Vai trò của lực lượng công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới ở tỉnh Quảng Ninh
Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, với phương châm “Kiên định bản lĩnh chính trị Người chiến sĩ Công an nhân dân, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, Công an Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thực hiện tốt vai trò là một trong 3 lực lượng tuyến đầu cùng với y tế, quân đội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; góp phần quan trọng vào thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc giữ vững địa bàn an ninh, an toàn, ổn định, hoàn thành xuất sắc “mục vụ kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 18-10-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là quyết sách hết sức đúng đắn và cấp thiết của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh và thành công trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi trạng thái cũng đã và tiếp tục phát sinh những vấn đề mới, tác động đến tình hình và công tác bảo đảm an ninh, trật tự; nhất là đối với Quảng Ninh, là địa bàn có cả biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, ngành than và các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đang triển khai ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, sẽ chịu nhiều tác động hơn. Trong đó nổi lên 5 vấn đề đáng chú ý:
(1) Với việc hoạt động đi lại, giao thương của người dân, doanh nghiệp thông thoáng hơn, nhất là người từ các tỉnh, thành phố có dịch vào tỉnh, thì số ca mắc mới trong tỉnh tiếp tục gia tăng, thậm chí xuất hiện các ổ dịch mới, phức tạp hơn, cùng với đó là khó khăn về đời sống của công nhân, người lao động, nhóm yếu thế trong thời gian vừa qua, tiềm ẩn phát sinh những mâu thuẫn, bức xúc của người dân nếu không được quan tâm chỉ đạo giải quyết từ sớm, ngay tại cơ sở; cùng với đó là những vẫn đề đã, đang phức tạp liên quan khiếu kiện về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng... sẽ là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giảm sút niềm tin vào Đảng.
(2) Bên cạnh đó, với chính sách phòng, chống dịch của phía Trung Quốc vẫn là “Zero COVID” thì Trung Quốc tiếp tục siết chặt công tác quản lý biên giới, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh (điển hình như thời gian vừa qua), sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp của ta cũng như tiềm ẩn hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, đặc biệt là trước, trong và sau tết Nguyên đán.
(3) Việc nới lỏng hoạt động vận tải hàng không quốc tế, nhất là thí điểm đón khách du lịch quốc tế, thì người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh thông thoáng, thuận lợi hơn, không loại trừ các phần tử khủng bố quốc tế, phản động lưu vong ở nước ngoài trà trộn vào trong nước nhằm móc nối, lôi kéo, gây dựng cơ sở trong nội địa, thậm chí manh động hơn, chúng sẽ tiến hành các hoạt động phá hoại ở trong nước.
(4) Trong trạng thái bình thường mới, việc sử dụng không gian mạng để tương tác của người dân sẽ gia tăng, từ học tập, làm việc, hội, họp trực tuyến đến các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên mạng... Đây vừa là môi trường thuận lợi để người dân nhanh chóng tiếp cận các thông tin tích cực, nhất là các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến người dân, nếu các thông tin chính thống không được cập nhật thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, toàn diện, bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bịa đặt, kích động, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong nhân dân; các loại tội phạm lợi dụng các ứng dụng trực tuyến, hoạt động kinh doanh trên mạng để lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân; đây là thách thức lớn không chỉ với lực lượng công an mà còn đối với cả hệ thống chính trị, các cơ quan hữu quan trong việc triển khai các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống dịch trên không gian mạng.
(5) Một số loại tội phạm cũng sẽ phức tạp hơn, nhất là tội phạm về xâm phạm tài sản như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, nhất là trong đầu tư công, xây dựng cơ bản, triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thuốc điều trị, vật tư y tế; thời gian qua nổi lên là hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, nâng giá, đẩy giá vật tư y tế, kit test, đáng chú ý, có đối tượng lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc sử dụng thủ đoạn đăng ký nhận trợ cấp khó khăn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân...
Bên cạnh 4 nguy cơ, thách thức, quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong trạng thái bình thường mới, Công an tỉnh Quảng Ninh xác định có 3 khó khăn lớn đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đó là: (1) Trong trạng thái bình thường mới, luôn tiềm ẩn phát sinh các ca mắc, nghi mắc, thậm chí các ổ dịch mới trong cộng đồng, lực lượng công an phải bố trí nguồn lực tham gia công tác truy vết, cách ly, phong tỏa; do đó, sẽ bị phân tán lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là đối với lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong khi biên chế còn hạn hẹp(2). Đặc thù công việc của lực lượng công an là trực tiếp tiếp xúc với người dân và trực diện đấu tranh với tội phạm, các vi phạm pháp luật nên cán bộ, chiến sĩ công an luôn thường trực nguy cơ bị lây nhiễm từ người dân và đối tượng(3). Khó khăn giữa việc vừa phải chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch, vừa phải bảo đảm chấp hành đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật và quy trình nghiệp vụ của ngành Công an trong thực hiện các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, cũng như triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, phòng, chống dịch nói riêng.
Nhận diện rõ những nguy cơ, thách thức đối với an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, công an tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ động xây dựng, triển khai Kế hoạch công tác công an thực hiện Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với vai trò là “Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, Công an tỉnh Quảng Ninh xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 36 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với phương châm xuyên suốt của lực lượng công an: (1) Phòng, chống dịch COVID-19 là trọng tâm, cấp bách; (2) Bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt; (3) Phối hợp thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ ổn định và phát triển toàn diện các mặt đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh là then chốt.
Với vai trò là lá chắn phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng công an toàn tỉnh đã quán triệt sâu sắc phương châm của tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống dịch COVID-19: “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, khoanh vùng khoa học hợp lý, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, không chủ quan, lơ là, lúng túng, bị động trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, Công an tỉnh đã thiết lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm cơ chế chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất, kịp thời. Xây dựng phương án, bố trí lực lượng sẵn sàng chuyển đổi trạng thái bình thường sang trạng thái có dịch đối với từng khu vực, địa bàn với mục tiêu khoanh vùng nhỏ nhất để tập trung dập dịch; trong đó, đã thành lập 371 Tổ truy vết thuộc các phòng nghiệp vụ công an tỉnh, công an cấp huyện, công an cấp xã; làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình dịch bệnh để tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gắn với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là việc áp dụng các biện pháp hành chính hạn chế đi lại, tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đối với các khu vực, địa bàn có dịch cấp 3, cấp 4. Phát huy tốt vai trò của lực lượng công an cấp xã trong quản lý cư trú, di biến động dân cư, phối hợp chặt chẽ với Tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ tự quản về an ninh, trật tự, đồng thời sớm ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, các phần mềm khai báo y tế để phát hiện, giám sát ngay tại cơ sở các trường hợp có yếu tố dịch tễ, truy vết thần tốc, triệt để các ca mắc phát sinh trong cộng đồng và phục vụ các chiến dịch tiêm chủng của tỉnh bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, không bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, lực lượng công an cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát, đề xuất hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng các trường hợp gặp khó khăn do COVID-19, góp phần an dân, an sinh xã hội.
Qua hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mặc dù đã xuất hiện trên 3.000 ca mắc, trong đó có các ca, ổ dịch trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngành than, các khu vực tập trung công nhân, người lao động trong các dự án, công trình xây dựng, lực lượng công an cùng với y tế, quân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời “khóa chặt ca bệnh, ổ dịch”, nhanh chóng “làm sạch địa bàn’’, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát thành các ổ dịch lớn trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công an tỉnh đã tập trung làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình từ xa, ngay tại cơ sở, nhất là tình hình liên quan dịch bệnh COVID-19, tình hình biển Đông, tuyến biên giới, biển đảo, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, xu hướng diễn biến tội phạm và vi phạm pháp luật trên từng địa bàn, lĩnh vực...; qua đó, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc, vấn đề về an ninh, trật tự phát sinh, không để bị động, bất ngờ; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, giảm thiểu tác động, tạo đà thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai nhiều phương án, kế hoạch về bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật trong trạng thái bình thường mới.
Tập trung quản lý chặt chẽ các hệ loại đối tượng, nhất là số cơ sở nội địa của các tổ chức phản động lưu vong, số đầu đơn khiếu kiện, tiêu cực, bất mãn, số chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm hoạt động lợi dụng tình hình, công tác phòng, chống dịch COVID-19 để chống phá. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng; thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật về diễn biến, tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội phù hợp với tình hình địa bàn, tập trung các giải pháp kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội; chủ động triển khai công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch, nhất là lợi dụng chính sách hỗ trợ người dân, hoạt động mua sắm vật tư y tế để trục lợi, hoạt động đầu cơ, kinh doanh hàng giả, mua bán trái phép khẩu trang, kit test, thuốc điều trị COVID-19 và các thiết bị, vật tư y tế khác... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với việc chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong tham mưu và lãnh đạo, chỉ đạo, công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phục vụ đắc lực các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong hơn 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, không để bị động, bất ngờ, xảy ra vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh, trật tự. Tình hình trật tự an toàn xã hội được kiểm soát tốt (trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận; các mặt công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đều đạt kết quả tích cực. Đã điều tra làm rõ trên 75% số vụ án hình sự xảy ra, trong đó làm rõ 100% các vụ trọng án; bắt, vận động đầu thú 12 đối tượng truy nã; bắt 59 vụ 129 đối tượng phạm tội về ma túy; đưa 25 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc và vận động 54 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện; bắt giữ, xử lý 35 vụ 39 đối tượng về kinh tế; 9 vụ 12 cá nhân vi phạm về môi trường). Qua đó, đã góp phần giữ vững môi trường an ninh, an toàn, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người dân và doanh nghiệp.
Từ kết quả đạt được, công an Quảng Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh, như sau:
Một là, phải nắm chắc, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự sát hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn tại địa phương. Trong đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu công an các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch phù hợp với diễn biến tình hình, đặc biệt là phương án bố trí lực lượng, bảo đảm vừa kiểm soát được tình hình an ninh, trật tự, vừa sẵn sàng chuyển đổi trạng thái ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; nghiên cứu, vận dụng các quy định pháp luật trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đặc biệt trong phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý đối với các loại tội phạm mới, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hai là, thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự từ sớm, ngay tại cơ sở; vì đây là lực lượng trực tiếp nhất gần dân, sát dân, là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm thực chất, hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, cụm dân cư, làm nòng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân thực sự vững chắc; chủ động thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm liên quan đến dịch bệnh để Nhân dân biết, phòng, tránh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đặc biệt là lực lượng quân đội để hỗ trợ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Ba là, chủ động, tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các mặt công tác của lực lượng công an, đặc biệt là khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư, quản lý các hệ loại đối tượng (điển hình, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, bổ sung thông tin, làm sạch cơ sở dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành tổng kết, đánh giá).
Bốn là, thường xuyên quan tâm, bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp, lực lượng tại cơ sở; đồng thời thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, thi đua, khen thưởng, thúc đẩy tinh thần tự giác, trách nhiệm, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ liên quan biến chủng Omicron; để thực hiện tốt vai trò bảo đảm an ninh, trật tự trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh, công an tỉnh Quảng Ninh xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là, đề xuất các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, góp phần an dân, an sinh xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, hạn chế tối đa các điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá.
Hai là, đề xuất Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác và chiến đấu cho lực lượng công an Quảng Ninh, nhất là lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, lực lượng kỹ thuật hình sự, lực lượng công an xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Ba là, đề nghị các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thường xuyên trao đổi thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm và hướng dẫn nghiệp vụ đối với công an cấp tỉnh nói chung, công an tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhất là trong đấu tranh với các loại đối tượng trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến dịch bệnh.
Bốn là, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; nhất là lực lượng biên phòng trong phối hợp bảo đảm an ninh biên giới, biển đảo, đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; viện kiểm sát, tòa án phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các loại tội phạm để kịp thời đưa ra xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục tạo tính răn đe.
Năm là, đề xuất Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, tiếp tục có các cơ chế, chính sách chăm lo đời sống, điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống lây nhiễm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, trong đó có lực lượng công an; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, thỏa đáng các chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ công an bị thương, hy sinh hoặc phơi nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm