Phát huy sức mạnh dân chủ cơ sở trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Phát huy dân chủ cơ sở là bài học quan trọng của Đảng bộ Thanh Hóa trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bài học này được rút ra từ thực tiễn công tác lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa những năm 1980, và được phát huy cao độ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thanh Hoá phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách trên tất cả các lĩnh vực: cơ sở vật chất thấp, thiên tai nặng nề; những diễn biến phức tạp về tình hình chính trị thế giới và trong nước đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Khi thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích đô thị hoá, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, ở một số cơ sở do thiếu sự công khai, bàn bạc dân chủ đã tạo cơ hội cho một bộ phận cán bộ thao túng quyền lực, vụ lợi cá nhân chuyển đổi đất đai của nông dân cho các dự án (có cả những dự án treo hoặc không đúng mục đích), làm cho nhiều hộ nông dân mất đất, mất việc làm.
Một thực tiễn nữa trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là nhiều cơ sở cho đấu thầu đồng bãi nuôi trồng thuỷ sản; thuê đất làm trang trại vườn rừng; quy hoạch vùng nguyên liệu (sắn, dứa, cà phê, cao su) cho các nhà máy chế biến ở một số huyện trong tỉnh, vì thiếu bàn bạc dân chủ, thiếu lắng nghe ý kiến của dân và ý kiến của các nhà khoa học đã làm cho những người nông dân chịu nhiều thiệt thòi, còn quyền lợi lại vào tay một số “doanh gia” và cán bộ cơ sở. Một số đề án, dự án do không đảm bảo cơ sở thực tiễn, không hợp lòng dân nên hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là “chết yểu”, gây nhiều tác động xấu trong tư tưởng nông dân.
Khắc phục tình trạng nêu trên, Đảng bộ Thanh Hoá đã quán triệt sâu sắc bài học phát huy dân chủ cơ sở trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cụ thể là:
1. Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân
Để chuyển dịch một nền kinh tế tiểu nông, làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào thiên nhiên là chính, phát triển lên một nền sản xuất hàng hóa, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ Thanh Hóa đã vượt qua những rào cản về tư tưởng phong kiến, tư duy bao cấp, bảo thủ của nền sản xuất kế hoạch hoá tập trung, quan liêu trước đây; kiên quyết đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị theo hướng "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", huy động tối đa sức mạnh to lớn của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới
Qua từng nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ Thanh Hóa đã thẳng thắn nhìn nhận rõ những yếu tố hạn chế, những yếu kém, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, đặc biệt nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại những chủ trương còn thiếu cơ sở lý luận, xa rời với thực tiễn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm thiếu hụt và kém hiệu quả trong các nguồn lực phát triển ở địa phương.
Nhiều Nghị quyết của Tỉnh ủy đều khẳng định: Việc huy động sức mạnh của nhân dân tham gia tích cực vào quá trình vận động chính sách, giúp cho cấp uỷ có những chủ trương đúng đắn là đòi hỏi hết sức quan trọng, đặc biệt đối với Thanh Hóa là một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, còn nhiều yếu kém; lề lối và các tập quán canh tác, sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp còn nhiều lạc hậu. Trong quá trình này, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu, theo đó là sức mạnh đoàn kết trong Đảng và của toàn dân, vì thực chất của chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi và điều chỉnh lại các quan hệ sản xuất trong nông thôn, những quan hệ đó luôn luôn gắn kết với quyền lợi và nghĩa vụ của người nông dân. Chủ trương đó, phù hợp với quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nông dân ta chí khí rất anh dũng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó đã tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt, thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được”(3).
2. Phát huy sức dân, giao quyền chủ động cho nông dân
Đứng trước những khó khăn và đòi hỏi của thực tiễn, Đảng bộ Thanh Hóa đã có những quyết tâm cao, vận dụng hợp lý các nghị quyết của Trung ương Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới nhanh cơ cấu nền kinh tế, trong đó “tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp” và coi “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”(4) nhằm tăng tổng sản phẩm nông nghiệp gắn với sử dụng đất đai có hiệu quả; tạo vùng cây, con có sản phẩm hàng hoá lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu cây, con gắn với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ trong cơ cấu nông nghiệp; sử dụng có hiệu quả tiềm năng và phát huy được lợi thế của từng vùng kinh tế.
Thực hiện có hiệu quả những nội dung trên, Đảng bộ Thanh Hóa chủ trương phải nâng cao sức dân, giao quyền chủ động cho nông dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của nông dân trước yêu cầu và đòi hỏi của sản xuất. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đã tạo cơ hội cho người dân được bàn bạc công khai, được đóng góp ý kiến, được kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp uỷ và chính quyền địa phương; được quyền lựa chọn hướng đầu tư và quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, làm việc gì trên miếng đất của họ.
Thực chất của công cuộc đổi mới trong nông nghiệp chính là giao quyền chủ động sản xuất cho nông dân. Vì vậy, vấn đề nông dân, được Đảng bộ Thanh Hóa hết sức coi trọng. Từ những chủ trương đến các chính sách của Đảng bộ đều nhằm từng bước “cởi trói” cho nông dân. Nông dân không chỉ được bàn bạc cách làm ăn mà còn được tham gia ý kiến trong các chủ trương và chính sách của cấp uỷ. Người nông dân thực sự được quyền chủ động lựa chọn phương thức sản xuất và quyết định về những sản phẩm do họ làm ra.
3. Tôn trọng tính tự nguyện, chủ động của người dân
Thông qua quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cấp uỷ và Đảng viên ở cơ sở thể hiện rõ vai trò là hạt nhân, nòng cốt tham gia các mô hình, nhất là các mô hình khó. Mỗi nội dung chuyển dịch đều được cấp uỷ chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức cho nhân dân bàn bạc dân chủ trên nguyên tắc tôn trọng tính tự nguyện của người dân. Tỉnh và tập thể chỉ hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách được hình thành từ thực tiễn, và khi ban hành thì công khai cho mọi người dân biết. Điều này đã khắc phục được tình trạng quan liêu của cấp uỷ và chính quyền, đồng thời cũng khắc phục thói quen của nông dân thường trông chờ, ỷ lại Nhà nước và các chương trình, dự án. Nông dân được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, được nâng cao năng lực sản xuất và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất.
Các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị nhân dân cũng có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động gắn thiết thực với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tránh được các nội dung hoạt động mang tính hình thức, phô trương. Các phong trào, các cuộc vận động đều gắn với các chương trình kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nông dân. Thông qua các phong trào quần chúng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được vận dụng tích cực vào cuộc sống, mối liên minh công nông, quan hệ giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông” ngày càng gắn kết hơn, mỗi năm tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động và giúp đỡ hàng ngàn hộ nông dân có vốn đầu tư vào sản xuất và học tập, nâng cao kiến thức.
Nhiều mô hình tiên tiến xuất hiện và được nhân rộng như mô hình mía đường Lam Sơn. Nhà máy từng bước gắn với ruộng đồng, công ty gắn với nông dân, tạo nên sự liên minh công nông vững chắc trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Thành quả của mô hình mía đường Lam Sơn đã minh chứng rất rõ tính quy luật khi biết khơi dậy được lòng dân, thì sự đóng góp của người dân đầy sức mạnh và sáng tạo. Nhờ vào sức dân, Nhà máy - Công ty Mía đường Lam Sơn đã biến một vùng đồi núi hoang vu vốn chỉ có cỏ tranh rậm rạp trở thành một vùng kinh tế mới trù phú.
Mô hình kinh tế trang trại ở xã Quý Lộc và Định Tường (Yên Định) là một trong nhiều mô hình tiên tiến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Thanh Hóa, đã đưa nền kinh tế từ những xã nghèo lên thành những xã giầu có nhất nhì trong tỉnh, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, trở thành điểm sáng trong công tác lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đó là khi họ biết thực hiện dân chủ trong sắp xếp lại sản xuất; biết tạo ra công ăn, việc làm từ ý nguyện của lòng dân. đồng thời làm cho người dân cũng ý thức được trách nhiệm của họ với cộng đồng và xã hội. Đến năm 2006, ở Quý Lộc có trên 170 trang trại, Định Tường có trên 100 trang trại, với hàng chục trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại hướng nạc quy mô từ 150 đến 200 nái theo hướng chăn nuôi công nghiệp, hàng chục trang trại nuôi gà, dê, thỏ…; hàng chục trang trại vườn bãi đã được cải tạo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sang trồng cây hàng hóa có giá tri kinh tế cao; Bộ giống mới lúa, ngô, đậu tương, dâu tằm… có năng suất cao được thay thế các giống cũ năng suất thấp. Việc quy hoạch đồng ruộng, đổi điền dồn thửa; chuyển cây gì, nuôi con gì, quy mô sản xuất như thế nào đều được thảo luận dân chủ trong cấp uỷ, chính quyền và nông dân, trong đó vai trò của cấp thôn được phát huy cao độ. Nhờ đó, người dân hoàn toàn làm chủ quá trình sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thu nhập ngày càng tăng lên: cơ cấu trong ngành nông nghiêp chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2006, chăn nuôi trong GDP ngành nông nghiệp ở Quý Lộc chiếm 52% (tăng 24%), Định Tường 50%, tăng 20% so với năm 2001; dịch vụ trong nông nghiệp tăng cao. Năng suất lương thực ở Quý Lộc tăng từ 10 tấn/ha/năm 2001 lên 14 tấn/ha/năm 2006, đưa sản lượng lương thực toàn xã lên 11.900 tấn, tăng 3000 tấn so với năm 2001; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2006 ở Quý Lộc đạt 6,6 triệu đồng/người/năm (giá cố định năm 1996) tăng 4,4 triệu đồng so với năm 2001; Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, xoá hết hộ đói, giảm hộ nghèo còn 5%.
Trong 20 năm đổi mới, Đảng bộ Thanh Hoá đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân và thu được nhiều kết quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phần lớn đất đai nông nghiệp được huy động vào sản xuất; cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, con nuôi luôn được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, người nông dân gắn bó mật thiết với ruộng đồng, từng bước xoá được tình trạng sản xuất độc canh, tự cung, tự cấp. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng mỗi năm từ 4-5%. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng trồng trọt giảm, vụ đông phát triển mạnh; chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp tăng hàng năm, năm 2007 chăn nuôi đạt 29% trong cơ cấu GDP nông nghiệp và trở thành ngành sản xuất chính. Nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ trọng chăn nuôi đạt cao, chiếm trên 50%, có nơi gần 60% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nên một nền nông nghiệp phát triển hợp lý và bền vững.
Từ một tỉnh thường xuyên thiếu đói, chỉ sau 10 năm đầu đổi mới, năm 1995 Thanh Hoá đã đạt được mục tiêu 1 triệu tấn lương thực, giải quyết cơ bản lương thực cho nhân dân và cho phát triển chăn nuôi; năm 2000 Thanh Hoá đã đạt trên 1,5 triệu tấn lương thực đảm bảo an ninh lương thực và thường xuyên có trên 50 vạn tấn lương thực hàng hoá tham gia vào các thị trường nội địa và xuất khẩu; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh trên địa bàn, như vùng trọng điểm lương thực, vùng nguyên liệu mía, cói, sắn, cây ăn quả... gắn với các nhà máy chế biến; góp phần tạo ra các vùng kinh tế động lực, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Nông nghiệp phát triển đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên hàng năm, năm 2005 đạt 430 USD tăng 1,5 lần so với năm 2000, gấp 5 lần so với năm 1985; năm 2005 cơ bản xoá hết hộ đói và giảm hộ nghèo còn 10,6% (kết quả điều tra theo tiêu chí mới là 34,7%), đời sống nhân dân được cải thiện, uy tín của Đảng bộ ngày càng được nâng lên.
(1),(2). Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ (2001-2005) của Tỉnh uỷ Thanh Hóa, Tài liệu lưu trữ Tỉnh uỷ Thanh Hóa, 2003.
(3). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1989, tr. 151
(4). Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIII. Nxb Thanh Hóa, 1991. Tr 99.
Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững  (06/05/2008)
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên