Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều vấn đề về luật pháp và chính sách của Nhà nước đang đặt ra, đòi hỏi phải được điều chỉnh phù hợp với luật WTO, trong đó bao gồm những quy định của Nhà nước về môi trường cạnh tranh phải thể hiện được tính minh bạch và bình đẳng. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở nông thôn cũng là một mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định…

Sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thể hiện qua cơ hội tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất, cũng như thị trường đầu ra như nhau. Đạt được yêu cầu trên đây là không dễ dàng, bởi giữa các loại hình doanh nghiệp cùng tham gia thị trường đã không cùng một mặt bằng về khả năng, năng lực tiếp cận các nguồn lực, các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ không thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực và yếu tố của sản xuất, kinh doanh.

Vậy, giữa các loại doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ, sự bình đẳng là thế nào? và làm thế nào để có được sự bình đẳng cho các doanh nghiệp này cùng phát triển? Đây là những câu hỏi lớn, phức tạp, không dễ lý giải.

Có thể nói, vai trò của Nhà nước rất quan trọng đối với việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là trong việc tạo lập, duy trì khung pháp lý và xử lý những vi phạm. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa vai trò này của Nhà nước lại cũng không dễ dàng, bởi lẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh. Theo nguyên lý chung, tự thị trường và các doanh nghiệp không thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh đó, mà phải có vai trò can thiệp của Nhà nước vào thị trường, khi trên thị trường xuất hiện các hành vi kinh doanh sai luật và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường được thể hiện dưới các hình thức trực tiếp và gián tiếp. Hình thức gián tiếp là ban hành các quy định, về chế độ gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường, trong đó quy định có tính pháp lý cao nhất là Luật Cạnh tranh, tiếp đó là các văn bản dưới luật có liên quan; hình thức can thiệp trực tiếp là việc Nhà nước đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hoặc điều chỉnh hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp nào đó theo mục tiêu mà Nhà nước đang hướng tới. Trong các hình thức này, hình thức can thiệp gián tiếp là chủ yếu và phổ biến, đặc biệt đối với các hoạt động kinh tế (kinh doanh, dịch vụ) đã đạt tới trình độ cao của cạnh tranh (thể hiện rõ ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, pháp luật về cạnh tranh đã hoàn thiện).

Điều 7, Luật Cạnh tranh quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh gồm: - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh; - Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Trong điều kiện của nông thôn, nhất là nông thôn của một nền kinh tế còn chưa phát triển, các hoạt động thị trường trong các lĩnh vực cơ bản như: thị trường đất đai, lao động và thị trường vốn đối với các doanh nghiệp ở nông thôn còn yếu và hạn chế, các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần nhà nước, tập thể và tư nhân chưa quen và chưa hiểu được các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh trong kinh tế thị trường, thêm vào đó năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp kém và có sự cách biệt rất xa giữa những doanh nghiệp nhà nước đã hình thành từ nhiều năm nay với các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác mới gia nhập thị trường. Đặc biệt, sự khác biệt giữa các doanh nghiệp còn tăng lên theo khoảng cách gần, xa với các thành phố và trung tâm công nghiệp, dịch vụ. Ngay trên một địa bàn, sự khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp còn phụ thuộc vào ứng xử của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, những doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với các cấp chính quyền địa phương thường có lợi thế hơn, thuận lợi hơn trong kinh doanh...

Các yếu tố trên đây dẫn đến một thực trạng là các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thường không rõ ràng, không chính thức và không tôn trọng các yêu cầu của cạnh tranh lành mạnh. Do vậy, vai trò của Nhà nước càng trở nên quan trọng hơn, trên cả hai khía cạnh: Một là, tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch; Hai là, phải trung thực, công bằng trong việc xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thực hiện đúng những quy định của Điều 6, Luật Cạnh tranh, trong đó quan trọng nhất là nghiêm cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, các hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Ngoài hai khía cạnh trên đây, do điều kiện đặc thù của nông thôn và tính khác biệt về điều kiện kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp nên Nhà nước vẫn phải trực tiếp tác động vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác nhau đang hoạt động ở nông thôn, để điều chỉnh hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp theo hướng lành mạnh, bảo đảm từng bước hội nhập với thông lệ chung của cơ chế thị trường để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững... Với ý nghĩa đó, sự tác động của Nhà nước vào từng khu vực là không giống nhau và phải theo các đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Những tác động đó không được trái với những quy định của WTO và phải hướng tới việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh; tôn trọng và bảo vệ quyền tham gia thị trường và lợi ích kinh tế của mọi loại hình doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các cộng đồng dân cư ở nông thôn. Theo đó, vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong khu vực nông thôn Việt Nam trong thời gian tới là:

a - Đối với các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy nhanh hơn tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường. Cụ thể là:

+ Làm rõ tiêu chí về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Doanh nghiệp cần phải hoạt động kinh doanh theo đúng quy luật thị trường, theo luật pháp hiện hành (theo Luật Doanh nghiệp năm 2005).

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước trong nông, lâm, thủy sản được quyền tự chủ sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp theo yêu cầu của thị trường trên các nguồn lực nhà nước giao (đất đai, vốn, tài sản và lao động). Các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm bảo toàn vốn, tài sản của Nhà nước giao và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trước pháp luật.

+ Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước trong nông, lâm, thủy sản phải gắn liền với hiệu quả khai thác bền vững các tài nguyên đất đai, vườn cây, đàn gia súc, rừng và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có. Các tài nguyên và cơ sở vật chất này phải được giá trị hóa thành tiền để giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý và khai thác. Doanh nghiệp nhà nước được xác định rõ về quyền, lợi ích và trách nhiệm đối với những tài nguyên và cơ sở vật chất này.

+ Từng doanh nghiệp nhà nước trong nông, lâm, thủy sản phải tự thể hiện hết và đúng năng lực nội sinh trong kinh doanh và tự khẳng định sự tồn tại của mình trên thương trường. Xóa bỏ sự sắp xếp theo kiểu sàng tuyển từ trên xuống đang triển khai hiện nay. Theo đó, từng doanh nghiệp nhà nước phải tự chủ hoàn toàn trong xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại. Những nhiệm vụ do Nhà nước giao có tính hành chính phải hoàn thành thì doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo cơ chế nhà nước đặt hàng (hợp đồng), khi thực hiện đúng các quy định giao việc theo hợp đồng thì coi như hoàn thành. Những doanh nghiệp nào không tự xây dựng được phương án phát triển kinh doanh trên cơ sở nguồn lực hiện có thì phải giải thể. Nhà nước chịu trách nhiệm xử lý đến cùng những vấn đề tồn đọng về vốn, tài sản và người lao động của doanh nghiệp nhà nước phải giải thể.

+ Những doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng và tự chịu trách nhiệm được về phương án sản xuất kinh doanh của mình, thì chuyển đổi sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp thống nhất, dưới các hình thức công ty phù hợp, do luật doanh nghiệp quy định. Nhà nước làm rõ quyền hạn kinh doanh của doanh nghiệp trên số vốn và tài sản đã giao. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải tuân thủ theo đúng các điều kiện của thị trường về đầu vào và đầu ra, xóa bỏ hoàn toàn các hình thức hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Nếu trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ, không có khả năng trang trải các khoản nợ sẽ bị phá sản theo Luật Phá sản.

+ Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước được đặt trong tổng thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong từng ngành sản phẩm nông, lâm thủy sản theo từng vùng sinh thái, các doanh nghiệp nhà nước phải gắn hoạt động kinh doanh của mình với định hướng phát triển nông, lâm, thủy sản của từng địa bàn, lãnh thổ.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông, lâm, thủy sản sẽ được triển khai chung theo vùng hoặc theo ngành sản phẩm dựa trên quy hoạch do Nhà nước xác định. Xóa bỏ các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án như hiện nay.

b - Đối với khu vực hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác nhỏ ở nông thôn. Đây là khu vực doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế mang tính xã hội cao, chúng vừa tham gia các hoạt động kinh tế trên thị trường, vừa giữ vai trò là cầu nối giữa thị trường với người nghèo và những người dân yếu thế trên thị trường, mang lại lợi ích nhiều mặt cho người nghèo. Vì vậy, những doanh nghiệp này cần được hỗ trợ để tham gia thị trường thành công, từ đó mang lại lợi ích cho những thành viên tham gia. Với ý nghĩa đó Nhà nước cần:

+ Có các chương trình hỗ trợ hợp tác xã và các tổ chức hợp tác giản đơn của người dân nông thôn (nông dân và những người sản xuất thủ công, dịch vụ nhỏ trong nông thôn) để giúp họ có đủ năng lực tham gia cạnh tranh trên thương trường. Chính phủ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, như: chính sách về đất đai; đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ các hoạt động dịch vụ trong nội bộ hợp tác xã. Các chính sách này không vi phạm các quy định hộp đỏ của WTO như đã trình bày, vì vậy Nhà nước cần sớm triển khai đồng bộ những quy định trong văn bản này.

