Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
Sau 10 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương và nhất là những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, quảng bá hình ảnh của thành phố và góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.
Đến nay, có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đà Nẵng, trong đó dẫn đầu là các nền kinh tế APEC như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Xin-ga-po. Bên cạnh đó, có 135 văn phòng đại diện, chi nhánh của các công ty có vốn FDI đang hoạt động. Từ năm 2001 đến năm 2006, Đà Nẵng thu hút được 58 dự án FDI mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 526,7 triệu USD.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ nhiều nguyên nhân, trong đó hoạt động vận động, kêu gọi đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nêu lên một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng, minh bạch. Thành phố đã ban hành các quyết định về chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong từng thời kỳ, trong đó đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai.
Thứ hai, kịp thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2010, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001- 2010, đồng thời lựa chọn một số dự án trọng điểm trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó thành phố đã tổ chức lập được 92 dự án cơ hội gọi vốn đầu tư nước ngoài để giới thiệu với các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền, tiếp thị và quảng bá hình ảnh, môi trường và cơ hội đầu tư tại thành phố Đà Nẵng. Phát hành một số lượng lớn tài liệu giới thiệu về tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng như sách giới thiệu Đà Nẵng kèm đĩa CD Rom (phiên bản tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Nhật), lập thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, danh mục chi tiết các dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài để giới thiệu với các nhà đầu tư tại các hội thảo xúc tiến đầu tư, triển lãm, hội chợ, phục vụ các cuộc tiếp khách, các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành. Thành lập văn phòng đại diện của Đà Nẵng tại Tô-ki-ô (Nhật Bản) để đẩy mạnh việc quảng bá, thu hút đầu tư tại Nhật Bản.
Thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của cả nước, văn bản pháp luật mới, cơ hội đầu tư tại thành phố cho các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế như JETRO (Nhật Bản), KOTRA (Hàn Quốc), đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước và trên các trang web của thành phố.
Thứ tư, tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến, vận động đầu tư. Tổ chức một số hội thảo vận động đầu tư ở trong và ngoài nước như hội thảo xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hồng Kông; Hội nghị Đầu tư Đà Nẵng 2003; Hội thảo Đầu tư Môi trường, Hội thảo Xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh; các hội thảo xúc tiến đầu tư hằng năm tại Nhật; tổ chức các tọa đàm về đầu tư giữa các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và các doanh nghiệp nước ngoài; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức quốc tế (UN-ESCAP, GTZ, JICA) tổ chức các hội thảo chuyên đề về xúc tiến đầu tư tại miền Trung; tham gia Vietnam Forinvest 2005, Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Hội thảo quốc tế hợp tác GMS và Hành lang Kinh tế Đông - Tây do Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phối hợp với Trường đại học WASEDA (Nhật Bản) tổ chức; tham gia triển lãm tại Diễn đàn Đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC Việt Nam 2006 tại Hà Nội và Hội thảo xúc tiến đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung (tại Bình Định).
Thứ năm, tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Phối hợp với cơ quan GTZ (Đức) tổ chức khóa tiếng Anh chuyên ngành trong thời gian hai tháng cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư của thành phố. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khóa tập huấn về kỹ năng xúc tiến đầu tư và sử dụng mạng thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư cho cán bộ của các sở kế hoạch và đầu tư của 11 tỉnh, thành phố miền Trung. Kể từ năm 2001 đến nay, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố ngày càng nhiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình thu hút vốn FDI nói chung, công tác xúc tiến đầu tư nói riêng còn những mặt khó khăn, hạn chế. Trong khi số dự án đăng ký dự định đầu tư khá nhiều thì số dự án đầu tư được cấp phép vẫn còn thấp. Ngoài những nguyên nhân như điều kiện tự nhiên không thuận lợi; thị trường nhỏ hẹp, sức mua yếu; chi phí vận chuyển bằng đường biển còn cao, thời gian vận chuyển lâu, số tuyến tàu biển trực tiếp đi từ cảng Đà Nẵng đến các cảng quốc tế ít; nguồn nguyên liệu và các ngành công nghiệp phụ trợ còn thiếu và yếu, chất lượng kém...
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số đề xuất về xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư như sau:
Một là, đối với địa phương: Nghiên cứu, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn (5 năm, 10 năm) và kế hoạch hành động ngắn hạn từng năm trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Địa phương cần tập trung xây dựng một chiến lược cụ thể về xúc tiến đầu tư gồm các bước cơ bản: xác định các cở sở để xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư; xác định ngành nghề và khu vực ưu tiên thu hút đầu tư; xây dựng chương trình xúc tiến và cơ chế chính sách đầu tư; xây dựng kế hoạch hành động; đánh giá hiệu quả. Một khi đã thông qua chiến lược xúc tiến đầu tư và kế hoạch hoạt động, cần thực hiện nghiêm túc theo đúng kế hoạch và chiến lược đã đề ra.
Gắn kết chương trình xúc tiến đầu tư ở địa phương với chương trình xúc tiến đầu tư ở mỗi vùng, miền và với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia để vừa tiết kiệm chi phí vừa đem lại hiệu quả cao hơn. Các địa phương có lợi thế khác nhau có thể hợp tác thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư chung, tăng cường liên kết vùng. Điều này có thể áp dụng đối với các địa phương trong nước với nhau cũng như đối với các địa phương của một số nước khác nhau. Địa phương cần chủ động dành nguồn kinh phí lớn, ổn định cho hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách hình thành quỹ xúc tiến đầu tư, bên cạnh đó tích cực kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và nước ngoài.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư phải gắn bó mật thiết với việc quản lý đầu tư nước ngoài để việc hỗ trợ nhà đầu tư thống nhất xuyên suốt trong cả ba giai đoạn chuẩn bị dự án, cấp phép và triển khai hoạt động. Xúc tiến đầu tư tốt sẽ thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư, tạo tiền đề cho quản lý đầu tư và ngược lại quản lý đầu tư tốt cũng chính là một phương thức hữu hiệu, ít tốn kém nhất để vận động xúc tiến đầu tư. Mở rộng hoạt động đối ngoại, kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư trong các chuyến công tác của lãnh đạo địa phương ra nước ngoài. Nghĩa là tăng cường các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, phục vụ xúc tiến đầu tư; tránh tình trạng bị động trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về đầu tư hoặc mang tính phô trương, hình thức; tăng cường vai trò và hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một kênh thông tin quan trọng nhằm thẩm tra, đánh giá năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như vai trò hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao trong việc tiếp cận các nhà đầu tư lớn tiềm năng.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài với các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương, với các cơ quan, tổ chức khác trong nước và nước ngoài. Mối quan hệ hợp tác này đặc biệt cần thiết đối với công tác xúc tiến, quản lý đầu tư nước ngoài trong cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi cấp giấy phép đầu tư vì năng lực, quyền hạn, tài chính... của cơ quan chuyên trách về đầu tư nước ngoài hạn chế, cần có sự thỏa thuận, hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan.
Hai là, đối với trung ương, đề nghị Chính phủ rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tránh tình trạng đầu tư chồng chéo, tràn lan, manh mún dẫn đến sự lãng phí và kém hiệu quả, trong đó Chính phủ đóng vai trò chỉ huy thống nhất trên phạm vi toàn vùng, có biện pháp bảo đảm, nâng cao tính hiệu lực pháp lý của các quy hoạch đã công bố. Trên cơ sở quy hoạch chung của vùng, các địa phương xây dựng chiến lược và các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với khả năng của mình và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Các tỉnh khu vực miền Trung có lợi thế về cảng biển, sân bay, thủy sản, du lịch và các tỉnh Tây Nguyên với thế mạnh về tài nguyên rừng, cây công nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau, tạo ra những ưu thế trên thị trường và những điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư với bên ngoài, tránh tình trạng cạnh tranh "vượt rào" giữa các địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài, dẫn đến thiệt hại chung cho cả nền kinh tế.
Cần công bố công khai chiến lược xúc tiến đầu tư quốc gia, chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, vùng, miền dài hạn và hằng năm để các địa phương có thể tham khảo, chủ động kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư của địa phương với vùng, miền và cả nước. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương làm công tác xúc tiến đầu tư. Thiết lập kênh thông tin đầu tư thường xuyên và kịp thời giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương trong cả nước nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình xúc tiến dự án, tham vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến đầu tư và xây dựng kênh thông tin đầu tư. Phân bổ hợp lý nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư cho từng vùng, theo từng chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể.
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò rất quan trọng đối với việc thu hút vốn FDI. Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư ở Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng. Nếu phát huy tốt những mặt tích cực, hạn chế những mặt còn tồn tại, thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, công tác xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng sẽ đạt được hiệu quả cao, dòng chảy vốn FDI vào Đà Nẵng ngày càng lớn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
* Thành ủy Đà Nẵng
Trên vùng núi đá Yên Minh  (05/02/2007)
Một số giải pháp cơ bản về công tác tư tưởng góp phần ổn định chính trị - xã hội ở Tây Nguyên  (05/02/2007)
Phú Quốc trên lộ trình trở thành một trung tâm kinh tế - du lịch sinh thái chất lượng cao  (05/02/2007)
Giới và vấn đề phát triển ở các nước Đông-Nam Á - nhìn từ góc độ văn hóa  (04/02/2007)
“Mãi mãi niềm tin theo Đảng”  (01/02/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển