Trước đòi hỏi cấp thiết của công tác xây dựng Đảng thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhận thức từ công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng sau 20 năm đổi mới, kinh nghiệm đúc rút, tổng kết sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 29-02-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng và thực hiện Nghị quyết Đại hội X; Hội nghị Trung ương 5 đã ra Nghị quyết Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây là một trong những nghị quyết quan trọng chỉ đạo công tác xây dựng Đảng hiện nay trong đó nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, yêu cầu mỗi đảng viên, cấp ủy các cấp phải thấu triệt và góp phần thực hiện có hiệu quả.

Quan điểm thứ nhất: Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Công tác lãnh đạo bao gồm nhiều nội dung, trong đó có vấn đề xây dựng bản thân đảng chính trị. Ở tất cả các công đoạn của quá trình lãnh đạo, Đảng đều phải kiểm tra, giám sát. Đó là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thắng lợi cho công tác lãnh đạo. Mỗi đảng viên và cấp ủy phải thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát thuộc về chức năng lãnh đạo của Đảng, là thành tố quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Vấn đề có tính nguyên lý này đã được Hồ Chí Minh chỉ rõ: Không kiểm tra là không lãnh đạo.

Vì sao công tác kiểm tra, giám sát của Đảng lại thuộc về chức năng lãnh đạo? Lãnh đạo là quá trình động, từ khâu định ra đường lối, chủ trương cho một hoặc nhiều vấn đề nào đó thuộc về đời sống xã hội và tổ chức thực hiện nó trong hiện thực. Quá trình đó luôn nảy sinh những vấn đề phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Kiểm tra, giám sát chính là xem quá trình tổ chức thực hiện có bám sát mục tiêu, quy chế đã định không, bước đi thế nào, phương thức vận hành ra sao, những vấn đề gì nảy sinh... Từ công tác kiểm tra, giám sát, người lãnh đạo có dịp nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, chính sách của mình, trên cơ sở đó điều chỉnh cho phù hợp, uốn nắn những sai lệch, xử lý những vi phạm, sai lầm trong quá trình tổ chức thực hiện để mục tiêu, nhiệm vụ của vấn đề đã được công tác lãnh đạo xác định trở thành hiện thực. Kiểm tra, giám sát là bộ phận của công tác lãnh đạo.

Những ai và cấp nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Nghị quyết Trung ương 5, khóa X chỉ rõ: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là hoạt động của các cấp ủy đảng, các ban chức năng của cấp ủy, các tổ chức đảng và của đảng viên. Trước đây công tác kiểm tra được giao cho cơ quan kiểm tra của cấp ủy. Tình trạng khóan trắng này không phải là cá biệt. Công tác kiểm tra giám sát vốn khó khăn và phức tạp, nhất là trong điều kiện Đảng lãnh đạo toàn diện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa non trẻ. Trong lúc số lượng cán bộ chuyên trách của ủy ban kiểm tra các cấp mỏng, dẫn tới tình trạng thiếu sâu sát, vụ việc tồn đọng, mức độ giải quyết nhiều khi chưa đến nơi, đến chốn. Hơn thế, công tác kiểm tra giám sát vốn khô khan, phức tạp, dễ va chạm, mất lòng người khác, nhất là đối với những người chịu trách nhiệm và liên đới tới vấn đề đang kiểm tra, giám sát, nên nhiều đảng viên, cấp ủy viên không muốn nhận công tác này khi được phân công. Cần nhận thức rõ rằng là người tham gia lãnh đạo nên công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trước hết thuộc trách nhiệm của mỗi đảng viên. Đảng viên phải được phân công phụ trách một số quần chúng, hoặc một cộng đồng cư dân cụ thể nào đó. Vì vậy, đảng viên phải chịu trách nhiệm hai chiều, một là trước tổ chức đảng mà mình sinh hoạt, hai là trước quần chúng mà mình phụ trách về những vấn đề thuộc về công tác lãnh đạo, trong đó có kiểm tra, giám sát của Đảng. Từ những thông tin nắm được, với nguyên tắc dân chủ, thông qua sinh hoạt đảng mà đảng viên thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát của mình. Muốn vậy, các cấp ủy phải phân công cụ thể số lượng quần chúng, đơn vị, lĩnh vực hay công việc cho từng đảng viên để họ kiểm tra, giám sát. Họ là người chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng và quần chúng về công tác kiểm tra, giám sát được phân công đó. Làm như vậy, đảng viên mới đích thực là người lãnh đạo.

Trên cơ sở báo cáo của đảng viên giám sát, cấp ủy chỉ đạo, ủy ban kiểm tra cùng cấp tiến hành xem xét, kiểm tra cụ thể. Đảng viên có thể kiểm tra, chất vấn lại quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra và cấp ủy về những vấn đề mà mình đã kiểm tra, giám sát, thậm chí cả những vấn đề khác ngoài lĩnh vực được phân công mà mình có thông tin chính xác. Người đứng đầu cơ quan kiểm tra phải có trách nhiệm đối thoại với đảng viên chất vấn. Cuối cùng, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và cao nhất trước tổ chức đảng và nhân dân về kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây cũng là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trước tổ chức Đảng và quần chúng, nhân dân nơi tổ chức đảng hoạt động.