+ Triển khai sâu, rộng hơn Luật Hợp tác xã để người dân hiểu rõ, đầy đủ về mô hình hợp tác xã kiểu mới mà họ đang tham gia, từ đó nâng cao năng lực hợp tác trong các hoạt động dịch vụ và sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã;

+ Nhà nước cam kết tôn trọng quyền độc lập tự chủ trong mọi hoạt động của hợp tác xã, không can thiệp hành chính vào hợp tác xã khi hợp tác xã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật;

+ Những hỗ trợ về vật chất, kiến thức quản lý hợp tác xã và những điều kiện kinh tế trực tiếp để hợp tác xã tham gia thị trường là tùy thuộc vào nỗ lực tự vươn lên của từng hợp tác xã, không nên để kéo dài mãi. Dứt khoát từ bỏ hỗ trợ những hợp tác xã thể hiện sự ỷ lại vào chính sách, không tự vươn lên.

+ Nhà nước có vai trò thường xuyên theo dõi sự phát triển của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam nói chung, ở nông thôn nói riêng và có các hình thức biểu dương, khen thưởng vật chất, tinh thần đối với các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Luật hợp tác xã và phát triển bền vững.

c - Tiếp tục thúc đẩy triển khai rộng, đều khắp Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các chính sách đã ban hành đối với kinh tế tư nhân. Những công việc tiếp tục phải triển khai gồm:

Thứ nhất: Tại các tỉnh/thành phố cần củng cố lại bộ máy triển khai Luật Doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó phải có bộ phận tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn cho người dân nông thôn và các hộ đang kinh doanh ở nông thôn muốn thành lập doanh nghiệp theo luật. Vấn đề tuyên truyền, chuyển tải những nội dung mới của Luật Doanh nghiệp năm 2005 một cách toàn diện về nông thôn sẽ là nhiệm vụ quan trọng của cấp có liên quan ở địa phương trong thời gian tới

Thứ hai: Tổ chức nghiên cứu, xác định rõ những nội dung cơ bản mà UBND huyện và xã phải thực hiện trong nhiệm vụ triển khai Luật Doanh nghiệp ở nông thôn. Xác định rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện và xã trong việc nghiên cứu các nội dung của Luật và đủ khả năng giải thích rõ cho người dân hiểu một cách chính xác những quy định của Luật, ngay cả khi họ chưa có nhu cầu muốn thành lập doanh nghiệp.

Đây là vấn đề rất quan trọng vì kết quả điều tra đã chỉ ra rằng, một khi đội ngũ cán bộ cơ sở còn chưa hiểu Luật Doanh nghiệp thì họ không những không thể hỗ trợ người dân, mà có thể còn là tác nhân cản trở người dân trong phát triển kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp ở nông thôn hiện nay chưa biết tìm ai khác ngoài họ để được giúp đỡ.

Thứ ba: Từng tỉnh hoặc một số tỉnh trong một vùng cần phối hợp với nhau để tiến hành định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nhân thuộc mọi loại hình ở nông thôn. Tại những hội nghị này tiến hành những hoạt động đa dạng như phổ biến Luật và các văn bản dưới luật, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và đối thoại doanh nhân với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: thuế, đất đai, thị trường, khoa học và công nghệ...

Thực tế trong thời gian qua, những cuộc gặp mặt doanh nhân trong nước do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tại một số tỉnh trong cả nước đã đem lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nhân và cán bộ quản lý nhà nước ở địa phương, tạo ra không khí kinh doanh, cải cách và phát triển. Tuy nhiên, điểm yếu của những cuộc gặp mặt doanh nhân này là chưa thu hút được các doanh nghiệp ở nông thôn tham gia, vì vậy tiếng nói của các doanh nhân ở nông thôn, nhất là những doanh nhân thuộc khu vực hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước trong nông- lâm nghiệp còn rất hạn chế. Trong thời gian tới cần cải tiến các cuộc gặp mặt này theo hướng thu hút nhiều hơn sự tham gia của các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn.

Thứ tư: Tổ chức nối mạng hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh doanh nghiệp trong cả nước và bãi bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được đăng thành lập ở cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, theo đó quy định mọi người dân có quyền thành lập doanh nghiệp ở cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc cấp huyện (phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện). Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện cần tổ chức bộ phận thông tin, tư vấn phát triển doanh nghiệp, bộ phận này vừa làm nhiệm vụ tư vấn cho người dân và những nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp, vừa liên hệ với UBND xã, huyện về nhu cầu tư vấn và thông tin của người dân, trên cơ sở đó tổ chức giúp đỡ và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có quyết định bổ sung về chế độ làm việc của bộ máy nhà nước cấp huyện và xã theo hướng chuyển mạnh bộ máy này từ quản lý hành chính sang bộ máy dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp ở nông thôn. Đưa ra chế tài xóa bỏ tư duy, thói quen làm việc nặng về ban ơn, cho phép của cán bộ, nhân viên chính quyền cơ sở, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được góp ý và phát hiện những sai trái, cửa quyền của cán bộ cơ sở, đồng thời xử phạt nghiêm những cán bộ, nhân viên có hành vi cửa quyền, hách dịch bị người dân tố cáo.

Thứ năm: Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức quần chúng xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... trong việc triển khai Luật Doanh nghiệp ở nông thôn bằng các hoạt động cụ thể như tập huấn cho cán bộ của các hội về kiến thức Luật Doanh nghiệp và ý nghĩa của việc triển khai luật ở nông thôn, đưa nội dung phổ biến Luật Doanh nghiệp tới người dân trong các hoạt động của từng tổ chức. Cơ quan chính quyền huyện và xã cần tạo điều kiện để các tổ chức quần chúng đứng ra đỡ đầu và giúp đỡ doanh nghiệp những vấn đề phù hợp với hoạt động của từng tổ chức, qua đó tạo mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp với các tổ chức quần chúng ở nông thôn.

d - Xây dựng và duy trì các điều kiện cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp trên mỗi vùng sản xuất ở nông thôn. Sự gia nhập của Việt Nam vào WTO đang và sẽ tác động làm thay đổi vai trò của Nhà nước đối với sản xuất trong nước nói chung và đối với môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nói riêng. Thời gian qua, những can thiệp hành chính của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã giảm bớt, tuy vậy mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong điều kiện sản xuất, kinh doanh ở các vùng nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, trong thời gian tới, vai trò của Nhà nước cần tiếp tục thay đổi theo hướng sau đây:

+ Chủ động xác định (quy hoạch) các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyển đổi sang công nghiệp, dịch vụ thật rõ, cụ thể và mang tính dài hạn. Tạo cơ sở pháp lý ổn định để người dân và các các loại hình doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh lâu dài.

+ Ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm của nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, sản phẩm làng nghề... Nhận định rõ những hạn chế trong sử dụng nguồn lực, tài nguyên trên mỗi vùng sản xuất ở nông thôn cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phân biệt thành phần, quy mô. Tạo cơ sở để hộ và các loại hình doanh nghiệp xem xét, quyết định đầu tư tham gia kinh doanh và cạnh tranh trên những điều kiện và tiêu chuẩn do nhà nước ban hành.

+ Ban hành các quy định yêu cầu bảo vệ các tài nguyên cơ bản như: đất, nước, môi trường sinh thái theo các nguyên tắc phát triển bền vững trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh doanh.

+ Tổ chức các cơ quan giám sát tính minh bạch, rõ ràng và đúng luật pháp trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh (hộ, trang trại, các loại hình doanh nghiệp) tại các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản, các vùng làng nghề, khu công nghiệp, dịch vụ nhỏ ở nông thôn nhằm xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh trái luật, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, những liên kết phi pháp để chiếm đoạt nguồn lực và những cơ hội kinh doanh.

+ Trợ giúp phát triển vùng sản xuất, kinh doanh thông qua đầu tư cơ sở vật chất của kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh.

+ Thúc đẩy sự hình thành các tổ chức kinh tế nhỏ của người dân nông thôn như hợp tác xã, tổ hợp tác... để có đủ năng lực tham gia hiệu quả hơn vào thị trường.

Tóm lại, việc tạo dựng, duy trì và phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nông thôn được hình thành, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, trong đó cả Nhà nước và khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần đều phải tích cực tham gia, thực hiện chức năng của mình. Việc cụ thể hóa vai trò của Nhà nước cho từng cấp chính quyền trong hệ thống Nhà nước hiện nay ở nước ta chưa rõ ràng, chưa được triển khai đến nơi đến chốn. Vì vậy, trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay và những năm tới, cần đưa nội dung về nâng cao vai trò của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh vào chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các nhân viên nhà nước trong việc thừa hành trách nhiệm của mình theo đúng yêu cầu của pháp luật và trí thức về kinh tế thị trường.