Phúc lợi xã hội hướng tới bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
TCCS - Thực hiện công bằng xã hội ở nước ta không chỉ là hướng tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà còn là một động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một yêu cầu bức thiết của công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được xem là một trong hai trụ cột chính để thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức về vai trò của phúc lợi xã hội trong bảo đảm công bằng xã hội
Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng để góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội. Phúc lợi xã hội không hoàn toàn thụ hưởng một chiều từ thành quả tăng trưởng kinh tế, mà phúc lợi xã hội là phân phối lại thu nhập trên quy mô toàn xã hội, góp phần giảm thiểu bất công xã hội phát sinh từ phân phối theo lao động và phân phối theo vốn đóng góp, ổn định đời sống của người lao động. Thực hiện phúc lợi xã hội là thực hiện phân phối lại ngoài phân phối theo lao động nhằm giảm bớt sự bất công bằng trong xã hội. Sự phát triển của các hệ thống phúc lợi xã hội được xem là những thành tựu lớn xét về mặt chính sách xã hội tại các quốc gia trên thế giới.
Trong các chế độ chính trị của giai cấp bóc lột, trước cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lực lượng cầm quyền có thể gia tăng phúc lợi xã hội để xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, xung đột xã hội. Còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa, phúc lợi xã hội xuất phát từ bản chất tốt đẹp của chế độ vì con người, do con người, nhằm không ngừng nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân, có ý nghĩa củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, bảo đảm định hướng và định hình giá trị chủ nghĩa xã hội trong từng bước đi của công cuộc đổi mới.
Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, càng cho thấy không ngừng chăm lo phúc lợi xã hội - một trong hai trụ cột thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường - chính là hướng tới bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, công bằng xã hội cũng là tiền đề để thực hiện tốt hệ thống phúc lợi xã hội. Thực tiễn chỉ ra rằng, có mối tương quan và sự liên hệ qua lại giữa công bằng xã hội và phúc lợi xã hội. Ngày nay, trên thế giới, vấn đề chia rẽ sắc tộc, suy thoái, bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội… thường có nguyên nhân từ sự bất bình đẳng, nghèo đói, không bảo đảm về quyền con người, các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập…, suy cho cùng là do sự bất cập trong thực hiện công bằng xã hội. Vì vậy, mỗi bước đạt được của công bằng xã hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ tạo ra tiền đề để thực hiện tốt hơn phúc lợi xã hội, đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội.
Khi nền kinh tế có tích lũy tốt, nguồn lực mạnh mẽ sẽ tạo “bệ đỡ” vững chắc để thực hiện đầy đủ, ổn định hệ thống phúc lợi xã hội. Lúc này, công bằng về kinh tế sẽ tạo tiền đề vật chất bảo đảm cho việc thực hiện phúc lợi xã hội.
Khi nền chính trị - xã hội có một cơ chế, phương thức hiệu quả điều chỉnh các quan hệ lợi ích của các cá nhân, các giai tầng thông qua hệ thống phúc lợi xã hội đạt được sự công bằng sẽ tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng các lợi ích xã hội giữa các cá nhân, góp phần hoàn thiện hơn các mục tiêu, vai trò, chức năng của phúc lợi xã hội. Khi đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao, nhận thức của các cá nhân trong xã hội về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc thực hiện phúc lợi xã hội cũng được thay đổi. Theo đó, hệ thống phúc lợi xã hội sẽ được mở rộng và thực chất hơn.
Ở một chiều ngược lại, nếu đạt được những mục tiêu của công bằng xã hội cũng sẽ làm giảm bớt áp lực cho hệ thống phúc lợi xã hội. Xã hội càng phát triển thì hệ thống phúc lợi xã hội càng đa tầng và có cấu trúc càng phong phú. Mỗi quốc gia khác nhau, với những điều kiện khác nhau thì hệ thống phúc lợi xã hội cũng có cấu trúc khác nhau, nhưng để hệ thống phúc lợi xã hội hoạt động tốt và phát huy tốt vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội thì không chỉ cần nguồn lực kinh tế, tài chính lớn mà nó còn đòi hỏi có sự nhận thức đúng của các chủ thể xã hội, cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước…
Phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Việc phát triển hệ thống phúc lợi xã hội không thể tách rời trình độ phát triển kinh tế. Khi nền kinh tế với tích lũy còn hạn chế thì hệ thống phúc lợi chưa thể vận hành đầy đủ như kỳ vọng. Trước đây, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thông qua hình thức “bao cấp” với vai trò tuyệt đối của Nhà nước đã làm triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế, gây tâm lý ỷ lại và dựa dẫm. Trong nền kinh tế thị trường, với việc tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh tế với việc giảm thiểu các chi phí, trong đó có các chi phí cho phúc lợi xã hội, điều này tiềm ẩn bất ổn xã hội. Kinh tế thị trường có vai trò quan trọng trong phân bổ hiệu quả nguồn lực, nhưng mặt trái của nó là phân hóa giàu nghèo, gây nên các bất công xã hội. Những mặt trái đó càng thể hiện rõ trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với bản chất vị lợi nhuận và dựa trên quy luật bóc lột giá trị thặng dư tàn nhẫn.
Trên thực tế, muốn xã hội phát triển bền vững, cần dựa trên nền kinh tế năng động, cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng nhằm nâng cao cả chất và lượng, từ đó xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội chất lượng, bao trùm. Ngược lại, khi phân phối kết quả sản xuất thông qua hệ thống phúc lợi xã hội cũng cần suy xét tới hình thức, cách thức phân phối để tránh việc ỷ lại của người thụ hưởng. Về lâu dài, việc dựa dẫm của người thụ hưởng sẽ làm triệt tiêu động lực phấn đấu, gián tiếp tác động đến một trong những nhân tố quan trọng của động lực tăng trưởng.
Theo C. Mác, công bằng xã hội chỉ thực sự có được trong chủ nghĩa xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa giúp phát huy những mặt tích cực, hóa giải, giảm thiểu mặt tiêu cực của thị trường.
Tuy nhiên, phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuân theo quy luật thị trường, không phải là sự “bao cấp” mà đó là “sự đầu tư cho phát triển”. Chính phủ, với nguồn lực còn hạn chế, phải bảo đảm đem lại lợi ích cho số đông, nhưng không vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích của số ít; do đó, phải giải phóng tối đa các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu để bảo đảm chi tiêu cho phúc lợi xã hội bền vững.
Tính định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội; thực hiện sự thống nhất và gắn liền hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người.
Để bảo đảm được tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường cần thực hiện phân phối công bằng chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối lại thông qua hệ thống phúc lợi xã hội. Bởi đây là một trong hai kênh quan trọng để bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường hiện đại, bảo đảm sự phát triển kinh tế nhằm mục tiêu phục vụ con người, vì con người.
Bản chất của chủ nghĩa xã hội là công bằng, song cũng cần nhấn mạnh công bằng xã hội trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác về chất với chủ nghĩa bình quân, cào bằng thu nhập và “chia đều đói nghèo” cho mọi người, làm triệt tiêu động lực phát triển. Ngược lại, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cách thức phân phối ngày càng giảm bình quân, cào bằng, đã giúp giải quyết cả hai vấn đề là tăng trưởng và phát triển nhanh; đồng thời, nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người, đưa nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Khuyến nghị nhằm thực hiện phúc lợi xã hội hướng tới bảo đảm công bằng xã hội
Mỗi quốc gia đều có chính sách riêng nhằm thực hiện và triển khai có hiệu quả hệ thống phúc lợi xã hội. Ở Việt Nam, việc thực hiện triển khai hệ thống phúc lợi xã hội gắn với bảo đảm công bằng xã hội là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, áp dụng các hệ thống sàng lọc và xác định đối tượng thụ hưởng của các chương trình phúc lợi xã hội nhằm nâng cao tác động giảm nghèo từ một mức chi nhất định của Nhà nước. Việc xác định và phân loại các hộ nghèo, các trường hợp dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội sẽ giúp đưa các chương trình phúc lợi xã hội đi trúng đích và đúng nhóm đối tượng thụ hưởng, khắc phục tình trạng manh mún, trùng lặp phạm vi, đối tượng thụ hưởng, dẫn tới phát sinh chi phí mà hiệu quả đạt được lại không cao.
Thứ hai, mở rộng phạm vi và đối tượng thụ hưởng phúc lợi xã hội theo từng nấc phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế còn chưa đủ mạnh để triển khai hệ thống phúc lợi xã hội phủ khắp, chính vì vậy, trong quá trình triển khai hệ thống phúc lợi xã hội cần tiến hành từng bước, ưu tiên các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người già, trẻ nhỏ, người tàn tật…, sau đó mở rộng dần nhóm đối tượng thụ hưởng.
Thứ ba, đẩy nhanh, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa hoạt động phúc lợi xã hội. Kinh nghiệm ở nhiều nước có mô hình phúc lợi xã hội thành công cho thấy, khu vực tư nhân là một lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra nguồn quỹ phúc lợi xã hội, đồng thời tạo điều kiện để người dân được tự do lựa chọn hình thức bảo vệ cho riêng mình.
Thứ tư, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội thông qua hệ thống chính sách xã hội. Nhà nước có thể sử dụng công cụ là chính sách xã hội mà cụ thể ở đây là hệ thống phúc lợi xã hội để điều tiết quá trình phân phối lại nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Một mặt, chú trọng tăng trưởng kinh tế để có nguồn lực vật chất cho các chương trình phúc lợi xã hội, mặt khác xây dựng các chương trình phúc lợi xã hội phù hợp, khả thi với năng lực kinh tế nội tại.
Thứ năm, lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong triển khai các chương trình phúc lợi xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng phúc lợi xã hội trong giáo dục, giúp những gia đình nghèo có trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học được đến trường, giảm bớt gánh nặng kinh tế, tạo thêm cơ hội để các gia đình dành ra một khoản tiền chi trả cho các dịch vụ khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội./.
Thực hiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (20/09/2021)
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (19/07/2021)
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (18/07/2021)
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (02/07/2021)
- Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh
- Tác động của điều kiện tự nhiên - xã hội đến công tác đấu tranh phản, bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay