Hòa hiếu, khoan dung Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Hồ Chí Minh kế thừa, phát huy truyền thống giao lưu, hòa hiếu, khoan dung Việt Nam theo lập trường duy vật biện chứng, trên cơ sở đó, đã xây dựng quan điểm mới về giao lưu, hòa hiếu, khoan dung.
Truyền thống giao lưu, hòa hiếu và khoan dung
Truyền thống văn hóa Việt Nam là một hệ những giá trị, phương pháp có tính bền vững, được hình thành, chắt lọc trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, đặc biệt trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống mọi áp lực đồng hóa văn hóa, để bảo tồn, phát triển nền văn hiến Việt Nam. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nổi bật là các giá trị: nếp sống khoan hòa, thiên về hành động với tư duy trực giác tổng hợp; lòng nhân ái (thương nòi), lối ứng xử linh hoạt, ý chí và nghị lực yêu nước, tự lập, tự cường, đoàn kết đồng bào, dân tộc,... Tất cả các giá trị này tạo nên chủ nghĩa yêu nước bền vững ở mỗi người Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sở dĩ có tính nồng nàn, thiết tha và bất khuất là do được hun đúc bởi nếp sống khoan hòa, lòng nhân ái, lối ứng xử cân bằng, linh hoạt, tinh thần, nghị lực yêu nước, tự lập, tự cường, đoàn kết đồng bào và dân tộc, đặc biệt, trong sự nghiệp giữ nước trước nạn ngoại xâm và nạn đồng hóa văn hóa. Tinh thần yêu nước hay tinh thần dân tộc không phải là một giá trị độc lập mà thẩm thấu vào các giá trị trên đây. Chủ nghĩa yêu nước là tổng hợp của các giá trị, như:
Nếp sống khoan hòa thiên về hành động với tư duy trực giác tổng hợp
Nghề trồng lúa nước buộc con người phải sống phụ thuộc, giao hòa với đất, với nước theo thời tiết thiên nhiên. Văn hóa lúa nước với tính cách là điển hình của văn hóa sản xuất vật chất ở Việt Nam, đã cơ bản tạo dựng văn hóa làng Việt Nam. Phức hợp văn hóa lúa nước - văn hóa làng đã được định hình trong lịch sử, thông qua thế quân bình năng động đối với tự nhiên, đặc biệt mỗi khi bị thiên tai. Từ chỗ ứng xử chênh với tự nhiên đi đến thế ứng xử hòa điệu với tự nhiên ở miền đất thấp, miền đồng bằng châu thổ, theo khí hậu, theo nhịp mùa đi, theo địa hình cao thấp, theo điều kiện đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu hay chua mặn... Trong sản xuất nông nghiệp, trong cách ăn, ở, mặc... người Việt Nam đều thể hiện sự thích nghi, hòa hợp với tự nhiên(1).
Học tập, tôn trọng, chinh phục, mô phỏng, thích nghi là những cách thức ứng xử theo hướng khoan hòa với tự nhiên. Từ đó, hình thành nên nếp sống khoan hòa, thuần hậu không chỉ với tự nhiên, mà với xã hội, với bản thân. Nếp sống khoan hòa được thể hiện, thực hiện từ cách sống hòa thuận trong gia đình, láng giềng,... đến hòa hiếu với lân bang. Chính nếp sống này đã thúc đẩy hình thành phương pháp tư duy trực giác tổng hợp cảm tính và kinh nghiệm. Tổng hợp gắn với trừu tượng hóa và tư duy biện chứng chất phác. Nếp sống đó không quan tâm nhiều đến các yếu tố riêng rẽ, như nước, phân, cần, giống mà quan tâm đến những mối quan hệ giữa chúng. Trừu tượng hóa để đi thẳng vào cái trọng tâm, trọng điểm, cái bức xúc; tư duy biện chứng, nhằm vào tính vận động của các mối quan hệ. Nếp sống khoan hòa, thiên về hành động với lối tư duy trực giác, tổng hợp có nhân tố biện chứng là một giá trị truyền thống rất cơ bản hình thành phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lòng nhân ái Việt Nam, được thể hiện và thực hiện theo các nguyên tắc trọng tình, trọng đức, trọng văn và trọng nữ. Nếp sống khoan hòa trong làng với tính cách là một cộng đồng xã hội tuy đã có lệ làng (văn hóa pháp lý), nâng lên thành nguyên tắc trọng đức, trọng văn, và mở rộng ra là nguyên tắc trọng phụ nữ.
Nguyên tắc trọng đức ở Việt Nam hướng vào những giá trị nền tảng có tính bền vững của đức là luân lý. Và vì thế, nó dễ dàng tiếp thu đạo ngũ thường, luân thường của Nho giáo Trung Quốc. Tình nghĩa trong quan hệ người - người, và lối ứng xử tình nghĩa trong dân gian, được Nguyễn Trãi, theo nguyên tắc trọng văn, nâng lên thành lối ứng xử nhân nghĩa, để tình người hòa với đạo trời, hay tình người hòa với phép tắc chung của xã hội. Nhân nghĩa Việt Nam có bản sắc riêng, bền vững, gắn với nguyên tắc trọng phụ nữ. Nguyên tắc này được thể hiện, thực hiện nhất quán từ gia đình đến tín ngưỡng mẫu hệ và cả Bộ luật Hồng Đức dưới triều Lê.
Nếp sống khoan hòa thiên về hành động, với lối tư duy trực giác tổng hợp có tính biện chứng được thể hiện trong tình nghĩa đối với con người theo các nguyên tắc trọng tình, trọng đức, trọng nữ bằng triết lý nhân nghĩa. Nó đã thúc đẩy hình thành lối ứng xử nhân văn, tập thể và dân chủ.
Lối ứng xử cân bằng linh hoạt
Nếp sống khoan hòa thiên về hành động chú trọng đến mối quan hệ đang vận động, nhất là những cái trọng tâm, trọng điểm, bức xúc, nên cũng dễ dẫn đến cách ứng xử, hành động linh hoạt, thậm chí biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử - cụ thể. Do đó, nếp sống khoan hòa thường được biểu hiện ở lối ứng xử quân bình, nhưng cũng thường biến thái ở dạng tùy tiện, mềm dẻo.
Thói tùy tiện với tính cách là biểu hiện tiêu cực của lối ứng xử linh hoạt; còn tính mềm dẻo, nhìn chung là biểu hiện tích cực của nó. Song cả hai biểu hiện linh hoạt đó nhìn chung đều diễn ra trong khuôn khổ lối ứng xử bình quân không thái quá. Chúng là điểm nhấn của lối ứng xử quân bình linh hoạt, theo cả hai chiều tiêu cực, tích cực. Chúng đều là kết quả của lối tư duy trực giác tổng hợp có tính biện chứng, dẫn đến các tiếp nhận, thâu thái theo kiểu dung hợp và cả tổng hợp theo hướng tích hợp. Lối ứng xử cân bằng, linh hoạt và lối tư duy trực giác tổng hợp có tính biện chứng được Hồ Chí Minh kế thừa có chọn lọc, để tạo nên phương pháp tư tưởng của Người.
Ý chí, nghị lực yêu nước, tự lập, tự cường, đoàn kết đồng bào, dân tộc và hòa hiếu với lân bang
Nhiều nhà nghiên cứu thường có xu hướng nhấn mạnh một chiều, có phần thái quá về sự khép kín của làng (xã) tiểu nông. Song nếu chỉ nhìn thấy tính tự cấp tự túc về kinh tế, sự đóng kín về văn hóa, sự vây bọc đơn vị tụ cư bởi lũy tre làng,... thì rất khó giải thích được vì sao người nông dân Việt Nam lại có ý thức, hành động yêu nước mãnh liệt, trường kỳ như vậy? Những ý niệm làng - nước, đồng bào, quốc gia... giải thích cho việc hơn 60 huyện, thành đồng thanh tương ứng khi Hai Bà Trưng “phất cờ nương tử”; và khi Bà Triệu cưỡi voi gióng trống thì “toàn thể Giao Châu chấn động”(2). Ý chí, nghị lực giao lưu, đoàn kết đồng bào dân tộc của các làng tiểu nông xuất phát từ sự liên kết giữa các làng, các vùng trong việc trị thủy, chống thiên tai, chống ngoại xâm. Nói cách khác, đặc điểm cơ bản của văn hóa làng Việt Nam là tính lưỡng diện giữa khuynh hướng cá thể, biệt lập với khuynh hướng giao lưu, đoàn kết đồng bào, dân tộc. Khi mà kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc còn chi phối thì khuynh hướng cá thể, biệt lập, khép kín chiếm địa vị chủ đạo, còn khuynh hướng đoàn kết đồng bào, dân tộc trở thành phụ và thứ yếu. Nhưng cái khuynh hướng phụ, thứ yếu này có lúc, có nơi sẽ trở thành chủ đạo khi phải hiệp tác chống thiên tai, trị thủy, chống ngoại xâm và nạn đồng hóa văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, ý chí, nghị lực yêu nước, tự lập, tự cường, đoàn kết đồng bào, dân tộc, hòa hiếu với lân bang là một đặc điểm chủ đạo tạo nên phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh.
Còn có thể kể thêm một số giá trị khác trong giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, góp phần hình thành, định hình, phát triển phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Tư tưởng đó được hình thành chính từ sự tổng hợp - tích hợp của các giá trị văn hóa truyền thống. Nó là “cái bất biến” để tiếp xúc, thâu thái, tổng hợp - tích hợp “cái vạn biến” của văn hóa Đông, Tây trong phương pháp tư tưởng của Người về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về hòa hiếu, khoan dung văn hóa
Tư tưởng hòa hiếu, khoan dung cổ truyền không mang nặng tính chất kinh viện, không phải là một nguyên lý nhất thành bất biến, buộc mọi người phải tuân theo bất chấp thời gian và không gian. Văn hóa khoan dung cổ truyền vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa phát triển. Thông qua việc thực hành đạo đức và ứng xử mà phát triển tư tưởng, đạo đức khoan dung. Việc kế thừa và phát huy truyền thống này đặc biệt được thể hiện ở Hồ Chí Minh. Cũng như nhân dân lao động từ bao đời nay, Hồ Chí Minh ít phân tích, không đề xướng thành hệ thống lý thuyết và cũng không tranh cãi lý luận. Người rất quan tâm đến những người thật, việc thật, người tốt, việc tốt trong cuộc sống thường nhật. Từ đó, Người đề cao những ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa phát triển của truyền thống tư tưởng hòa hiếu và khoan dung. Bản thân Hồ Chí Minh đã thực hành và nêu gương sáng về tư tưởng và hành vi ứng xử hòa hiếu, khoan dung. Thông qua đó, Hồ Chí Minh đã trực tiếp góp phần cùng mọi người phát triển tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam trong thực tế cuộc sống.
Trong truyền thống tư tưởng hòa hiếu, khoan dung của dân tộc, bản chất nhân văn thể hiện ngay trong ý thức, tình cảm cộng đồng tình nghĩa, và thể hiện ngay trong nguyên tắc ứng xử thấu tình đạt lý kể cả với tù binh, với quân xâm lược. Tiếp thu bản chất nhân văn của truyền thống dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh trước hết đề cao khái niệm độc lập, tự do với tính cách là cái “bất biến” để “ứng vạn biến” trong hòa hiếu và khoan dung.
Trước thời kỳ trung đại, khái niệm độc lập dân tộc đã được Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi đúc kết thành tuyên ngôn có tính độc lập. Tuy vậy, ý niệm tự do chưa có giá trị nhận thức một cách tự giác và có tính hệ thống về phương diện triết học cũng như trong thực tiễn xã hội. Đến Hồ Chí Minh, có thể nói, khái niệm tự do được đề cập đến trước hết không phải từ khía cạnh lý tưởng thẩm mỹ, cá tính cá nhân, mà từ khía cạnh nhân cách lịch sử, độc lập dân tộc. Tự do thuộc loại thuật ngữ có tần số xuất hiện cao nhất trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh.
Khái niệm tự do theo Hồ Chí Minh, trước tiên và chủ yếu, bao hàm ý nghĩa độc lập dân tộc, vì trong bối cảnh thế kỷ XX, độc lập là yêu cầu tự do cho những cộng đồng dân tộc bị thế lực ngoại xâm thống trị. Khát vọng ấy đã bừng sáng trong tâm hồn Hồ Chí Minh từ thuở thanh niên. Tinh thần yêu nước, tình cảm mặn mà đối với thiên nhiên, khát vọng công lý là nền tảng chắp cánh cho lý tưởng tự do.
Ở Hồ Chí Minh, khái niệm tự do đồng nghĩa với quyền con người và quyền của dân tộc, của nhân loại được sống độc lập và hạnh phúc. Tự do cho dân tộc là lý tưởng chính trị và đạo đức của Hồ Chí Minh. Và khi Việt Nam đã trở thành một dân tộc tự do thì vấn đề quan tâm hàng đầu của Người là thực hiện dân sinh, dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa, khoa học để từng bước con người Việt Nam có thể được hưởng thụ mọi quyền lợi vật chất, tinh thần chân chính của con người, tức là hưởng thụ quyền tự do chân chính của con người. Khái niệm tự do với những hàm nghĩa độc lập, hạnh phúc của dân tộc và của mỗi người không loại trừ, mà còn mở đường cho dân chủ, dân quyền, cho sự giải phóng cá nhân và xây dựng nhân cách mới trên đất nước Việt Nam.
Ở Hồ Chí Minh, tự do không chỉ là một phạm trù triết học, tư tưởng, mà còn là một yêu cầu đạo đức, tội ác lớn nhất là chống lại tự do của con người; hành vi đạo đức cao đẹp nhất là chiến đấu cho tự do của dân tộc, tự do của mỗi người và tự do của nhân loại. Như vậy, với việc mở rộng lòng nhân ái từ mối tương quan cá nhân, tương quan dân tộc đến tương quan đồng loại bị áp bức, Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề thực hiện tự do cho con người, dân tộc và nhân loại như là yêu cầu cao nhất của đạo đức, của chủ nghĩa nhân văn. Đây là điểm mới căn bản mà khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh đã đóng góp vào bản chất nhân văn vốn thấm đầy ý thức, tình cảm và tâm lý cộng đồng tình nghĩa của dân tộc.
Điểm mới trên đồng thời cũng góp phần chuyển đổi tư tưởng hòa hiếu, khoan dung truyền thống từ đặc điểm “thấu tình đạt lý” sang đặc trưng “có lý có tình”. Về mặt lý trí, cũng như các dân tộc Á Đông khác, người Việt thiên về tư duy trực giác - tổng hợp. Sự tiếp cận ngoại vật kết hợp với sự tổng hợp theo kiểu trực quan cảm tính có thể cho người ta thấy ngay cái đúng, cái sai, cái hợp lý và không hợp lý, cái thuận tình và cái không thỏa đáng. Lại thêm việc phát huy kinh nghiệm sống ở mỗi người, cho nên người Việt Nam có nhiều khả năng phản ứng nhanh nhạy với các biến cố, để đề ra những phương cách ứng xử thích hợp, hợp lý.
Một điểm mới mà tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh đóng góp một cách xứng đáng vào văn hóa khoan dung truyền thống là đã kiến lập được mối giao hòa khăng khít giữa lương tâm con người, lương tri dân tộc với lương tri thời đại, đặc biệt đã huy động được sự đồng tâm nhất trí của lương tri thời đại và lương tri dân tộc. Giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa và đổi mới là bằng chứng cho sự hòa hợp giữa lương tri cá nhân với lương tri dân tộc và lương tri thời đại. Phong trào đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ phát triển sâu rộng khắp hành tinh, đặc biệt trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX, là bằng chứng khách quan cho sự hòa hợp đó. Nhiều người thuộc đủ các màu da, tín ngưỡng, chính kiến đã coi Việt Nam là lương tri thời đại.
Ở đây cần nhấn mạnh là lương tri Việt Nam - Hồ Chí Minh bắt rễ sâu vào lương tri truyền thống tốt đẹp của dân tộc, song lại rất hòa đồng với lương tri thời đại. Cơ sở cho sự hòa nhập giữa lương tri Việt Nam - Hồ Chí Minh với lương tri thời đại không có gì trái với những quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người và cho dân tộc.
Như vậy, bằng việc đề cao lương tâm con người, lương tri dân tộc và thời đại, tư tưởng hòa hiếu khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh đã đánh thức và phát huy khả năng tự kiểm tra đạo đức, tự đánh giá hành động trên cơ sở nhận thức, tình cảm, tâm lý con người đối với bổn phận và nghĩa vụ của mình. Hơn thế, nó còn thúc giục con người tự giác phục vụ cộng đồng dân tộc và nhân loại tiến bộ vì sự phát triển.
Đặc điểm nổi bật của tư tưởng hòa hiếu khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh là đã biết đánh thức và biết phát huy lương tâm như là sự tổng hòa của nhận thức triết học và tư tưởng, của đạo đức và cảm xúc tình cảm trên cả hai cấp độ cá nhân con người và cộng đồng dân tộc. Nhờ thế, nó khích lệ sự vị tha, tinh thần tự khoan dung ở bản chất nhân bản. Nghĩa là nó hướng vào sự tự giác khoan dung không có tính vụ lợi, dù là nhỏ đến đâu và dưới khía cạnh nào chăng nữa.
Nhờ sự hòa hợp giữa lương tri cá nhân, lương tri dân tộc với lương tri thời đại mà tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh đã tiếp biến chủ nghĩa nhân văn cổ truyền vốn nặng sắc thái tình cảm để từng bước xây dựng chủ nghĩa nhân văn mới trên cơ sở mối quan hệ duy vật biện chứng về lương tri con người, dân tộc và thời đại. Nhân ái là cần thiết nhưng không thể bao trùm và không đủ sức mạnh cùng sự tỉnh táo cần thiết để khoan hòa, đoàn kết một thế giới còn có nhiều bất đồng, mâu thuẫn, xung đột. Cho nên chủ nghĩa nhân văn cần được kiến thiết trên cơ sở lương tri con người, dân tộc và thời đại. Hòa hiếu, khoan dung, mà hạt nhân là chủ nghĩa nhân văn, được lương tri thúc đẩy và dẫn dắt, tất nhiên là sự khoan dung nhân bản, không nhất thời và không vụ lợi.
Tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh đã tiếp biến tinh hoa truyền thống và tinh hoa Đông - Tây, kim cổ để tích hợp, phát triển không ngừng trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua. Cái gốc của tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh tất nhiên là truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước, mà hạt nhân của nó là truyền thống yêu người, yêu nước. Phương hướng tiếp biến, tích hợp và phát triển văn hóa khoan dung của nhân loại đã được Hồ Chí Minh tổng kết: Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jésus có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jésus, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họp họ lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy(3).
Trong tu dưỡng bản thân và thực tế hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã vận dụng nhiều hệ tư tưởng khác nhau theo phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác trong nhận thức và hành vi đạo đức. Không một lĩnh vực nào phương pháp tư duy và phương pháp làm việc của Hồ Chí Minh đi chệch lý luận và phương pháp luận duy vật biện chứng mác-xít. Có thể nói, chính là xuất phát từ lý luận và phương pháp luận đó mà Hồ Chí Minh tránh được sự giáo điều trong nhận thức và hành vi đạo đức. Hơn thế, Người đã tiếp biến được tinh hoa tư tưởng, đạo đức của Đông - Tây, kim cổ phù hợp với yêu cầu nhận thức và thực tiễn của dân tộc và thời đại. Các trào lưu tư tưởng và đạo đức khác nhau đó “sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết” là nhờ sự tiếp biến tinh hoa theo phương pháp biện chứng ở Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ sự tích hợp tư tưởng, đạo đức không dừng lại ở mức hỗn dung, cộng sinh mà đã trở thành một hệ thống phát triển. Nghĩa là toàn bộ tinh hoa tư tưởng, đạo đức nhân loại được hội tụ trong chủ thể sáng tạo Hồ Chí Minh và Việt Nam, đã trở thành một thực thể sống động, không ngừng phát triển trên cơ sở của chính nó.
Nhờ nhận thức được phương pháp luận đúng đắn; và coi lương tri với tư cách là hạt nhân thúc đẩy nuôi dưỡng tư tưởng hòa hiếu, khoan dung không nhất thời và không vụ lợi, nên tư tưởng hòa hiếu, khoan dung Việt Nam - Hồ Chí Minh hạn chế được những cái gọi là “đạo đức tình thế”, “khoan dung tình thế”, để hướng vào nền văn hóa hòa hiếu, khoan dung nhân bản bền vững, lâu dài. Chữ TÍN trong tư tưởng hòa hiếu, khoan dung nói riêng, trong danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh nói chung, được xây dựng và được thực hành trên cơ sở “phương pháp làm việc biện chứng” của chủ nghĩa Mác./.
-----------------------------------------------
(1) Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn: Bàn về khoan dung trong văn hóa, Nxb, CTQG, tái bản có sửa chữa, bổ sung, H. 2004, tr.205-208.
(2) Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn: Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb. CTQG, H. 1995, tr.14-15.
(3) Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện, Trương Niệm Thức dịch, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, 1949, tr.49, tiếng Trung.
Bão số 11 đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng gây mưa lớn  (15/10/2013)
Singapore - Thái Lan thảo luận tăng quan hệ kinh tế  (15/10/2013)
Hàn Quốc cân nhắc từ bỏ việc mở rộng điện hạt nhân  (15/10/2013)
Hải quan Lạng Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ  (15/10/2013)
Gìn giữ, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung  (14/10/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển