Ba nguyên tắc Tập trung - Thống nhất - Kịp thời trong thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ý nghĩa của nó
TCCSĐT - Trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh sức mạnh vô cùng to lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam, xuất phát từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, có vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, nhưng quan trọng nhất chính là các nguyên tắc chỉ đạo.
1- Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-8-1945 tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), thành phần tham gia gồm đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, của các chiến khu và khu giải phóng. Hội nghị đã phân tích, đánh giá, cân nhắc tình hình cách mạng Việt Nam trong quan hệ khăng khít với những diễn biến chính trị trọng đại trên thế giới; nhận định tương quan lực lượng giữa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo với các thế lực thù địch cũng như các thế lực có liên quan;… từ đó, quyết định nhiều vấn đề trọng đại của cao trào cách mạng đất nước. Những nguyên tắc nổi bật chỉ đạo hành động cách mạng: tập trung - thống nhất - kịp thời, được Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh. Chính việc tuân thủ nghiêm và bảo đảm hiện thực hóa đầy đủ các nguyên tắc này trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã góp phần vào thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Cụ thể, 3 nguyên tắc đó là: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”(1).
Những nguyên tắc này được đề ra dựa trên nhận định của Hội nghị là: “Cơ hội cho ta giành quyền độc lập đã tới”, và “Tình thế vô cùng khẩn cấp”, do đó thực hiện những nguyên tắc này là để thực hiện “Mục đích… lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn”.
Sau khi Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng bế mạc, Đại hội Quốc dân khai mạc vào ngày 16-8, kết thúc ngày 17-8 cũng tại Tân Trào. Tham dự, có hơn 60 đại biểu 3 miền Bắc, Trung, Nam, của các đảng phái, các đoàn thể dân tộc, tôn giáo, đại biểu kiều bào nước ngoài. Đại hội đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng yếu, nhấn mạnh yêu cầu cần tuân thủ 3 nguyên tắc đã được Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng xác định trước đó.
Ba nguyên tắc trên đã được Đảng ta tuân thủ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến những thời điểm bước ngoặt sau đó của cách mạng Việt Nam, đưa đến những thắng lợi như Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975…
2- Về nguyên tắc kịp thời. Mặc dù trong văn kiện Hội nghị, nguyên tắc này được nêu lên cuối cùng trong 3 nguyên tắc, nhưng thực tế cho thấy với Tổng khởi nghĩa năm 1945, hay với bất kỳ cuộc cách mạng nào, để bảo đảm thành công đều cần phải diễn ra đúng thời điểm. Do đó, đây được xem là nguyên tắc có vị trí quan trọng nhất.
Trong Nghị quyết Hội nghị, Đảng ta đã chỉ rõ về nguyên tắc này là “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”. Để đi đến xác định rõ thời cơ hành động của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã phân tích, đánh giá sâu sắc diễn biến tình hình cách mạng đất nước; những bài học kinh nghiệm qua các cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931, phong trào vận động dân chủ những năm 1936 - 1939, Khởi nghĩa Nam kỳ, Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940;… bước trưởng thành trên các phương diện của phong trào cách mạng, của năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng; tình hình thế giới lúc bấy giờ...
Thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ rất quan trọng với thắng lợi cuối cùng của các cuộc cách mạng. Khi còn ở trong nhà tù chế độ Tưởng Giới Thạch năm 1942, suy nghĩ về vấn đề thời cơ cách mạng thông qua hoạt động đánh cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”. Thời cơ đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố, cả yếu tố chủ quan cũng như khách quan. Đó là khi so sánh lực lượng địch - ta có lợi nhất cho ta. Lúc này phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lớn mạnh, quy tụ được lực lượng toàn dân tộc; cùng những biến chuyển của tình hình chính trị thế giới đã đưa đến những thay đổi có lợi cho phong trào cách mạng trong nước… Thời cơ của cách mạng nước ta đã thực sự xuất hiện vào thời điểm tháng 8-1945.
Khi đó, Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, phát xít Nhật đã hoàn toàn bó tay, cam chịu chờ bị giải giáp theo các quy định của lực lượng đồng minh chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính quyền phong kiến tay sai cũng bị ảnh hưởng bởi sự tan rã của Nhật… Lực lượng quân đội Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật (Tàu Tưởng ở phía Bắc, quân Anh ở phía Nam) chưa tiến vào lãnh thổ Việt Nam, do đó không thể can dự vào quyết tâm và hành động giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Nếu cuộc tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập của chúng ta diễn ra sau khi các lực lượng này đã hiện diện trên đất nước Việt Nam, chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Thực tế, sau khi chúng ta đã tiến hành thành công Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khi các lực lượng này tiến vào giải giáp quân đội Nhật đã gây ra muôn vàn khó khăn cho hoạt động của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ của chúng ta, đe dọa nền độc lập mới giành được của dân tộc. Qua đó có thể thấy, việc tuân thủ nguyên tắc kịp thời chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, sau đó là Đại hội Quốc dân (kết thúc ngày 17-8-1945) quyết định tổng khởi nghĩa, nhưng trước đó, ngày 15-8, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong các địa phương do Xứ ủy phụ trách (gồm 10 tỉnh, 03 thành phố và Chiến khu III). Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa từ 15-8, đến 19-8 giành chính quyền thành công. Tương tự, sau khi được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, ngày 15-8-1945 Xứ ủy Nam Kỳ đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa, để đến 25-8 giành chính quyền ở Sài Gòn. Các địa phương khác, dưới sự lãnh đạo các đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh các tỉnh, căn cứ vào chủ trương và quyết tâm khởi nghĩa của các xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương, bám sát diễn biến phong trào cách mạng ở địa phương và căn cứ vào phản ứng của chính quyền địch, đã nhạy bén, kịp thời phát động khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai. Đến cuối tháng 8-1945, về cơ bản chính quyền ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc đã về tay nhân dân.
Một chi tiết để chứng minh cho tính đúng đắn của nguyên tắc kịp thời trong lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa là, ở một số tỉnh sát biên giới phía Bắc, trước và sau khi chúng ta giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai, các đảng phái phản động, được sự tiếp tay của quân Tưởng đã cướp được chính quyền từ tay phát xít Nhật (tại Hà Giang), có nơi chúng đẩy lùi lực lượng của ta (tại Cao Bằng)… Như vậy, nếu Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp cả nước và ở các thành phố lớn không diễn ra kịp thời, thì kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa sẽ khó đạt mục tiêu đề ra, thành quả của cách mạng sẽ không triệt để.
Về nguyên tắc tập trung. Nguyên tắc yêu cầu, tập trung toàn bộ quyết tâm và sức lực của toàn thể dân tộc vào giải quyết những mục tiêu quan trọng nhất lúc này. Sau khi xác định mục tiêu cách mạng trong giai đoạn này là giành chính quyền, tất cả mọi cố gắng, nỗ lực đều tập trung giải quyết nhiệm vụ đó. Nhiệm vụ trước tiên được đặt ra là: “Thành lập Ủy ban khởi nghĩa để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu”, tiếp đó “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Đại hội Quốc dân đã quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam - “cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một chính phủ chính thức” - do Hồ Chủ tịch đứng đầu, với 15 thành viên là các cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các thành phần, dân tộc và xu hướng chính trị với sứ mệnh: “thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước”. Cả Hội nghị cán bộ toàn quốc, cũng như sau đó trong nội dung lá thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa của Hồ Chủ tịch, đều nêu bật mục tiêu quan trọng nhất của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi sự tập trung cao nhất lúc này là, giành độc lập dân tộc, với nhiệm vụ cụ thể là “Thành lập Ủy ban khởi nghĩa”, “Thành lập những ủy ban nhân dân”…
Sau khi phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc, đến cuối tháng 8-1945, trừ một số địa bàn tại các vùng núi và biên giới phía Bắc bị các đảng phái phản động thân Tàu Tưởng chiếm giữ, chính quyền nhân dân đã được thành lập trên toàn lãnh thổ đất nước ta. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên để tiến tới hoàn thành nhiệm vụ tối quan trọng là, thông qua “TỔNG TUYỂN CỬ” toàn dân, với “chế độ phổ thông đầu phiếu”, để thành lập chính quyền dân chủ nhân dân trên toàn quốc, việc mà Hồ Chủ tịch xác định là “tổ chức càng sớm càng hay”. Hành động chính trị này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó xác định vị thế pháp lý/chính trị vững chắc cho chính quyền nhân dân, tạo cho chính quyền nhân dân một tư cách hợp pháp để đứng ra lãnh đạo, điều hành đất nước, đồng thời giao tiếp với các thế lực ngoại quốc, với lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật một cách hợp pháp, hợp lý.
Về nguyên tắc thống nhất, yêu cầu là: thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. Hội nghị cán bộ toàn quốc chỉ rõ: “Công tác tuyên truyền cổ động phải làm ngay: Phát truyền đơn và dán áp phích, giải thích chủ trương của Đoàn thể. Phát bươm bướm và dán áp phích nêu 10 chính sách của Việt Minh (sau này được Đại hội Quốc dân, họp ngày 16-8-1945, tuyên bố - tác giả chú thích)”. Sau đó, Đại hội Quốc dân tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ đây, mọi chủ trương và hành động đối nội, đối ngoại đã thống nhất về một mối.
Một trong những nội dung quan trọng được tuân thủ triệt để trong giai đoạn này chính là thống nhất trong tổ chức và hành động của Đảng. Trước khi Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra, việc thống nhất trong tổ chức đảng là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng quan tâm, thực hiện. Cụ thể, chủ trương thống nhất về tổ chức và hành động với Đảng bộ Trung kỳ đã được Thường vụ Trung ương Đảng xúc tiến vào tháng 6-1945, với việc ra đời của Ủy ban thống nhất Trung kỳ. Đến ngày 31-8-1945, Xứ ủy Trung kỳ được tái lập, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư. Ở miền Nam, vẫn tồn tại 2 xứ ủy, Xứ ủy Giải phóng và Xứ ủy Tiền phong. Cả hai tổ chức đảng này đều có những đóng góp quan trọng, quyết định vào thành công của cuộc tổng khởi nghĩa ở miền Nam. Sau khi giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8, vấn đề này mới từng bước được giải quyết, với sự tham gia tích cực của Trung ương, thông qua các biện pháp về tổ chức, cán bộ. Nhưng, trước đó, ngày 17-7-1945, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng, đã viết bài báo với nhan đề “Để thống nhất Đảng bộ Nam kỳ hãy kíp đi vào đường lối”, đăng trên báo Cờ giải phóng, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn mãi chia rẽ”.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, vấn đề này lại được Đảng nhấn mạnh trong mục riêng (mục XI - Vấn đề Đảng), theo đó nội dung đầu tiên là yêu cầu “Thống nhất Đảng/a- Thống nhất tổ chức; b- Thống nhất chính trị”.
Một nội dung quan trọng khác trong việc quán triệt nguyên tắc thống nhất, chính là xây dựng lực lượng vũ trang thống nhất trên phạm vi toàn quốc, với các yêu cầu, “thống nhất biên chế”, “kỷ luật”, “công tác chính trị trong bộ đội”... Với nòng cốt là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng vũ trang đã từng bước được xây dựng và trưởng thành. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp dựa vào quân Anh và quân Nhật (dưới sự giật dây của quân Anh), đã chiếm lại các địa bàn quan trọng ở miền Nam, tiêu biểu là Sài Gòn vào ngày 23-9-1945, ngay lập tức các đoàn quân đã được chi viện cho cách mạng miền Nam. Bên cạnh đó, để thống nhất các nhóm vũ trang miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Bình vào làm Tư lệnh lực lượng vũ trang Nam Bộ. Với sự nỗ lực của Xứ ủy Nam kỳ trong việc cùng hành động, lực lượng vũ trang miền Nam đã dần đi tới thống nhất, hình thành những đơn vị tập trung với kỷ luật quân đội ngày càng được coi trọng, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Chính lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng lớn mạnh, đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
3- Việc quán triệt 3 nguyên tắc tập trung - thống nhất - kịp thời, đã đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với nhiều ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Một là, ba nguyên tắc nói trên không chỉ phát huy tác dụng đúng lúc trong cuộc tổng khởi nghĩa, mà cũng chính là những nguyên tắc quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt… Đồng thời, đó còn là những nguyên tắc và điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng chính quyền nhân dân sau này.
Xem xét kỹ nội dung 3 nguyên tắc tập trung - thống nhất - kịp thời, có thể thấy chúng bao hàm các khía cạnh chủ yếu sau. Về nguyên tắc tập trung, có thể xem xét trên khía cạnh xác định mục tiêu hành động (tập trung vào mục tiêu nổi bật lên trong thời điểm ấy, trong giai đoạn ấy); cũng như trên khía cạnh huy động lực lượng tổng hợp, sức mạnh toàn diện để thực hiện mục tiêu - “tập trung lực lượng”. Về nguyên tắc thống nhất, có thể khai thác trên khía cạnh xác định rõ lực lượng lãnh đạo chủ chốt - “chỉ huy”; từ góc độ công tác tổ chức (“thống nhất về mọi phương diện”), ở tất cả các lĩnh vực (“quân sự”, “chính trị”). Về nguyên tắc kịp thời, khai thác việc xác định thời điểm và bước chuyển bắt buộc của tiến trình cách mạng - “Kịp thời”.
Hai là, bước vào giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các nguyên tắc trên càng thể hiện vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng.
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có thể coi là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định thành công sự nghiệp cách mạng. Nguyên tắc này xuất phát từ luận điểm cơ bản của chính đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng nhận rõ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và luôn tuân thủ nguyên tắc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công tác lãnh đạo của mình.
- Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là người lãnh đạo đất nước, dân tộc là nguyên tắc thể hiện rõ nhất vị trí, vai trò của Đảng trong lịch sử phát triển dân tộc, từ khi ra đời cho đến mãi sau này. Nguyên tắc này xuất phát từ bài học Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, được nhấn mạnh trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây có thể coi là sự thể hiện của nguyên tắc thống nhất trong giai đoạn hiện nay, khi khẳng định rõ điều kiện tiên quyết cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng - “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
- Vận dụng nguyên tắc kịp thời trong giai đoạn cách mạng hiện nay chính là việc Đảng phải đề ra được nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu và xác định quyết tâm cao độ cùng toàn dân tộc phải thực hiện thành công tại những thời điểm xác định. Đó là, “khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta”... “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Cụ thể hơn: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(2).
- Ba là, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng hiện nay cũng thể hiện sự kế thừa và tiếp nối những nội dung của 3 nguyên tắc chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám.
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Nguyên tắc này bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều được quán triệt và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời thể hiện rõ và khẳng định vị thế của Đảng là Đảng cầm quyền.
Thứ hai, khẳng định nhất quán Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện lực lượng vũ trang. Nguyên tắc này bảo đảm bạo lực cách mạng luôn sẵn sàng trấn áp bạo lực phản cách mạng, để bảo vệ vững chắc chính quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ ba, để Đảng ngày càng vững mạnh, cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt Đảng như, Tự phê bình và phê bình, Tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách,…; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh và thường xuyên, liên tục công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở mọi tổ chức cơ sở đảng.
Quán triệt 3 nguyên tắc tập trung - thống nhất - kịp thời trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như những chặng đường tiếp sau đó cho thấy, việc Đảng luôn kịp thời đề ra những nguyên tắc phù hợp đã đem lại thành công cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như rút ra những kinh nghiệm quý báu cho Đảng trong công tác lãnh đạo, cả trong chiến tranh giành độc lập cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
---------------------------------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 425
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 71
Có hay không nguy cơ tái “bong bóng” bất động sản?  (24/08/2015)
Có hay không nguy cơ tái “bong bóng” bất động sản?  (24/08/2015)
Bộ Chính trị làm việc với các đảng bộ về chuẩn bị đại hội  (24/08/2015)
Bộ Chính trị làm việc với các đảng bộ về chuẩn bị đại hội  (24/08/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên