Thi hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam: Bước tiến dài trong thúc đẩy bình đẳng, bảo vệ quyền con người
Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (LPCBLGĐ). Ngày 1-7-2008, LPCBLGĐ chính thức có hiệu lực thi hành. Có thể nói, việc Quốc hội khóa XII thông qua LPCBLGĐ là bước tiến dài của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng, bảo vệ quyền con người. BLGĐ, ngoài việc đe dọa trực tiếp đến sự bền vững của gia đình còn là tác nhân chính dẫn đến sự sa sút về kinh tế, nghèo nàn về đời sống tinh thần trong mỗi gia đình có bạo lực và gây thiệt hại chung không nhỏ cho nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Kết quả đáng trân trọng
Tại Australia, các nhà khoa học nước này đã tính toán, mỗi năm BLGĐ gây thiệt hại khoảng 13,6 tỷ USD. Mức thiệt hại vô cùng lớn đã khiến Chính phủ Australia phải nhanh chóng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự thiệt hại này. Việc ngăn chặn sự gia tăng và tiến tới làm giảm số vụ BLGĐ không chỉ giúp mỗi gia đình có cuộc sống no ấm, hạnh phúc bền vững mà còn góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của quốc gia, thúc đẩy phát triển xã hội. Tại Việt Nam, LPCBLGĐ có hiệu lực thi hành được gần 5 năm, thời gian chưa lâu, nhưng có thể nói luật đã phát huy hiệu quả tích cực trong nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ các cấp về BLGĐ. Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ của Tổng cục Thống kê được thực hiện cuối năm 2009 và công bố năm 2010 cho biết, có 63% số người được hỏi biết đến LPCBLGĐ. Mặc dù, từ nhận thức đúng đến thay đổi hành vi là cả 1 quá trình dài không phải 1 sớm 1 chiều. Song với tỷ lệ trên 50% dân số biết về LPCBLGĐ thì cũng đã là dấu hiệu đáng mừng, là thành quả đóng góp của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền vấn đề này.
Thống kê trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, số tin bài đề cập đến vấn đề BLGĐ ngày càng nhiều, trong đó có những vụ mà nạn nhân phải chịu cảnh bạo lực hàng chục năm, nay đã được đưa ra ánh sáng. Điều này cho thấy, các cơ quan truyền thông đã thực sự vào cuộc thông tin về BLGĐ. Song điều quan trọng hơn là chính các cá nhân, cộng đồng, thậm chí là chính nạn nhân BLGĐ đã dám lên tiếng tố giác hành động BLGĐ. Số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, từ năm 2007 đến 2011, tòa đã thụ lý và giải quyết 327.563 vụ việc hôn nhân và gia đình sơ thẩm có liên quan đến BLGĐ, trong đó cho ly hôn 48.916 vụ. Số vụ thụ lý và giải quyết năm sau cao hơn năm trước và tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Mặc dù số vụ án hôn nhân và gia đình có nguyên nhân từ BLGĐ lên đến hàng chục nghìn vụ mỗi năm và không ngừng gia tăng, song có lẽ đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Theo kết quả điều tra quốc gia về BLGĐ với phụ nữ được Tổng cục Thống kê công bố năm 2010, có 27% số phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi từ 18 - 60 tuổi đã lập gia đình thừa nhận họ phải chịu ít nhất 1 hình thức BLGĐ. Với 27% số phụ nữ bị BLGĐ ta có thể ước lượng, mỗi năm có hàng triệu phụ nữ trong hàng triệu gia đình có bạo lực. Điều này cho thấy, hàng triệu gia đình đang có những bất ổn tiềm tàng nếu không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình là không tránh khỏi. Điều này cũng lý giải vì sao số vụ án liên quan đến BLGĐ, cũng như số vụ ly hôn do BLGĐ liên tục tăng theo các năm.
Sau gần 5 năm triển khai, thi hành LPCBLGĐ, Việt Nam đã đạt được những kết quả ban đầu đáng trân trọng. Đặc biệt, luật đã làm thay đổi nhận thức của đại bộ phận nhân dân. Từ quan niệm BLGĐ là chuyện riêng của mỗi gia đình; nay vấn đề BLGĐ là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Khó khăn và giải pháp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ vẫn còn không ít khó khăn: Thứ nhất, việc triển khai, thi hành luật mới đạt được chiều rộng ở góc độ phổ biến thông tin, kiến thức, còn việc hành động chấp hành theo quy định của luật vẫn còn hạn chế. Tình trạng BLGĐ có diễn biến hết sức phức tạp, đối tượng gây BLGĐ ngày càng tinh vi. Việc can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ còn nhiều bất cập và thụ động khiến không ít nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Thứ hai, việc đầu tư cho công tác PCBLGĐ còn hạn chế, phần lớn các địa phương gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho công tác PCBLGĐ. Thứ ba, việc xử lý các đối tượng gây BLGĐ của chính quyền cơ sở ở một số địa phương còn mang yếu tố duy tình, dẫn đến những đối tượng gây BLGĐ coi nhẹ pháp luật và không chấm dứt hành vi BLGĐ. Thứ tư, công tác thu thập thông tin về BLGĐ hiện nay còn nhiều bất cập, số liệu thống kê có độ tin cậy thấp, vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa kết quả nghiên cứu với báo cáo của các địa phương. Thứ năm, kinh phí đầu tư cho công tác PCBLGĐ còn khiêm tốn và sự thiếu cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở là trở ngại lớn cho công tác PCBLGĐ nói riêng, công tác gia đình nói chung.
Từ thực tế tình hình thực hiện pháp luật về PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra các giải pháp sau: Một là, nên rà soát và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về PCBLGĐ nhằm hướng đến sự đồng bộ các chính sách để giải quyết vấn đề BLGĐ từ những nguyên nhân sâu xa. Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về công tác PCBLGĐ thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành. Cơ chế này cần có sự tham gia của các bên có liên quan từ quá trình xây dựng, ban hành và thực thi, trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về PCBLGĐ là cơ quan điều phối trong cơ chế này. Ba là, đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn nữa loại hình truyền thông về công tác gia đình và PCBLGĐ. Bốn là, tiếp tục triển khai nhân rộng và duy trì mô hình PCBLGĐ ở các thôn/ấp/tổ dân phố. Năm là, tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác PCBLGĐ các cấp, tiến tới chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn hóa chức danh công chức. Sáu là, cần thiết nên xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cán bộ cơ sở biện pháp phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật PCBLGĐ./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Cơ động  (08/02/2013)
Những người lính đón Tết giữa trùng khơi  (08/02/2013)
“Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp”  (07/02/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên