TCCS - Khi gần 2.000 cán bộ xã, phường bị kỷ luật do tình trạng mất ổn định năm 1997, Thái Bình rút ra bài học xương máu: Cán bộ cơ sở có vai trò quan trọng và làm cán bộ là một nghề đặc thù riêng, do đó phải đào tạo bài bản. Nhiệm vụ đào tạo trên được giao cho Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Thái Bình.

Cán bộ xã – “trăm dâu đổ đầu tằm”

Quan niệm cũ song vẫn khá phổ biến hiện nay cho rằng, cán bộ xã, phường việc ít, dễ, nên không đòi hỏi trình độ cao chính là xuất phát điểm làm nảy sinh một loạt bất cập trong hoạch định chính sách đãi ngộ, sử dụng, dẫn đến chất lượng đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cán bộ xã, phường có trình độ thấp nhất trong các cấp hành chính.

Đội ngũ cán bộ cơ sở của Thái Bình cũng không nằm ngoài mặt bằng chất lượng chung của cả nước. Hiện nay, chỉ có 13,8% trong số hơn 2.000 cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng, tăng so với trước song vẫn thấp so với yêu cầu. Riêng cán bộ cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học về lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật, tỷ lệ còn ít hơn rất nhiều.

Cùng với sự phát triển của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ của bộ máy chính quyền cơ sở lại tăng lên theo cấp số nhân. Trong bối cảnh các chính sách đều hướng về cấp thấp nhất, nơi có quy mô dân số ngày một lớn (trung bình mỗi xã, phường tại Thái Bình khoảng 10.000 người), áp lực thực thi công vụ không hề nhỏ, cán bộ cơ sở được ví như “làm dâu trăm họ”, “trăm dâu đổ đầu tằm”. Đơn cử, theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV, của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, thì riêng cán bộ tư pháp xã, phường phải đảm đương 12 đầu việc, trong đó có rất nhiều việc quan trọng như: thi hành án, đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất, chứng thực... Cán bộ tư pháp giống như “lá chắn” về mặt pháp lý, sai sót sẽ dẫn đến hệ lụy, hậu quả rất lớn. Thế nhưng, theo quy định, tất cả các đầu việc trên chỉ do một hoặc hai công chức đảm nhiệm.

Bởi vậy, đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức xã, phường tại Thái Bình bị “ngợp” trước khối lượng và áp lực công việc, không tránh khỏi có lúc, có nơi hiệu quả thực thi công vụ thấp, gây những bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới sự phát triển và ổn định tại cơ sở.

Thực trạng trên cho thấy một nghịch lý dễ nhận ra, khối lượng công việc lớn, nhất là những phường đô thị, song định biên tại cơ sở lại ít, chưa kể trình độ cán bộ còn hạn chế, hiện tượng xử lý công việc theo kinh nghiệm vẫn phổ biến, một người phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc. Tình trạng trên đã đeo đẳng rất lâu ở cơ sở và vòng luẩn quẩn do ba mắt xích tạo nên: thiếu người, thiếu cơ chế đãi ngộ và cán bộ thiếu năng lực vẫn chưa được gỡ.

Ở một góc độ khác, bộ máy chính quyền cơ sở cũng không thể “phình” ra, bởi thêm một chức danh là thêm hàng nghìn người, ngân sách khó có thể gánh được việc chi trả lương, phụ cấp. Nhiều nơi hiện nay xảy ra tình trạng vừa thiếu, vừa thừa người, bởi yếu kém trong giải quyết công việc của cán bộ. Do đó, trong điều kiện hiện nay, bộ máy chính quyền cơ sở “gọn” nhưng “tinh”, cán bộ ít nhưng đảm đương công việc hiệu quả vì đã qua đào tạo bài bản, vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.

Nhận thức được những bất cập và yêu cầu trên, góp phần tháo gỡ mắt xích về năng lực cán bộ xã, phường, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình đã bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới và khó: đào tạo nghề làm cán bộ cơ sở.

Lập hội đồng bảo vệ luận văn tại trụ sở xã

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Thái Bình là trường cao đẳng đầu tiên của cả nước chuẩn hóa việc đào tạo cán bộ xã, phường có trình độ cao đẳng và đại học về quản lý kinh tế và kỹ thuật.

Trường xác định, trong tầm nhìn dài hạn 10 - 15 năm tới, tư duy kinh tế và năng lực giải quyết các vấn đề kinh tế, khoa học sẽ trở thành yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với cán bộ cơ sở, chứ không phải chỉ kỹ năng xử lý các công việc hành chính. Đào tạo cán bộ xã, phường phải xét tới những yếu tố đặc thù của công việc này. Tức là, ngoài những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chung, còn phải đặc biệt quan tâm đến các kỹ năng chuyên biệt gắn với việc tổ chức thực thi chính sách trực tiếp ở cơ sở (kỹ năng xử lý và giải quyết những tình huống nảy sinh cụ thể; vận dụng các lý thuyết kinh tế vào giải quyết vấn đề thực tiễn tại địa phương; cập nhật, xử lý thông tin, tổng hợp báo cáo; diễn thuyết, vận động quần chúng...).

Theo đó, chương trình đào tạo của Trường được xây dựng theo “đơn đặt hàng” của chính quyền cơ sở và người học, với quan điểm “đào tạo cái xã hội cần, tri thức người học cần chứ không đào tạo cái nhà trường sẵn có”. Nhu cầu đào tạo được xác định trên kết quả những cuộc khảo sát công phu từ cơ sở và chương trình đào tạo vừa bảo đảm khung “cứng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa linh hoạt để phù hợp với yêu cầu công việc, nhu cầu, đặc điểm tâm lý của đối tượng học viên là cán bộ cơ sở, theo hướng tập trung rèn luyện khả năng tự học và nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Do đó, nhiều đề tài khoa học do sinh viên của Trường thực hiện có giá trị và tính ứng dụng cao. Đơn cử như sinh viên Trương Văn Trị đã trở thành người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu thành công việc chuyển giống cá vược nước mặn, nước lợ sang nuôi ở nước ngọt và hiện đang cung cấp cá thịt, cá giống cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mở ra hướng mới khai thác ao, hồ nước ngọt để nuôi cá chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế lớn.

Tăng thời gian đi thực tế và đào tạo kỹ năng lên

15 - 20%, giúp sinh viên có thêm những trải nghiệm. Thiếu cán bộ là đặc điểm thường thấy ở xã, phường, có khi một người phải kinh qua nhiều vị trí công tác hoặc đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau. Do đó, nhà trường vừa chú trọng đào tạo cho học viên “nhất nghệ tinh”, vừa đào tạo kiến thức và các kỹ năng giải quyết đa công việc, đa tình huống...

Việc thẩm định, đánh giá kết quả đào tạo cũng do chính cơ sở nơi đã gửi học viên đi đào tạo thực hiện thông qua việc viết và bảo vệ luận văn hết sức độc đáo của Trường, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là đột phá và hiệu quả trong đào tạo cán bộ cơ sở. Đề tài làm luận văn tốt nghiệp phải là những vấn đề bức xúc, đang đặt ra tại chính nơi học viên đang công tác. Đề tài phải có tính ứng dụng cao, để sau khi bảo vệ xong có thể vận dụng ngay vào thực tiễn, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương.

Hội đồng bảo vệ luận văn không thành lập tại Trường, mà được đưa về tận trụ sở xã nơi học viên công tác để làm việc, tham gia hội đồng đồng thời có 2 phản biện là cán bộ chủ chốt ở xã có trình độ đại học. Với hội đồng và thành phần tham gia như trên, học viên phải dồn tâm sức, đầu tư trí tuệ vào nghiên cứu, bởi người phản biện vừa là lãnh đạo cấp trên trực tiếp, lại nắm rất rõ các vấn đề tại địa phương. Hình thức bảo vệ trên xóa bỏ hẳn tình trạng sao chép, cóp nhặt đề tài, nội dung khóa luận phổ biến hiện nay. Đến nay, Trường đã thành lập các hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp cho 37 sinh viên bảo vệ tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đây là hình thức thẩm định “sản phẩm người học” trực tiếp, khách quan của nơi cử cán bộ đi học đối với nhà trường.

Xã cũng là nơi “nghiệm thu người học”, theo đó, sau khi bàn giao “sản phẩm người học”, quá trình đào tạo vẫn chưa kết thúc mà phải thông qua kiểm nghiệm bằng thực tiễn công việc, xem học viên có sử dụng tốt kỹ năng được học không? đóng góp được gì cho địa phương sau khi học? Quá trình đánh giá này được thực hiện trong thời gian công tác ban đầu sau tốt nghiệp, cũng như kéo dài cả quá trình công tác. Những đánh giá phản hồi của cơ sở chính là căn cứ để Trường tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo hợp lý, hiệu quả hơn.

Từ năm 2002 đến nay, Trường đã và đang đào tạo 2.500 học viên, trong đó, 95% số học viên ra trường đang công tác tại xã, phường, thị trấn được các địa phương đánh giá tốt; 34,2% được giao giữ chức vụ cao hơn. Cán bộ sau quá trình học tập trở về công tác đã góp phần mang lại những chuyển biến tích cực cho địa phương, một số xã có bước phát triển đột phá như: xã Nam Thịnh (Tiền Hải), xã Thanh Tân (Kiến Xương), xã Thụy Duyên, Thái Thượng (Thái Thụy)...

Cần thiết đào tạo cán bộ, công chức xã như một nghề đặc thù

Những sáng tạo trong đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đã đóng góp quan trọng vào việc trí thức hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình. Quan trọng hơn, từ đây cho thấy, việc đào tạo cán bộ, công chức xã, phường như một nghề đặc thù là đòi hỏi có thực, thậm chí là yêu cầu rất lớn, bức thiết từ thực tiễn. Việc đào tạo trên được thực hiện một cách bài bản chính là bước “đón đầu” sự phát triển trong tương lai gần, khi yêu cầu, nhiệm vụ tại cơ sở ngày càng nhiều, phức tạp.

Hiện nay, cán bộ, công chức xã, phường mới được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mang tính chất chung. Chẳng hạn, cán bộ chuyên trách chủ yếu học một trong các môn: xây dựng Đảng, kinh tế, hành chính hoặc luật; công chức tùy theo lĩnh vực đảm trách, học về luật, địa chính – xây dựng, văn thư - lưu trữ, hành chính, văn hóa - nghệ thuật... Cách đào tạo trên mang tính chất đơn lẻ, ghép nối, chưa hội đủ các kỹ năng, phẩm chất một cán bộ, công chức cơ sở cần. Việc đào tạo nhiều khi còn mang tính hình thức, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, nặng lý thuyết, thiếu thực hành, chưa bám thật sát nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng của các đối tượng cán bộ cơ sở.

Yêu cầu chuyên nghiệp hóa các kỹ năng xử lý công việc của cán bộ, công chức xã, phường đòi hỏi việc đào tạo phải dựa trên một khung chương trình, phương pháp đào tạo riêng, tổng thể, lấy yêu cầu của công việc, nhu cầu của người học làm xuất phát điểm. Theo đó, coi trọng các kỹ năng tổ chức thực thi công vụ, vận động quần chúng, để cán bộ cơ sở không chỉ là người bị động trong thực hiện các nhiệm vụ, mà còn có khả năng chủ động, sáng tạo, linh hoạt khi triển khai công việc.

Với số lượng hơn 200 nghìn cán bộ, công chức cơ sở hưởng lương từ ngân sách và 600 nghìn cán bộ bán chuyên trách hưởng phụ cấp trên cả nước, việc đào tạo cán bộ cơ sở đòi hỏi phải có trường riêng mang tầm quốc gia, cùng đội ngũ giảng viên gồm các chuyên gia, những người công tác thực tiễn tại cơ sở và giảng viên nước ngoài; đồng thời, tận dụng các trường tại địa phương với cơ sở vật chất sẵn có, khả năng hiểu biết sâu về đặc thù tâm lý của cán bộ và yêu cầu công việc trên địa bàn, với hình thức tự đào tạo và đào tạo liên thông.

Trước yêu cầu quan trọng trong đào tạo cán bộ cơ sở, ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 27 - 2 - 2006, phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010, trong đó xác định, sẽ xây dựng trường làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã nói chung và cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số nói riêng tại 3 vùng: Tây Bắc, Trung - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Nhưng tiếc là, chủ trương đã rõ, song cho đến nay, chưa rõ vì sao, công việc hết sức quan trọng trên vẫn chưa được các cơ quan có liên quan thực hiện?