Kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao mấy năm gần đây là một thành tựu đáng ghi nhận của nền kinh tế Việt Nam. Liệu đà phát triển đó có tiếp tục phát huy và có tính bền vững trong những năm tới hay không ? Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có ý nghĩa quyết định đối với câu trả lời. Nhưng, bức tranh về cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.

Tình hình xuất khẩu chung

Có thể nói trong những năm vừa qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trung bình giai đoạn 2001 - 2005 đạt 17,5%, riêng năm 2006 xuất khẩu đạt 39,6 tỉ USD, chiếm hơn 50% trong tổng GDP, năm 2007 ước đạt 48 tỉ USD, tương đương 67,4% GDP góp phần to lớn vào tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

Cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu có những chuyển biến tích cực: tỷ trọng hàng chế biến sâu và nhóm hàng công nghiệp tăng, tỷ trọng sản phẩm thô giảm và Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (như dầu thô, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, hàng linh kiện điện tử, cà phê, gạo, cao su, dây điện và cáp điện). Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt được thứ hạng cao so với các mặt hàng của những nước khác, có ảnh hưởng đến thị trường thế giới như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều và chè.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, chính sách đa dạng hóa thị trường đã đem lại kết quả là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có mặt hầu hết ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, những thị trường mới, trọng điểm có nhiều cơ hội và việc giảm bớt xuất khẩu qua trung gian đã làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam bớt lệ thuộc vào một thị trường nhất định, giảm thiểu rủi ro khi có biến động thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Đạt được những thành tích nói trên là nhờ quá trình tích cực đổi mới chính sách ngoại thương, như: chính sách mở rộng thị trường xuất khẩu, đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, cải cách cơ chế quản lý và điều hành xuất khẩu, mở rộng quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chính sách nhiều thành phần kinh tế, tháo rỡ các hạn ngạch xuất khẩu, cải cách ngoại hối, hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế...

Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé so với khu vực và thế giới. Xuất khẩu mặc dù tăng nhanh nhưng chưa vững chắc, kim ngạch xuất khẩu dễ bị tác động khi có những biến động trên thị trường thế giới hay khi gặp những rào cản thương mại. Khả năng cạnh tranh của chúng ta còn yếu kém cả trên 3 cấp độ: nền kinh tế, doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau như năng lực, trình độ kinh tế của nước ta còn thấp, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phần lớn có quy mô nhỏ bé, còn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực có kinh nghiệm quản lý, làm ăn trên thương trường, các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ chậm được triển khai, không đồng bộ, ít hiệu quả. Trong khi đó về phía các nhà quản lý chuyên trách lĩnh vực xuất khẩu, cũng như các hiệp hội ngành hàng thực sự chưa làm được nhiều để giúp các doanh nghiệp đạt được kết quả tốt hơn. Chẳng hạn, việc cung cấp những thông tin thị trường có ý nghĩa thiết thực còn hạn chế; hoạt động của mạng lưới đại diện thương mại tại các nước chưa đem lại hiệu quả đáng chú ý; các chương trình xúc tiến thương mại còn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, nhìn chung chưa có những chuyển biến căn bản, vẫn mang nhiều tính chất dàn trải, thiếu tính chuyên nghiệp, vì vậy kết quả đạt được thấp...

Những vấn đề bất cập trong cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam

Bối cảnh chung như trên của nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định tới cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đó là, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta còn chưa hợp lý, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu, ít có mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn. Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào những mặt hàng nguyên liệu thô, giá trị thấp như khoáng sản (dầu thô, than đá), nông, lâm, thủy sản, trong khi các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, linh kiện máy tính... mang nặng tính chất gia công, hiệu quả kinh tế thấp. Nhìn chung, quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta diễn ra rất chậm, sự chuyển dịch thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, xuất khẩu dựa nhiều vào khai thác những lợi thế so sánh sẵn có, chứ chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh, hay cao hơn nữa là dựa trên lợi thế của kinh tế tri thức. Đi sâu vào từng ngành có thể thấy những hạn chế, bất cập đặc thù cụ thể như sau:

Trong công nghiệp, những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp và tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng liên tục. Ngành công nghiệp bước đầu đã khai thác được những lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, tăng dần tỷ trọng của công nghiệp chế biến, cung cấp nhiều chủng loại sản phẩm phong phú với chất lượng ngày một tốt hơn cho thị trường trong nước và xuất khẩu như sản phẩm dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, hóa chất, thiết bị kỹ thuật điện, thực phẩm chế biến. Hiện nay, nước ta đã có một số mặt hàng công nghiệp đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như dầu thô, dệt may, giày dép, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, dây điện và cáp điện. Các ngành sản xuất đã nỗ lực giảm bớt phần gia công cho nước ngoài, đặc biệt ngành dệt may rất cố gắng để chuyển dần từ sản xuất theo kiểu gia công xuất khẩu (có tỷ lệ lãi thấp 3% - 6%) sang sản xuất theo phương thức mua đứt bán đoạn (có tỷ lệ lãi cao hơn 5% - 8%). Song trong cơ cấu xuất khẩu tỷ lệ hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, chứa đựng nhiều hàm lượng tri thức vẫn nhỏ, tỷ lệ hàng chế biến mới chiếm tỷ lệ 30/70 vì năng lực, trình độ của ngành công nghiệp chế tạo của nước ta còn thấp. Việc sản xuất nhiều sản phẩm đang bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài từ nguyên liệu đến thiết kế và tiêu thụ sản phẩm, nên hàng gia công đang chiếm tỷ trọng cao, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế thu được thấp. Ví dụ, các doanh nghiệp trong ngành dệt may còn phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu nước ngoài, còn các doanh nghiệp sản xuất giày dép không những chưa có đủ trình độ để sáng tác những mẫu mốt mới, đa dạng, đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà cũng rất phụ thuộc vào các đơn đặt hàng xuất khẩu của đối tác. Thêm nữa, do các ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất hàng xuất khẩu chưa được phát triển vì thiếu đầu tư, gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện; tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm chưa cao; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và khả năng đổi mới sản xuất, kinh doanh chậm nên sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp của chúng ta nếu đánh giá đúng mức thì còn kém so với ngay các nước trong khu vực. Đây chính là những hạn chế tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu một cách có hiệu quả.

Trong nông nghiệp, cùng với sự phát triển kinh tế chung của đất nước, nông nghiệp đã có bước chuyển biến mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế nông nghiệp đã bước đầu phát huy những lợi thế về đất đai, lao động, điều kiện sinh thái để sản xuất ngày càng nhiều hàng nông sản có giá trị cho xuất khẩu. Xu hướng chuyển sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hóa có tỷ suất hàng hóa ngày càng cao đang trở nên phổ biến ở nông thôn. Việt Nam đã có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới. Tỷ trọng hàng nông sản trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng giảm, thể hiện hướng chuyển dịch cơ cấu tích cực nhờ có sự tăng trưởng cao của các ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, những bất cập thể hiện ở chỗ tỷ trọng của hàng nông sản trong cơ cấu xuất khẩu giảm cũng đang chứa đựng khả năng hạn chế gia tăng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Nguyên nhân của tình hình đó là do ngành nông nghiệp còn rất nhiều hạn chế bởi phần lớn nông sản xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp, nhiều lô hàng không đạt được chất lượng cao do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thị trường xuất khẩu lại thiếu ổn định, các nhà sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình, hoặc nếu đã có lại không giữ gìn được uy tín lâu dài, mở rộng uy tín đã đạt được. Công tác dự báo, thông tin thị trường, giá cả yếu kém. Vì thế, đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã không thể đương đầu được, cộng thêm diễn biến giá cả loại mặt hàng này thường rất thay đổi, khó đạt được giá cao so với hàng công nghiệp nên tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề đặt ra là, trong khi tỷ trọng hàng công nghiệp tăng nhưng hiện chúng ta vẫn còn phải nhập nhiều nguyên liệu để sản xuất hoặc sản xuất theo kiểu gia công, hiệu quả kinh tế thực chưa cao, thì khả năng hạn chế gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản (ngành cũng đem ngoại tệ về cho đất nước mà chúng ta không phải mất chi phí nào cho bên ngoài, đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân) lại là vấn đề đáng suy nghĩ. Do đó tìm định hướng chung cho chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao là điều cần suy nghĩ.

