Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ
Tư duy lý luận và hành động thực tiễn đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong giai đoạn 1986 - 2010
Hơn 25 năm qua, kể từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986), tiến trình đổi mới toàn diện đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trước những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống, Đảng ta đã rất coi trọng phát triển tư duy lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, chú ý tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Qua đó, các đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng và nhiều hội nghị Trung ương thuộc các nhiệm kỳ đại hội ngày càng xác định rõ hơn mô hình kinh tế tổng quát, mục tiêu chung, cùng với hệ thống các chủ trương và quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo việc giải quyết hàng loạt mối quan hệ cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Riêng về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, Đảng đã đề ra những chủ trương, quan điểm lớn có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn nổi bật sau:
- Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đây là chủ trương và quan điểm có ý nghĩa bao trùm.
- Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục và đào tạo là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành.
- Khoa học và công nghệ cũng là quốc sách hàng đầu, là động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước phát triển kinh tế tri thức.
- Tôn trọng lợi ích chính đáng của người lao động và các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội.
- Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân.
- Khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói, giảm nghèo; có chính sách hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo vươn lên và phấn đấu trở thành khá giả.
- Thực hiện đồng bộ chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi. Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe đối với các tầng lớp dân cư, có chính sách trợ cấp và bảo hiểm y tế cho người nghèo.
- Trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, con người được đặt vào vị trí trung tâm, tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và phát huy tốt năng lực của mình...
Thực hiện những chủ trương và quan điểm nói trên của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thể chế hóa thành hệ thống chính sách, luật pháp, các chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể để đưa vào cuộc sống và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Về kinh tế: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liền. GDP bình quân đầu người từ khoảng 200 USD năm 1990 tăng lên 1.168 USD năm 2010. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Về văn hóa - xã hội: Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin - truyền thông… từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Đổi mới giáo dục thu được một số kết quả bước đầu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ dần được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng gia tăng: từ 0,561 năm 1985 lần lượt tăng lên 0,647 năm 1995; 0,715 năm 2005; 0,725 năm 2007...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta vẫn tồn tại nhiều hạn chế và yếu kém.
Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, không kịp thời đổi mới nhận thức để sớm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp.
Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, nguồn nhân lực được đào tạo ra chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và nhất là tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn còn cao. Xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo còn nhiều. Khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi có xu hướng ngày càng doãng ra.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, mạng lưới y tế tuy được mở rộng nhưng phân bố chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho người dân. Cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, thu viện phí và khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn không ít bất cập.
Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Chủ trương, quan điểm mới về việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng, tình hình đã qua, các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chú trọng kế thừa, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều chủ trương, quan điểm mới để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020.
Những chủ trương, quan điểm và chính sách mới chủ yếu đó là:
1 - Kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội.
2 - Đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội.
3 - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội. Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Tăng cường xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
4 - Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng cao tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào quá trình tăng trưởng trong mô hình phát triển theo chiều sâu.
5 - Trên cơ sở đầu tư phát triển kinh tế, phải hết sức quan tâm tới yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho nông dân. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
6 - Chú ý nhiều hơn công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ cơ sở, huyện, tỉnh đến Trung ương. Tăng đầu tư nhà nước đồng thời với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế. Phát triển mạnh công nghiệp dược; quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh. Bảo đảm cho người có bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh thuận lợi; mọi công dân khi có nhu cầu và khả năng đều được đáp ứng dịch vụ y tế chất lượng cao.
Kiến nghị một số cơ chế, giải pháp
Như trên đã trình bày, các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm mới để tiếp tục giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020. Dưới đây xin nêu một số kiến nghị về cơ chế, giải pháp góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xoay quanh mấy vấn đề chủ yếu sau:
Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn quan điểm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Theo quan điểm đó, chúng ta không chờ kinh tế đạt đến trình độ phát triển cao mới phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh văn hóa, hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Muốn vậy, mỗi chính sách phát triển kinh tế đều phải hướng tới phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; mỗi chính sách phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài. Bất cứ một sự sai sót hay thiên lệch nào trong hoạch định và thực thi các chính sách có liên quan đều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu này hay mục tiêu khác của kế hoạch phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thậm chí gây tác hại đến cả ba loại mục tiêu.
Hai là, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện mô hình tăng trưởng mới chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước vào giai đoạn 2011 - 2020, không thể tiếp tục kéo dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vốn được áp dụng suốt mấy thập niên qua. Vì đây là mô hình tăng trưởng sử dụng nhiều vốn, công nghệ lạc hậu, với đa số lao động tay nghề thấp, chủ yếu làm gia công, lắp ráp, khai thác và bán rẻ tài nguyên thô hoặc sơ chế. Hệ quả là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế không cao, thu nhập của một bộ phận đáng kể người lao động thấp, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách và lộ trình thích hợp để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, với đa số lao động có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng đi vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo thuộc các ngành công nghệ mũi nhọn, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy mà nền kinh tế nước nhà tăng trưởng nhanh hơn, với chất lượng cao hơn và người lao động cũng có thu nhập xứng đáng để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của chính mình. Về thực chất, đây là giải pháp đưa các nhân tố văn hóa, tinh thần, nhân văn cùng các tiêu chí tiến bộ và công bằng xã hội chuyển nhập vào bên trong mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Ba là, tạo cơ hội cho các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tiếp cận bình đẳng các yếu tố “đầu vào” của sản xuất, kinh doanh để cùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện tốt hơn tiến bộ và công bằng xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước vẫn thường được ưu tiên trong tiếp cận đất đai, tín dụng và các yếu tố “đầu vào” khác của sản xuất, kinh doanh. Nhưng hiệu quả làm ăn của nhiều doanh nghiệp nhà nước không tương xứng với những ưu ái mà Nhà nước dành cho họ. Chẳng những thế, không ít doanh nghiệp nhà nước còn làm ăn thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân - thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo ra nhiều việc làm nhất - không phải bao giờ cũng được đối xử bình đẳng. Vì thế, sắp tới cần triệt để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đặt tất cả các doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường. Chỉ có như vậy mới kích thích các doanh nghiệp nhà nước vươn lên một cách lành mạnh, đồng thời sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước mới không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân - một động lực mạnh của tăng trưởng kinh tế gắn liền với mở rộng việc làm, yếu tố quan trọng của tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, đối với các kết quả “đầu ra” của quá trình sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế được xem là chủ yếu vì chính lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả mới thực sự là nguồn gốc quan trọng nhất tạo ra mọi của cải cho xã hội. Nhưng trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, ngoài phân phối theo kết quả lao động, việc phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh cũng phải được coi là công bằng.
Năm là, trong việc đầu tư công cho phát triển đất nước, cần có quy hoạch và kế hoạch cụ thể để cân đối hợp lý mức đầu tư cho các vùng lãnh thổ khác nhau. Việc dành mức đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực là rất cần thiết, nhằm tạo ra những “đầu tàu” tăng trưởng để kéo theo cả “đoàn tàu” kinh tế đi lên. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các vùng khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm cho sự phát triển văn hóa - xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng gắn liền với tăng trưởng kinh tế của tất cả các vùng, miền trong cả nước.
Sáu là, kết hợp hài hòa giữa việc phân phối lại thông qua điều tiết hợp lý thu nhập trong các tầng lớp dân cư với việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Theo chúng tôi, hệ thống đó bao gồm: chính sách ưu đãi xã hội nhằm bảo đảm mức sống ít nhất trên trung bình đối với người có công; chính sách bảo hiểm xã hội nhằm huy động sự tích góp một phần thu nhập của người lao động lúc bình thường để dành chi tiêu cho những lúc gặp khó khăn (thất nghiệp, bệnh tật, tuổi già…); chính sách trợ cấp xã hội nhằm trợ giúp những người yếu thế và dễ bị tổn thương, như người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi lang thang, cơ nhỡ…; chính sách cứu trợ xã hộichính sách tương trợ xã hội nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng để giúp nhau vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. nhằm cưu mang những người bị thiệt hại nặng do thiên tai, địch họa hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống;
Việc thực hiện tốt hệ thống chính sách an sinh xã hội nhiều tầng nấc là thước đo quan trọng của một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh, đồng thời là nhân tố quan trọng khơi dậy tính tích cực, sự hăng hái của các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, kinh doanh để thoát đói, vượt nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và cho đất nước./.
Chiến lược điện mặt trời của Nam Phi  (26/09/2011)
Cả nước đã đơn giản hóa 3.248 thủ tục hành chính  (26/09/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a  (26/09/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên