Trong nền kinh tế thị trường phát triển nhiều loại thị trường khác nhau, có những loại thị trường do vị trí đặc biệt quan trọng, có tính đặc thù, đòi hỏi sự quản lý của Nhà nước một cách đồng bộ. Chúng tôi muốn đề cập tới thị trường lương thực đang là tâm điểm mà toàn cầu quan tâm. “Cơn sốt” gạo vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề mà Chính phủ cần có giải pháp chủ động đối phó kịp thời.

Mục tiêu của nước ta đến năm 2010 phải phát triển đồng bộ, đa dạng các loại thị trường cơ bản thống nhất trong cả nước, từng bước liên thông với thị trường khu vực và thế giới; giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước(1).

1 - Vai trò và đặc điểm của thị trường lương thực

Một nền kinh tế thị trường đồng bộ bao gồm rất nhiều loại thị trường bộ phận hợp thành, chúng không ngừng vận động, tác động đan xen, hỗ trợ nhau, luôn luôn mở rộng trong khắp nước và vươn ra cả trên thế giới, trong đó thị trường lương thực, chủ yếu là gạo, có vị trí chiến lược hàng đầu, có ảnh hưởng quyết định không chỉ sự phát triển bền vững của từng quốc gia mà còn tác động tới ổn định, an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại ASEAN tổ chức ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a) từ ngày 2 đến 4-5-2008, mười nước thành viên ASEAN đã nhất trí hợp tác ổn định thị trường gạo. Tuyên bố của ASEAN tại hội nghị này nêu rõ: Các bộ trưởng khẳng định giá cả ổn định và nguồn cung cấp gạo đầy đủ, bền vững là nền tảng cho sự ổn định về kinh tế và xã hội trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, bộ trưởng các nước cam kết sẽ tăng sản lượng lương thực thông qua chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển; mở rộng diện tích đất nông nghiệp, tăng cường đầu tư nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp(2).

Nước ta là một nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, “cơn sốt” gạo vừa qua càng cho thấy, việc ổn định thị trường lương thực có vai trò hết sức quan trọng. Khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giá gạo xuất khẩu chỉ có 150 USD - 160 USD/tấn mà rất khó tìm khách hàng, đến cuối năm 2007, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 320 USD/tấn, lúc này, giá gạo thị trường nội địa khoảng 7.500 đồng - 8.000 đồng/kg, nhưng đến đầu tháng 5-2008, giá gạo xuất khẩu trên thế giới đã vượt ngưỡng 1.200 USD/tấn, gây ra “cơn sốt” giá gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Người dân ở vựa lúa này đã phải mua gạo với giá (quy ra USD) gần 1.600 USD/tấn. Hiện nay, giá gạo nội địa đã bình ổn, nhưng vẫn còn ở mức gần 1.000 USD/tấn, tức là hơn 16.000 đồng/kg. Trước tình hình đột biến “cơn sốt” giá gạo, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã can thiệp điều tiết, phân phối gạo hợp lý để giá lúa gạo bình ổn trở lại(3).

Thị trường lương thực có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, sản xuất lương thực, chủ yếu trồng lúa nước, là truyền thống lâu đời, là nền tảng của văn minh nông nghiệp của nước ta. Nó đã được tích lũy từ hàng nghìn năm, qua rất nhiều thế hệ. Đối với nước ta, trồng lúa là một nghề, vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính nghệ thuật. Những lão nông tri điền, có trình độ thâm canh lúa giỏi đạt năng suất cao đã làm nên những cánh đồng 14 tấn - 15 tấn/ha trong những năm đổi mới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực, trồng lúa nói riêng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh bất thường nên độ rủi ro cao, có lúc bị mất trắng, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lương thực.

Thứ hai, các yếu tố đầu vào của thị trường lương thực, trước hết đất đai có tính đặc thù và vô cùng quý giá, không thể thay thế được. Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, đất trồng lúa là loại đất có cấu tượng, có các hạt vừa phải nhờ đó có thể giữ nước, chất hữu cơ, không khí. Để có các hạt đất này, cần sự hoạt động liên tục của vi sinh vật qua hàng nghìn năm mới tạo ra được chất mùn liên kết các hạt đất với nhau, có tác dụng giải phóng thức ăn cho cây trồng; phân khoáng không dễ dàng bị rửa trôi xuống các lớp đất sâu(4). Ngoài ra, đất trồng lúa, chủ yếu là lúa nước, đòi hỏi độ phẳng tuyệt đối trên từng mảnh ruộng, bảo đảm cho tưới tiêu thuận lợi.

Thứ ba, quan hệ cung - cầu về lương thực ở nước ta đang có xu thế thay đổi theo hướng có lợi hơn, thị trường lương thực đang có thời cơ phát triển trên hai mặt: về mặt cung, nhờ những thành tựu của công nghệ sinh học tạo ra nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu tác hại của ngoại cảnh cao. Sản xuất lương thực, chủ yếu là cây lúa nước có thể tiến hành cơ giới hóa toàn bộ, từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, xay xát, cho đến hạt gạo tới người tiêu dùng. Điều này cho thấy rằng, các hộ nông dân trồng lúa hàng hóa có thể canh tác hàng chục, hàng trăm héc-ta là chuyện bình thường, tạo nên một nền nông nghiệp trồng lúa cơ giới hóa toàn bộ trong tương lai không xa, có khả năng khai thác tiềm năng to lớn để sản xuất lương thực, chủ yếu là gạo. Về mặt cầu, cuộc khủng hoảng lương thực thế giới không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, làm cho nhu cầu lương thực ngày càng cao; nhu cầu gạo trên thị trường trong nước cũng ngày càng gia tăng, không chỉ cho tiêu dùng trực tiếp với số dân ngày càng tăng, mà còn để chế biến ra nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ gạo. Đây là thời cơ để nước ta tổ chức lại sản xuất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, thị trường gạo nội địa là một thị trường toàn dân và có tính nhạy cảm cao. Bất kỳ một gia đình nào, hằng ngày đều phải sử dụng lương thực và dự trữ với một khối lượng nhất định. Còn dự trữ lâu dài lại do thị trường bảo đảm và do Nhà nước điều tiết. Xã hội thiếu một ngày lương thực là nảy sinh vấn đề, nhưng trái lại dự trữ quá nhiều và quá lâu cũng tốn kém và giảm phẩm chất gạo, thị trường không chấp nhận.

Thứ năm, thị trường lương thực là một loại thị trường đặc biệt, có tính nhạy cảm cao nên phải có phương cách quản lý đặc biệt, đòi hỏi sự quản lý và điều tiết của Nhà nước một cách khoa học, nhạy bén, kịp thời và hiệu quả.

2 - Quản lý nhà nước đối với thị trường lương thực

Lương thực là mặt hàng thiết yếu, do đó cần tính ổn định cao. Sự điều tiết của Nhà nước là rất cần thiết, thế nhưng những năm qua, mạng lưới phân phối lương thực chủ yếu dựa vào các đại lý tư nhân và buôn bán nhỏ lẻ.

Quản lý nhà nước đối với thị trường lương thực, chủ yếu là gạo, không chỉ là quản lý mặt hàng gạo, bảo đảm đưa gạo tới người tiêu dùng và xuất khẩu mà là quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng loại hàng hóa có tính chiến lược này. Từ thời kỳ đổi mới, bằng cơ chế mới đã khuyến khích và khai thác tiềm năng cho sản xuất lương thực, có dư thừa gạo để xuất khẩu, vấn đề lương thực coi như đã được giải quyết. Nhưng, cơn khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu thời gian qua vừa cảnh tỉnh về nguy cơ thiếu lương thực, vừa cho phép nhận thức lại vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa để nhìn lại toàn bộ cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp mà có quyết sách đúng, tạo cơ hội cho nước ta thành một nhà cung ứng gạo đứng hàng đầu thế giới một cách vững chắc và hiệu quả. Những thành quả của sản xuất nông nghiệp cũng như tác động tích cực của quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và quản lý thị trường lương thực nói riêng, là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực sản xuất gạo, quản lý còn có những hạn chế thể hiện trên các mặt sau:

Một là, lực lượng lao động nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, còn quá lớn nhưng chất lượng thì rất thấp. Lao động nông nghiệp, gắn liền với người dân ở nông thôn, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, cả nước có 24.530.101 lao động trong ngành nông nghiệp (cả lâm nghiệp và thủy sản), so với năm 2001 có giảm 1.601.225 lao động, trong đó riêng nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) có 23.318.852 lao động, so với năm 2001 giảm 2.054.960 lao động. Xu hướng giảm lao động nông nghiệp là một động thái tích cực, đúng quy luật, nhưng cho tới năm 2006 số lượng lao động nông nghiệp nước ta còn quá lớn, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn chiếm 55,7% tổng lao động xã hội(5).

Hai là, đã để mất khá nhiều diện tích đất màu mỡ, “bờ xôi ruộng mật” chuyên dùng cho sản xuất lúa. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm chúng ta mất khoảng 70.000 ha đất nông nghiệp cho công nghiệp, trong khi nhiều nước đang tìm mọi cách để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng trước “cơn sốt” lương thực như hiện nay. Từ năm 2001 đến nay, cả nước đã có khoảng 300.000 ha đất trồng lúa được chuyển mục đích phục vụ công nghiệp. Đó là vấn đề rất đáng lo ngại(6). Chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải lấy đất trồng lúa quý giá đã được hình thành qua bao đời nay. Mất đất nông nghiệp còn do lợi nhuận trồng lúa quá thấp, người nông dân không thiết tha với ruộng đồng, họ chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có vốn chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Hơn nữa, đất nông nghiệp do Nhà nước quy định khi chuyển nhượng lại quá thấp, giá chỉ vài trăm nghìn đồng một mét vuông, nên người nông dân không muốn bám giữ lấy một vốn tài sản mà chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu thực với giá trị thấp.

Đất nông nghiệp bị mất còn do sức ép của giá cả, từ vài trăm ngàn đồng/m2 đền bù hoa màu để chuyển đổi mục đích sử dụng thành phi nông nghiệp là có thể bán “quyền sử dụng” lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng. Vậy nên, ai còn muốn giữ đất nông nghiệp nếu có thể chuyển đổi được mục đích sử dụng!

Ba là, việc bảo đảm các điều kiện vật chất cho sản xuất nông nghiệp, chủ yếu cho trồng lúa bị lơi lỏng.
Sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng, ngoài đất đai còn cần các điều kiện thiết yếu khác như nước, phân, giống, công cụ, thuốc bảo vệ thực vật... Các loại vật tư này trước đây hầu như do các doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm, tuy có lúc độc quyền nhưng Nhà nước không để nông dân bị thiếu, ảnh hưởng đến sản xuất. Chuyển sang kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế tham gia, cơ chế độc quyền bị xóa bỏ, các nhà kinh doanh các loại vật tư này chủ yếu hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu nên nông dân càng gặp nhiều khó khăn, cả về giá cả, số lượng, chất lượng đều không bảo đảm. Nước là điều kiện vật chất hàng đầu cho trồng lúa nước, mặc dù Nhà nước đã có chính sách miễn thủy lợi phí cho nông dân và coi trọng quản lý thủy lợi, nhưng nhiều năm qua hệ thống công trình thủy nông xuống cấp nghiêm trọng trong khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện tượng phân bón kém chất lượng đã kéo dài nhiều năm không được xử lý gây thiệt hại cho nông dân và cho cả nền nông nghiệp nước nhà(7). Tuy một số vùng như ở đồng bằng sông Cửu Long đã có trình độ cơ giới hóa cao, sử dụng cả máy gặt đập liên hợp, nhưng nhìn chung công cụ sản xuất trong nông nghiệp vẫn chủ yếu là thủ công. Mạng lưới điện nông thôn tuy đã có tới 98,90% số xã, 92,39% số thôn, 94,21% số hộ có điện, trong đó 87,77% số thôn có điện quốc gia(8), nhưng do nguồn điện thiếu, quản lý chưa tốt đã ảnh hưởng không chỉ đến sinh hoạt ở nông thôn mà còn tới sản xuất nông nghiệp, kể cả các khu công nghiệp đặt tại vùng nông thôn.

Bốn là, sự biến động bất thường của giá gạo gây khó khăn cho người tiêu dùng, thua thiệt cho người nông dân sản xuất gạo và lúng túng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước trở lại đây, giá gạo tương đối bình ổn, tạo sự yên tâm cho mọi người, nhất là những người làm công ăn lương. Nhưng “cơn bão” giá gạo vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2008 đã làm cho nhiều người lo lắng: đối với đa số người lao động thì tiền lương nhanh chóng cạn kiệt do giá gạo quá cao. Đối với người nông dân sản xuất lúa gạo có thể chia ra hai loại: một loại sản xuất mang tính tự cung tự cấp thì giá gạo cao họ cũng chẳng được lợi từ sự tăng giá, vì họ không có gạo hàng hóa, trái lại họ phải chịu thiệt do giá vật tư cho sản xuất lúa và giá tiêu dùng phi nông nghiệp tăng theo giá gạo; còn loại nông dân sản xuất lúa hàng hóa thì cái được từ giá gạo tăng cao cũng không bù được cái mất do giá vật tư tăng lên. Đối với nhà xuất khẩu gạo, một mặt, rất khó mua thóc để chế biến gạo xuất khẩu do nông dân “găm hàng” chờ giá tiếp tục tăng; mặt khác, họ vẫn phải thực hiện các hợp đồng đã ký với giá thấp, dẫn đến càng bị thua thiệt. Hiện nay giá gạo thực tế cũng chỉ xoay quanh 600 USD/tấn và dự báo có xu hướng giảm còn 500 USD/tấn vào cuối năm 2008(9). Như vậy, giá gạo trong nước lại phụ thuộc vào giá gạo thế giới (hay vào cung - cầu gạo thế giới), là điều mà quản lý nhà nước khó dự báo một cách chính xác.

Bốn mặt hạn chế chủ yếu trong quản lý nhà nước đối với thị trường lương thực đã nêu có thể là trong số các nguyên nhân dẫn tới một khuyết điểm bao trùm như Nghị Quyết 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa X đã nêu: “Nền kinh tế vẫn trong tình trạng kém phát triển; sự chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư còn cao”, trong đó nông nghiệp, nông thôn và nông dân là chậm phát triển nhất.

3 - Một số giải pháp đối với thị trường lương thực

Để tạo lập một thị trường lương thực phát triển bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, theo chúng tôi cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, cần nhận rõ hơn vai trò của nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới hơn 70% dân số và trên dưới 60% lực lượng lao động cả nước, là lĩnh vực mang nặng dấu ấn văn hóa, chính trị, xã hội. Nền nông nghiệp nước ta không chỉ bảo đảm lương thực cho toàn dân trong tình hình khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay mà còn có lợi thế trong xuất khẩu, có những mặt hàng đứng vào hạng nhất nhì thế giới như hạt tiêu, gạo, cà phê, cao su... Cùng với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế gồm công nghiệp và dịch vụ, phải coi trọng hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, coi đây là một mắt xích và nền tảng quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể khẳng định rằng, nếu không giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nếu không hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì cũng không thể hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, tổ chức lại nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại. Một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, trước hết là phải có năng suất lao động cao, thể hiện bằng giá trị gia tăng của người làm nông nghiệp. Chúng ta không thể có được một nền nông nghiệp hiện đại như ở các nước công nghiệp phát triển trong tương lai gần, nhưng chúng ta có thể từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà nhờ vào chính sách đầu tư đúng đắn cho kết cấu hạ tầng, cho khoa học - công nghệ, cho xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề và chuyên gia khoa học - công nghệ và quản lý, bằng chuyển dịch nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, bằng thực hiện các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp thay vì kiểu hộ nông dân nhỏ lẻ, phân tán, manh mún như hiện nay. Trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại phải tập trung ưu tiên cho sản xuất lương thực, chủ yếu là gạo chất lượng cao.

Thứ ba, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp nói chung và thị trường lương thực nói riêng phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Theo cam kết của Việt Nam với WTO, Nhà nước được quyền trợ cấp cho nông nghiệp lên đến 10% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp. Nhưng đến nay Việt Nam trợ cấp nhiều nhất cho nông nghiệp mới vào khoảng 260 triệu USD/năm, tức là chỉ đạt 3% - 4% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp, nhưng phần lớn sự trợ cấp rơi vào tay những người kinh doanh nông sản hơn là đến tay người nông dân(10).

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2001 - 2005, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp khoảng 108.923 tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước là 28.968 tỉ đồng. Mức đầu tư như vậy mới chỉ đạt 15% - 17% tổng vốn đầu tư từ ngân sách hằng năm, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 25% -30%. Còn đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp lại quá thấp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi tỷ trọng đầu tư của vốn FDI cho khu vực công nghiệp là 34%, dịch vụ 59% thì khu vực nông nghiệp -nông thôn chỉ chiếm 7%(11). Phải chăng, đây cũng là một thiếu sót mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X đã nêu: phân bổ nguồn lực quốc gia chưa hợp lý.

Thứ tư, tạo lập cơ chế quản lý thị trường lương thực phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quản lý nền kinh tế thị trường đã khó, quản lý thị trường lương thực lại càng khó vì không chỉ là vấn đề thuần túy kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội rất phức tạp. Để quản lý thị trường lương thực sao cho vừa không quay lại thời bao cấp, vừa không thả nổi cho cơ chế thị trường tự do điều tiết, cần tập trung vào một số điểm chủ yếu sau:

- Tổ chức các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp và kinh doanh lương thực của khu vực nhà nước với tư cách là các doanh nghiệp dịch vụ công, không vì lợi nhuận, thành công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Nhà nước. Đối với các tổng công ty lương thực của Nhà nước vừa thực hiện chức năng bảo đảm cung cấp lương thực nội địa góp phần điều tiết thị trường gạo, vừa kinh doanh xuất khẩu lương thực phục vụ nông dân sản xuất gạo xuất khẩu.

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thuộc các thành phần kinh tế, trong đó các cửa hàng lương thực nhà nước được trải đều ở các khu dân cư, làm lực lượng điều tiết thị trường gạo và bình ổn giá cả thị trường. Giá mua và giá bán mặt hàng lương thực phải nằm trong khung giá quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm lợi ích của cả người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Khi có tình hình đột biến, Nhà nước có thể hỗ trợ, bù giá cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực để bình ổn giá cả thị trường như Nhà nước đã bù giá xăng dầu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm trước đây...

- Cần có biện pháp điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để người nông dân bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận thỏa đáng, tạo động lực để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.

- Kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu lương thực, đặc biệt đối với xuất khẩu tiểu ngạch do có sự chênh lệch lớn giữa giá lương thực nội địa với giá của các nước láng giềng trong điều kiện khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng gay gắt. Tăng cường quản lý thị trường đối với mặt hàng lương thực, áp dụng các biện pháp mạnh, xử lý thích đáng những tổ chức, cá nhân đầu cơ trục lợi mặt hàng này.

- Tăng cường lượng dự trữ lương thực quốc gia, chú trọng đặt các kho dự trữ ở các vùng xung yếu hay xảy ra bão lụt, thiên tai vì chính những vùng này dù là vựa lúa như đồng bằng sông Cửu Long khi bị ngập lụt kéo dài sẽ thiếu lương thực nghiêm trọng, phải được cứu trợ rất vất vả và tốn kém.

- Làm tốt công tác dự báo cung - cầu lương thực trên thế giới, nắm chắc thông tin thị trường để điều tiết cung - cầu trong nước và xuất khẩu gạo với khối lượng và thời điểm tối ưu trên cơ sở bảo đảm an toàn lương thực quốc gia./.
 

(1) Xem: Nghị quyết 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X
(2) Tintuconline - Vietnamnet ngày 5-5-2008
03) www.thiennhiennet ngày 9-5-2008
(4) Vietsciences - Nguyễn Lân Dũng 31-03-2008
(5) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2006, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2007
(6) www.tuoitre.com.vn ngày 18-5-2008
(7) Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 23-5-2008
(8) Tổng cục Thống kê: Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, tr 45, t 2, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2007
(9) www.vneconomy.vn ngày 23-5-2008
(10) www.bacninh.gov.vn ngay 6-5-2008
(11) www.mof.gov.vn ngay 5-2-2008