Lợi riêng từ thế chung

Quách Quỳnh
22:05, ngày 17-07-2015

TCCSĐT - Vai trò, ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong Brics và SCO cũng như của tất cả các thành viên trong nhóm đều phản ánh sự tương phản rõ nét với những khuôn khổ diễn đàn và liên minh, liên kết giữa các nước Phương Tây hoặc do Phương Tây chủ xướng.

Vừa qua, Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm Brics - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ( SCO) - bao gồm Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã được tổ chức với sự hiện diện của tất cả các thành viên.

Hiện tại, quan hệ giữa Nga và phương Tây rất căng thẳng. Nga đang bị phương Tây tìm cách cô lập về chính trị và trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc bị Mỹ cạnh tranh chiến lược quyết liệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cả Brics lẫn SCO trong vai trò là sân chơi tầm cỡ thế giới và khu vực không có sự tham gia của phương Tây trong khi Nga và Trung Quốc đóng vai trò quyết định nhất. Vai trò chủ nhà của hai sự kiện này giúp Nga tạo cảm nhận Phương Tây không thể thành công với chủ định cô lập Nga về chính trị và gây khó cho Nga về kinh tế, thương mại. Trung Quốc có thể cho Mỹ và những đồng minh của Mỹ thấy sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương không cản được việc Trung Quốc thực hiện những ý đồ chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Kết quả của những hội nghị cấp cao ở Ufa đã giúp Brics và SCO tăng thêm thế và lực, giúp từng thành viên có được lợi riêng từ thế và lực chung ấy. Có thể nói cả Brics lẫn SCO đều đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với việc Brics tăng cường thể chế hoá và SCO mở rộng tổ chức. Tại hội nghị cấp cao ở Ufa, Brics đã chính thức đưa vào hoạt động hai thể chế tài chính và tiền tệ riêng là Ngân hàng phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ tiền tệ chung trong khi SCO khởi động quá trình kết nạp Ấn Độ và Pakistan - hiện là quan sát viên cùng với Iran, Afghanistan và Mông Cổ - làm thành viên chính thức. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2001, SCO mới mở rộng tổ chức, và đáng chú ý là lại mở rộng với hai nước đều có vũ khí hạt nhân và đều đóng vai trò quan trọng đối với an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Nam Á. Ở khu vực này hiện đang có những vấn đề liên quan đến chính trị an ninh tại Afghanistan, bất hoà giữa Ấn Độ và Pakistan... cho nên kết nạp Ấn Độ và Pakistan đồng nghĩa đối với SCO tiếp nhận cả thách thức mới và gây dựng cơ hội mới cho phát huy vai trò và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Rồi đây, nếu cả Afghanistan lẫn Iran đều trở thành thành viên đầy đủ thì SCO sẽ không chỉ là một tổ chức hợp tác khu vực đơn thuần nữa. Cả việc có thêm Azerbaijan, Armenia, Campuchia và Nepal được công nhận là nước đối tác - cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanca - cũng là bằng chứng cho thấy SCO đang gia tăng mạnh mẽ uy danh và vị thế quốc tế.

Trong khi đó, Brics đẩy mạnh hợp tác và liên kết theo chiều sâu. Với NDB và Quỹ dự trữ tiền tệ chung, Brics không chỉ gây dựng sân chơi, trật tự tài chính và tiền tệ riêng mà còn giúp Nga và Trung Quốc có thêm công cụ, phương cách ganh đua và dần đầy lùi sự lấn át của phương Tây trên cùng lĩnh vực này. Các nước thành viên Brics có thể tự chủ hơn trước về tín dụng, vốn đầu tư và cứu trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính và tiền tệ, qua đó có thể hạ thấp vai trò những thể chế tài chính và tiền tệ thế giới lâu nay vẫn do phương Tây kiểm soát là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Trung Quốc và Nga sẽ dùng NDB hỗ trợ chứ không cạnh tranh với Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa mới được 57 nước chính thức thành lập trên cơ sở sáng kiến của Trung Quốc. Vị thế mới tạo đà phát triển mới cho Brics và SCO, gắn kết Brics với SCO ngày càng chặt và nhờ đó mà các thành viên được lợi rất nhiều về mọi phương diện./.