Một số gợi ý về giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay

Tăng kim ngạch xuất khẩu để giảm nhập siêu, góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng cao và việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu là mục tiêu mà hoạt động xuất khẩu đang hướng tới. Muốn thế nhất thiết cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cần phải được thay đổi theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ. Nhận thức rất sâu sắc điều này, chúng ta đã có Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020", nhằm định hướng lâu dài phát triển ngành công nghiệp bao gồm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Theo đó, cơ cấu ngành công nghiệp sẽ chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt 87% - 88% vào năm 2020. Tỷ lệ hàng công nghiệp chế tạo trong xuất khẩu đạt 70% - 75%. Tỷ trọng nhóm sử dụng công nghệ cao đạt 40% - 45%. Giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp đạt 85% - 90% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Trong nông nghiệp, quan điểm chủ đạo là tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, có chất lượng cao, các mặt hàng có giá trị tăng cao; nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới, lạ, dựa trên áp dụng khoa học - kỹ thuật; tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời không ngừng phát triển xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu nêu trên cần có những biện pháp cụ thể, đồng bộ. Đó là:

1 - Cần tìm tòi và phát hiện những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Đó cũng phải là sản phẩm mà thế giới tiếp tục có nhu cầu nhiều. Và, khi xét về lợi thế so sánh, điều quan trọng là ngoài lợi thế "tĩnh" hiện có, phải chú ý tới những lợi thế "động" - là lợi thế có tiềm năng và sẽ xuất hiện khi có các điều kiện nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Những sản phẩm đạt được các yêu cầu trên có thể là đồ điện gia dụng, các loại máy móc, bộ phận linh kiện điện tử hay sản phẩm của các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, điện thoại di động, xe ô-tô, máy công cụ, linh kiện điện tử cao cấp...

2 - Khi đã xác định phát triển các ngành sản xuất những sản phẩm trên thì cần tạo mọi điều kiện để thực hiện. Đó là, tạo mọi thuận lợi để có môi trường thật hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, vì đây là con đường ngắn nhất có thể tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của chúng ta. Tiếp theo, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các loại xí nghiệp trong nước như các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân theo hình thức hàng dọc hoặc ngang, trong đó, liên kết hàng dọc là cung cấp các bộ phận, linh kiện cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và liên kết hàng ngang là hợp tác với các công ty đa quốc gia trên nhiều lĩnh vực để sản xuất và xuất khẩu. Có thể lúc đầu dưới thương hiệu của công ty nước ngoài, theo mạng lưới của họ, dần dần tiến tới tự mình thiết kế sản phẩm và tiến đến giai đoạn tự xây dựng thương hiệu, làm chủ hoàn toàn sản phẩm của mình.

3 - Việc xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu và ngành công nghiệp phụ trợ là điều không thể thiếu được. Điều này chỉ có làm tốt bằng cách rà soát lại những chỗ còn khó khăn, vướng mắc, kiên quyết giải quyết cho được một cách nhanh chóng. Ngoài ra, không nên cho tự do nhập các sản phẩm nguyên chiếc trong khuôn khổ AFTA và cần thay đổi chính sách thuế nhập khẩu những sản phẩm trung gian như linh kiện, bộ phận. Bởi lẽ, chính sách thuế cao đánh vào sản phẩm trung gian nhằm mục đích tăng tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta chỉ làm tăng giá thành sản phẩm lắp ráp, trong khi các công ty lắp ráp hiện còn phải nhập rất nhiều của nước ngoài để sản xuất.

4 - Cùng với các biện pháp trên, trong nông nghiệp, phải chú ý áp dụng khoa học tiến bộ, tập trung vào khâu giống, phương pháp nuôi, trồng, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ trong khâu chế biến, thu hoạch sản phẩm. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến để xuất khẩu có giá trị gia tăng cao và giảm bớt những thiệt hại cho nông dân.

5 - Ngoài ra, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài... Đối với các ngành liên quan nhiều đến thị hiếu, tính sáng tạo, cần tập trung cải thiện khả năng thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm cho đẹp và phù hợp với nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Vấn đề này cần học tập kinh nghiệm của các nước.

6 - Cuối cùng, tất cả những việc làm trên chỉ có thể thực hiện tốt khi có cơ chế, chính sách thuận lợi và có nguồn nhân lực giỏi. Vì vậy, cần nhanh chóng đổi mới đồng bộ các chính sách tài chính, tín dụng, đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn lao động có chất lượng cao, nhất là phải có đội ngũ kỹ sư, cơ khí, chế tạo giỏi cho các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu.