk lập quy hoạch 17 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD và đã được phê duyệt 15 dự án, trong đó có 13 dự án đang triển khai (tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng, quy mô bố trí tập trung cho 4.402 hộ dân); tỉnh Đắk Nông có 13 dự án ổn định dân DCTD trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên, kinh phí triển khai chưa được bố trí kịp thời(12)…
Đối tượng hộ dân di cư là lực lượng có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung vùng Tây Nguyên, như làm gia tăng dân số, hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới; bổ sung nguồn nhân lực (đa số là lao động trẻ) phục vụ quá trình công nghiệp hóa; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy sự hòa nhập, phát triển cho đồng bào DTTS tại chỗ; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trong vùng, nhất là khu vực biên giới,…
Tuy nhiên, hoạt động di cư tự do vùng Tây Nguyên cũng gây nên không ít hệ lụy và thách thức:
Một là, những hệ lụy, tác động tiêu cực từ quá trình di dân tự phát hiện vẫn là vấn đề nan giải, như tài nguyên rừng bị tàn phá (chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng vùng lõi các vườn quốc gia); sự đa dạng sinh học bị phá vỡ (nhiều loài động, thực vật quý hiếm bị xâm hại); môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai mới (hạn hán, lũ quét, sạt lở,…). Bên cạnh đó, trong thời gian dài, việc giải quyết tình trạng dân di cư tự phát vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ dân DCTD cần bố trí ổn định còn lớn, cụ thể: vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 11,2 nghìn hộ dân DCTD tự sắp xếp, xen ghép trong các khu, điểm dân cư; khoảng 19 nghìn hộ dân DCTD cư trú phân tán ngoài quy hoạch, chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào các dự án(13).
Hai là, dân cư tăng mạnh, liên tục trong nhiều năm khiến quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội,… gặp cản trở, vướng mắc; xuất hiện nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, bảo vệ, xây dựng môi trường sống, ổn định sản xuất, kinh doanh,…; một số "điểm nóng" về an ninh, trật tự và tình trạng lấn chiếm, phá rừng liên tục xảy ra. Ví dụ: Tại tỉnh Đắk Nông, dân DCTD được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng nghìn héc-ta đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nhiều cánh rừng tự nhiên bị tàn phá, theo đó, toàn tỉnh hiện còn khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp, tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng,...)(14). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn thiếu hiệu quả; ý thức chấp hành chính sách pháp luật về cư trú, bảo vệ rừng, sử dụng đất đai,... của nhiều hộ dân DCTD còn hạn chế.
Ba là, các địa phương có đông dân DCTD đã và đang phải giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội (tình trạng thiếu thốn, đói nghèo, các loại bệnh tật phát sinh (sốt rét, tiêu chảy,…), vệ sinh môi trường, nạn tảo hôn và sinh nhiều con,…). Một số nơi ở của các hộ dân DCTD thường xuất hiện tệ nạn xã hội (thuốc phiện, cờ bạc, trộm cắp,…) và hoạt động tôn giáo trái phép; thậm chí, có sự kích động, gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa người dân DCTD với đồng bào DTTS tại chỗ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết, ổn định về tình hình an ninh, chính trị. Mặt khác, trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng lao động của vùng Tây Nguyên vẫn thấp hơn bình quân cả nước, cụ thể: trong khoảng 3,5 triệu lao động, tỷ lệ lào động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 6,1%(15).
Một số giải pháp giải quyết vấn đề di cư tự do hiện nay ở vùng Tây Nguyên
Việc giải quyết dứt điểm tình trạng DCTD vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo cơ sở để xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc cho người dân theo tinh thần “cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”(16), theo đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết tình trạng dân DCTD một cách hiệu quả, thiết thực(17). Vùng Tây Nguyên là nơi diễn ra nhiều cuộc di dân lớn trong lịch sử, hiện cũng là mảnh đất đang phát triển và là điểm đến hấp dẫn của nhiều hộ di dân; do đó, các chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi cho dòng người di cư, bởi họ phải trải qua những chặng đường khó khăn, thách thức để đến sinh kế ở vùng đất mới. Bên cạnh đó, ngoài việc chú ý đến các yếu tố, mục tiêu về mặt kinh tế, các chính sách cần tính đến toàn diện các lĩnh vực khác (như giáo dục, y tế, văn hóa và sự hòa nhập của đối tượng di cư,...).
Thứ hai, chú trọng đẩy mạnh xây dựng, thiết lập các mạng lưới di cư chính thức và phi chính thức ở cả nơi đến và nơi đi, từ đó, bảo đảm sự an toàn cũng như lợi ích tối đa cho đối tượng di dân. Bên cạnh đó, phải xác định đối tượng di cư là nhân tố góp phần biến đổi, mở rộng và phát triển các không gian xã hội mới, làm giàu thêm bản sắc văn hóa nơi đến. Theo đó, cần tăng cường triển khai, thực hiện các mô hình sinh kế hợp lý để người dân phát triển kinh tế bền vững dựa trên việc tận dụng, khai thác các tiềm năng về kinh nghiệm sản xuất, giá trị văn hóa vốn có.
Thứ ba, quá trình di cư nông thôn - thành thị là sự dịch chuyển lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp truyền thống sang khu vực công nghiệp hóa, nơi nhu cầu sử dụng lao động làm thuê ngày càng tăng; do đó, phát triển kinh tế là phương thức bền vững để điều chỉnh nguồn di cư hợp lý, ổn định. Như vậy, chính quyền các địa phương cần có phương thức, kế hoạch cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin nơi đến; quan tâm tới vấn đề lao động, việc làm của người di cư để hạn chế các rủi ro, như bị bóc lột, bạo lực, lạm dụng trong công việc; đặc biệt, cần chú trọng nhiệm vụ đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tạo điều kiện để người di cư có thể đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thích nghi và phát triển trong thị trường lao động ở nơi sống mới.
Thứ tư, chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; bảo đảm người dân tại chỗ có sinh kế bền vững, đủ điều kiện phát triển sản xuất và được chăm sóc đầy đủ về an sinh xã hội, từ đó, giúp họ yên tâm định cư, lao động và nâng cao đời sống. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các hộ dân DCTD được hưởng các quyền lợi, lợi ích hợp pháp cũng như thực hiện các nghĩa vụ công dân tại địa phương; hỗ trợ, giảm thiểu các yếu tố gây khó khăn, cản trở, bảo đảm cuộc sống nơi đến phải tốt hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với nơi cũ.
Thứ năm, ban hành các chủ trương, chính sách hiệu quả, phù hợp để giải quyết các vấn đề nổi lên do quá trình di cư gây ra, như bảo vệ môi trường, thiếu hụt nguồn vốn triển khai các hoạt động quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất,…; xử lý dứt điểm tình trạng phát sinh một số "điểm nóng" về an ninh, trật tự, di dân tự phát chưa được quy hoạch. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng, điều kiện sinh hoạt, nhất là việc học tập, khám, chữa bệnh của trẻ em và hạ tầng giao thông; giải quyết tốt tình trạng thiếu thốn, đói nghèo, vệ sinh môi trường, nạn tảo hôn và sinh nhiều con,...
-----------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 255
(2) Xem: Lê Ngọc Hùng: “Các lý thuyết về di cư và vận dụng trong chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, ngày 30-10-2018, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2717-cac-ly-thuyet-ve-di-cu-va-van-dung-trong-chinh-sach-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam.html
(3) Everett S. Lee: “A Theory of Migration” (Tạm dịch: Một lý thuyết về di cư), Demography, 1996, Volume 3, No 1, 1966, tr. 47 - 57
(4) Xem: Lê Ngọc Hùng: “Các lý thuyết về di cư và vận dụng trong chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, Tlđd
(5) Xem: Ludger Pries: “New transnational social spaces: international migration and transnational companies in the early twenty-first century” (Tạm dịch: Không gian xã hội xuyên quốc gia mới: Luồng di cư quốc tế và các công ty xuyên quốc gia đầu thế kỷ XXI), Roudedge, New York, 2001
(6) Xem: K. Hudson: “The new labor market segmentation: Labor market dualism in the new economy” (Tạm dịch: Phân khúc thị trường lao động mới: Thuyết nhị nguyên thị trường lao động trong nền kinh tế mới), Social Science Research, Volume 36, Issue 1, tháng 3-2007, tr. 286 - 312
(7) Xem: Báo cáo số 1045-BC/BCSĐCP, của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, về “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”
(8) Xem: Triệu Văn Bình: “Tác động của dân di cư tự do đến kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 23-9-2020, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/tac-dong-cua-dan-di-cu-tu-do-den-kinh-te-xa-hoi-cac-tinh-tay-nguyen-129820
(9) Xem: Khắc Lịch: “Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 21-3-2019, https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Tay-Nguyen-gong-minh-ganh-dan-di-cu-tu-do-i514420/
(10) Những nguyên nhân khiến vùng Tây Nguyên được chọn là nơi đến của các hộ dân DCTD: Điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nơi ở cũ khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai; mật độ dân số ở các tỉnh vùng Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và sản xuất nông nghiệp,...
(11) Quyết định số 132/QĐ-TTg, ngày 8-10-2002, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên”; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007, của Thủ tướng Chí phủ, về “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010”; Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 25-8-2009, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012”; Chỉ thị số 660/TTg, ngày 17-10-1995, của Thủ tướng Chính phủ, “Về giải quyết tình trạng dân di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác”; Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg, ngày 12-11-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chủ trương giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do”; Quyết định số 193/2006/QĐ- TTg, ngày 24-8-2006, của Thủ tướng Chính phủ, “Về Phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015”
(12) Xem: Lý Bảo Yên: “Tây Nguyên trước áp lực di cư tự do”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 14-7-2023, https://nhandan.vn/tay-nguyen-truoc-ap-luc-di-cu-tu-do-post762367.html
(13) Xem: Triệu Văn Bình: “Tác động của dân di cư tự do đến kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên”, Tlđd
(14) Xem: Chấn Hưng - Khải Hoàn: “Áp lực phá rừng do di cư tự do”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 12-4-2023, https://nhandan.vn/ap-luc-pha-rung-do-di-cu-tu-do-post747281.html
(15) Xem: Trần Thị Minh Trâm - Lê Văn Phục: “Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-3-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827162/phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc%2C-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-o-cac-tinh-mien-trung-va-tay-nguyen-hien-nay.aspx
(16) Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên”, Tạp chí Cộng sản, số 1.001, tháng 11-2022, tr. 10
(17) Đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24-8-2006, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015”; Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020, của Chính phủ, “Về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường”,…
Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên  (15/10/2023)
Tăng cường liên kết, phối hợp giữa hai vùng Trung Bộ và Tây Nguyên trong thúc đẩy phát triển kinh tế hiện nay  (23/09/2023)
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay  (30/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển