Tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013
Hoạt động kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm 2013 diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu, nhất là khu vực đồng ơ-rô. Một số nước đã phải điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng của năm. Thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Ở trong nước, mặc dù một số cân đối vĩ mô có cải thiện vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hàng tồn kho còn cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012 và đầu năm 2013 nhiều. Tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết... Trước tình hình đó, ngày 07-01-2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội cả năm. Nhờ đó, bức tranh tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm của cả nước về cơ bản đã có một số chuyển biến tích cực, song khó khăn, bất cập còn nhiều.
Tổng quan 6 tháng đầu năm
Tuy tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2013 thấp so cùng kỳ 2 năm trước, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đều có tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2012 nên những kết quả đó là đáng ghi nhận. Đây cũng là mức hợp lý vì Nhà nước còn phải ưu tiên tập trung cho những mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các chương trình bảo đảm an sinh xã hội. Trên thực tế, nền kinh tế đã có những chuyển biến nhất định, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có cải thiện, nhất là công nghiệp và dịch vụ. |
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-6-2013 ước tính đạt 324,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm, trong đó, thu nội địa là 217,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%; thu từ dầu thô 50,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 54,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-6-2013 ước tính đạt 409,1 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 74,3 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 72 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 287,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6%; chi trả nợ và viện trợ 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5%.
Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3,8% - 4% so với cuối năm 2012 và gấp hai lần mức tăng cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn bước đầu phát huy tác dụng. Huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng tăng khá, tính đến ngày 20-5-2013 mức huy động tăng 5,8% so với thời điểm cuối năm 2012.
Các ngành sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm:
Sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến khi hàng tồn kho giảm dần. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng dần qua từng tháng, trong quý II-2013 tăng 6%, đạt mức khá cao so với mức tăng 4,5% trong quý I. Thể hiện rõ nét nhất ở nhóm ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, tăng từ mức 4,6% ở quý I lên 6,9% trong quý II. Trong các ngành công nghiệp, sản xuất của một số ngành đạt chỉ số sản xuất tăng cao trong 6 tháng qua là: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,6%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 14,7%; đồ uống tăng 9,6%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,3%. Một số ngành có mức sản xuất tăng khá là: trang phục, sản xuất và phân phối điện, sản phẩm từ khoáng phi kim loại. Nhưng, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: dệt, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ cao-su và plastic, khai thác dầu thô và khí tự nhiên, thuốc, hóa dược và dược liệu...
Đáng chú ý, một số ngành đã có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: dệt tăng 5,4%; sản xuất da tăng 4,5%; chế biến thực phẩm tăng 3,1%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,3%; xe có động cơ giảm 5,1%; sản phẩm thuốc lá giảm 41,1%.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua có nhiều khó khăn nên tốc độ tăng trưởng chậm. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 349.218,59 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 2010), tăng 2,39% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 254.868,19 tỷ đồng, tăng 2,2%, lâm nghiệp đạt 11.032,2 tỷ đồng, tăng 5,68 % và thủy sản đạt 83.318,2 tỷ đồng, tăng 2,53%. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cả 3 lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều có tốc độ tăng tương đối ổn định, không có lĩnh vực nào bị giảm sút.
Sản xuất vụ đông xuân đạt kết quả khá. Sản lượng các cây trồng chính tăng nhẹ so với vụ đông xuân năm 2012: Sản lượng lúa đạt hơn 20,26 triệu tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ngô đạt 2.513,4 nghìn tấn, tăng 4,6%. Các cây trồng khác cũng đều tăng khá.
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới đạt 66.100 ha, tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước.
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ngành đạt 83.318 tỷ đồng, tăng 2,5%. Sản lượng thủy sản đạt 2.737 nghìn tấn, tăng 1,5%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.425 nghìn tấn, giảm nhẹ so cùng kỳ. Nét mới về nuôi trồng thủy sản 6 tháng qua là mô hình nuôi thủy sản trên biển phát triển khá hơn so với vùng nuôi nội địa, đạt 150 nghìn tấn thủy sản các loại, tăng 2,6% so cùng kỳ, với đối tượng nuôi đa dạng, như: cá bớp, cá song, cá mú, cá hồng, cá chim, ốc hương, tu hài, ngọc trai, rong sụn...
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.312 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác ở biển đạt 1.226 nghìn tấn, tăng 3,8%.
Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua vẫn còn một số hạn chế. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt thấp hơn cùng kỳ 3 năm gần đây. Sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản chưa đạt mục tiêu ổn định và hiệu quả. Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về giống, thức ăn, dịch bệnh, thị trường, giá cả nên các đàn gia súc, gia cầm đều giảm. Đàn trâu, bò của cả nước giảm do diện tích chăn thả bị thu hẹp, hiệu quả chăn nuôi thấp. Tính đến ngày 15-6-2013, cả nước có 2,6 triệu con trâu, giảm 2,54%; 5,1 triệu con bò, giảm 3,16%; đàn lợn có khoảng 26,5 triệu con, giảm 0,52%; đàn gia cầm có 304,5 triệu con, giảm 2,01%.
Thương mại, dịch vụ, thị trường, giá cả. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.275.414 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,8%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kinh doanh thương nghiệp chiếm 77%, tăng 11,3%; khách sạn nhà hàng chiếm 12%, tăng 14,5%; dịch vụ 10,2%, tăng 15,4% và du lịch tăng 5%.
Xuất, nhập khẩu vẫn tăng trưởng khá. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 126,763 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu đạt 62,053 tỷ USD, tăng 16,1%, trong đó khu vực FDI đạt 41,14 tỷ USD, tăng 24,7%, khu vực kinh tế trong nước đạt 20,913 tỷ USD, tăng 2,2%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 63,456 tỷ USD, tăng 17,4%, trong đó khu vực FDI đạt 35,726 tỷ USD, tăng 27,8%, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,730 tỷ USD, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2012. Như vậy, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 1,403 tỷ USD, bằng 2,26% kim ngạch xuất khẩu 6 tháng. Nhập siêu tăng trong mấy tháng trở lại đây là dấu hiệu tốt đối với nền kinh tế bởi các doanh nghiệp bắt đầu nhập nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Đánh giá tổng thể, hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta trong nửa đầu năm 2013 đã đạt quy mô cao hơn, nhập siêu được kiểm soát. Trong 2 khu vực kinh tế, thì khu vực FDI vẫn có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao hơn khu vực kinh tế trong nước.
Về các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đạt kim ngạch cao trong 6 tháng gồm có: điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, điện tử, phụ tùng và linh kiện giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác… Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm so cùng kỳ gồm: gạo, cà phê, cao-su, sắn và sản phẩm sắn.
Về mặt hàng nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2013, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2012 là: điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, sắt thép, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép, thức ăn gia súc, chất dẻo... Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: xăng dầu, hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, cao-su.
Du lịch tăng chậm: Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.540,4 nghìn lượt người, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2.169,4 nghìn lượt người, tăng 4,9%; đến vì công việc 592,5 nghìn lượt người, tăng 1,8%; thăm thân nhân đạt 590 nghìn lượt người, giảm 1%.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 825,7 nghìn lượt người, tăng 21%; Hàn Quốc 385,9 nghìn lượt người, tăng 4,3%; Nhật Bản 294,5 nghìn lượt người, tăng 1,9%; Ô-xtrây-li-a 160,5 nghìn lượt người, tăng 7,3%; Ma-lai-xi-a 163,3 nghìn lượt người, tăng 12,2%; Thái Lan 129,4 nghìn lượt người, tăng 24,3%; Nga 153,9 nghìn lượt người, tăng 60,4%. Một số nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta giảm so với cùng kỳ năm trước là Hoa Kỳ 232,6 nghìn lượt người, giảm 5%; Đài Loan 182,1 nghìn lượt người, giảm 18,1%; Cam-pu-chia 155,9 nghìn lượt người, giảm 5,2%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm đạt 88.504 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó vốn Trung ương quản lý đạt 4.187 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc. Tính chung trong 6 tháng, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó có 554 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% và 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn thêm vốn đầu tư là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, với 259 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,308 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 419,67 triệu USD, chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 79 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 178,27 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,992 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Xin-ga-po đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,41 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư; Liên bang Nga đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,015 tỷ USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,815 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 20,6% vốn đăng ký. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,322 tỷ USD.
Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký mới đã bắt đầu tăng trong 6 tháng đầu năm 2013, ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã bắt đầu quay trở lại sản xuất (khoảng 9.300 doanh nghiệp).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2013 tăng 2,4% so với tháng 12-2012 và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 6-2013 giảm 4,11% so với tháng 5, giảm 15,1% so với tháng 12-2012, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 6-2013 tăng 0,06% so với tháng 5, tăng 0,84% so với tháng 12-2012, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2012.
Dự báo kinh tế cả năm 2013
Sáu tháng cuối năm 2013, tình hình kinh tế nước ta dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm, nhưng tốc độ tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ cao hơn. Trừ khu vực nông, lâm, thủy sản còn nhiều khó khăn nhất là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản và dự báo sẽ tăng trưởng chậm, chỉ đạt mức bằng tốc độ tăng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm. Còn lại 2 khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có triển vọng tăng trưởng nhanh hơn 6 tháng đầu năm. Các dấu hiệu đó đã được thể hiện ngay trong quý II-2013 nhất là ở ngành công nghiệp và xây dựng.
Do đó có cơ sở để dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,2% (Dự báo của Ngân hàng HSBC là 5,1%, kế hoạch Quốc Hội phê chuẩn là 5,5%), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,06%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,21% và khu vực dịch vụ tăng 6,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với đầu năm chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, sức mua được cải thiện, lượng tiền lưu thông trên thị trường tăng do tăng lương cơ sở từ ngày 01-7, một số hàng hóa dịch vụ thuộc diện Chính phủ quản lý (điện, viện phí…) cùng với các giải pháp giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản… sẽ làm tăng tổng cầu. Tuy nhiên, khả năng tăng giá điện, nước, xăng dầu trong 6 tháng cuối năm đang trở thành hiện thực nên sẽ tác động đến chỉ số giá cả năm. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 7,2%, cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế (7%), nhưng thấp hơn so với mục tiêu khoảng 8% do Quốc hội đề ra từ đầu năm 2013.
Dự báo sẽ có một số ngành và lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng khá hơn 6 tháng đầu năm. Cụ thể công nghiệp sẽ đạt mức tăng chỉ số IIP cả năm là 6,1% so với 5,2% của 6 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu dự báo tăng 17,5% so với 16,1% trong 6 tháng đầu năm, trong đó khu vực FDI chiếm 65% và tăng trên 29%.
Như vậy, năm 2013 có thể không đạt mục tiêu tăng GDP mà Quốc hội đề ra là 5,5% nhưng hy vọng đây là năm đáy của kinh tế Việt Nam, để bước sang năm 2014 nền kinh tế sẽ phục hồi. Song, để đạt được mức tăng trưởng 5,2% như dự báo cũng không phải dễ vì khó khăn, bất cập còn nhiều, thiên tai, nhất là mùa mưa bão, lũ mới bắt đầu và diễn biến phức tạp sẽ tác động tiêu cực đối với sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp, xây dựng.
Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 nên có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, để đạt được mức cao về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của cả năm, ngay từ những tháng đầu quý II-2013, dưới dự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp, nhất là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và khu vực kinh tế đều phải rất nỗ lực phấn đấu bằng mọi nguồn lực hiện có, với các biện pháp cụ thể, khả thi mới có thể đạt được các mục tiêu của ngành, địa phương và doanh nghiệp đề ra. Đó là tiền đề vật chất và động lực tinh thần để đưa nền kinh tế nước ta sớm thoát khỏi đáy tăng trưởng của năm 2013 và khôi phục đà tăng trưởng cao trong năm 2014 cũng như trong các năm tiếp theo./.
Khủng hoảng nợ công châu Âu và bài học cho Việt Nam  (19/07/2013)
Ô-xtrây-li-a: người dân cảm thấy hạnh phúc nhất  (19/07/2013)
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - góp phần phát triển nông thôn bền vững ở An Giang  (19/07/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định bổ nhiệm chức danh tư pháp  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Lào  (18/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên