Nhìn dưới góc độ đa chiều, sự gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, ngành ngân hàng đã và đang làm gì để chuẩn bị cho "sân chơi" mới này?

Khi Việt Nam là thành viên của WTO, môi trường kinh doanh của các ngân hàng trong nước có sự thay đổi lớn, bởi chúng ta phải thực hiện những cam kết quốc tế theo lộ trình ký kết. Sẽ có nhiều ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại thị trường Việt Nam trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng trong nước. Với sự thay đổi đó, ngành ngân hàng Việt Nam cũng được hưởng nhiều cơ hội.

Đâu là cơ hội?

Các ngân hàng Việt Nam được tham gia vào một “sân chơi” kinh doanh bình đẳng và mang tính chuyên nghiệp cao. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sau năm 2010. Sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ ngày càng giảm và sự bảo hộ sẽ không còn nữa. Các ngân hàng tồn tại bằng chính "đôi chân và khối óc" của mình. Nhà nước chủ yếu chỉ quản lý ở tầm vĩ mô thông qua cơ chế chính sách. Chính bối cảnh đó sẽ tạo ra cho các ngân hàng Việt Nam sự năng động trong hoạt động kinh doanh và có thể nói bắt buộc phải năng động để kinh doanh hiệu quả. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các ngân hàng thể hiện năng lực và trình độ của mình.

Bên cạnh đó, nhờ có tiến trình hội nhập mạnh mẽ, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, trình độ công nghệ, quản lý từ các ngân hàng nước ngoài thường được đánh giá là mạnh về tài chính, công nghệ và quản trị điều hành. Sự cọ xát trong hoạt động kinh doanh cũng là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam nâng mình lên một tầm cao mới.

Hơn thế nữa, khi Việt Nam là thành viên của WTO, ngành ngân hàng cũng phát triển theo các ngành dịch vụ khác. Nhìn vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng của một quốc gia người ta có thể đánh giá được sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Sự phát triển kinh tế và ngân hàng luôn luôn liên quan với nhau. Ngân hàng là nhóm ngành dịch vụ được đánh giá là có tác động nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập WTO và tất nhiên sự tác động này mang yếu tố tích cực tức là theo chiều hướng phát triển. Các giao dịch thương mại sẽ tăng lên nhanh chóng. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Nhận thức của người dân về việc sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi. Theo nguồn của WB, số tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng tăng lên thành chóng. Số tài khoản cá nhân hiện nay là hơn 6.000 tài khoản. Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 80 triệu dân Việt Nam. Trong tương lai con số này sẽ lớn hơn rất nhiều. Tất cả những yếu tố đó tạo ra cơ hội mở rộng thị trường, mở rộng sản phẩm dịch vụ cho ngành ngân hàng.

Không chỉ là thị trường trong nước, sự hội nhập còn tạo ra cho các ngân hàng Việt Nam cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài theo quy định của các cam kết quốc tế. Sự hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài thông qua các hình thức cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ WTO, đặc biệt là hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới.

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn là hai yếu tố đi liền với nhau. Thách thức đặt ra đối với ngành ngân hàng Việt Nam không hề nhỏ.

Và đâu là thách thức?

Một là, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam còn ở mức hạn chế.

Hội nhập đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn hàng rào bảo hộ từ phía Nhà nước. Tất các cả ngân hàng trong và ngoài nước đều tham gia trên một “sân chơi” kinh doanh bình đẳng. Các ngân hàng nước ngoài thường mạnh về vốn, công nghệ tiến tiến, sản phẩm dịch vụ đa dạng trong khi đó ngân hàng chúng ta tiềm lực vốn nhỏ bé, sản phẩm dịch vụ đơn điệu, chủ yếu là những sản phẩm dịch vụ truyền thống, trình độ quản trị còn nhiều bất cập.

Vốn tự có của các ngân hàng Việt Nam còn nhỏ bé (Ngân hàng Công thương là 2.940 tỉ đồng; Ngân hàng Đầu tư là 3.746,3 tỉ đồng, ngân hàng có vốn tự có cao nhất là Ngân hàng Nhà nước với số vốn khoảng 5.190 tỉ đồng - tương đương khoảng 320 triệu USD). Bình quân mức vốn tự có của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng từ 200 đến 250 triệu USD, chỉ bằng một ngân hàng trung bình cỡ khu vực; còn các ngân hàng cổ phần có mức vốn điều lệ bình quân chỉ khoảng từ 200 đến 300 tỉ đồng. Trong khi Mỹ có khoảng 8.000 ngân hàng thương mại, trong đó khoảng 10 ngân hàng với số vốn tự có trên 10 tỉ USD, 62 ngân hàng trên 1 tỉ USD và 215 ngân hàng trên 150 triệu USD. Không chỉ có vậy, các ngân hàng thương mại quốc tế đang thực hiện khoảng 6.000 nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ, tín dụng ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại Việt Nam mới chỉ thực hiện tối đa khoảng 300 nghiệp vụ và mới cung cấp các dịch vụ mang tính chất truyền thống, còn các dịch vụ hiện đại như ngân hàng điện tử, môi giới kinh doanh, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn... thì mức độ sử dụng vẫn còn mới hoặc hạn chế.

Công nghệ của các ngân hàng Việt Nam cũng lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù đã và đang dần được cải tiến, nhưng công nghệ ngân hàng Việt Nam vẫn còn kém. Dự kiến giai đoạn 2006 - 2010 các ngân hàng Việt Nam lắp đặt khoảng hơn 6.000 máy ATM. Nhiều người vẫn cho rằng đây là cuộc chiến không cân sức giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài, nếu các ngân hàng Việt Nam không cố gắng tháo gỡ những vướng mắc.

Hai là, các ngân hàng Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh, phát triển.

Đế cạnh tranh tốt, các ngân hàng Việt Nam phải cố gắng thu hút khách hàng, chiếm thị phần dịch vụ. Một số liệu điều tra cuối năm 2005 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, 45% khách hàng được hỏi, kể cả doanh nghiệp và cá nhân, đều trả lời sẽ chuyển sang vay vốn của ngân hàng nước ngoài chứ không vay vốn ngân hàng trong nước; 50% số người còn lại lựa chọn ngân hàng nước ngoài để gửi tiền, đặc biệt là ngoại tệ. Như vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ có nguy cơ phải chia thị phần với các ngân hàng nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải nâng cao tính cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần. Để thực hiện được điều đó, các ngân hàng Việt Nam phải tăng lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao... Tất cả các vấn đề đó làm cho mức độ rủi ro tăng cao. Các rủi ro không chỉ nảy sinh từ các nguyên nhân truyền thống mà còn từ sự cạnh tranh, như rủi ro do việc ứng dụng công nghệ hiện đại từ chính các ngân hàng. Qua đó cũng đặt ra thách thức đối với ngành ngân hàng là làm cách nào để giám sát được các rủi ro đó. Bởi vì hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm. Sự đổ vỡ của bất kỳ một tổ chức tín dụng nào, dù lớn hay nhỏ, đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, thậm chí ảnh hưởng cả đến tình hình chính trị - xã hội. Điều này đã được chứng minh trong thực tế vào những năm cuối thập niên 90, thế kỷ XX, khi hàng loạt các hợp tác xã tín dụng bị đổ vỡ.

Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á vào năm 1997 cho thấy, giám sát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống là một vấn đề rất quan trọng của nền kinh tế và là một thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập. Không chỉ có vậy, nguồn nhân lực ngân hàng cũng là một thách thức trong tiến trình hội nhập. Nếu không có nguồn nhân lực tốt sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa việc sử dụng nguồn nhân lực và sự cạnh tranh để phát triển. Không giải quyết được mâu thuẫn đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Một yếu tố quan trọng tác động đến sự cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực ngân hàng. Có thể nói rằng, xây dựng cơ chế chính sách trong bối cảnh hội nhập đối với ngành ngân hàng cũng là một thách thức không nhỏ. Môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, cơ chế chính sách về hoạt động ngân hàng cần phải được xây dụng trên hai tiêu chí là phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình cụ thể của Việt Nam. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng cần được thay đổi và phát triển hơn nữa. Nhu cầu này nảy sinh từ việc thực trạng của hệ thống pháp luật ngân hàng Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như trong tương lai.

Xuất phát từ nhu cầu phải tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình mở cửa thị trường ngân hàng, việc xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện mới là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, do tác động của những cam kết quốc tế, sự cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam sẽ thật sự khốc liệt từ năm 2010. Làm cách nào để các ngân hàng Việt Nam nắm bắt được cơ hội và vượt qua được thách thức, đồng thời, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang có những động thái gì đế chuẩn bị cho sự "vượt sóng cả" là câu hỏi đang được quan tâm.

Đã và đang làm gì để “vượt sóng cả”?

Trên cơ sở phân tích những cơ hội và thách thức, ngành ngân hàng Việt Nam đã đặt ra những giải pháp để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, đó là:

- Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng) phải thực hiện cam kết tái cơ cấu trên nguyên tắc cơ bản cho hệ thống tài chính mới đến năm 2010. Theo đó, xác định lại chức năng và nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước để tập trung hơn vào việc giữ ổn định đồng tiền Việt Nam và các vấn đề kinh tế vĩ mô. Tái cơ cấu nhằm củng cố chức năng hiện tại của Ngân hàng Nhà nước để loại bỏ sự chồng chéo về chức năng (tức là thực hiện chính sách tiền tệ và quản lý ngân hàng) hiện đang tồn tại giữa các vụ của Ngân hàng. Tái cơ cấu toàn bộ cơ cấu quản trị chung của Ngân hàng để có thể lập một tổ chức mới linh hoạt hơn. Rà soát và cải cách vấn đề cán bộ và tổ chức cán bộ của Ngân hàng nhằm trang bị cho cán bộ các năng lực, kể cả năng lực về quản lý để vận hành một ngân hàng mới...

- Các ngân hàng thương mại phải nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng thương mại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang thực hiện việc công nghệ hóa thông tin trong hoạt động kinh doanh để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Đồng thời, Chính phủ cần phải sử dụng thật tốt các thiết chế đảm bảo an toàn hệ thống, bởi như trên đã phân tích, sự cạnh tranh bao giờ cũng gắn với yếu tố rủi ro cao, thậm chí có thể làm "biến dạng" rủi ro thông thường. Điều đó đòi hỏi các công cụ đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng phải "theo kịp" những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh mới. Hiện nay, Chính phủ sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi để góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - một tổ chức tài chính nhà nước được thành lập nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng - Theo đó, người gửi tiền sẽ được bảo vệ trực tiếp như sau: nếu tổ chức tín dụng (tổ chức nhận tiền gửi) bị giải thể hoặc phá sản, không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thay mặt Chính phủ chi trả cho người gửi tiền tối đa là 50 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi), số tiền còn lại sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Người gửi tiền còn được bảo vệ gián tiếp thông qua các chức năng kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Bởi hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động an toàn hiệu quả đồng nghĩa với việc quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ triệt để.

Hiện nay, công cụ tài chính là bảo hiểm tiền gửi được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Bảo hiểm tiền gửi được coi là một bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính quốc gia và là công cụ không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại, đặc biệt đối với nền kinh tế hội nhập. Khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam càng thể hiện rõ nét là một kênh quan trọng giúp Chính phủ giám sát rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và an ninh kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh mới, Chính phủ cần phải sử dụng tốt công cụ bảo hiểm tiền gửi thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý, năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiềm gửi Việt Nam đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ mới.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng là một vấn đề rất quan trọng. Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến việc xây dựng luật. Các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành phải đảm bảo hai yêu cầu là phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam. Trong Đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được Chính phủ phê duyệt này 24-5-2006), Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai nghiên cứu xây dựng các dự án, đề án quan trọng như: Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước mới thay thế Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003, Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Dự án Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng.

Một vấn đề hiện được Chính phủ rất quan tâm là nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua việc tăng vốn tự có, xử lý các tồn đọng tài chính, chủ yếu là nợ xấu theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kế toán, phân loại nợ và thực hiện lộ trình cổ phần hóa.

Một vấn đề quan trọng nữa là nguồn nhân lực cần được đào tạo có trình độ chuyên môn, có phẩm chất nghề nghiệp tốt, năng động sáng tạo trong công việc. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đề ra việc thực hiện quản lý cán bộ theo khối lượng và chất lượng công việc chuyên môn được giao. Thực hiện chế độ đãi ngộ theo năng lực thực tế, vị trí công tác và mức độ hoàn thành chức trách và nhiệm vụ được giao. Từng bước thực hiện cơ chế thi tuyển chức danh đối với một số vị trí quan lý lãnh đạo; bố trí lao động phù hợp với năng lực cán bộ, yếu cầu và tính chất công việc. Nguồn nhân lực là chìa khóa để mở cánh cửa thành công của hoạt động ngân hàng trong tiến trình hội nhập.

Để thực hiện được phương châm hành động của các tổ chức tín dụng là "An toàn - Hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập quốc tế ngay từ bây giờ”, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị về mọi mặt trước cuộc cạnh tranh đầy quyết liệt.