Phương thức tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thế nào là đúng nguyên tắc và mang lại kết quả cao? Quá trình lãnh đạo từ đâu thì công tác kiểm tra, giám sát bắt đầu từ đó, và chỉ kết thúc khi sự việc đã hoàn tất. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi vừa phải giữ vững nguyên tắc sinh hoạt đảng là công khai, dân chủ, khách quan, có quy trình, vừa yêu cầu năng lực nắm bắt vấn đề, sự sáng tạo, khôn khéo, của đảng viên được phân công, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, thấu tình, đạt lý của người đứng đầu cơ quan kiểm tra và người đứng đầu cấp ủy. Mọi việc đều phải báo cáo và được tổ chức đồng ý, tránh vì động cơ cá nhân làm sai lệch mục đích xây dựng Đảng.

Những ai và tổ chức nào chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng? Việc lãnh đạo của Đảng là do dân ủy thác, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả công tác lãnh đạo. Do vậy, Nghị quyết Trung ương 5, khóa X ghi rõ: Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Điều này bắt nguồn từ trách nhiệm "kép" của Đảng và đảng viên - trách nhiệm trước nhân dân và trách nhiệm trước tổ chức đảng. Bản thân Đảng và đảng viên không có lợi ích riêng. Sự kiểm tra, giám sát đó không ngoài mục đích xây dựng để Đảng ta và từng đảng viên ngang tầm, xứng đáng với trách nhiệm và niềm tin mà Tổ quốc và nhân dân trao gửi vì sự phát triển của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Quan điểm thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thuận lợi, trở thành nền nếp xây dựng Đảng, có hiệu quả, đạt mục tiêu, đòi hỏi trước tiên Đảng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục từ trong Đảng đến toàn xã hội để mọi người thông suốt tư tưởng, cùng nhận thức rõ công tác kiểm tra, giám sát là đòi hỏi nội tại của Đảng và là yêu cầu dân chủ hóa đời sống xã hội. Khi cả đối tượng và chủ thể của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã nhận thức rõ và thông suốt tư tưởng về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác này và thấy được trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức về nó thì công tác này sẽ được tiến hành một cách thuận lợi, trở thành nếp sống lành mạnh của Đảng và xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn với công tác tổ chức chính là kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, mô hình thống nhất từ trung ương đến cấp quận, huyện và tương đương, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, hiệu lực. Tập trung xây dựng một số quy chế như: Quy chế giám sát trong Đảng; Quy chế chất vấn trong Đảng; Quy chế phê bình, tự phê bình trong Đảng; Quy chế dân chủ trong Đảng; Quy chế về sự phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; Quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy không hoàn thành nhiệm vụ; Quy định về xử lý kỷ luật đối với đảng viên; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ; Quy chế tiếp nhận, xử lý ý kiến của Mặt trận, các đoàn thể và của nhân dân nhận xét, phê bình tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên. Công khai hóa các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết giám sát, kiểm tra. Khi công tác kiểm tra, giám sát có kết quả, với tư cách là những cơ quan tham mưu của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cần thống nhất với cơ quan tổ chức của Đảng về việc đánh giá, quy kết trách nhiệm, xử lý sai phạm, khen thưởng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với đảng viên, tổ chức Đảng trước khi trình cấp ủy xem xét. Đối với đảng viên, quần chúng có nhiều thành tích trong công tác kiểm tra, giám sát, các tổ chức Đảng cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng, có cơ chế bảo vệ họ và những thông tin mà họ cung cấp.

Các cấp ủy cần thống nhất hành động về công tác kiểm tra, giám sát một cách đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Có tổ chức chặt chẽ, có cơ chế thích hợp để vận hành. Không tạo ra vùng cấm, không "ưu tiên" cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào trong công tác kiểm tra, giám sát. Sự dân chủ, bình đẳng trong kiểm tra, giám sát sẽ tạo nên phong trào rộng lớn toàn xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là nhận thức rõ 5 mục tiêu trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị: Một là, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ba là, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội. Năm là, phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chỉ có bám sát và thực hiện cho được các mục tiêu trên thì công tác kiểm tra, giám sát mới thu được hiệu quả cao, phục vụ đắc lực mục tiêu xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Quan điểm thứ ba: Thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra và công tác giám sát.

Tính đồng bộ giữa hai công tác này được Nghị quyết xác định: "Giám sát phải mở rộng", "Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm". Giám sát phải mở rộng cần được hiểu là ở đâu có sự lãnh đạo của Đảng, ở đó Đảng phải lãnh đạo tốt công tác giám sát. Giám sát để quá trình thực thi chủ trương, nghị quyết của Đảng ở tất cả các cấp, các ngành đúng hướng, đúng Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, những giá trị đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung mà Đảng đề ra. Làm tốt công tác giám sát chính là chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy; khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.

Khi công tác giám sát được mở rộng và làm tốt thì công tác kiểm tra phải được tiến hành ở hai dạng: kiểm tra thường xuyên, định kỳ việc thực hiện Điều lệ, các nghị quyết của Đảng, kiểm tra việc triển khai các dự án, các chương trình hành động của cấp ủy, kiểm tra phẩm chất chính trị của đảng viên, và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết cũng đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của công tác kiểm tra trong thời gian tới là:

- Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Tập trung kiểm tra giám sát các nội dung, lĩnh vực: tư tưởng chính trị, quản lý báo chí; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; lĩnh vực kinh tế, tài chính; lĩnh vực chính trị, tư pháp; công tác tổ chức, cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đảng viên và nhân dân; việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Quan điểm thứ tư: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", lấy "xây" là chính. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục.

Lâu nay vẫn có người cho rằng, kiểm tra là tìm thiếu sót, khuyết điểm, những người làm công tác kiểm tra là "bới lông tìm vết". Thực tế "Công tác kiểm tra trong Đảng vẫn còn yếu, chất lượng và hiệu quả kiểm tra chưa cao; nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện và khắc phục; chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa phát huy nhân tố tích cực. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng. Công tác giám sát trong Đảng và công tác giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới"(1). Tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, giám sát chưa được nhận thức đúng và hành động quyết liệt từ cán bộ đảng viên đến tất cả các cấp ủy đảng.

Xây dựng Đảng ta ngang tầm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là yêu cầu thiết thực. Mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân cần thống nhất nhận thức rằng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát là thiết thực góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Để giúp đỡ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng làm tròn nhiệm vụ được phân công, chấp hành tốt Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, sống có văn hóa... bên cạnh việc giáo dục tốt để họ tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người thì công tác kiểm tra, giám sát phải làm thật tốt. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc rằng ở mỗi việc làm của công tác kiểm tra, giám sát đều là để xây dựng Đảng. Kiểm tra, giám sát là chống cái sai, cái xấu, cái lạc hậu, để xây cái đúng, cái tốt, cái mới tiến bộ. Ngay khi chống cũng đã chứa đựng nội dung xây, lấy xây là chính; kiểm tra, giám sát của Đảng là phục vụ công tác xây dựng Đảng. Không kiểm tra, giám sát là không xây dựng Đảng.

Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, dù là ai, các cơ quan chức năng phải trung thành với luật pháp, khách quan xem xét đến cùng, đúng mức độ, xử lý nghiêm mimh và thông báo công khai kết quả. Cá nhân và cơ quan pháp luật phải chịu trách nhiệm về hành vi điều tra, xét xử của mình. Dân sẽ càng tin Đảng hơn khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ vi phạm của cán bộ, đảng viên để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quan điểm thứ năm: Đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.

Thực tế công tác kiểm tra, giám sát của Đảng những năm qua chưa tốt, nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước nghiêm trọng, nhưng tổ chức đảng ở cơ sở không phát hiện được, không có khả năng ngăn chặn và xử lý kịp thời. Cấp ủy, đảng viên chưa chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát nên hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực không phải do cấp ủy, đảng viên, cơ quan kiểm tra trong tổ chức đảng đó phát hiện được mà chủ yếu do nhân dân phát hiện, tố cáo hoặc báo chí nêu ra...

Để khắc phục tình trạng yếu kém này, trong lúc chờ đợi hàng loạt những quy chế như đã đặt ra ở phần trên, trước hết phải thống nhất một nguyên tắc: Trong Đảng thì mỗi đảng viên, chi ủy và cao nhất là Bí thư chi bộ phải chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát toàn diện tất cả các hành vi chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, nghị quyết đảng các cấp của từng đảng viên và cấp ủy cũng như người đứng đầu cấp ủy thuộc chi bộ mình. Cơ quan kiểm tra cấp nào phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về chất lượng công tác kiểm tra giám sát của Đảng thuộc tổ chức đảng cấp ấy. Đối với các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và nhân dân, tổ chức đảng, cơ quan kiểm tra Đảng, đảng viên phải chủ động gần dân, thân dân, linh hoạt tổ chức phát động, khuyến khích họ bằng những hình thức cởi mở, tôn trọng quyền làm chủ và trách nhiệm xây dựng Đảng, để họ tham gia kiểm tra, giám sát tích cực nhất. Những ý kiến kiểm tra, giám sát của nhân dân phải được tổ chức đảng đối thoại, giải quyết thấu tình, đạt lý.

Năm quan điểm chỉ đạo về công tác kiểm tra giám sát của Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải được thấu triệt trong toàn Đảng, nhận thức rộng rãi trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, biến nó thành hành động cụ thể toàn xã hội để xây dựng Đảng ta ngày càng xứng đáng hơn vai trò duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2006, tr 272