Mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã”- một số vấn đề đặt ra

Nguyễn Thế Tài Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
15:31, ngày 29-07-2013
TCCSĐT - Mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch” là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mô hình đã giúp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Sau 5 năm thực hiện thí điểm, việc sớm có đánh giá tổng kết một cách toàn diện để tiến tới nhân rộng mô hình này là đòi hỏi cấp bách đang đặt ra hiện nay.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về kết quả 5 năm thực hiện thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở các tỉnh, thành phố, mô hình này đã góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và ủy ban nhân dân cấp xã. 

Qua thí điểm cho thấy, khi bí thư kiêm nhiệm chủ tịch, các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và ủy ban nhân dân tập trung vào một người đã tạo ra sự thống nhất, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân. Bộ máy gọn nhẹ, biên chế được tinh giản cũng tiết kiệm được một phần ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, mô hình này cũng còn những hạn chế, bất cập. Để có cái nhìn toàn diện hơn về mô hình thí điểm này, xin đưa ra một số vấn đề về những ưu điểm, nhược điểm, những nguyên nhân và một số kiến nghị về nhất thể hóa “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở các địa phương đang thực hiện thí điểm nói riêng và ở nước ta nói chung.

Những ưu điểm của “nhất thể hóa”

Hệ thống chính trị ở nước ta được thiết lập và vận hành theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, mỗi thiết chế trong hệ thống đều có vị trí, vai trò, trách nhiệm khác nhau, quan hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, xã hội và cả hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo các cơ quan nhà nước thông qua các chủ trương, đường lối, công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Do đó, khi nhất thể hóa vai trò bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân, sẽ mang lại những lợi ích, như:

- Giảm các cuộc họp giữa cấp ủy và thường trực ủy ban. Bởi lẽ, để lãnh đạo, chỉ đạo thì phải tổ chức các cuộc họp để quán triệt, chỉ đạo của cấp ủy với ủy ban. Ở nhiều địa phương hiện nay, thời gian tổ chức các cuộc họp quán triệt như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước.

- Xác định rõ ràng trách nhiệm của các thiết chế trong hệ thống chính trị. Trong nhà nước pháp quyền, tất cả các thiết chế tham gia việc thực hiện quyền lực của nhân dân phải được điều chỉnh bởi pháp luật và theo pháp luật. Với cơ chế hiện nay, Đảng lãnh đạo nhưng trong các văn bản pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định trách nhiệm pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng mà mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm chính trị. Vì vậy, khi cần truy cứu trách nhiệm thì xảy ra tình trạng đùn đẩy hoặc nhận khuyết điểm chung chung. Như vậy, khi chưa luật hóa về sự lãnh đạo của Đảng thì thông qua nhất thể hóa để ràng buộc và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và ủy ban là lựa chọn thích hợp.

- Thực hiện nhất thể hóa sẽ giúp tinh gọn bộ máy, phù hợp với xu thế, yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. 

Kết quả thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch” mới chỉ triển khai ở cấp xã (tỷ lệ 5.7% tổng số xã, phường, trị trấn) và 16 quận, huyện, nhưng báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm cũng đã chỉ ra các ưu điểm nói trên. Vì vậy, có thể nói những ưu điểm này rất đáng để suy ngẫm, nghiên cứu để tiếp tục có cách nhìn tích cực hơn đối với mô hình thí điểm.

Những hạn chế và nguyên nhân

Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm nhất thể hóa là do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp xã hiện nay được quy định khá rộng, chưa phù hợp với thực tế và khả năng tổ chức thực hiện, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Vì vậy, dễ dẫn đến tình trạng: Độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong trong lãnh đạo, điều hành công việc. Ngay khi bắt đầu triển khai thí điểm năm 2009, nhiều ý kiến đã cho rằng, khi đã có đầy đủ quyền lực nhà nước và quyền lực của Đảng trong tay, người đứng đầu cấp xã có “nguy cơ” trở thành “ông vua” vì được trao quyền lực quá lớn và rất khó kiểm soát. Gia tăng áp lực công việc lên người đứng đầu ủy ban nhân dân vì đồng thời phải vừa giải quyết công việc của cả cấp ủy và ủy ban nên đã hạn chế hiệu quả giải quyết công việc của ủy ban nhân dân. Cán bộ đảm nhận hai chức danh này ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai chủ tịch” ủy ban nhân dân với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định… Chưa thực hiện được việc giám sát và kiểm soát quyền lực khi thực hiện thí điểm. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn thấp chưa động viên, khuyến khích được cán bộ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do mới triển khai thí điểm nên chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chưa có cơ chế để giám sát và kiểm soát quyền lực, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên. Trong khi đó, một số cấp ủy chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương thí điểm, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc còn hạn chế cả về năng lực và trách nhiệm, chưa chuyển biến đồng bộ với mô hình “nhất thể hóa” cán bộ chủ chốt. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện mô hình thí điểm nhưng không thí điểm “chính sách đãi ngộ”. Đây là nguyên nhân rất quan trọng làm cho nhiều yếu tố tiêu cực của thí điểm nảy sinh. Bởi lẽ sau thí điểm, công việc tăng gấp đôi, trách nhiệm cá nhân tăng so với trước đây nhưng lợi ích, chế độ đãi ngộ không tăng, thậm chí còn suy giảm nên bản thân người được chọn làm thí điểm cũng không “mặn mà” với mô hình mới này.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới ở nhiều địa phương không bảo đảm, đội ngũ cán bộ tham mưu năng lực hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành công việc sau khi thí điểm, thậm chí ở một số nơi không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, thí điểm “nhất thể hóa” mới chỉ dừng lại ở yếu tố con người, yếu tố cán bộ trong khi hệ thống các chính sách, thể chế, văn bản hiện hành chưa “nhất thể hóa” nên giữa tổ chức và hoạt động chưa đồng bộ, khó kiểm soát. Mặt khác, việc tổ chức thí điểm chủ yếu ở cấp hành chính cơ sở nên thiếu tính hệ thống, đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Thứ tư, triển khai mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã” tại thời điểm có khá nhiều chương trình, đề án thí điểm, trong đó đặc biệt quan trọng là thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện và phường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính trong bối cảnh bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân.

Một số kiến nghị

Để tiếp tục triển khai thí điểm và tổng kết đánh giá mô hình này một cách toàn diện, đầy đủ, cần giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Một là, khẩn trương rà soát, nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi các thể chế cần thiết, tạo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện “nhất thể hóa” nhằm tạo sự đồng bộ trong tổ chức bộ máy.

Hai là, có cơ chế đặc thù để tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, kỹ năng để đảm đương nhiệm vụ “bí thư kiêm chủ tịch”. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ tham mưu theo hướng chuyên môn hóa cao. 

Ba là, xem xét, tổ chức thí điểm ở các cấp hành chính khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở cấp xã và một số ít đơn vị hành chính cấp huyện(1), từ đó có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện “nhất thể hóa” trong toàn bộ bộ máy nhà nước.

Bốn là, có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực khuyến khích cán bộ làm việc tương xứng với công sức mà họ đã phục vụ./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)

2. Giáo trình Quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính, Học viện Hành chính

3. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên 

4. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở nước ta của Ban Tổ chức Trung ương

----------------------------------------------

(1) Có 16 quận, huyện (4 quận, 12 huyện) thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; có 638 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND (417 xã, 167 phường, 54 thị trấn), chiếm 5,7% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước