Một số điểm mới về chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã
Lời Bộ Biên tập: Từ 1-1-2010, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP. Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở xin trao đổi chung quanh vấn đề trên.
Hỏi: Quy định về chức danh, số lượng đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP?
Đáp: Ngày 22-10-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/ 2009/NĐ-CP, quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Nghị định số 92/ 2009/NĐ-CP không chỉ căn cứ vào quy mô dân số như Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (Nghị định 121/2003/ NĐ-CP), mà số lượng cán bộ công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính (dựa trên 3 tiêu chí: dân số, diện tích và các yếu tố đặc thù).
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:
Cấp xã loại 1: không quá 25 người
Cấp xã loại 2: không quá 23 người
Cấp xã loại 3: không quá 21 người.
Số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí:
Cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người.
Cấp xã loại 2 được bố trí tối đa không quá 20 người.
Cấp xã loại 3 được bố trí tối đa không quá 19 người.
Hỏi: Quy định mới về tiền lương đối với cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã?
Đáp: Về xếp lương đối với cán bộ cấp xã, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, tách riêng mức lương đối với cán bộ đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn và cán bộ chưa qua đào tạo.
Cụ thể, cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo hệ số lương từ 1,75 - 2,35 (bậc 1). Nếu có thời gian hưởng lương bậc 1 là 5 năm, hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì được xếp lương lên bậc 2 với hệ số lương từ 2,25 - 2,85 (tùy theo chức vụ đảm nhiệm).
Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính. Ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức tối thiểu chung từ 0,15 - 0,3 (tùy theo chức vụ) và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-10-2004, về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo quy định mới này, mức lương đối với cán bộ xã sẽ cao hơn trước (theo Nghị định cũ, hệ số lương từ 1,7 - 2,0).
Trường hợp cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trước đây, chỉ được hưởng 40% lương chức danh)...
Đối với công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.
Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu chung (quy định cũ là 1,09).
Nghị định số 92/2009/ NĐ-CP cũng quy định rõ, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hỏi: Thực tế khó khăn và một số giải pháp nhằm nâng cao đời sống cán bộ, công chức cấp xã hiện nay?
Đáp: Trước ngày Nghị định số 92/2009/NĐ-CP có hiệu lực, những cán bộ hoạt động không chuyên trách được hưởng mức phụ cấp 1,86/mức lương tối thiểu chung (tương đương 1,2 triệu đồng). Nhưng với Nghị định trên, phụ cấp không vượt quá 1.0 mức lương tối thiểu (chỉ còn khoảng 650.000 đồng).
Một nghịch lý hiện nay là lương cán bộ chuyên trách thấp hơn lương của công chức chuyên môn có cùng trình độ đào tạo. Cùng trình độ đào tạo nhưng cán bộ chủ chốt chỉ có hai bậc lương, còn công chức chuyên môn được nâng lương theo niên hạn nên một số năm sau, công chức chuyên môn sẽ có mức lương cao hơn cán bộ chủ chốt.
Một công chức chuyên môn nếu đang hưởng lương công chức xã, nhưng được bầu vào Ban thường vụ cấp ủy thì sẽ hưởng chế độ lương chuyên trách hoặc không chuyên trách, lương hoặc phụ cấp sẽ thấp hơn lương công chức. Trong khi đó, để trở thành cán bộ chủ chốt, người cán bộ không chỉ cần có trình độ chuyên môn, chính trị nhất định mà còn đòi hỏi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và tín nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương. Hơn nữa, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt cơ sở nặng nề hơn so với cán bộ chuyên môn khác.
Giải pháp: Về lâu dài, trong chiến lược con người, cần đào tạo những cán bộ chuyên nghiệp, nhưng trước mắt, phải kịp thời bổ sung kiến thức để giúp cán bộ tự tin khi làm việc với dân. Cùng với đó, cần thay đổi quan niệm của người sử dụng cán bộ, sử dụng theo kiểu chuyên sâu với các kiến thức thực sự. Thay thế dần cán bộ có trình độ chuyên môn thấp, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt. Xóa bỏ hội chứng bằng cấp và tổ chức sát hạch trình độ chuyên môn khi tuyển lựa cán bộ... Kiên quyết không tuyển dụng, quy hoạch, phân công, bố trí những cán bộ trình độ học vấn thấp, không đáp ứng tiêu chuẩn vào đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ, xuất phát từ yêu cầu người học với các kiến thức thiết thực, cần cho công việc, tăng cường khả năng thực hành, không nên bồi đưỡng kiến thức lý thuyết đơn thuần.
Nhà nước có chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý cơ sở, đồng thời có các chính sách đồng bộ nhằm thu hút trí thức trẻ về công tác tại cơ sở./.
Phương thức mới đào tạo cán bộ cơ sở: Xã đặt hàng, thẩm định và nghiệm thu người học  (30/06/2010)
Tư tưởng lớn từ những mẩu chuyện nhỏ  (30/06/2010)
“Hoàng thúc Lý Long Tường"  (29/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên